Các nước nghèo được dự đoán sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở Âu Châu
Có phải cuộc khủng hoảng năng lượng được dự đoán trước của Âu Châu đã tạm dừng? Từ giá khí đốt giảm đến thời tiết ấm áp bất thường, nhu cầu khí đốt tự nhiên của Âu Châu đã giảm với tốc độ đáng chú ý khi bước vào mùa đông.
Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm ẩn ở Âu Châu vẫn chưa được ngăn chặn. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Âu Châu dự kiến sẽ gây ra sự tàn phá đối với các nước Âu Châu, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển.
Trong nửa đầu năm 2022, giá khí đốt tự nhiên ở Âu Châu tăng đột biến, do sự bất ổn, cơn sốt mua sắm, và nhiệt độ lạnh hơn bình thường gây ra. Tuy nhiên, nhiều điểm chuẩn ở ngoại quốc đã giảm hai con số kể từ mùa hè. Để so sánh, tại Hoa Kỳ, giá khí đốt tự nhiên đã tăng khoảng 100% từ đầu năm đến nay trên Sàn giao dịch Hàng hóa New York do nhu cầu tăng lên.
Trường hợp nhu cầu bị phá vỡ — sự sụt giảm liên tục của nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ do giá cao hơn — và điều kiện thời tiết trái mùa là những yếu tố chính cho đến nay.
Theo công ty theo dõi dữ liệu Bruegel, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên ở Liên minh Âu Châu đã giảm 10% trong 10 tháng đầu năm 2022. Một số thị trường lớn nhất đã ghi nhận mức sử dụng khí đốt tự nhiên giảm đáng kể, bao gồm Đan Mạch (-18%), Pháp (-6%), Đức (-13%), Hà Lan (-24%) và Thụy Điển (-17%).
Bruegel viết, “Trong những tháng mùa hè, phần lớn mức giảm là do ngành công nghiệp — vào tháng Mười, nhu cầu của các gia đình đã giảm đáng kể. Điều này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thời tiết ấm hơn so với thời tiết trung bình.”
Dữ liệu từ nền tảng phân tích thị trường EnergyScan của Engie SA nhấn mạnh rằng tổng nhu cầu khí đốt của Tây Âu đã giảm 22% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào tháng Mười, với nhiều gia đình tắt lò sưởi hơn. Nhưng sự sụt giảm này đã được bù đắp bởi mức tiêu thụ tăng 14% của ngành điện.
Điều này có nghĩa là một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm ẩn ở Âu Châu đã chấm dứt? Vẫn chưa, ông Keisuke Sadamori, giám đốc thị trường năng lượng và an ninh tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo.
Ông Sadamori cho biết trong một báo cáo: “Việc Nga xâm chiếm Ukraine và cắt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Âu Châu đang gây ra tác hại đáng kể cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế — không chỉ ở Âu Châu mà còn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Triển vọng của thị trường khí đốt vẫn còn mờ mịt, đặc biệt là do hành vi liều lĩnh và khó đoán của Nga, cách hành xử mà đã phá vỡ danh tiếng của nước này như một nhà cung cấp đáng tin cậy. Nhưng tất cả các dấu hiệu đều cho thấy thị trường vẫn rất khó khăn cho đến năm 2023.”
Xu hướng tiêu dùng toàn cầu
Nhìn về phía trước, IEA dự báo trong Báo cáo thị trường khí đốt quý IV rằng mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên toàn cầu sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 0.8% từ năm 2022 đến năm 2025, đạt 4,240 tỷ mét khối.
Nhưng trong khi tất cả trọng tâm là làm thế nào để Âu Châu có thể đứng vững được khi không còn phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, thì IEA cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về các thị trường đang phát triển khác ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông, và Phi Châu. Trong những năm gần đây, tăng trưởng nhu cầu vẫn mạnh ở những khu vực này, khi các chính phủ thay thế nhiên liệu hóa thạch có lượng khí thải cao hơn bằng khí đốt tự nhiên. Các chuyên gia thị trường lo ngại quá trình chuyển đổi của họ có thể bị đe dọa, đặc biệt nếu một số nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới tập trung xuất cảng nhiều hơn vào Âu Châu.
Bà Irina Tsukerman, phó chủ tịch Ủy ban Dầu Khí của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Trên thực tế, tác động của tình trạng thiếu khí đốt có thể không đồng đều, với việc các quốc gia giàu có hơn có thể sắp xếp lại thứ tự ưu tiên và đưa ra các lựa chọn thắt lưng buộc bụng với các khoản đầu tư lớn hơn vào chi phí năng lượng, vận chuyển, và thúc đẩy tăng số lượng trạm khí đốt.”
Bà Tsukeman nói thêm, do giá cao hơn, một số quốc gia đã bắt đầu thay đổi về năng lượng, chẳng hạn như Bangladesh và Pakistan, đã ngừng mua.
