David bé nhỏ đấu với gã khổng lồ Goliath ở Biển Đông
Câu chuyện trong Kinh thánh về David đấu với Goliath đang được tái hiện trên quy mô rộng hơn ở Biển Tây Philippines. Người mới nổi lên Philippines đang bóp mũi gã khổng lồ cộng sản Trung Quốc và không lùi bước lấy một li nào. Philippines có luật pháp quốc tế và dư luận thế giới đứng về phía họ (trừ những quốc gia bị Bắc Kinh bắt làm nô dịch).
Chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề này.
David đấu với Goliath
Thiên anh hùng ca về cuộc chiến vũ trang kéo dài một phút giữa David bé nhỏ của Israel và gã khổng lồ Goliath người Philistine được thuật lại trong Chương 17 của Sách Samuel đầu tiên trong Kinh thánh. Phần chính của câu chuyện được truyền tải ở câu 49 và 50 khi hai dũng sĩ đấu tay đôi để quyết định số phận của hai đội quân được tập hợp: “Cho tay vào túi lấy ra một hòn đá, chàng ném hòn đá đập trúng vào trán tên Philistine. Viên đá đã cắm vào trán hắn ta, khiến hắn ngã úp mặt xuống đất. Vậy là David đã giành chiến thắng trước gã Philistine bằng cái ná và một hòn đá; không một thanh gươm nào trong tay, chàng đã hạ gục tên Philistine và hạ sát hắn.”
Câu chuyện này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, với lời răn đạo đức là: Khi một người được Thiên Chúa ban cho sức mạnh, thì không có kẻ thù nào là thực sự không thể bị đánh bại — bất kể kẻ thù đó có thể “to lớn” hay bệ vệ đến mức nào. Có phải chỉ là ngẫu nhiên khi Philippines là một quốc gia của những tín đồ (và với việc Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. hòa giải với Giáo hội Công Giáo) trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (và lãnh đạo Tập Cận Bình) về bản chất là đi theo vô thần luận và không tin Thần? Tôi nghĩ là không ngẫu nhiên.
Liệu “quyền” — như được thể hiện qua phán quyết của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 2016 trao quyền tài phán hàng hải đối với khu vực tranh chấp ở Biển Đông cho Philippines — sẽ chiến thắng “sức mạnh” — như những gì Quân Giải phóng Nhân dân, Hải quân, và Hải Cảnh Trung Quốc tuyên bố không?
Câu trả lời đó còn tùy vào các đồng minh của Philippines, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Áp lực từ ĐCSTQ ngày càng tăng
Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines mà không bị trừng phạt. Những người cộng sản đã dành hơn một thập niên để mở rộng và củng cố sự kiểm soát lãnh thổ và quân sự của họ đối với toàn bộ khu vực tranh chấp này, gồm Đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), Bãi cạn Scarborough, và ba đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa, cùng với Đá Vành Khăn. Hồi tháng 12/2023, FPRI đã đăng một bài báo cho biết Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, lưu ý rằng “các dự án xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây phương hại sâu sắc đến nền kinh tế Philippines. … Hoạt động xây dựng của Trung Quốc, chẳng hạn như hút trầm tích từ đáy biển để hình thành các hòn đảo mới, gây thiệt hại rất lớn cho sinh vật biển và cản trở các tàu đánh cá của Philippines.”
Các tàu Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực kiểm soát hàng hải theo thời gian. Các hành vi quấy rối của họ trên biển bao gồm một vụ can thiệp nhiệm vụ tiếp tế thường lệ của tàu Philippines tới tiền đồn của họ trên Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas), cho 48 tàu đánh cá Trung Quốc tràn vào Đá Khúc Giác (Rạn san hô Iroquois) và quấy rối ngư dân Philippines, cũng như việc dân quân hàng hải Trung Quốc tông vào tàu hải cảnh Philippines trong lúc tàu này đang trên hành trình tiếp tế thường lệ của Philippines tới Bãi Cỏ Mây hồi tháng Mười năm ngoái.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lặp lại luận điệu của ĐCSTQ, trong đó Trung Quốc tuyên bố rằng “việc vận chuyển vật liệu xây dựng bất hợp pháp của Philippines tại Bãi Cỏ Mây là dựa trên nhu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chứ không phải vì những cân nhắc về địa chính trị.” Xằng bậy! Như Hội đồng Quan hệ Đối ngoại đã báo cáo khi Tòa án La Hay đưa ra phán quyết hồi năm 2016, “Hội đồng nhận thấy rằng các yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử bên trong đường chín đoạn mà Bắc Kinh sử dụng để phân ranh giới cho các yêu sách của mình ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.”
