Chuyên gia: Chiến tranh ‘hỗn hợp’ của ông Lukashenko ở biên giới Ba Lan, các nước Baltic thử thách quyết tâm của EU
Áp lực phải giải quyết hành động được cho là vũ khí hóa người di cư của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đang đè nặng lên Liên minh Âu Châu (EU).
Tổng thống Lukashenko và chế độ của ông đã thu xếp vận chuyển hàng ngàn người di cư từ Trung Đông đến biên giới EU ở Ba Lan, Lithuania, và Latvia, đe dọa sự gắn bó và đoàn kết giữa EU và các quốc gia thành viên phía bắc của liên minh này.
Ông Wojciech Lorenz, một nhà phân tích tại Viện các Vấn đề Quốc tế Ba Lan, nói với The Epoch Times, “Ông Lukashenko đã sử dụng những người di cư được khuyến khích đến Belarus như một thứ vũ khí.”
Ông Lorenz nói rằng ông Lukashenko có ba động cơ: cộng đồng quốc tế công nhận chế độ của ông trên thực tế, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế, và trả thù những người ủng hộ phe dân chủ đối lập ở Belarus.
“Ba Lan và các nước Baltic đã đặc biệt tích cực sau cuộc bầu cử tổng thống hư ngụy ở Belarus hồi năm ngoái và gây áp lực lên chế độ này nhằm hạn chế việc đàn áp phe đối lập,” ông Lorenz cho biết. “Các quốc gia này cũng huy động dư luận quốc tế và EU để bắt phải trả giá về kinh tế và chính trị.”
Khi được The Epoch Times hỏi về việc liệu kế hoạch người di cư của ông Lukashenko có mang lại kết quả hay không, ông Lorenz cho rằng chỉ thành công một phần.
Ông nói: “Hầu hết các quốc gia EU không công nhận tính hợp pháp của việc ông Lukashenko lên làm tổng thống, và kể từ khi đó đã không có nhà lãnh đạo phương Tây nào gặp ông ấy.”
“Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định trao đổi với ông Lukashenko, ông ấy đã đạt được ít nhất một trong những mục tiêu đó, đó là một sự công nhận trên thực tế, mặc dù… theo một cách nào đó quyết định này có tính hạn cuộc vì thực tế bà Merkel là một thủ tướng sắp mãn nhiệm.”
Sự hỗ trợ của EU dành cho Ba Lan và các nước Baltic hiện đang kìm lại, mặc dù điều đó có thể thay đổi khi cuộc khủng hoảng này trầm trọng hơn. Trình bày trong một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng EU trong tuần này, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng liên minh “lo ngại sâu sắc về cách chế độ Lukashenko đang sử dụng những người di cư dễ bị tổn thương như một chiến thuật hỗn hợp* chống lại các quốc gia khác, và điều này thực sự đang đặt tính mạng của những người di cư vào vòng nguy hiểm.”
Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đang thảo luận với Lithuania và Latvia về việc có nên viện dẫn Điều IV của hiến chương NATO hay không. [Theo Điều IV], nếu một thành viên liên minh nhận thấy có mối đe dọa hoặc vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ, điều đó sẽ thúc đẩy các cuộc tham vấn chính thức, việc mà ông Lorenz lưu ý là mang lại cả lợi ích và rủi ro.
Ông nói: “Câu hỏi đặt ra là liệu có nên viện dẫn Điều IV để cho thấy tình hình nghiêm trọng đến mức các thành viên NATO trong khu vực cần thêm sự hỗ trợ đáng kể hay không. Theo tôi, quyết định như vậy nên chủ yếu dựa trên những tính toán, dựa trên việc cả Belarus và Nga có thể sử dụng cuộc khủng hoảng này như thế nào để leo thang căng thẳng quân sự.”
Những căng thẳng là có thật. Tuần trước, Nga đã thể hiện sự ủng hộ về mặt quân sự dành cho chế độ của ông Lukashenko, tiến hành các cuộc tập trận nhảy dù chung với Belarus ở gần Ba Lan và tập trung khoảng 90,000 quân ở Yelnya, gần biên giới của Nga với Belarus.