Bà nói thêm, “Tuy nhiên, các quốc gia nghèo hơn vốn đã bị giới hạn bởi giá cả cao và địa lý, và đồng thời có nhiều khả năng phải chịu đựng các vấn đề cả trước mắt và lâu dài như đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lương thực, thiếu điện, và suy thoái. Miễn là các quốc gia giàu có hơn có thể mua sắm nguồn cung cấp ngắn hạn từ nhiều nguồn khác nhau, họ có thể duy trì quá trình cấu trúc.”
Tương tự như những gì đã xảy ra ở Sri Lanka, khi nguồn cung cấp nhiên liệu cạn kiệt, biến động chính trị sẽ theo sát sau đó.
Ông Kunal Sawhney, CEO của công ty nghiên cứu đầu tư Kalkine Group, cho rằng nguồn cung trên toàn thế giới có thể phụ thuộc vào Nga và cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, ông lưu ý, hiện tại, các nước Âu Châu có thể thành công trong việc “đấu giá cao hơn các quốc gia đang phát triển để mua khí đốt tự nhiên đắt tiền.”
Ông Sawhney nói với The Epoch Times: “Điều này tạo ra sự mất cân bằng khi giá nhập cảng cao hơn và đồng tiền yếu hơn buộc các nền kinh tế đang phát triển phải dựa vào các dạng nhiên liệu bẩn hơn. Có thể có những tác động lâu dài nếu Nga tiếp tục hạn chế dòng khí đốt tự nhiên vào Âu Châu. Đặc biệt đối với các nước đang phát triển, tình hình hiện tại tạo ra sự không chắc chắn về triển vọng của ngành khí đốt tự nhiên trong dài hạn.”
Các chuyên gia cảnh báo, nếu các quốc gia nghèo hơn không thể tiếp cận hoặc mua khí đốt tự nhiên, họ cũng có thể quay lại sử dụng các loại nhiên liệu khác để duy trì hoạt động của mình.
Hoa Kỳ có thể hỗ trợ không?
Trong khi đó, Hoa Kỳ đang cố gắng đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, vì xuất cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dự kiến đạt trung bình 11.01 tỷ feet khối mỗi ngày (bcf/ngày) trong năm nay và 12.34 tỷ feet khối mỗi ngày vào năm 2023. Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy sản lượng khí khô tự nhiên đạt trung bình gần 100 tỷ feet khối mỗi ngày.
Hoa Kỳ đã và đang đẩy mạnh xuất cảng LNG sang thị trường chính của mình là Âu Châu. Hoa Kỳ đã xuất cảng nhiều LNG ra ngoại quốc trong 6 tháng đầu năm 2022 so với năm ngoái. 60% lô hàng LNG của Hoa Kỳ được giao trong tháng Tám đã cập bến Âu Châu.
Hoa Kỳ hiện đang xây dựng ba dự án xuất cảng để mở rộng công suất xuất cảng LNG lên tổng cộng 5.7 tỷ feet khối mỗi ngày vào năm 2025.
Cũng cần lưu ý rằng cơ sở Freeport LNG đã đóng cửa vào tháng Sáu do một vụ nổ đã sẵn sàng để khởi động lại sản xuất vào cuối tháng tới.
Ông Brian Kessens, giám đốc danh mục đầu tư cao cấp của Tortoise, cho biết: “Hơn nữa, sản lượng 2 tỷ feet khối mỗi ngày được dự đoán vào tháng Một với sản lượng đầy đủ là 2.1 bcf/ngày sử dụng cả hai bến cảng bắt đầu vào tháng Ba. Xin nhắc lại, công suất của Freeport dưới 20% tổng công suất LNG của Hoa Kỳ một chút. Tác động của việc bị ngừng hoạt động là, trường hợp tất cả các biến số khác không đổi, các mức giá khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ thấp hơn, vì có nhiều khí đốt tự nhiên sẽ ở lại trong nước hơn.”
Là một phần trong nỗ lực tận dụng giá cao hơn và nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng, lĩnh vực khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ đã hoạt động tích cực. Đồng thời, các nhà lãnh đạo ngành lưu ý rằng trần tăng trưởng đã được đặt ra do áp lực chi phí ngày càng tăng và sự chậm trễ của chuỗi cung ứng, theo khảo sát năng lượng quý ba từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas.
Một giám đốc điều hành tại một công ty dịch vụ mỏ dầu lưu ý trong cuộc khảo sát: “Việc chính phủ thiếu hiểu biết về chu kỳ đầu tư dầu và khí đốt tiếp tục dẫn đến các chính sách năng lượng không nhất quán góp phần làm tăng chi phí năng lượng. Sự không nhất quán liên tục này làm tăng sự không chắc chắn và giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Chúng ta đang ở trong một vòng xoáy chí tử về năng lượng sẽ dẫn đến những mức giá cao nhất. Sự biến động [về giá] sẽ tăng lên, và công chúng đang ở trong tình trạng rất khó khăn.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times