Truyền thông Trung Quốc đã đăng các tiêu đề ngày càng chói tai:
Thời báo Hoàn cầu (Global Times) đưa tin hôm 18/01: “Với sự dối trá, Philippines bộp chộp tự coi mình là bia đỡ đạn của Hoa Kỳ.”
Trung Quốc Nhật báo (China Daily) đưa tin hôm 11/01: “Liệu Manila sẽ ngừng gây rắc rối vào năm 2024?”
Thời báo Hoàn cầu đưa tin hôm 21/12: “Philippines kêu gọi hành động thận trọng, hợp lý ở Biển Đông.”
Philippines hành động một cách đĩnh đạc
Theo báo cáo của MSN, hôm 10/12/2023, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP), Tướng Romeo Brawner Jr., đã tham gia một nhiệm vụ tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây (Ayungin trong tiếng Philippes) và “có mặt trên tàu Unaizah Mae 1 khi tàu tiếp tế này bị tàu Hải Cảnh Trung Quốc tông vào.” Các tàu Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng và “các ‘thiết bị âm thanh’ không xác định [mà] được cho là đã gây ra ‘sự khó chịu nghiêm trọng tạm thời’ đối với các thủy thủ đoàn Philippines.” Tướng Brawner đã trợ giúp cho Tư lệnh Lực lượng vũ trang của Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines, Phó Đô đốc Alberto Carlos, khi tàu này cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, và nâng cao tinh thần để binh sĩ phấn chấn hơn trên tàu Sierra Madre.
Sau vụ va chạm, Manila đã đệ trình các phản đối ngoại giao mới về vụ việc và triệu tập đại sứ Trung Quốc đồng thời xem xét kêu gọi trục xuất đại sứ Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) hoặc tuyên bố ông Hoàng là “nhân vật không được hoan nghênh.”
Hôm 15/01, tướng Brawner công bố ý định phát triển và thiết lập sự hiện diện cố định của Philippines trên chín hòn đảo trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, trong đó có Ayungin (Bãi Cỏ Mây, hay Bãi cạn Second Thomas) và đảo Thị Tứ (Thitu Island).
Hôm 17/01, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro “đã cáo buộc một quan chức Bộ ngoại giao Trung Quốc xúc phạm Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.” và hạ mình “nói những câu hèn mọn và xúc phạm” bằng cách khuyên ông Marcos “đọc thêm sách” để hiểu rõ hơn về tình hình Đài Loan, theo Reuters. Những câu sỉ nhục này là màn đáp trả trước lời chúc mừng của ông Marcos dành cho ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), tổng thống mới được bầu một cách dân chủ của Đài Loan, trong đó ông Marcos đề cập đến lợi ích chung của Đài Loan và Philippines.
Hễ khi nào một nguyên thủ quốc gia gọi nhà lãnh đạo Đài Loan là “tổng thống” thì những người cộng sản này lại điên tiết lên, bởi vì họ cho rằng Đại Trung Hoa chỉ có một vị tổng thống duy nhất — ông Tập Cận Bình. Lời chúc mừng của ông Marcos dành cho ông Lại chẳng khác gì một lời nhắc nhở rõ ràng rằng Tổng thống Philippines đã công khai tuyên bố: Tương lai của Đài Loan và Philippines gắn chặt với nhau trong một cuộc xung đột có thể xảy ra ở Eo biển Đài Loan, như Nikkei Asia đưa tin hồi tháng 02/2023.
