Thượng nghị sĩ Rubio đáp lại lời kêu gọi EU giữ khoảng cách với Hoa Kỳ của TT Macron
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đã lên án Tổng thống Pháp Emanuel Macron vì dường như vị nguyên thủ quốc gia này có chủ trương rằng châu Âu nên giữ khoảng cách với Hoa Kỳ trong một hành động tấn công quân sự tiềm năng của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Trong một đoạn video dài khoảng hai phút được đăng lên Twitter vào Chủ Nhật (09/04), Thượng nghị sĩ Rubio đã hỏi liệu Tổng thống (TT) Macron có “nói thay cho cả châu Âu” hay không khi ông đề nghị rằng châu Âu không nên chọn phe giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, làm sâu sắc thêm luận điểm rằng các quốc gia châu Âu nên “tách rời” khỏi Mỹ và tránh dính líu vào các cuộc khủng hoảng “không phải là của mình” để xây dựng khái niệm “tự chủ chiến lược” của châu Âu.
Khi trở về sau chuyến thăm cấp nhà nước ba ngày tới Trung Quốc sau cuộc gặp với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, TT Macron nói với Politico trong một cuộc phỏng vấn rằng châu Âu cần giảm bớt sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ và tránh trở thành “những người phục tùng của Mỹ quốc.”
Phản ứng trước cuộc phỏng vấn của TT Macron, ông Rubio nói rằng châu Âu — đặc biệt là Pháp — đã phụ thuộc rất nhiều vào Hoa Kỳ trong nhiều thập niên vì lý do quốc phòng.
“Đây là thời điểm tốt để chúng ta hỏi châu Âu rằng: tiếng nói của ông Macron có đại diện cho cả châu Âu hay không, ông Macron có phải là người đứng đầu châu Âu không, ông có phải là nhà lãnh đạo quyền lực nhất ở châu Âu không?” ông Rubio đặt câu hỏi, sau đó lưu ý nếu đúng như vậy, thì “Có một số điều phải thay đổi.”
“Trên thực tế, khi ông Macron cố gắng đóng vai siêu cường toàn cầu và gửi quân đến Bắc Phi để chống lại những kẻ khủng bố, ông ấy thậm chí còn không thể đưa quân của mình đến đó,” ông nói thêm. “Chúng tôi đã phải chở họ bằng phi cơ đến đó, và chúng tôi phải đưa họ trở lại; ông ta thậm chí còn không thể đưa quân của mình đến đó.”
“Vì vậy, nếu họ tự tách ra và đi theo sự dẫn dắt của ông Macron, thì điều đó sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều tiền,” nhà lập pháp Florida này tiếp tục.
Ông Rubio cũng đề cập đến viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine, nói rằng người Mỹ đã chi “rất nhiều tiền thuế của chúng tôi” cho cuộc xung đột ở châu Âu. Ông cũng nhấn mạnh rằng ông ủng hộ việc làm chính nghĩa này vì ông tin rằng “tư cách đồng minh đối với các đồng minh của chúng tôi là vì lợi ích quốc gia” của Hoa Kỳ.
Ông Rubio nói, “Nhưng mà, nếu lập trường của các đồng minh của chúng ta — nếu trên thực tế, ông Macron lên tiếng thay cho cả châu Âu, và lập trường của họ bây giờ là họ sẽ không chọn bên nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan — thì có lẽ chúng ta cũng không nên chọn bên nào. Có lẽ về căn bản chúng ta nên nói rằng chúng ta sẽ tập trung vào Đài Loan và các mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra, còn các vị đi mà giải quyết Ukraine và châu Âu.”
“Thế nên, chúng ta cần tìm hiểu xem ông Macron nói thay ông Macron, hay ông Macron nói thay cho Châu Âu?” ông nói thêm. “Và chúng ta cần nhanh chóng nhận được câu trả lời vì Trung Quốc rất hào hứng với những gì ông ấy nói.”