Giữa những căng thẳng này, Ba Lan và các quốc gia Baltic đang giữ cho người di cư không vào biên giới của EU bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp và hạn chế việc tiếp cận khu vực biên giới trong khi đẩy người di cư trở lại Belarus, nơi họ vẫn ở trong tình trạng mắc kẹt.
Tuy nhiên, có những lo ngại nghiêm trọng về việc EU có thể không ủng hộ giải pháp của các nước thành viên, với việc Ủy viên Nội vụ EU Ylva Johansson tuần trước chỉ ra rằng EU vẫn cần phải đánh giá tình hình.
Bà Johansson nói về chính sách này: “Không bao giờ nên bình thường hóa việc đẩy lùi [người di cư].”
Đề cập đến luật biên giới nghiêm ngặt của Ba Lan, Lithuania, và Latvia, bà Johansson cho biết: “Chúng tôi vẫn đang xem xét, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ yêu cầu sửa đổi một số chỗ của luật này.”
Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên EU rơi vào tình thế khó khăn về vấn đề di cư. Năm 2020, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng đe dọa sẽ khiến ‘hàng triệu người tị nạn’ tràn ngập Âu Châu nếu ông không được trả kinh phí, và cuối cùng đã nhận được 6 tỷ euro (khoảng 6.82 tỷ USD) tiền hỗ trợ của EU để tiếp nhận người di cư lẽ ra đang tiến đến Hy Lạp. Nhiều người trong số chính những người di cư đó được cho là hiện vẫn đang tràn ngập EU sau khi được đáp chuyến bay đến Minsk từ Istanbul.
Nhưng ông Lorenz tin rằng EU có động lực mạnh mẽ để đoàn kết vì họ đã trải qua cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015, vốn kiểm nghiệm một cách nghiêm khắc mối liên kết giữa EU và mỗi quốc gia thành viên.
Ông nói, “Tôi tin là EU hiểu rằng trong cuộc khủng hoảng như vậy, thì uy tín của họ đang bị đe dọa. Đây là điều mà hầu hết các quốc gia mong đợi từ EU, rằng EU sẽ có thể giải quyết hiệu quả các mối đe dọa hỗn hợp đang ở ngưỡng cửa của cuộc chiến tranh công khai**.”
Tuy nhiên, trong khi EU hành động chậm chạp để quyết định số phận của những người di cư này, thì tổn thất về người vì tình hình này đang tăng lên.
Cuối tuần trước, một binh sĩ Ba Lan phục vụ ở biên giới Belarus đã thiệt mạng trong một sự cố vũ khí của Ba Lan bất ngờ cướp cò. Ngoài ra, một thanh niên Syria 19 tuổi đã chết đuối khi cố gắng vượt sông ở biên giới Belarus-Ba Lan. Nhiều người vẫn còn lo ngại rằng bạo lực biên giới sẽ gia tăng khi những người di cư, chủ yếu là nam thanh niên, những người này đang ngày càng liều lĩnh vượt qua các phòng tuyến khi mùa đông giá rét đến gần, cố gắng phá bỏ các hàng rào biên giới để xông vào lãnh thổ EU.
Tuần này, lực lượng biên phòng Ba Lan đã đáp trả bằng vòi rồng và hơi cay sau khi những người di cư bắt đầu ném đá và các vật dụng khiến một vài cảnh sát bị thương.
Chú thích của người dịch:
(*) Thuật ngữ “hybrid tactic” chỉ các chiến thuật chiến tranh kết hợp giữa chiến tranh truyền thống và phi truyền thống, ví dụ như thông tin sai lệch, can thiệp bầu cử, tấn công mạng, v.v.
(**) Thuật ngữ “open warfare” chỉ chiến tranh truyền thống, các bên trực tiếp tham chiến.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: