Chúng ta có đang chứng kiến sự sụp đổ vị thế thống trị của phương Tây?
Hôm 26/09, đường ống Nord Stream bị tấn công. Ai là người chịu trách nhiệm? Rất nhiều người, trong đó có cả Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhanh chóng cáo buộc Nga. Nhiều người khác lại đổ lỗi cho Hoa Kỳ.
Trong khi hàng triệu người đang mải mê với việc quy trách nhiệm, thì hàng triệu người Âu Châu đang cầu nguyện cho một mùa đông bớt khắc nghiệt hơn. Cuộc tấn công này được xem là một sự kiện đánh dấu sự thay đổi lớn. Như nhà kinh tế học vĩ mô Philip Pilkington cảnh báo gần đây, “Vụ phá hoại đường ống Nord Stream có thể là thời điểm mà các nhà sử học trong tương lai đánh dấu sự kết thúc nền thống trị của phương Tây.”
Ông ấy đã đúng. Hồi năm ngoái, đường ống chạy từ thành phố Vyborg của Nga đến thành phố Greifswald của Đức này đã cung cấp 40% sản lượng khí đốt cho các nước Liên minh Âu Châu. Cuộc khủng hoảng năng lượng có thể không làm suy yếu tham vọng giải quyết các vấn đề khí hậu của Âu Châu nhưng chắc chắn sẽ làm suy yếu sức mạnh kinh tế của những nước này.
Đức, nền kinh tế lớn nhất Âu Châu và thứ tư trên thế giới, đến tận gần đây, vẫn luôn “lệ thuộc” vào nguồn khí đốt của Nga. Hiện nước này phải nhanh chóng tìm ra nguồn cung cấp mới. Việc tìm kiếm sẽ tốn nhiều thời gian, vốn là thứ mà Đức không có. Mùa đông sắp đến gần. Nếu Đức sụp đổ, toàn bộ nền kinh tế Âu Châu sẽ sụp đổ.
Nếu điều đó xảy ra, thì nền kinh tế Hoa Kỳ cũng sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Suy cho cùng, mối liên kết mật thiết giữa Hoa Kỳ và Âu Châu không chỉ được xây dựng dựa trên thiện chí mà thôi. Mối liên kết này đã được tạo dựng thông qua các thỏa thuận thương mại, các khoản đầu tư lớn và thị trường tài chính. Âu Châu và Hoa Kỳ cùng chia sẻ một trong các mối liên kết kinh tế mật thiết nhất — nếu không nói là mật thiết nhất trong số đó — trên thế giới. Nếu quân cờ domino của Đức sụp đổ, điều dường như từng ngày lại có khả năng xảy ra hơn, thì các quân cờ domino khác cũng sẽ sụp đổ một cách đột ngột và thảm thương.
Dĩ nhiên là khi Âu Châu và Hoa Kỳ sụp đổ, cả thế giới sẽ chịu tác động nặng nề, phải như vậy không? Cũng có thể là vậy, hoặc là cũng có thể không. Như ông Pilkington ám chỉ đến “một khối kinh tế đối thủ,” được gọi là BRICS, có thể thoải mái tách biệt khỏi tình hình hỗn loạn này. Là từ viết tắt dùng để chỉ các nước đang phát triển gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi, BRICS có thể sớm trở thành BRICS SITE, với những nước như Ả Rập Xê Út, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ai Cập cũng được cho là muốn gia nhập khối kinh tế đang phát triển nhanh chóng [này].
Ông Pilkington lưu ý rằng từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng Hai, các thành viên khối BRICS đã nhanh chóng đẩy mạnh các thỏa thuận thương mại và củng cố các mối quan hệ tài chính. “Rõ ràng mục tiêu của các nền kinh tế này là muốn tách khỏi phương Tây càng nhiều càng tốt. Nếu họ thành công — mà thực tế cho thấy rằng có vẻ là như vậy — thì họ sẽ tránh được cuộc khủng hoảng này,” ông Pilkington viết.
Chúng ta đang chứng kiến sự khai sinh của một trật tự thế giới mới, một sự thay đổi mạnh mẽ trong các đảng phái chính trị và hệ tư tưởng. Khối BRICS tập hợp các quốc gia có tầm ảnh hưởng thực chất về kinh tế và quân sự. Trung Quốc là thành viên quyền lực nhất trong khối này. Lục địa Phi Châu trước đây từng trông vào và nhận nhiều hỗ trợ từ Hoa Kỳ, nay lại đang tìm kiếm giúp đỡ từ Trung Quốc. Liên minh Châu Âu từng là liên minh vô cùng gắn kết và được xem trọng, nay đang rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Cùng lúc đó, Trung Quốc bận rộn vun vén mối bang giao với Indonesia, một quốc gia được cho là sẽ gia nhập khối BRICS, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất, nơi là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Điều thú vị là theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, Indonesia dự kiến sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn vào cuối thập niên này. Một điểm thú vị khác liên quan đến Ả Rập Xê Út, thành viên BRICS và đồng minh thân cận của Trung Quốc. Gã khổng lồ Trung Đông hiện tự hào là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới. Sự tăng trưởng này đã được thúc đẩy bởi kim ngạch thương mại vô cùng ấn tượng với Trung Quốc, đất nước được xem như lãnh đạo khối BRICS.
Rõ ràng không phải là Trung Quốc không có những điểm yếu đáng kể. Tuy nhiên, quan trọng là rất nhiều điểm yếu của Trung Quốc — dân số già hóa nhanh chóng, tỷ lệ kết hôn sụt giảm, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp và bất mãn với xã hội — cũng xuất hiện tại các siêu cường của thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.
Một điểm quan trọng cần lưu ý là Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập một hệ thống thanh toán mới nhằm phá vỡ sự thống trị của đồng dollar Mỹ. Hệ thống Thanh toán Liên Ngân hàng Xuyên Biên giới (CIPS) của ĐCSTQ, cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, hiện có hơn 1,300 thành viên, có mặt trên 106 khu vực và quốc gia.
Nhà nước Cộng sản Trung Quốc có tham vọng thay thế Hoa Kỳ với tư cách là một siêu cường dẫn đầu thế giới. Chỉ những kẻ khờ dại mới dám cá cược ngược lại kẻ độc tài Bắc Kinh trong việc thực hiện tham vọng này. Khi bàn luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chúng ta nên nhớ câu châm ngôn “tương lai thuộc về những người chuẩn bị sẵn sàng từ ngày hôm nay”. Với nhà độc tài cầm quyền trọn đời Tập Cận Bình, Trung Quốc có thể lập kế hoạch phù hợp cho tham vọng đó. Vị thế của ĐCSTQ thật sự rất độc đáo. Các thành viên của Đảng này có thể ngồi xuống và lập kế hoạch cho rất nhiều năm hoặc thậm chí hàng thập niên về sau. Tham vọng của ĐCSTQ về “Trung Quốc-định hình” thế giới đang nhanh chóng trở thành hiện thực. Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu thế giới, đưa ra các luật lệ mà nhiều quốc gia khác sẵn sàng tuân thủ. Mặt khác, Hoa Kỳ đang thực sự có vấn đề về mặt hình ảnh — dường như đang mất dần sức ảnh hưởng trên toàn cầu.
Nhìn bề ngoài, thế giới đang hướng đến trật tự đa cực, với quyền lực được phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta có thể đang bước vào một thời kỳ đơn cực sâu sắc với Trung Quốc là quốc gia nắm quyền kiểm soát.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times