Thứ hạng là nhất thời, giáo dưỡng là mãi mãi
Khi Tiểu Hùng (biệt danh của tác giả đặt cho con trai mình) du học ở Hoa Kỳ, cậu không bao giờ biết mình đứng hạng mấy, vì cuối học kỳ giáo viên sẽ chỉ nói riêng với phụ huynh trong khoảng mười đến mười lăm phút. Giáo viên sẽ cho phụ huynh biết sức học của con mình trong học kỳ này có đạt tiêu chuẩn trung bình hay không, môn nào cần củng cố, và những thành tích hiện tại. Sẽ không có xếp hạng, vì vậy học sinh không phải so sánh mình với người khác.
Tuy nhiên ở Đài Loan, sau mỗi kỳ thi, các bạn cùng lớp của Tiểu Hùng lại so sánh với nhau: Môn toán được mấy điểm? Môn quốc ngữ của ai đó tệ quá! Lúc này, điểm cá nhân không còn là điều riêng tư, mà đã trở thành một chủ đề có thể được thảo luận công khai. Và tình trạng này thậm chí ngay từ năm tiểu học đầu tiên đã rất nổi trội!
Ngày Tiểu Hùng học lớp 1 tiểu học ở Đài Loan, cuối học kỳ có “Bữa tiệc vui cuối kỳ”, các bé vui vẻ làm bắp rang bơ, sau đó là màn biểu diễn văn nghệ. Tiểu Hùng đã biểu diễn ảo thuật và đàn violon, giáo viên nói bé biểu diễn rất tốt và sẽ thưởng cho bé.
Sau màn trình diễn là phần trao giải. Cô giáo đã rất cẩn thận chuẩn bị những món quà nhỏ cho 10 học sinh đứng đầu các môn học, bao gồm quốc ngữ, toán học, nghệ thuật, thể thao và cuộc sống. Mỗi đứa trẻ đều háo hức mong được gọi tên, Tiểu Hùng cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, sau khi cô giáo gọi tên xong, Tiểu Hùng cúi đầu thất vọng… bởi cậu bé đều xếp sau các bạn đạt giải!
Sau khi trao giải, giáo viên còn hỏi: Ai được một giải? Ai có hai giải? Ba giải? Bốn giải? Có đứa trẻ đã giành được năm giải thưởng! Đó thực sự là một học sinh giỏi toàn diện, và đã được các cô giáo khen ngợi rất nhiều. Nhưng cũng vì sự so sánh này, khiến Tiểu Hùng càng cảm thấy thất vọng không thể ngẩng đầu lên được.
Tôi đứng ở bên cạnh, đã chứng kiến toàn bộ cảnh này. Khi rời đi, tôi tự nhủ: Tiểu Hùng mới trở về Đài Loan được hai năm, biểu hiện không ấn tượng lắm, có lẽ Tiểu Hùng thích hợp với kiểu phát triển từ từ chăng? Cậu bé khả năng là có sở trường khác?
Mục đích của thi cử là gì?
Sau khi Tiểu Hùng đi học về, trên tay cầm hộp phấn màu, vui vẻ nói: “Mẹ ơi, đây là món quà con nhận được sau khi biểu diễn. Con biết mẹ rất thích vẽ, con muốn tặng cho mẹ!”. Không ngờ cậu bé bị anh trai ở bên cạnh dội gáo nước lạnh: “Nghe nói em không có thứ hạng nào, kém thật! Top 10 đâu có khó!”
Tiểu Hùng lập tức thay đổi sắc mặt, trốn vào trong phòng. Tôi giáo huấn cho đứa lớn một trận, sau đó đến gặp Tiểu Hùng. Cậu bé khóc và nói: “Kỳ thi này con được 94 điểm môn quốc ngữ, môn toán cũng được 94 điểm! Chỉ còn cách vị trí thứ 10 hai điểm mà thôi…”.
Quả thực như vậy bình thường là tốt rồi, chỉ là các bạn trong lớp giỏi hơn, cả hai môn đều phải trên 95 điểm mới lọt vào Top 10! Không ngờ mới tiểu học mà việc cạnh tranh đã khốc liệt như vậy… Thế nhưng nếu thầy cô không xếp hạng Top 10 thì bọn trẻ cũng sẽ không so bì nhau đến mức như vậy!
Sau khi ra xã hội, mấy ai còn quan tâm bạn xếp hạng mấy ở trường tiểu học và được giải thưởng gì? Vì vậy, tôi nói với Tiểu Hùng rằng: “Người khác xếp thứ hạng tốt, con có thể cố gắng học tập để cũng được như họ, nhưng đừng quá bận tâm đến một hai điểm đó. Mình học được những gì, nhớ kỹ những lỗi sai, mới là điều quan trọng nhất!”
Tiểu Hùng vẫn còn rất buồn, vì việc này sẽ khiến cậu bé bị gắn mác “không xuất sắc” trong suốt cả năm, cho nên sao có thể dễ dàng bỏ qua ngay được?
Tôi đã từng đọc một bài báo của Chiêm Chí Vũ (Zhan Zhiyu) có tên là “Sau một trăm năm, ai sẽ được lưu danh?”. Ông đã liệt kê ra rất nhiều nhân vật ở các triều Nguyên, Minh, Thanh, và yêu cầu học sinh khoanh tròn tên những người mà chúng biết, không giới hạn số người, nhưng phải nói ra cống hiến của họ cho xã hội thời đó hay cho nền văn minh của các thế hệ sau.
Kết quả là gần như không có học sinh nào biết được trạng nguyên của các kỳ khoa cử là ai! Ngược lại, Quan Hán Khanh, Ngô Thừa Ân, Tào Tuyết Cần… là những người “vô duyên” với khoa cử nhưng lại được các thế hệ sau ghi nhớ vì những cống hiến của họ cho văn hóa xã hội.
Nếu con bạn cũng là người vô danh trong các kỳ thi lớn nhỏ, thì cũng đừng nản lòng, đừng cứ luôn truy hỏi: “Con xếp thứ mấy? Có thi được 100 điểm hay không?”. Hãy giúp con bạn đặt mục tiêu so sánh với chính mình, và thưởng cho con miễn là chúng đạt được hoặc vượt qua tiêu chuẩn ấy.
Cần nhớ rằng: “Thứ hạng là nhất thời, giáo dưỡng là mãi mãi”. Hãy để đứa trẻ trở thành một người có thực lực, có thể phát huy sở trường của mình, đây mới là mục tiêu vĩnh cửu!
Cha mẹ và con cái không nên quá bận tâm về sự chênh lệch giữa một hoặc hai điểm trong bài thi. Bản thân học được những gì và nhớ kỹ những lỗi sai, mới là điều quan trọng hơn cả!
Tác giả: Trương Mỹ Lan
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