Cựu TT Liên bang Micronesia: Trung Quốc hối lộ, do thám ở quốc gia này để đàn áp các đối thủ
ĐCSTQ đã tiếp cận một thống đốc khu vực, người này “kể riêng với tôi và nói, ‘Thưa ngài Tổng thống, tất nhiên tôi đã nói với họ là Không, vì đó sẽ là hành vi phản quốc,” ông Panuelo cho biết.
Theo cựu tổng thống của quốc đảo Thái Bình Dương này, các đặc vụ cộng sản Trung Quốc đã tiến hành hoạt động hối lộ và gián điệp ở Micronesia như một phần trong nỗ lực ngăn chặn những quan điểm tiêu cực về sự bành trướng của chính quyền cộng sản này trong khu vực.
Để đáp lại, Tổng thống đương thời David Panuelo đã gửi một loạt những bức thư hiện đã bị rò rỉ tới các thành viên trong chính phủ của ông, cảnh báo họ về “cuộc chiến tranh chính trị” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khu vực này.
Một trong những mục tiêu chung của ĐCSTQ là bảo đảm rằng Micronesia sẽ công khai ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chiến tranh giành Đài Loan hoặc giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột này.
Ông nói rằng mặc dù ông yêu mến người dân Trung Quốc, truyền thống, và văn hóa của họ, nhưng ảnh hưởng độc hại của ĐCSTQ đã đe dọa đến chính chủ quyền của Micronesia và sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.
Vì vậy, theo ông Panuelo, ông cần phải có phản ứng dứt khoát.
“Theo thời gian, tôi học được rằng mình phải thực hiện một số hành động mạnh mẽ để bảo đảm rằng chủ quyền của quốc gia chúng tôi và của cả khu vực Thái Bình Dương nói chung phải được bảo vệ, bởi vì an ninh là rất quan trọng,” ông cho biết.
ĐCSTQ xâm nhập quần đảo Thái Bình Dương
Ông Panuelo cho biết những nỗ lực của ĐCSTQ là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm mở rộng ra khắp khu vực này, hoàn toàn lợi dụng các quốc đảo Thái Bình Dương làm con tốt trong âm mưu của họ nhằm làm suy yếu Hoa Kỳ và trật tự quốc tế.
Ông nhớ lại rằng có thời điểm ông đã gửi thư cho Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare để bày tỏ những lo ngại về một thỏa thuận sâu rộng mà ĐCSTQ tìm cách ký với 10 quốc gia trong khu vực mà theo đó sẽ cho phép mở rộng lực lượng công an và hải quân Trung Quốc trên toàn khu vực này.
“Trung Quốc đang mong muốn có được loại thỏa thuận mở rộng đó,” ông Panuelo nói. “Về bản chất, thỏa thuận đó có thể mang tính chung chung nhưng sẽ giúp họ tiếp cận Thái Bình Dương về mặt kinh tế, chính trị, có thể cả về mặt chiến lược,” ông cho biết.
Kết quả đánh giá thỏa thuận đó cho thấy ĐCSTQ quả thực đã đưa thêm từ ngữ vào thỏa thuận trong đó sẽ trao cho chế độ này các quyền kinh tế và quân sự mở rộng và chưa từng có trong khu vực, cho phép họ thăm dò các vùng đặc quyền kinh tế của Quần đảo Thái Bình Dương này và thậm chí giám sát những ai đi vào và ra khỏi quốc gia của họ.
“Chúng tôi đã xem xét thỏa thuận phát triển chung đó và biết rằng, bằng cách ký kết, chúng tôi sẽ từ bỏ và làm tổn hại đến chủ quyền của mình,” ông Panuelo cho hay.
“[Chúng tôi phát hiện ra rằng thỏa thuận này] sẽ cho phép người Trung Quốc vào và cũng xem xét các khoáng sản trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi; sẽ cung cấp cho họ quyền tiếp cận để biết ai đang vào đất nước chúng tôi, ai đã rời khỏi đất nước chúng tôi thông qua các phương tiện điện tử thông quan và nhập cư, cùng những thứ khác.”
Thỏa thuận đó cuối cùng đã bị gác lại sau khi ông Panuelo viết thư cho các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương, kêu gọi họ làm việc vì “lợi ích chung của Thái Bình Dương.”
Tuy nhiên, ĐCSTQ đã trả đũa cho hành động này.
Sau khi một trong những bức thư bị rò rỉ, một thống đốc khu vực ở Micronesia thông báo với ông Panuelo rằng một đặc vụ của ĐCSTQ đã tìm đến ông, người này tìm cách hối lộ ông để công khai chỉ trích bức thư.
“Thống đốc đó kể riêng với tôi, và ông ấy nói, ‘Thưa ngài Tổng thống, tất nhiên, tôi đã nói với họ là không, vì ông biết đấy đó sẽ là hành vi phản quốc,’” ông Panuelo kể lại.
“Tôi chắc chắn [ĐCSTQ] đã đến các bang khác để làm những việc tương tự.”
Hoa Kỳ là đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Micronesia là một trong ba quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương duy trì các Hiệp định Liên kết Tự do với Hoa Kỳ. Những thỏa thuận này cho phép các quốc gia tiếp cận các chương trình kinh tế của Hoa Kỳ để đổi lấy việc trao cho Hoa Kỳ các đặc quyền an ninh trong khu vực.
Ông Panuelo cho biết các nhà lãnh đạo đảo quốc Thái Bình Dương không nên bị ngăn cản trong việc bảo vệ các giá trị chung giữa các đảo quốc Thái Bình Dương và Hoa Kỳ, và không nên nhượng bộ trước nỗi sợ bị các quốc gia lớn hơn như Trung Quốc cộng sản trả thù.
Ông nói: “Trong thời gian làm tổng thống, tôi luôn nói rằng các quốc gia đông đúc này phải là những quốc gia bảo vệ hết sức mạnh mẽ nền dân chủ, pháp quyền, bởi vì những điều này là hữu hiệu.”
“Hợp tác cùng với các đồng minh để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, những giá trị chung mà chúng ta có, là điều chúng ta cần phải mạnh mẽ.”
Để đạt được mục tiêu đó, ông Panuelo cho biết ông chưa bao giờ cảm thấy Micronesia là một con tốt bị mắc kẹt giữa hai cường quốc vì ông hiểu những gì cần thiết để quốc đảo này phát triển mạnh mẽ một cách khách quan.
Tương tự, ông Panuelo thể hiện sự biết ơn về những điều tốt đẹp đạt được trong mối bang giao giữa Micronesia với Trung Quốc, mặc dù ông lưu ý rằng tuyên truyền của chế độ cộng sản này thường cố gắng mô tả sai về mối quan hệ giữa hai quốc gia.