Tin tức về kế hoạch tuần tra thường nhật của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku làm dấy lên lo ngại ở Nhật Bản
Một bản tin về quần đảo Senkaku đang trong tình trạng tranh chấp đã trở thành xu hướng trên tờ Kyodo News của Nhật Bản kể từ ngày đầu tiên của năm 2024. Theo bản tin này, hồi cuối tháng 11/2023, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chỉ thị cho Hải Cảnh Trung Quốc rằng họ sẽ không nhường một tất đất nào về vấn đề quần đảo Senkaku.
Quần đảo Senkaku — được Trung Quốc gọi là “Quần đảo Điếu Ngư” — nằm ở Biển Hoa Đông và hiện là một phần của Nhật Bản nhưng lại bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền kể từ năm 1971.
Theo bản tin của Kyodo News, vào năm 2024, ĐCSTQ sẽ cử tàu hàng ngày đến vùng biển xung quanh Quần đảo Senkaku và tại đây, họ sẽ lên kiểm tra các tàu cá Nhật Bản khi thấy cần thiết.
Đây là lần đầu tiên có thông tin tiết lộ rằng Bắc Kinh dự định kiểm tra các tàu cá Nhật Bản. Nếu đúng như vậy, điều này có thể dẫn đến xung đột với các tàu Tuần Duyên Nhật Bản, khiến tranh chấp leo thang.
Liên quan đến tin tức này, The Epoch Times đã xác thực các thông tin truyền thông nhà nước Trung Quốc và phát hiện ra rằng vào ngày 01/12/2023, Tân Hoa Xã đưa tin rằng vào ngày 29/11/2023 nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thị sát trụ sở chỉ huy Biển Hoa Đông của Lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc. Ông Tập đã kêu gọi nâng cao khả năng chấp pháp và củng cố chủ quyền của Trung Quốc trên biển cũng như bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của Trung Quốc.
Mặc dù bản tin không đề cập đến quần đảo Senkaku nhưng một ngày trước đó, các tàu Hải Cảnh Trung Quốc cảnh báo các tàu Nhật Bản “đã xâm phạm trái phép” vào vùng biển của quần đảo tranh chấp này. Bắc Kinh còn yêu cầu Nhật Bản dừng mọi “hoạt động bất hợp pháp” trong khu vực.
Mặc dù The Epoch Times không thể xác thực bài báo của Kyodo News, nhưng hàng loạt hành động của ĐCSTQ dường như đã chứng thực điều đó.
Phản ứng trước bản tin của Kyodo News, ông Diêu Thành (Yao Cheng), một cựu trung tá hải quân Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng ông Tập đang tìm cách “gây sự khắp nơi để đánh lạc hướng lực lượng quân sự Hoa Kỳ” để cuối cùng đạt được mục tiêu “thống nhất” Đài Loan.
“Chiến tranh Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn, trong khi chiến tranh Israel-Hamas đã bắt đầu. Hai cuộc xung đột này đã tiêu tốn một lượng lớn nguồn lực và sự tập trung của tình báo quân sự Hoa Kỳ,” ông nói. “Nếu ĐCSTQ bắt đầu xung đột với Philippines và sau đó gây chiến với Nhật Bản, thì trọng tâm quân sự của Hoa Kỳ sẽ bị chia rẽ. Cuối cùng sẽ đến lượt Đài Loan.”
Ông Diêu tin rằng ĐCSTQ sẽ tìm cách gieo rắc xung đột khắp nơi để quân đội Hoa Kỳ không thể đối phó cùng một lúc. Theo quan điểm của ĐCSTQ, Quần đảo Senkaku, Bán đảo Triều Tiên, và Biển Đông đều là những khu vực có thể khuấy động xung đột để làm phân tán nguồn lực của quân đội Hoa Kỳ. ĐCSTQ mong muốn đạt được mục tiêu cuối cùng là thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Sự chiếm đóng trên thực tế
Theo quan điểm của Nhật Bản, hành động Trung Quốc đặt phao trong vùng tiếp giáp của Nhật Bản và sự xâm nhập vào lãnh hải của Nhật Bản là bước khởi đầu cho một sự chiếm đóng âm thầm trên thực tế.
Kể từ tháng 02/2023, Hải Cảnh Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ đã đẩy lùi các tàu đánh cá Nhật Bản “xâm phạm trái phép” vào lãnh hải của Trung Quốc.
Kể từ đó đến nay đã xảy ra 17 vụ bám đuôi và trục xuất tàu cá Nhật Bản đang đánh cá quanh quần đảo Senkaku.
Ngoài ra, có hai diễn biến mới đã thu hút sự chú ý của Nhật Bản.
Đầu tiên là việc các tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã ở lại vùng lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku lâu hơn trước, có lần tăng lên hơn 80 giờ trong một dịp hồi năm ngoái.
Thứ hai, kể từ tháng 03/2023, sau khi tiến vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, các tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã tích cực bật hệ thống nhận dạng tự động (AIS), cho phép các tàu khác biết họ đang ở đâu. Trước đây, các tàu Trung Quốc sẽ tắt AIS sau khi đi vào khu vực này để tàng hình.
Lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản tin rằng Trung Quốc đang tìm cách tuyên bố thông qua các hành động của mình rằng họ kiểm soát quần đảo Senkaku.
Dư luận ở Nhật Bản
Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 12/2023 do Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện, 78.4% số người được hỏi — 3,000 người trên 18 tuổi — lo ngại về vấn đề Quần đảo Senkaku, tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc thăm dò bắt đầu vào năm 2013.
Trong khi đó, nhiều người trong giới báo chí Nhật Bản kêu gọi năm 2024 là năm Nhật Bản khẳng định một cách hợp pháp chủ quyền của mình đối với quần đảo Senkaku.