PHÂN TÍCH: Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn đối mặt với những căng thẳng trong khu vực tại hội nghị thượng đỉnh
Hội nghị Ngoại trưởng ba bên lần thứ 10 giữa Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Hàn đã được tổ chức tại Busan, Nam Hàn hôm 26/11. Những căng thẳng hiện nay ở eo biển Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên, và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn hơn đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả thực tế có thể đạt được trong hội nghị này.
Nhật Bản và Nam Hàn, cũng như thế giới phương Tây, đều đứng về phía Hoa Kỳ vì có chung mối bận tâm về hành động hung hăng của chế độ Trung Quốc trong khu vực.
Cả ba quốc gia tại hội nghị đều cho rằng việc thúc đẩy hợp tác ba bên thiết thực là điều quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực và hơn thế nữa.
Phản ứng trước việc Bắc Hàn phóng vệ tinh do thám quân sự, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho rằng cần phải có biện pháp đối phó cứng rắn để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thực hiện đầy đủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù bà không đề cập đến Trung Quốc nhưng nhận xét này chắc chắn nhắm vào Trung Quốc vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là đồng minh đáng tin cậy của Bắc Hàn.
Bà Kamikawa nói với các phóng viên sau hội nghị: “Vì xã hội quốc tế đang ở một bước ngoặt lịch sử khi phải đối mặt với những thách thức và thay đổi lớn, chúng tôi hy vọng sẽ thảo luận về ý nghĩa chiến lược trong việc hợp tác giữa ba quốc gia Nhật Bản-Trung Quốc-Nam Hàn.”
Bàn về việc Bắc Hàn phóng vệ tinh do thám quân sự, Ngoại trưởng Nam Hàn Park Jin cho rằng hành động này đe dọa đến hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á. Đây là lợi ích chung của ba quốc gia này và cũng là điều kiện cần thiết cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ông bày tỏ hy vọng cả ba quốc gia sẽ tổ chức các cuộc thảo luận chuyên sâu để giải quyết vấn đề này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhấn mạnh ba quốc gia này cần tuân thủ mục tiêu chung, đối mặt với lịch sử, và hợp tác cùng có lợi trong tương lai.
Ông Vương cũng cho rằng Trung Quốc phản đối việc “vẽ ra ranh giới ý thức hệ” trong hợp tác ba bên và phản đối việc “chia rẽ việc hợp tác trong khu vực thành các phe phái ý thức hệ.” Nhiều người tin rằng những nhận xét này nhắm vào liên minh Hoa Kỳ- Nhật Bản-Nam Hàn
Với tư cách là quốc gia chủ nhà của cuộc gặp ba bên này, Bộ Ngoại giao Nam Hàn đã không chính thức công bố thông tin liên quan đến cuộc gặp cho đến hôm 24/11. Điều này là do phía Trung Quốc cho đến tận giữa tháng Mười Một vẫn chưa xác nhận liệu ngoại trưởng của quốc gia này này có tham dự hay không.
Hơn nữa, bữa tối và cuộc họp báo chung dự kiến sau cuộc gặp đã bị hủy vào phút cuối sau khi ngoại trưởng Trung Quốc từ chối tham dự.
Những thách thức trong hợp tác giữa Nhật Bản và Trung Quốc
Có nhiều tranh chấp đang diễn ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc, trong đó có việc tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Điếu Ngư (Senkaku), Nhật Bản xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý, lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc đối với các sản phẩm hải sản của Nhật Bản, và việc giam giữ tùy tiện công dân Nhật Bản tại Trung Quốc.
Tất cả những vấn đề đó đều được các tổ chức công cộng và tư nhân ở Nhật Bản rất quan tâm. Bà Kamikawa đã nêu ra những vấn đề này trong cuộc gặp với ông Vương một ngày trước cuộc gặp chính thức ba bên.
Trong cuộc họp, ông Vương gọi nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý là “nước bị ô nhiễm hạt nhân” và cho rằng việc Nhật Bản xả “nước bị ô nhiễm hạt nhân” như vậy ra biển là một hành động vô trách nhiệm. ĐCSTQ bày tỏ sự cần thiết phải thành lập một ủy ban độc lập để giám sát và điều tra.
