Báo cáo: Trung Quốc huấn luyện và trang bị cho quân đội ngoại quốc để làm suy yếu Hoa Kỳ
Chính quyền Trung Quốc đang huấn luyện và trang bị cho quân đội ngoại quốc như một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ.
Theo một báo cáo mới của quốc hội, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đang huấn luyện và trang bị cho quân đội ngoại quốc để củng cố vị thế của họ đồng thời làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCC), công bố hôm 14/11, chế độ này cũng tham gia bán vũ khí cho các quốc gia bị quốc tế trừng phạt, trong đó có cả quốc gia tài trợ cho khủng bố là Iran.
Theo báo cáo này, những nỗ lực của Trung Quốc là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm thay thế Hoa Kỳ và “dẫn đầu trật tự an ninh toàn cầu.”
Báo cáo này cho biết: “Giới lãnh đạo Trung Quốc điều phối một loạt hoạt động quân sự với lực lượng an ninh ngoại quốc, trong đó có các cuộc họp song phương và đa phương, trao đổi chức năng, ghé thăm cảng, tập trận, và bán vũ khí.”
Ngoài ra, chế độ này đang ngày càng sử dụng cánh quân sự của mình để “quảng bá hình ảnh tích cực về Trung Quốc” ở ngoại quốc bằng cách gây phương hại đến hình ảnh của Hoa Kỳ, đồng thời theo đuổi các lợi ích quân sự, chính sách ngoại giao, và kinh tế cho chính mình.
Báo cáo này viết: “Trung Quốc định hướng nhiều hoạt động hợp tác với quân đội ngoại quốc nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các vấn đề an ninh quốc tế.”
“Quốc gia này cũng sử dụng các hoạt động trao đổi quân sự để theo đuổi các kỹ năng liên quan đến chiến đấu, rèn luyện khả năng phóng chiếu sức mạnh, và thu thập thông tin tình báo.”
Trung Quốc cung cấp vũ khí cho các chế độ bị quốc tế trừng phạt
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn cai trị Trung Quốc với tư cách là một quốc gia độc đảng, ngày càng tăng cường sự ủng hộ của mình đối với các chế độ độc tài khác trên thế giới, mà một phần trong nỗ lực này thể hiện qua các thương vụ bán vũ khí.
Chế độ này là nhân tố chính trong hoạt động phổ biến vũ khí cho các quốc gia độc tài vi phạm nhân quyền, trong đó có cả Iran, quốc gia hiện đang hỗ trợ các nhóm khủng bố chịu trách nhiệm về vụ sát hại hàng loạt người Israel hôm 07/10.
Báo cáo này cho biết: “Trung Quốc nổi tiếng là quốc gia cung cấp vũ khí cho các chế độ độc tài và những cá nhân vi phạm nhân quyền.”
“Trong những quốc gia mua vũ khí của Trung Quốc có ít nhất bốn quốc gia đang bị Liên Hiệp Quốc áp đặt các lệnh cấm vận bắt buộc vào thời điểm chuyển giao vũ khí, trong đó có Cộng hòa Trung Phi, Iran, Somalia, và Sudan.”
Trung Quốc Cộng sản hiện chỉ đứng sau Hoa Kỳ về tổng doanh số bán vũ khí, và chế độ ĐCSTQ là nhà xuất cảng thiết bị quân sự lớn thứ tư thế giới.
Mặc dù chế độ này từ lâu đã là đối thủ cạnh tranh trong các hợp đồng vũ khí quốc tế, nhưng báo cáo này lưu ý rằng quốc gia này đã “cải thiện chất lượng của hoạt động xuất cảng và mở rộng sự đa dạng của các thiết bị mà quốc gia này cung cấp” trong hai thập niên qua.
Hiện họ bán đầy đủ các thiết bị quân sự — bao gồm phi cơ, chiến hạm, và phi đạn — đồng thời tập trung vào việc trợ lực cho các cường quốc độc tài vốn được hưởng lợi từ một Hoa Kỳ đang kém thế hơn.
