Thông điệp của ĐCSTQ về Biển Đông là một lời cảnh tỉnh
Giai điệu mới nhất từ các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tấn công G7 vì đã chỉ ra rằng hành động gây hấn của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Đây sẽ chỉ là một lời chỉ trích thô lỗ và nhạt nhẽo khác từ các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc diễn ra hàng ngày nhằm thúc đẩy các lợi ích kinh tế và địa chính trị của Cộng sản Trung Quốc trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc tập trung vào một cụm từ quan trọng — rằng tuyên bố của G7 lên án hành động của quân đội Trung Quốc là “một phần của cuộc chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức nhắm vào Trung Quốc được lên kế hoạch kỹ lưỡng” [phần để chữ nghiêng nhằm nhấn mạnh thêm] — chí ít đó là một sự lỡ lời nếu không muốn nói là một sai lầm rõ rệt của tờ báo lá cải Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc.
Chúng ta hãy xem xét vấn đề này.
Các vùng lãnh thổ tranh chấp
Danh sách các vùng lãnh thổ tranh chấp tại biển Đông Á dài dằng dặc: Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa, Quần đảo Senkaku, Quần đảo Ryukyu, và một loạt các rạn san hô nhân tạo và tự nhiên, bãi cạn, và các vùng đất khác ở Biển Đông, Hoa Đông và Biển Tây Philippines. Nhiều quốc gia trong khu vực này đã đưa ra các tuyên bố tranh cãi, gồm Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, và Trung Quốc.
Tuyên bố của Bắc Kinh dựa trên tuyên bố đơn phương lâu nay của nước này về một “biên giới trên biển” – được gọi là “đường chín đoạn” vốn phân định hầu hết Biển Đông và các vùng biển tranh chấp khác như một phần độc quyền của vùng biển của Trung Quốc. Hôm 28/08, Trung Quốc đã nhắc lại tuyên bố của mình khi Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của họ công bố một bản đồ quốc gia “tiêu chuẩn” mới mô tả “đường chín đoạn” — cũng như “đường mười đoạn” nằm ở phía đông Đài Loan — như những lằn ranh giới hạn mà Trung Quốc có quyền kiểm soát.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường xuyên phớt lờ quyết định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 2016 vốn trao quyền tài phán hàng hải đối với khu vực tranh chấp ở Biển Đông cho Philippines, cũng như sự phản đối của nhiều quốc gia ở Biển Đông trong việc quân sự hóa các đảo bị tranh chấp. Đây là một phần của quy trình tiêu chuẩn của “chủ nghĩa thực dân đặc trưng của Trung Quốc” đã được lặp lại ở Tây Tạng, Nội Mông, Đông Turkmenistan, và giờ đây là Biển Đông: đưa ra yêu sách pháp lý, đạt được yêu sách bằng nhân sự và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, quân sự hóa với khả năng “phòng thủ” của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và phòng thủ thông qua các phương tiện hỏa lực và phi hỏa lực khi cần thiết.
Hành động của Trung Quốc
Chính quyền Trung Quốc đã chiếm đóng các khu vực đất đai đang bị tranh chấp và xây dựng các căn cứ đảo trên các đảo san hô ở Biển Đông trong hơn 10 năm qua để mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ và quân sự đối với toàn bộ khu vực, gồm Đảo Phú Lâm (Quần đảo Hoàng Sa), Bãi cạn Scarborough, và ba đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, trong đó có Đá Vành Khăn.
Chính quyền này thường xuyên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà không bị trừng phạt, kể cả việc can thiệp vào một nhiệm vụ tiếp tế thường lệ của tàu Philippines đến tiền đồn của họ trên Bãi cạn Second Thomas, khai triển 48 tàu đánh cá Trung Quốc tràn vào Rạn san hô Iroquois và quấy rối ngư dân Philippines, tàu dân quân biển Trung Quốc đâm vào một tàu bảo vệ bờ biển Philippines trong một nhiệm vụ tiếp tế thường lệ của Philippines tới Bãi cạn Second Thomas hồi tháng Mười, và một vụ việc hôm 09/12 trong đó lực lượng hải cảnh Trung Quốc và các tàu khác “đã sử dụng vòi rồng ít nhất tám lần” nhắm vào các tàu của Cục đánh cá Philippines vốn đang thực hiện sứ mệnh tiếp tế nhân đạo thường lệ cho bãi cạn Scarborough.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Quân Giải phóng Nhân dân và lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển do “đường chín đoạn” của họ phân định, cũng như các cuộc đối đầu leo thang với tàu và phi cơ từ các quốc gia khác, hoàn thành ba mục tiêu địa chính trị và kinh tế của ĐCSTQ trong khu vực này: giành quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tài nguyên thiên nhiên của khu vực theo điều kiện của Trung Quốc, trên thực tế nhằm đe dọa các nước láng giềng buộc phải phục tùng các mục tiêu và kế hoạch của Trung Quốc tại khu vực, đồng thời ngày càng làm tăng thêm các mối nguy hiểm tiềm tàng đối với Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh ở Tây Thái Bình Dương khi họ khai triển lực lượng quân sự — nói tóm lại, biến vùng biển bên trong chuỗi đảo đầu tiên thành “ao hồ của Trung Quốc.”
Phản ứng quốc tế
Một thông cáo báo chí của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines hôm 10/12 dẫn lời tuyên bố của Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Biển Tây Philippines lên án “các hành động vô cớ, cưỡng ép và nguy hiểm mới nhất của Trung Quốc nhắm vào đoàn luân chuyển và tiếp tế thường lệ hợp pháp của Philippin tới Bãi cạn Ayungin [Second Thomas Shoal] đã khiến mạng sống của người dân chúng tôi gặp nguy hiểm.”