Sự trợ giúp từ đồng minh
Chàng David mà ai cũng biết (Philippines) đang củng cố mối quan hệ với các đồng minh trong khu vực để đẩy mạnh sự trợ giúp trong các cuộc xung đột đang tiếp diễn với gã khổng lồ Goliath (Trung Quốc).
Hồi tháng 11/2023, ông Teodoro loan báo rằng Philippines và Nhật Bản đã bắt đầu đàm phán một “thỏa thuận tiếp cận song phương” cho phép khai triển các lực lượng quân sự trên lãnh thổ của đôi bên. Thỏa thuận này nhằm mục đích cung cấp sự giúp đỡ lẫn nhau trong các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, theo Reuters.
Hôm 20/12, ông Teodoro thông báo rằng hệ thống radar trên không do Nhật Bản chế tạo đã đi vào hoạt động trên đảo Luzon tại Căn cứ Không quân Clark. Địa điểm đặt radar nằm cách bãi cạn Scarborough khoảng 190 dặm (~ 306km) và có khả năng giám sát và cảnh báo các hành vi xâm nhập vào không phận Philippines trong phạm vi 300 dặm (~ 483km).
Indonesia và Philippines đang tham gia vào các cuộc thảo luận ngoại giao cao cấp. Hôm 10/01, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có một chuyến thăm cấp quốc gia. Trong chuyến công du, ngoại trưởng hai nước đã gặp nhau tại Manila để thảo luận về việc tăng cường hợp tác quốc phòng, gồm cả tuần tra an ninh biên giới chung.
Thắt chặt mối bang giao với Hoa Kỳ
Vào tháng 02/2023, Viện Hải quân Hoa Kỳ cho biết rằng, số trại quân sự mà quân đội Hoa Kỳ sẽ đóng quân và đặt thiết bị của họ ở Philippines theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) đã tăng lên chín.
Đến tháng 05/2023, “Hướng dẫn Phòng thủ Song phương” giữa Hoa Kỳ và Philippines đã được công bố tập trung vào việc hiện đại hóa khả năng phòng thủ của Philippines, cải thiện khả năng trao đổi thông tin của các lực lượng quân sự, tăng cường dự trù và chia sẻ thông tin song phương, đồng thời đóng góp vào an ninh toàn cầu thông qua các mối quan hệ đối tác đồng minh.
Hôm 10/12/2023, để đáp trả việc Trung Quốc phun vòi rồng vào các tàu Philippines, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức “[tái khẳng định] rằng Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ Chung Hoa Kỳ-Philippines năm 1951 mở rộng đến các cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công cộng, hoặc phi cơ của Philippines — gồm cả những tàu và phi cơ của Lực lượng Tuần duyên — ở bất kỳ nơi nào trên Biển Đông.”
Hôm 11/01 vừa qua, Reuters đưa tin rằng 39 triệu gallon nhiên liệu đã được chuyển từ Hawaii đến căn cứ hải quân cũ của Hoa Kỳ tại Vịnh Subic với sự phối hợp của chính phủ Philippines.
Kết luận
Chàng David (Philippines) đã không lùi bước trước gã khổng lồ Goliath (Trung Quốc cộng sản) trong các cuộc tranh chấp đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Phán quyết của UNCLOS 2016 là một món vũ khí lợi hại trong kho vũ khí của Philippines. Tổng thống Marcos Jr. đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đồng minh trong khi hiện đại hóa quân đội Philippines và soạn thảo các kế hoạch thiết lập sự hiện diện thường trực trên chín hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông, hơn nữa, các đồng minh trong khu vực đang cho thấy họ ủng hộ [Philippines] khi nước này đối mặt với các áp lực ngoại giao và hàng hải không ngừng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ và Nhật Bản cần đứng vững bên cạnh đồng minh trung thành của họ là Philippines. Sự hậu thuẫn lẫn nhau từ Indonesia, Đài Loan, và các nước khác trong khu vực cũng rất đáng hoan nghênh!
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times