Thủ tướng Đức viếng thăm Trung Quốc, sốt sắng thắt chặt quan hệ kinh tế
Thủ tướng Đức Olaf Scholz xác nhận sẽ dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp Đức thăm Trung Quốc vào đầu tháng Mười Một tới. Chuyến thăm diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo EU bày tỏ mối lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế của Âu Châu vào Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của chế độ Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Scholz nhiều lần tuyên bố rằng Đức phải tiếp tục quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Ông Scholz thông báo về chuyến viếng thăm Trung Quốc đã được lên kế hoạch từ lâu sau hội nghị thượng đỉnh EU hôm 21/10. Ông sẽ là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm Trung Quốc sau Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và là nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước G7 thăm Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Chuyến đi dự kiến diễn ra từ ngày 03-04/11. Thời điểm chuyến viếng thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có của mình, nhằm củng cố hơn nữa quyền lực trong ĐCSTQ.
Kế hoạch của ông Scholz viếng thăm Trung Quốc đã là tâm điểm thu hút nhiều sự chú ý của báo giới Đức. Hồi đầu tháng Mười, chuyến đi được thông báo sẽ bị hoãn lại nhưng vẫn có thể diễn ra trước cuối năm.
Thời điểm ông Scholz đảm nhiệm chức Thủ tướng Đức là hồi tháng 12/2021, tính đến nay chưa được 10 tháng. Kể từ đó, mối bang giao giữa EU và Trung Quốc xấu đi vì một loạt vấn đề, từ nhân quyền ở Tân Cương, đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, chiến tranh Nga-Ukraine, và các rào cản thương mại và đầu tư.
Mối bang giao giữa Trung Quốc và EU nằm trong nghị trình của hội nghị thượng đỉnh EU hôm 21/10 tại Brussels, Bỉ. Cùng với căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các nước nhỏ hơn trong EU đã bắt đầu kêu gọi EU thống nhất lập trường đối với chế độ Trung Quốc. Ngược lại, ông Scholz cho rằng Đức phải tiếp tục quan hệ thương mại với Trung Quốc. Trong những tuyên bố gần đây, ông từng nói rằng tách nền kinh tế Đức khỏi Trung Quốc là một chiến lược sai lầm, và Đức phải kinh doanh buôn bán với nhiều nước, bao gồm cả Trung Quốc.
Đối tác sản xuất xe hơi điện
Theo ông Mike Sun, một chiến lược gia đầu tư Mỹ-Trung kỳ cựu và là chuyên gia về Trung Quốc, chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Scholz có thể coi là một cử chỉ thiện chí đối với ĐCSTQ vào thời điểm mà các nước EU khác có cái nhìn tiêu cực về chế độ này.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất của Đức, vượt qua cả Hoa Kỳ và thị trường nội địa của Đức. Đồng thời, các nhà sản xuất xe hơi điện của Trung Quốc, chẳng hạn như BYD và Azera, đã hợp tác với các nhà sản xuất Đức để thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (trung tâm R&D) mới ở châu Âu, ông Sun nói với The Epoch Times.
Trước đây, với xe hơi chạy bằng nhiên liệu truyền thống, các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc chủ yếu dựa vào các linh kiện và công nghệ nhập cảng do trình độ kỹ thuật của Trung Quốc không thể theo kịp các nước phương Tây. Nhưng trong sản xuất xe hơi điện, các công nghệ đều khá giống nhau và công nghệ của Trung Quốc và phương Tây có ít khoảng cách hơn. Trung Quốc hiện có thể áp dụng cách tiếp cận mà các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc đầu tư vào Âu Châu và hợp tác trao đổi công nghệ với các nhà sản xuất Âu Châu. Những chiếc xe điện này không chỉ được xuất cảng sang Âu Châu mà còn được phát triển dựa trên sự chia sẻ lợi nhuận và trao đổi công nghệ giữa các nhà sản xuất Trung Quốc và Âu Châu.
Ông Sun chỉ ra rằng, theo một cách nào đó, Âu Châu đang hợp tác với kế hoạch của ĐCSTQ khiến nền kinh tế EU trở thành con tin [của Trung Quốc] vì các quốc gia như Đức hiện nay không thể tùy ý chấm dứt quan hệ thương mại với Trung Quốc khi mà các công ty của họ đang hưởng lợi rất nhiều từ sự hợp tác này. Điều này cũng sẽ khiến các chính phủ Âu Châu phải tìm cách tiếp cận khác khi đề cập đến các vấn đề nhân quyền và chủ nghĩa độc tài ngày càng tăng ở Trung Quốc.
