Thượng viện thông qua gói viện trợ ngoại quốc trị giá 95 tỷ USD, gửi lên TT Biden
Gói dự luật này cũng bao gồm một dự luật buộc TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.
Hôm 23/04, Thượng viện đã bỏ phiếu để thông qua một dự luật an ninh quốc gia trị giá 95 tỷ USD, bao gồm viện trợ ngoại quốc cho các quốc gia bị chiến tranh tàn phá là Ukraine và Israel, cũng như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các dự luật cũng bao gồm một dự luật buộc TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ Trung Quốc để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia.
Dự luật hiện sẽ được chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden, người được cho là sẽ nhanh chóng ký ban hành.
Thượng viện đã thông qua dự luật này trong một cuộc bỏ phiếu vào ban đêm với 79 phiếu thuận – 18 phiếu chống.
Một đề nghị ra lệnh đóng cửa (cloture) và hạn chế tranh luận về gói tài trợ trị giá 95 tỷ USD này đã được Thượng viện thông qua trước đó trong cuộc bỏ phiếu gồm 80 phiếu thuận – 19 phiếu chống, tất cả đều bảo đảm cho dự luật này cuối cùng sẽ được Thượng viện thông qua.
Theo phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby, Tổng thống Biden ký dự luật “càng sớm càng tốt.”
Ông Kirby cho biết Tòa Bạch Ốc sẽ chi ngay khoảng 1 tỷ USD viện trợ sau khi dự luật được ký thành luật.
Việc dự luật này được Thượng viện thúc đẩy diễn ra ba ngày sau khi Hạ viện thông qua dự luật với sự ủng hộ của lưỡng đảng, vượt qua sự phản đối của phe cánh hữu trong Đảng Cộng Hòa.
Cá nhà lãnh đạo cả hai đảng đã nhanh chóng dành nhiều lời khen ngợi cho dự luật này, điều đã khiến Quốc hội bế tắc về vấn đề này trong nhiều tháng.
Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hòa-Kentucky) xem đây là một chiến thắng cho vai trò của người Mỹ trên thế giới trước những gì ông mô tả là “chủ nghĩa biệt lập” trong chính đảng của mình.
“Chúng ta có thể mong muốn một thế giới mà trách nhiệm lãnh đạo không thuộc về chúng ta,” ông McConnell nói, “hoặc chúng ta có thể hành động như thể chúng ta hiểu điều đó.”
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã rất vui mừng vì dự luật được thông qua, nói rằng: “Cuối cùng, cuối cùng, cuối cùng, sau hơn sáu tháng làm việc chăm chỉ và nhiều thay đổi bất ngờ, nước Mỹ gửi một thông điệp tới toàn thế giới: chúng tôi sẽ không quay lưng lại với quý vị.”
“Tối nay, chúng tôi nói với các đồng minh của mình rằng ‘Chúng tôi sát cánh cùng quý vị,” ông Schumer nói. “Chúng tôi nói với đối thủ của mình rằng ‘Đừng kiếm chuyện với chúng tôi.’”
Những thành viên khác ở Thượng viện tỏ ra kém nhiệt tình hơn.
Khi được hỏi suy nghĩ của mình về việc thông qua dự luật, Thượng nghị sĩ Roger Marshall (Cộng Hòa-Kansas) cho biết ông cảm thấy “phát ốm. Buồn nôn.”
Tổng cộng, dự luật này bao gồm 61 tỷ USD cho Ukraine, 8.1 tỷ USD cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và 26.4 tỷ USD cho Israel và viện trợ nhân đạo cho Gaza. Dự luật cũng bao gồm một dự luật buộc Trung Quốc thoái vốn khỏi TikTok, và cho phép chính phủ giao tài sản bị phong tỏa của Nga cho Ukraine.
Nói tại một cuộc họp báo sau cuộc bỏ phiếu theo thủ tục trước đó trong ngày nhằm thúc đẩy và bảo đảm dự luật được thông qua, ông McConnell lạc quan và rõ ràng đã an tâm khi trả lời một vô số câu hỏi từ báo chí.
Ông McConnell nói: “Đây là một ngày quan trọng đối với nước Mỹ và một ngày rất quan trọng đối với các quốc gia yêu tự do trên toàn thế giới.”
