Tình hình nhập cư ở Đức: Các lãnh đạo chính trị đang ‘che đậy’ các vấn đề
Ông Heiko Teggatz, lãnh đạo nghiệp đoàn cảnh sát Đức, đã chỉ trích gay gắt chính sách nhập cư của chính phủ nước này. Tháng Chín năm nay (2022), có nhiều người tị nạn và nhập cư hơn đã đến so với năm 2015.
Ông Heiko Teggatz, chủ tịch liên bang của liên minh cảnh sát Đức kể từ năm 2019, không né tránh khi chỉ trích chính phủ liên bang Đức rằng họ đang che đậy các vấn đề và “châm ngòi” cho một sự kết hợp rất dễ bùng nổ giữa cuộc khủng hoảng người tị nạn và các cuộc khủng hoảng khác của quốc gia.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Cicero, ông thậm chí còn cáo buộc Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser (thuộc Đảng Dân Chủ Xã Hội, SPD) đã “phớt lờ” vấn đề, trong khi bộ của bà “qua mặt” cảnh sát liên bang trong vấn nạn nhập cư bất hợp pháp.
Nhiều tuần chờ phản hồi
Vẫn chưa có phản hồi nào về “chiến lược nhập cư” mà ông vừa gửi cho bà Faeser. Theo ông Teggatz, ông đã đợi gần hai tháng vào mùa thu năm 2021 để có phản hồi từ Bộ Nội vụ về tình hình ở biên giới Đức-Ba Lan, lúc đó đang xấu đi. Bà bộ trưởng cho biết đây chỉ là một vấn đề tạm thời mà họ sẽ cố gắng giải quyết bằng ngoại giao. Kể từ đó trở đi, vẫn chưa có thêm động tĩnh nào.
“Tôi có ấn tượng rằng chính phủ liên bang này hoàn toàn chẳng muốn nhập cư trở thành một vấn đề để đưa ra bàn luận gì hết,” ông Teggatz, người cũng là phó chủ tịch nghiệp đoàn cảnh sát Đức từ năm 2021, phân tích.
Theo Văn phòng Nhập cư và Người tị nạn Liên bang Đức (BAMF), hơn 115,000 đơn ghi danh lần đầu đã được nộp từ tháng Một đến tháng Tám năm 2022. Con số này tương ứng với mức tăng khoảng 35% so với năm trước. Ông Teggatz xem chiến tranh, đói kém, và bị buộc rời bỏ nhà cửa là những nguyên nhân. Ông gọi hoàn cảnh ở Syria, Iraq, và Afghanistan là “có phần thảm khốc.” Cuộc chiến Ukraine đang khiến tình hình thêm nghiêm trọng.
“Và để làm cho vấn đề thêm phần nhức nhối, với việc sửa đổi luật nhập cư, chính phủ liên bang cũng đang gửi tín hiệu cho toàn thế giới rằng mọi người chỉ cần đến đây và cầm cự được trong năm năm, kể cả khi họ được ở lại theo diện giấy phép tạm dung, và rồi sau đó nhận được quyền ở lại vĩnh viễn.”
(Giấy phép tạm dung Duldung là giấy cấp cho người đệ đơn xin tị nạn nhưng bị từ chối, cho phép người xin tị nạn được tạm trú tại Đức cho đến khi bị trục xuất về nước).
Dùng tiền Ukraine làm bằng chứng về xuất thân
Ông đã hỏi bộ trưởng rằng liệu bà có biết ý nghĩa của việc cấp quyền lưu trú vĩnh viễn cho một người ngoại quốc được cấp giấy phép tạm dung hay không.
“Áp lực di cư” từ Belarus vẫn tiếp diễn. Số lượng người nhập cảnh bất hợp pháp tại biên giới với Ba Lan đã tăng 240% so với năm 2021.
“Nhưng cũng đúng là có cả những người di cư từ các nước như Iraq và Syria trong số những người tị nạn đến từ Ukraine,” ông Teggatz cho biết. Ví dụ, những người này khai rằng họ đã đi học ở Ukraine, nhưng không nói tiếng Anh hoặc tiếng Nga, chỉ nói tiếng mẹ đẻ của họ.
Họ cũng có thể dễ dàng nhập cảnh vào Đức qua biên giới, vì một bản “Hướng dẫn cho người di cư từ Ukraine” do Liên minh Âu Châu soạn thảo đã cấm cảnh sát liên bang hỏi về lý lịch. Nếu người Syria khẳng định họ đến từ Ukraine, thì cảnh sát phải đối xử với họ như những người tị nạn chiến tranh. Một tờ tiền của ngân hàng Ukraine là đủ để làm bằng chứng, và thậm chí hầu hết những người này còn không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào bên mình.
Trì hoãn tuyến đường Balkan
Trong khi đó, cái gọi là “tuyến đường Balkan” chỉ được trì hoãn do Áo tăng cường kiểm soát. Ví dụ, thay vì thế, giờ đây những người nhập cư đến qua Slovakia. Ông Teggatz trích dẫn một tuyên bố rằng do đó Séc hiện đang áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với Slovakia. Ông tin chắc rằng “những người hiện đang bị giam giữ ở Slovakia do kiểm soát sẽ tìm các tuyến đường mới: qua Vienna đến Praha rồi tới Đức.”
Quan chức cảnh sát này giải thích rằng, hiện thời cảnh sát liên bang Đức không được phép kiểm tra tại khu vực biên giới đó vì các biện pháp kiểm soát biên giới dài hạn với Cộng hòa Séc đã chấm dứt. Vì vậy cảnh sát liên bang Đức đã kết thúc nhiệm vụ biên phòng tại đó.
“Hiện tại, các sĩ quan cảnh sát liên bang của chúng ta chỉ đơn giản là đang bị quá tải ở biên giới Séc. Nhiệm vụ của họ là vận chuyển những người ở khu vực đó tới các cơ sở tiếp nhận ban đầu. Tôi sẽ nói rất rõ ràng về vấn đề này rằng: chúng ta không cần cảnh sát làm việc đó! Các công ty xe buýt tư nhân cũng có thể đảm nhận việc đó.”
Để cảnh sát liên bang có thể thực hiện công việc của họ, thì điều cần thiết là chính phủ chỉ cần cố gắng một chút. Các quan chức nên được phép làm việc tại khu vực biên giới. Để đạt được điều đó, Đức cần phải xin phép Hội đồng Âu Châu. “Thậm chí quý vị không cần phải được phê chuẩn, chỉ cần thông báo thôi,” ông Teggatz nhấn mạnh.
Tính đến tháng Chín, có nhiều người tị nạn hơn so với năm 2015
Chính phủ liên bang bị phân tâm bởi nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau ở Đức và đang đổ thêm dầu vào lửa. Ngoài ra, chính phủ không chỉ phớt lờ các vấn đề: “Quý vị sẽ bị các lãnh đạo chính trị che đậy và giữ bí mật,” ông Teggatz liên tục chỉ trích. Những con số hợp lệ về nhập cư là “vô cùng khó” để đạt được, ngay cả đối với ông, trong tư cách là một cảnh sát liên bang.
Tính đến tháng Chín, đã có nhiều người tị nạn và di cư đến Đức hơn so với năm 2015. Chỉ riêng từ Ukraine, 1.1 triệu người đã được ghi danh với Trung tâm thông tin người ngoại quốc (AZR), cùng hàng trăm ngàn người từ Nga, Tunisia, Lebanon, và Phi Châu qua Thổ Nhĩ Kỳ và tuyến đường Balkan đến Đức.
Do Oliver Schubert thực hiện
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo gốc từ Epoch Times Tiếng Đức