Hơn nữa, tuyên bố này đặt nghi vấn về những lời kêu gọi “đối thoại hòa bình” trước đây của Bắc Kinh, lưu ý rằng các yêu sách của Philippines đối với khu vực này đã được giải quyết vào năm 2016 và yêu cầu Trung Quốc “chứng minh rằng họ là một thành viên có trách nhiệm và đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế.”
Hôm 09/12, Đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines bà MaryKay Carlson đã ngay lập tức lên án “những hành động gây hấn và phi pháp” gần đây nhất của Trung Quốc trong việc sử dụng vòi rồng tại bãi cạn Scarborough. Bà Carlson đăng trên X (trước đây là Twitter): “Hành vi này (của Trung Quốc) vi phạm luật pháp quốc tế và gây nguy hiểm đến tính mạng, sinh kế. … Chúng tôi sát cánh cùng những bằng hữu, đối tác, đồng minh Philippines của mình để ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
Hôm 06/12, G7 “đã đưa ra cảnh báo rõ ràng về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông” và tuyên bố rằng “không có cơ sở pháp lý cho việc Trung Quốc mở rộng hoạt động hàng hải” tại đó, như tờ Hoa Nam Tảo Báo đưa tin. Tuyên bố kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của trọng tài UNCLOS 2016 được đưa ra tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, trong đó “tuyên bố việc Trung Quốc khẳng định các quyền lịch sử trong đường chín đoạn là vô căn cứ về mặt pháp lý.” [phần để chữ nghiêng nhằm nhấn mạnh]
Khiếu nại của Trung Quốc về ‘chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức’
Điều này đưa chúng ta trở lại với những giọt nước mắt cá sấu của Thời báo Hoàn Cầu về cuộc chiến nhằm chiếm lĩnh nhận thức đang được G7 tiến hành nhắm vào một Trung Quốc già nua, nhỏ bé, nghèo nàn, như đã lưu ý ở phần đầu của bài bình luận này. Tuy nhiên, G7 và các quốc gia văn minh khác phản ứng bằng lời nói (không bằng vũ lực) cùng với sự lên án công khai, trong khi phe cộng sản hành động thô bạo đối với các tàu tiếp tế hòa bình và hợp pháp của Philippines.
Trung Quốc hiểu biết rất nhiều về “chiến tranh nhận thức” – một yếu tố trong khái niệm Tam chiến của ĐCSTQ, tập trung vào chiến tranh chính trị phi hỏa lực vĩnh viễn, đôi khi còn được gọi là chiến tranh thông tin và chiến tranh tâm lý. Theo Viện Hải quân Hoa Kỳ, chiến tranh nhận thức có thể được định nghĩa là “mục đích gây ảnh hưởng đến các cá nhân và nhóm cụ thể về các vấn đề chính trị” và “việc sử dụng tâm lý học… để nhắm chính xác vào các cá nhân hoặc các nhóm mục tiêu.”
Mục tiêu là “chiến thắng mà không cần giao chiến” — để thuyết phục người khác thông qua việc không ngừng sử dụng các biện pháp tuyên truyền, gây ảnh hưởng và các hành động phi hỏa lực khác rằng giải pháp của ĐCSTQ là giải pháp đúng đắn. Đó chính xác là những gì ĐCSTQ đã tiến hành trong thập niên qua trong nỗ lực thiết lập chủ quyền hoàn toàn trong “đường chín đoạn” mà họ tự xác định.
Kết luận
Thời báo Hoàn Cầu đang khiến người ta nghĩ rằng cuộc chiến tranh nhận thức mà chính Trung Quốc đang tiến hành đến từ Hoa Kỳ và các quốc gia G7, nhằm cố gắng tác động đến các kết quả về chủ quyền ở Biển Đông và Biển Tây Philippines. Thật cả gan! Việc họ sử dụng cụm từ đó là một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc cộng sản đã tiến hành chiến tranh hỗn hợp nhắm vào Hoa Kỳ nói riêng trong nhiều thập niên, như nhiều nhà quan sát Trung Quốc đã lưu ý (tại đây, đây, đây và tại đây nữa). Chiến tranh hỗn hợp đề cập đến các hoạt động phi hoả lực không theo quy ước , bao gồm cả chiến tranh nhận thức, được thực hiện để phá vỡ và vô hiệu hóa các hành động của đối thủ mà không tham gia vào các hoạt động thù địch công khai.
Việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng vi phạm luật pháp quốc tế tại bãi cạn Ayungin hoàn toàn trái ngược với sự khuyến khích nhẹ nhàng của những người ủng hộ “sự tham gia của Trung Quốc” sau hội nghị thượng đỉnh APEC tháng trước. Hành động của Trung Quốc mạnh bạo hơn lời nói của họ và thế giới sẽ gặp nguy hiểm nếu phớt lờ những hành động này. Trung Quốc không thể được tưởng thưởng bằng khoản đầu tư mới trực tiếp từ ngoại quốc trong khi tiến hành các hành động xâm lược ở Biển Đông và Biển Tây Philippines. Quốc gia nào sẽ là nạn nhân tiếp theo đánh mất lãnh thổ và kho báu nếu yêu sách đường chín đoạn của ĐCSTQ được xem là hợp lẽ? Tên của quốc gia đó bắt đầu bằng chữ “T.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times