Để làm được điều đó, báo cáo này cho biết ĐCSTQ cũng đang sử dụng các phái đoàn quân sự để bảo đảm lợi thế chính trị tại các diễn đàn quốc tế, bao gồm Đối thoại Shangri-La và các hội nghị an ninh khác do ASEAN, SCO, và BRICS tổ chức.
Báo cáo này lưu ý về một bản tin của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong đó mô tả phái đoàn ĐCSTQ được cử đến đối thoại Shangri-La 2022 là “các chiến binh” có nhiệm vụ “bác bỏ” những lời trách cứ nhắm vào chế độ này và “chiến đấu” chống lại quan điểm đối lập với các hoạt động của Bắc Kinh.
ĐCSTQ xây dựng liên kết đối tác với các quốc gia độc tài
Về những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc huấn luyện với quân đội ngoại quốc, báo cáo này lưu ý rằng quân đội của chế độ này không có khả năng hoạt động song song với các cường quốc ngoại quốc như Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chế độ này đang cạnh tranh với các chương trình của Hoa Kỳ bằng cách “cạnh tranh với mức giá thấp hơn và khả năng đào tạo số lượng lớn sinh viên ngoại quốc.”
Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh đang theo đuổi các cuộc tập trận quân sự với các quốc gia đến từ châu Phi, Nam Á, Trung Á, châu Mỹ Latinh, và Đông Âu. Các tài liệu quân sự của ĐCSTQ tiết lộ rằng chế độ này có những chiến lược khác nhau để theo đuổi các hoạt động như vậy dựa vào việc phân loại các quốc gia đó theo cường quốc, quốc gia lân bang, hay quốc gia đang phát triển.
Ngoài việc tìm kiếm các căn cứ quân sự mới ở ngoại quốc, chế độ này còn tham gia các cuộc tập trận quân sự quốc tế ngày càng tân tiến. Và họ đang tăng cường khả năng hoạt động chung với các đối tác, vốn là điều mà trước đây họ không làm được.
Báo cáo này cho biết: “[Trung Quốc] sử dụng các cuộc tập trận song phương và đa phương để thực hiện các hoạt động huấn luyện mang tính chiến đấu, ngày càng thực tế hơn như diễn tập bắn đạn thật, mô phỏng chiến đấu, phòng không, và các hoạt động tấn công.”
Về phương diện này, Nga vẫn là đối tác quân sự quan trọng nhất của ĐCSTQ và là nhà cung cấp công nghệ quân sự tân tiến cho họ.
Hai cường quốc này đã ký kết liên kết đối tác “không giới hạn” chỉ vài tuần trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2022. Liên kết đối tác này sau đó đã phát triển thành liên kết đối tác chiến lược toàn diện, cho phép Trung Quốc trở thành đối tác quan trọng nhất của Nga trong thương mại và ngoại giao, giúp Moscow tiếp tục duy trì trong bối cảnh nước này phải hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế với hậu quả thảm khốc.
Sự hợp tác ngày càng tăng cũng dẫn đến nhiều cuộc tập trận quân sự chung giữa Trung Quốc và Nga, bao gồm một cuộc tuần tra hải quân diễn ra cách bờ biển Hoa Kỳ vài dặm.
Tuy nhiên, báo cáo này nói rằng Hoa Kỳ vẫn giữ một lợi thế quan trọng so với ĐCSTQ do sự hiếu chiến của chính chế độ này đối với các đối tác tiềm năng của họ.
Báo cáo này cho biết, mặc dù ĐCSTQ tìm cách sử dụng các cuộc tập trận quân sự quốc tế để cải thiện danh tiếng của mình, nhưng chế độ này “hầu như không giúp nâng cao năng lực quân sự của đối tác ngoại quốc” và thường xuyên “làm suy yếu nỗ lực của chính mình” bằng cách sử dụng lực lượng quân sự uy hiếp các đối tác trong khu vực, qua đó gây áp lực lên các đối tác trong khu vực với các yêu sách bất hợp pháp của họ ở Biển Đông.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times