Thủ tướng Nhật Bản chuyển sang ngoại giao quyết đoán đối với ĐCSTQ tại Hội nghị thượng đỉnh APEC
Thủ tướng Kishida ủng hộ những hành động có trách nhiệm từ phía Trung Quốc để thiết lập ‘mối bang giao Nhật-Trung mang tính xây dựng và ổn định.’
Trong một cuộc gặp quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chất vấn nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về một loạt những vấn đề cấp bách, đánh dấu một sự thay đổi đáng chú ý trong mối bang giao Nhật Bản-Trung Quốc. Lập trường của ông Kishida ủng hộ một “mối bang giao Nhật-Trung ổn định và mang tính xây dựng,” định hình lại mối liên hệ song phương giữa hai nước.
Cuộc gặp, được tổ chức hôm 16/11, là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Kishida và ông Tập trong vòng một năm, kéo dài hơn 20 phút so với 65 phút theo dự kiến. Nhân kỷ niệm 45 năm Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Nhật Bản-Trung Quốc, ông Kishida nhấn mạnh trách nhiệm chung của cả hai quốc gia trong việc đóng góp cho hòa bình và ổn định thế giới, với tư cách là những cường quốc trong khu vực và toàn cầu.
Ông Kishida đề nghị hợp tác tương hỗ trong các lĩnh vực như kinh tế, trao đổi văn hóa, bền vững về môi trường, bảo tồn năng lượng, và chăm sóc sức khỏe, tùy thuộc vào việc bảo vệ các hoạt động thương mại hợp pháp. Ông thừa nhận việc thiết lập đường dây nóng liên lạc trực tiếp trên biển và trên không giữa các cơ quan quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc gần đây để nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại an ninh.
Tuy nhiên, ông Kishida bày tỏ lo ngại về tình hình ở biển Hoa Đông, đặc biệt là khu vực xung quanh quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư. Ông kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ các phao đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và bày tỏ sự e ngại về các hoạt động quân sự gia tăng của ĐCSTQ ở gần Nhật Bản, trong đó có các cuộc tập trận chung với Nga.
Căng thẳng ở Eo biển Đài Loan cũng là tâm điểm của cuộc thảo luận. Ông Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển này đối với cộng đồng quốc tế và Nhật Bản. Ông cũng kêu gọi trả tự do cho các công dân Nhật Bản bị giam giữ ở Trung Quốc do những cáo buộc gián điệp.
Đề cập đến vấn đề gây tranh cãi về việc Nhật Bản xả nước hạt nhân đã qua xử lý ra đại dương, ông Kishida kêu gọi ĐCSTQ đưa ra các quyết định dựa trên cơ sở khoa học và dỡ bỏ những hạn chế về nhập cảng đối với hải sản Nhật Bản. Ông cũng nêu lên những lo ngại về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Đáp lại, ông Tập ban đầu từ chối trả lời cụ thể, chỉ chấp nhận đối thoại sau khi ông Kishida kiên trì chất vấn.
Sự thay đổi về chiến lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc
Khái niệm về “mối quan hệ tương hỗ chiến lược” giữa Nhật Bản và Trung Quốc, ban đầu được cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xướng trong chuyến công du Trung Quốc năm 2006, đã trở thành chính thức trong Tuyên bố chung Nhật Bản-Trung Quốc năm 2008 về Thúc đẩy Mối quan hệ Tương hỗ Chiến lược. Khái niệm này nhằm mục đích thúc đẩy việc hợp tác cùng có lợi, chung sống hòa bình, và nâng mối bang giao Nhật Bản-Trung Quốc lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, theo thời gian, nhận thức của Nhật Bản về ĐCSTQ và các ưu tiên chiến lược của nước này đã thay đổi, thúc đẩy một sự thay đổi trong khuôn khổ bang giao song phương. Sự thay đổi này làm cơ sở cho lập trường quyết đoán hơn của ông Kishida đối với Trung Quốc.
Trong “Lam thư Ngoại giao 2020” (Diplomatic Bluebook 2020) do Chính phủ Nhật Bản phát hành, đáng chú ý, thuật ngữ “mối quan hệ tương hỗ chiến lược” không tồn tại trong mục về bang giao Nhật-Trung. Tài liệu này, mặc dù công nhận các mối quan hệ về kinh tế và văn hóa, nhưng cũng nêu bật những lo ngại về các hành động trái với luật lệ quốc tế của ĐCSTQ, trong đó có cả việc xâm nhập vào lãnh hải và không phận xung quanh quần đảo Senkaku của Nhật Bản.
“Lam thư Ngoại giao 2021” càng nhấn mạnh thêm những lo ngại của Nhật Bản. Văn bản này cho thấy sự bành trướng quân sự mờ ám của ĐCSTQ và những nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi tiến trình hoạt động trong khu vực thành những thách thức quốc tế quan trọng. Văn bản này thể hiện mối lo ngại sâu sắc về Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông và những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, làm xói mòn nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ.”
Trong ấn bản này, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố rõ ràng về sự tồn tại của nhiều vấn đề với ĐCSTQ, trong đó có những vi phạm chủ quyền lãnh thổ, và ý định giải quyết những vấn đề này thông qua đàm phán. Các thuật ngữ “ổn định” và “mang tính xây dựng” thay thế “chiến lược” và “tương hỗ,” nhấn mạnh tầm quan trọng của mối bang giao Nhật Bản-Trung Quốc ổn định đối với cả hai quốc gia, khu vực, và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.
“Lam thư Ngoại giao năm 2022” trình bày chi tiết về sự gây hấn ngày càng tăng và những tiến bộ quân sự của ĐCSTQ, nhấn mạnh những diễn biến này là mối đe dọa an ninh đáng kể đối với Nhật Bản và cộng đồng toàn cầu. Tài liệu này cũng lưu ý đến những thách thức do ĐCSTQ đặt ra đối với các giá trị nhân văn phổ quát.
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times