Thuật ngữ ‘Macronizing’
Những bình luận của ông Macron về Đài Loan đã nhanh chóng bị nhiều nhân vật nổi danh khác lên án, bao gồm cả cố vấn chính sách cao cấp của Ủy ban An ninh và Hợp tác ở châu Âu, còn được gọi là Ủy ban Helsinki của Hoa Kỳ.
Đăng một meme trên Twitter, ông Paul Massaro tuyên bố rằng “Macronizing” đã cùng với “Scholzing” trở thành các từ “tiếng lóng để chỉ sự hổ thẹn.”
Meme này định nghĩa “Macronizing” là “Cố ý gia tăng sự phụ thuộc của một người vào Trung Quốc trong khi rao giảng cho các đối tác châu Âu về sự ngây thơ và sự cần thiết của việc EU tăng cường quyền tự chủ chiến lược.”
https://twitter.com/apmassaro3/status/1645145651251138562?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E1645145651251138562%7Ctwgr%5Ea36baee8324512310d572f70d44cf7d13fbfd433%7Ctwcon%5Es1_c10&ref_url=https%3A%2F%2Fwww.theepochtimes.com%2Frubio-responds-to-macrons-call-to-break-away-from-us-after-china-meeting_5183356.html
Tuy nhiên, không chắc tất cả các quan chức Âu Châu đều có cùng quan điểm với ông Macron. Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen, người đồng hành cùng tổng thống Pháp trong chuyến thăm của ông, cho biết trong một cuộc họp ở Bắc Kinh tuần trước rằng sự ổn định ở eo biển Đài Loan “là điều tối quan trọng.”
“Đe dọa sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được,” bà von der Leyen nói.
Theo Politico, ông Macron đã tỏ ra không đồng ý. “Người Âu Châu không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Ukraine; vậy thì làm thế nào chúng ta có thể nói một cách đáng tin cậy về Đài Loan, ‘hãy xem chừng, nếu quý vị làm điều gì sai trái, chúng tôi sẽ ở đó’? Nếu quý vị thực sự muốn gia tăng căng thẳng thì đó là cách để làm điều đó,” ông nói với hãng thông tấn này.
Kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) nhấn mạnh liên kết bền chặt giữa Hoa Kỳ và Đài Loan sau cuộc gặp hồi tuần trước với tổng thống của quốc đảo này, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quanh quốc đảo này trong tức giận.
Hôm thứ Hai (10/04), quân đội Đài Loan đã phát hiện khoảng 70 phi cơ và 11 tàu hải quân Trung Quốc quanh hòn đảo, trong khuôn khổ ngày thứ ba của cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc. Có 35 đến 45 chiến đấu cơ, trong đó có 8 tiêm kích cơ SU-30, bị phát hiện băng qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan và xâm nhập vào phía tây nam vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan nhiều lần.
Các cuộc tập trận gây lo ngại
Trong khi đó, hôm thứ Hai (10/04), EU đã bày tỏ lo ngại về các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, nói rằng tình trạng của hòn đảo này không nên bị thay đổi bằng vũ lực bởi vì bất kỳ sự leo thang, tai nạn, hay bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào ở đó sẽ có những tác động lớn trên toàn cầu.
Bà Nabila Massrali, phát ngôn viên về các vấn đề ngoại giao của Ủy ban Âu Châu, cho biết: “Chúng tôi lo ngại về việc tăng cường các hoạt động quân sự … ở Eo biển Đài Loan và xung quanh Đài Loan, với các vụ xâm nhập vào Vùng Nhận dạng Phòng không và vượt qua đường trung tuyến của Đài Loan.”
“Không nên thay đổi hiện trạng một cách đơn phương hoặc bằng vũ lực. Bất kỳ sự bất ổn nào trong khu vực Eo biển do leo thang, tai nạn, hoặc sử dụng vũ lực đều sẽ có tác động kinh tế và an ninh to lớn đối với khu vực và toàn cầu,” bà tiếp tục. “Quan trọng là phải kiềm chế. Căng thẳng nên được giải quyết thông qua đối thoại có ý nghĩa và cởi mở. Âu Châu và các quốc gia thành viên của khối sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Do Lorenz Duchamps của NTD News thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times