Trung Quốc thâu tóm Cảng Hamburg
Gần đây, ông Scholz đã cho phép công ty vận tải biển COSCO của Trung Quốc mua cổ phần tại Cảng Hamburg, Đức, bất chấp các bộ kinh tế, nội vụ, quốc phòng, giao thông, đối ngoại, và tài chính của Đức đồng loạt phản đối. Hãng thông tấn Đức Deutsche Welle đưa tin ông Scholz đã nhận nhiều chỉ trích từ cả phe đồng minh lẫn phe phản đối, cũng như các nước EU khác về thỏa thuận này.
Cảng Hamburg là cảng lớn nhất ở Đức và là một trong những trung tâm quan trọng nhất trong thông thương buôn bán giữa Âu Châu và Trung Quốc. COSCO là công ty vận tải biển lớn nhất Trung Quốc và hiện đang tìm kiếm 35% cổ phần tại bến cảng Container Terminal Tollerort của Cảng Hamburg. Việc mua lại [cổ phần] được cho là một phần của một sáng kiến chiến lược toàn diện hơn của ĐCSTQ nhằm giành quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng trọng yếu theo sáng kiến toàn cầu Vành đai và Con đường.
Sáng kiến Vành đai và Con đường bao gồm một loạt các dự án cơ sở hạ tầng, từ đường xá và cầu cảng, đến các cơ sở viễn thông và ngân hàng. Chiến lược chính là để các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc cung cấp các khoản vay cho các nước đang phát triển và cho phép các nước đi vay sử dụng các khoản tiền này để trả cho các công ty Trung Quốc nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng.
Công ty COSCO đã nắm giữ cổ phần tại các cảng Rotterdam và Antwerp ở Hà Lan, hai trong số các cảng lớn nhất Âu Châu. Công ty cũng nắm giữ cổ phần trong Cơ quan Cảng Piraeus ở Athens, Hy Lạp. Cảng Hamburg sẽ là liên kết cuối cùng trong kế hoạch Âu Châu.
Hãng thông tấn Deutsche Welle đưa tin hôm 21/10 rằng Cảng Hamburg lo ngại nếu thương vụ của COSCO không thành công, một bộ phận lớn hoạt động kinh doanh container sẽ bị các cảng Rotterdam và Antwerp ở Hà Lan, hoặc cảng Wilhelmshaven ở Đức, và thậm chí các cảng ở Địa Trung Hải lấy đi trong tương lai. Báo cáo cho biết việc Cảng Hamburg bật đèn xanh cho đầu tư của Trung Quốc vào cảng là một điều bất ngờ, vì trước đó, thành phố đã từ chối đầu tư nước ngoài vào cảng với lý do cơ sở hạ tầng quan trọng không nên bị ảnh hưởng bởi các cường quốc ngoại quốc.
Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck đã nhiều lần nói rằng Đức đang xem xét lại chính sách thương mại tổng thể với Trung Quốc. Bộ Kinh tế Liên bang và Hành động Khí hậu ở Đức đang rà soát thương vụ Cảng Hamburg theo quy trình sàng lọc đầu tư. Về phần mình, ông Scholz đã yêu cầu Bộ soạn thảo một đề nghị thỏa hiệp để được thông qua vào cuối tháng Mười, khi thời hạn pháp lý (rà soát) của chính phủ kết thúc. Nếu sau khi rà soát xong mà chính phủ không thông qua một nghị quyết cấm giao dịch thì giao dịch được coi là hoàn thành về mặt pháp lý.
Ngoài ra, cổ phần của Trung Quốc tại Cảng Hamburg có thể mang lại cho COSCO một lợi thế cạnh tranh không chính đáng. Cho đến nay, các công ty Đức vẫn chưa thể nắm giữ cổ phần của các cơ sở hạ tầng, ví dụ như các cảng, tại Trung Quốc. Trong khi COSCO, một doanh nghiệp do ĐCSTQ kiểm soát, sẽ nhận được các khoản trợ cấp đáng kể, công khai hoặc ngầm, từ chế độ Trung Quốc. Điều này gây lo ngại rằng chế độ Trung Quốc có thể can thiệp sâu hơn vào các vấn đề đối nội của Đức và EU.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, nói rằng EU đã có kinh nghiệm từ việc phụ thuộc vào nhập cảng năng lượng của Nga và cần phải cảnh giác với chế độ Trung Quốc. Trong các nước EU, Đức phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng của Nga và ban đầu không muốn từ bỏ nguồn dầu khí từ Nga trong bối cảnh Tổng thống Putin xâm lược Ukraine. Theo bà von der Leyen, mối lo ngại rằng nước Đức đang trở nên phụ thuộc kinh tế vào một chế độ độc tài khác, ĐCSTQ, ngày càng gia tăng.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times