Trong phần trả lời câu hỏi sau đó, ông gợi ý rằng 30 phiếu bầu của Đảng Cộng Hòa chỉ để khiến dự luật hoàn tất cho thấy “phe theo chủ nghĩa biệt lập” của Đảng Cộng Hòa — mà theo ông, nhà phê bình Tucker Carlson là một người điển hình — đang rút lui.
30 phiếu bầu của Đảng Cộng hòa đó thể hiện sự gia tăng đáng kể so với các gói tài trợ trước đây dành cho Ukraine.
Gói dự luật không kèm vấn đề biên giới khiến Đảng Cộng Hòa tức giận
Dự luật vấp phải sự phản đối gay gắt từ các thành viên Đảng Cộng Hòa, những người cho rằng việc bảo vệ biên giới phía nam cần được ưu tiên hơn việc gửi viện trợ tài chính ra ngoại quốc, đặc biệt là Ukraine.
Gói dự luật của Hạ viện bao gồm 300 triệu USD tương tự như dành cho việc tuần tra biên giới của Ukraine, nhưng không có gì dành cho việc tài trợ an ninh biên giới của Hoa Kỳ hoặc các thay đổi chính sách.
Nói với The Epoch Times, Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) đã hỏi “Tại sao chúng ta lại bảo vệ biên giới Ukraine?”
Ông Scott cũng viện dẫn gần 10 tỷ USD của dự luật dành cho tài trợ nhân đạo ở Gaza và các nơi khác như là lý do khiến ông phản đối gói này, bất chấp việc ông cũng muốn viện trợ cho Israel.
Vấn đề này cũng đã đang được Hạ viện quan tâm.
Dân biểu Harriet Hageman (Cộng Hòa-Wyoming), một trong số 55 dân biểu Đảng Cộng Hòa phản đối việc thúc đẩy gói viện trợ ngoại quốc ở Hạ viện, cho rằng thật sai lầm khi Hoa Kỳ bảo vệ biên giới của các quốc gia khác trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn ở biên giới phía nam với Mexico.
Bà Hageman nói: “Chúng ta đang gửi 300 triệu USD cho các cơ quan bảo vệ biên giới nhà nước của Ukraine… nhưng sẽ không chi số tiền tương tự ở đây để bảo vệ biên giới của chúng ta.”
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện phản đối toàn bộ công cuộc [chiến đấu] của Ukraine.
Thượng nghị sĩ Ron Johnson (Cộng Hòa-Wisconsin) nói với các phóng viên trước cuộc bỏ phiếu hôm 23/04, “Tôi thấy không có chiến lược khả thi nào để giành chiến thắng trong cuộc chiến này,” cho rằng bất kỳ chiến lược nào nhằm mang lại chiến thắng toàn diện cho Ukraine đều có nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
“Ông Putin sẽ không thua trong cuộc chiến này,” ông Johnson lập luận.
Ông gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “một tên tội phạm chiến tranh đẫm máu,” nhưng lưu ý rằng Nga vẫn có dân số và năng lực quân sự nhiều hơn Ukraine có thể hy vọng sánh kịp, đồng thời nêu lên rằng cuộc phản công của Ukraine đã thất bại và kết thúc trong “bế tắc.”
Những người khác phàn nàn rằng việc thông qua gói viện trợ cho Ukraine hiện đã loại bỏ một cách hiệu quả mọi lợi thế mà Đảng Cộng Hòa có đối với Đảng Dân Chủ. Đảng Cộng Hòa từng hy vọng sử dụng viện trợ cho Ukraine để buộc Đảng Dân Chủ phải nhượng bộ về vấn đề biên giới.
Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) nói với “Sunday Morning Futures” của Fox News rằng “Khi Thượng viện thông qua những điều mà Hạ viện đã thông qua đêm qua vào thứ Ba, chúng tôi sẽ từ bỏ quyền đàm phán ít ỏi còn lại mà chúng tôi có để bảo vệ an ninh biên giới.”
Ông Lee lưu ý rằng một phần trong chiến lược của Đảng Cộng Hòa trong việc trì hoãn nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine là để “buộc ông Joe Biden ra tay” ở biên giới. Ông nói: “Điều đó đã không xảy ra, và Hạ viện do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã từ bỏ điều đó vào ngày hôm qua.”
Hạ viện bất đồng về gói dự luật
Tuy nhiên, trong phần bình luận với các phóng viên, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) vẫn khẳng định rằng ông cảm thấy việc đưa các dự luật này ra sàn Hạ viện là một bước đi đúng đắn.
