Philippines bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh về việc ký giả bôi nhọ lực lượng hải giám Trung Quốc
Philippines cho biết các ký giả được điều động đi cùng quân đội chỉ là đang đưa ra những câu chuyện thực tế về tình hình hiện tại trong khu vực Biển Đông đang tranh chấp.
Hôm 25/02, một quan chức cao cấp của Philippines cho biết, nước này đã điều động các ký giả đi theo một con tàu làm nhiệm vụ tiếp tế tại Bãi cạn Scarborough để “đưa tin trung thực” về “sự hiện diện bất hợp pháp” của các tàu hải giám Trung Quốc ở đó.
Ông Commodore Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG), đưa ra nhận xét này sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc các ký giả có mặt trên tàu đánh cá Philippines đang cố gắng “bôi nhọ và thổi phồng” hoạt động của lực lượng hải giám Trung Quốc gần bãi cạn tranh chấp này hôm 22/02.
Cả Philippines và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền đối với bãi cạn này. Manila gọi bãi cạn này là “Bajo de Masinloc,” còn Bắc Kinh gọi nơi này là “Đảo Hoàng Nham.”
Ông Tarriela nói trên X, trước đây gọi là Twitter, “Chính phủ Philippines điều động [các ký giả] đi cùng quân đội không phải để bôi nhọ sự hiện diện bất hợp pháp, hành vi bắt nạt, và các chiến thuật khiêu khích của quý quốc ở Bajo De Mansiloc, mà để đưa tin trung thực về hiện trạng mà không có bất kỳ thiên kiến hay ảnh hưởng nào.”
Ông khẳng định cam kết của đất nước mình trong việc duy trì nền tự do báo chí, nói rằng Philippines “cho phép các ký giả thực hiện quyền và trách nhiệm của họ trong việc đưa tin tức chính xác đến công chúng.”
Quan chức PCG cho biết: “Điều này có nghĩa là bất cứ điều gì họ đưa ra cho công chúng đều là những câu chuyện có thật chứ không phải do chính phủ áp đặt.”
Bãi cạn Scarborough, một đảo san hô ở Biển Đông, là một phần của Quần đảo Trường Sa, nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 560 dặm và cách Philippines 250 dặm. Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên đã quy định các khu vực biển nằm trong phạm vi 200 hải lý (230 dặm) tính từ đường cơ sở của các quốc gia ven biển là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Hôm 22/02, Lực lượng Hải giám Trung Quốc tuyên bố họ đã xua đuổi một tàu của Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Philippines (BFAR) vì tội “xâm phạm trái phép” vào vùng biển của nước này gần Bãi cạn Scarborough.
Tàu BFAR nói trên, được gọi là BRP Datu Sanday, dường như cũng chính là con tàu chở các ký giả trong nhiệm vụ tiếp tế vào ngày 22/02.
Ông Tarriela nói rằng lời quy trách nhiệm của Trung Quốc là “không chính xác.” Ông cho biết tàu BFAR đang cung cấp nhiên liệu cho các tàu đánh cá Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines thì bị tàu Trung Quốc tiếp cận.
“Chúng tôi không giống như Trung Quốc sử dụng tàu đánh cá như một phần của chiến thuật vùng xám nhằm thay đổi hiện trạng ở khu vực Biển Tây Philippines,” ông nói trên X, sử dụng tên gọi chính thức mà chính phủ Philippines dành cho khu vực này của Biển Đông.
PCG tuyên bố rằng ít nhất bốn tàu Trung Quốc đã bám sát tàu BFAR, gây nhiễu bộ thu phát tín hiệu của tàu, và thực hiện “các hành động di chuyển nguy hiểm.” Theo AFP, có thời điểm, ba trong số các tàu Trung Quốc đã đến áp sát, chỉ cách mũi tàu nội trong phạm vi 100 mét (khoảng 328 feet).
Bản tin có sự đóng góp của Jon Sun và Michael Zhuang
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times