Về vấn đề này, bà Kamikawa chỉ ra đây là vấn đề chủ quyền quốc gia và thuộc thẩm quyền của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Về vấn đề Đài Loan, ông Vương nhấn mạnh đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và không quốc gia nào được phép can thiệp. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sẵn sàng tái thiết lập mối bang giao chiến lược giữa Trung Quốc và Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác và bảo vệ sự ổn định của chuỗi cung ứng.
Nam Hàn, những khác biệt chưa được giải quyết của Trung Quốc
Hôm 26/11, Ngoại trưởng Nam Hàn Park Jin kêu gọi Trung Quốc đóng “vai trò mang tính xây dựng” trong việc ngăn chặn việc Bắc Hàn tăng cường hợp tác quân sự với Nga, ngăn chặn việc Bắc Hàn sử dụng công nghệ hỏa tiễn đạn đạo để phóng vệ tinh và việc quốc gia này đang phát triển vũ khí hạt nhân và đầu đạn hạt nhân.
Ông Park nhấn mạnh rằng việc Bắc Hàn ngừng gây hấn và hướng tới phi hạt nhân hóa sẽ đem lại lợi ích chung cho cả Nam Hàn và Trung Quốc. Ông Vương chỉ hứa sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc xoa dịu căng thẳng trên bán đảo này.
Ngoài ra, ông Park còn nêu vấn đề Trung Quốc cưỡng chế hồi hương đối với những người đào thoát khỏi Bắc Hàn và yêu cầu ĐCSTQ không trục xuất những người chạy trốn khỏi Bắc Hàn. Đáp lại, ông Vương liên tục nhấn mạnh rằng vấn đề này cần được “giải quyết phù hợp theo quy định của pháp luật Trung Quốc.”
Trong các cuộc đàm phán, Nam Hàn không nhận được bất kỳ đề nghị hợp tác cụ thể nào từ Trung Quốc về vấn đề Bắc Hàn.
Tăng cường liên minh với Hoa Kỳ
Nhật Bản và Nam Hàn có những tranh chấp phức tạp trong lịch sử chưa được giải quyết như vấn đề phụ nữ mua vui trong Đệ nhị Thế Chiến, nhưng nhờ nỗ lực chung của Tổng thống Yoon Suk Yeol của Nam Hàn và Thủ tướng Fumio Kishida của Nhật Bản, mối bang giao giữa hai quốc gia này đã được cải thiện đáng kể và đang ở trạng thái tốt nhất.
Mặc dù có sự khác biệt giữa hai quốc gia này, nhưng họ đều cho thấy tầm nhìn rộng hơn về các thách thức trong khu vực này và đang nỗ lực đối mặt với những thách thức đó thông qua việc hợp tác.
Ngoại trưởng hai quốc gia này đồng ý với nhau rằng việc Bắc Hàn phóng vệ tinh do thám quân sự sử dụng công nghệ hỏa tiễn đạn đạo hôm 21/11 là vi phạm rõ ràng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn lên án hành động này và khẳng định quan điểm của họ trong việc duy trì liên lạc chặt chẽ và theo dõi tình hình này.
Ngoài ra, hai vị ngoại trưởng này cũng đồng tình trong việc tìm hiểu vấn đề Bắc Hàn bắt cóc công dân Nhật Bản trước đây, cũng như hợp tác trong các lĩnh vực như phòng chống thiên tai.
Trong bốn năm qua, quan hệ song phương và ba bên giữa Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Hàn đã có những thay đổi to lớn. Chiến thuật bắt nạt và chính sách bành trướng của Trung Quốc đối với Đài Loan và trên Biển Đông đã củng cố hơn nữa liên minh của Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Nam Hàn. Đồng thời, Nam Hàn cũng tăng cường liên minh và hợp tác với Hoa Kỳ và Nhật Bản để chống lại Bắc Hàn.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times