“Ở đây tôi đã làm điều mà tôi tin là đúng, đó là cho phép Hạ viện thực hiện ý muốn của mình. Và như tôi đã nói, quý vị làm điều đúng đắn và quý vị cứ để mọi việc xảy ra dù kết quả có như thế nào đi nữa,” ông nói sau khi dự luật được thông qua.
Việc ông Johnson sẵn sàng tham gia cùng Đảng Dân Chủ trong các dự luật khác gần đây đã khiến Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện rạn nứt và khiến nhiệm kỳ chủ tịch Hạ viện của ông gặp rủi ro. Giờ đây, với quyết định mới nhất này, có lẽ ông đã định đoạt số phận của mình.
“Chủ tịch Hạ viện Johnson từ chối sử dụng quyền hạn của mình với tư cách là chủ tịch Hạ viện để thực hiện bất kỳ hình thức đàm phán nào nhằm bảo vệ biên giới phía nam và ngăn chặn sự điên rồ này ở đất nước chúng ta,” Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) nói với Fox News.
Cáo buộc chủ tịch Hạ viện về tội phản bội, nữ nghị sĩ kêu gọi ông từ chức.
“Nhiệm kỳ chủ tịch của ông Mike Johnson đã kết thúc. Ông ấy cần phải làm điều đúng đắn — từ chức và cho phép chúng ta tiến lên phía trước theo một tiến trình được kiểm soát. Nếu không làm như vậy, ông ấy sẽ bị bãi nhiệm,” bà nói.
Bà nói thêm rằng, kiến nghị truất phế chủ tịch Hạ viện của bà “xảy ra bất kể ông Mike Johnson quyết định làm gì.”
Bà Greene đã đệ trình một kiến nghị yêu cầu tước quyền lực của ông Johnson vào tháng trước vì “giống như một lời cảnh báo và một thông báo sa thải.” Mặc dù cuộc bỏ phiếu vẫn chưa được kích hoạt, nhưng các Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) và Paul Gosar (Cộng Hòa-Arizona) cũng đã lên tiếng ủng hộ việc bãi nhiệm chủ tịch Hạ viện.
Lặp lại quan điểm của mình hôm 22/04, bà Greene cho biết cử tri Đảng Cộng Hòa đã chán ngấy sự lãnh đạo của Đảng Cộng Hòa.
“Tôi chưa thấy mọi người tức giận như vậy kể từ tháng 11/2020,” bà nói trên chương trình “War Room” của ông Steve Bannon.
Nữ nghị sĩ lưu ý rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã khiến Đảng Cộng Hòa tức giận vì nhiều lo ngại về tính minh bạch của cuộc bầu cử. Nhưng bây giờ, bà nói, sự tức giận của họ đã đạt đến “một cấp độ hoàn toàn khác.”
“Và đây là điều thực sự làm tôi lo lắng,” bà nói. “Họ đã chán ngấy với Đảng Cộng Hòa. Họ hoàn toàn chán ngấy sự lãnh đạo của Đảng Cộng Hòa như ông Mike Johnson, người đã hoàn toàn bán đứng chúng ta cho Đảng Dân Chủ.”
Bà Greene nói rằng sự thất vọng đó có thể dẫn đến việc Đảng Cộng Hòa mất Hạ viện, nếu chủ tịch Hạ viện không chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, hồi đầu tháng này ông Jeffries đã gợi ý rằng một số thành viên Đảng Dân Chủ có thể vào cuộc để trợ giúp ông Johnson nếu ông đưa gói viện trợ ngoại quốc ra Hạ viện. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng ông đang đưa ra “quan sát” chứ không phải tuyên bố, và hội nghị của ông sẽ cần thảo luận thêm về vấn đề này.
Nhưng về phần mình, ông Johnson cho biết ông không lo lắng về nguy cơ bị bãi nhiệm.
“Như tôi đã nói nhiều lần, tôi không đi bộ quanh tòa nhà này vì lo lắng về kiến nghị bãi nhiệm,” ông nói với các phóng viên hôm 20/04. “Tôi phải làm công việc của mình. Chúng tôi đã làm.”
Tổng thống Biden đã hứa sẽ ký dự luật an ninh quốc gia này nếu dự luật được đưa đến bàn làm việc của ông.
Tòa Bạch Ốc cho biết, hôm 22/04, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky, ông tuyên bố sẽ cung cấp viện trợ bổ sung ngay khi dự luật này được Thượng viện thông qua và trở thành luật.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times