‘Thời điểm để thức tỉnh’: Người Úc Kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp nhóm đức tin kéo dài 23 năm
Đã đến lúc xã hội Úc phải thức tỉnh và lên án một chính quyền cộng sản đàn áp người dân chỉ vì đức tin của họ.
Đây là điều mà ông Paul Folley, tổng giám đốc tổ chức TFP của Úc (Truyền thống, Gia đình và Gia sản), nhấn mạnh khi diễn thuyết tại một buổi mít tinh ở Sydney hôm 08/07 kỷ niệm 23 năm kể từ ngày chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Ông Folley đang kêu gọi tất cả người dân Úc đứng lên và ngăn chặn hành động tàn bạo này của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vốn đã kéo dài hơn hai thập niên.
Ông nói: “Chúng ta vẫn đối đãi với chính quyền này như một thói quen thông thường, dẫu họ là một chính quyền [thường gây] khó dễ, và là một đối tác kinh doanh.
“Tôi rất hổ thẹn khi nói rằng sự việc này vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày hôm nay và thậm chí vẫn còn đang được Chính phủ Úc thực hiện.”
“Đây là lúc đỉnh điểm, lẽ ra chúng ta phải chấm dứt điều trái luân thường này rất lâu rồi.”
“Đã đến lúc nước Úc phải tỉnh thức. Đã đến lúc lương tâm của chúng ta với vai trò là một xã hội phải thức tỉnh, bởi vì thái độ của chúng ta đối với những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, đối với cuộc bức hại Pháp Luân Công và những người khác, phản ánh thái độ của chúng ta đối với nhau, như những người Úc. Điều đó phản ánh tính nhân văn của chính chúng ta.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng tại Trung Quốc vào năm 1992 và ngày càng trở nên phổ biến nhờ các bài công pháp nhẹ nhàng, khoan thai và các bài giảng đạo đức xoay quanh các nguyên lý “chân, thiện và nhẫn.”
Theo ước tính chính thức, khoảng 70 đến 100 triệu học viên theo học pháp môn này vào cuối thập niên đó.
Cho rằng sự phổ biến đó là một mối đe dọa, nên kể từ ngày 20/07/1999, Giang Trạch Dân, lãnh đạo đương thời của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bắt đầu một chiến dịch đàn áp trên toàn quốc nhằm xóa bỏ môn tu luyện này và những người theo học.
Kể từ đó, rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ, cầm tù, tra tấn, và thậm chí bị thu hoạch nội tạng sống vì không từ bỏ đức tin của họ.
Cuộc đàn áp này vẫn tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc dựa trên chính sách diệt chủng hàng loạt nhằm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.” Theo trang Minh Huệ Net, một trang web chuyên đưa tin tức về cuộc bức hại này, chỉ trong nửa đầu năm 2022, có đến 92 học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bức hại và đã qua đời, trong đó có 37 nam và 55 phụ nữ, người lớn tuổi nhất đã 89 tuổi.
Giáo sư luật danh dự: Thu hoạch nội tạng cưỡng bức là điều đáng hổ thẹn
Ông David Flint AM (Order of Australia), giáo sư luật danh dự và cựu chủ tịch Hội đồng Báo chí Úc (Australian Press Council) đã lên án tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ và kêu gọi các chính phủ có lập trường mạnh mẽ chống lại hành vi tàn bạo như vậy.
“Đây là những gì mà ĐCSTQ đang làm với chính người dân của họ. Họ là những người có sức khỏe rất tốt,” ông Flint nói.
“Đây là một thủ đoạn đáng hổ thẹn.”
“Tuy nhiên, có một số người, các chính trị gia, dường như ủng hộ cho chính quyền cộng sản mua một số tài sản tốt nhất của chúng ta, và họ sẽ không giải quyết điều khủng khiếp này đang xảy ra ở Trung Quốc.”
“Các chính phủ trên khắp thế giới không chỉ nên ngồi lại mà thậm chí cần tổ chức những buổi hội nghị với các nhà độc tài đến từ Bắc Kinh. Họ nên nhấn mạnh đây là một điều kiện để tiếp tục các hoạt động liên quan đến chính quyền cộng sản này: Tại Bắc Kinh, họ phải chấm dứt cuộc đàn áp khủng khiếp này.”
Nhà chính trị quốc gia: Pháp Luân Công giúp thúc đẩy các giá trị đạo đức
Ông Hon Fred Nile MLC nghị viên New South Wales, đã gửi một lá thư ủng hộ buổi mít tinh, nói rằng các nguyên tắc “chân, thiện và nhẫn” của Pháp Luân Công đã thúc đẩy đạo đức trong một xã hội ngày càng thiếu nhận thức về tâm linh.
Bà Silvana Nero, phu nhân của ông Nile, đã thay mặt ông ấy đọc lá thư tại buổi mít tinh.
Ông Nile đánh giá cao Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp của Úc (Falun Dafa Association of Australia) và các học viên Pháp Luân Công vì những nỗ lực không mệt mỏi của họ nhằm phơi bày cuộc bức hại đang diễn ra.
Ông Nile viết: “Quyền tự do ngôn luận và tôn giáo là quyền được Thượng đế ban [cho con người]. Nếu Thượng đế muốn chúng ta có những quyền tự do đó thì không ai có quyền tước đi các quyền tự do đó của chúng ta.”
Vị nghị viên này cho biết ông đã lên án ĐCSTQ vì cuộc đàn áp Pháp Luân Công trong suốt hai thập niên qua.
“Miễn là tôi vẫn còn có một diễn đàn thì tôi sẽ vẫn tiếp tục làm điều này,” ông viết.
Mặc dù các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân trực tiếp của cuộc bức hại này, nhưng trên thực tế, toàn bộ xã hội Trung Quốc đều trở thành nạn nhân, Tiến sĩ Lucy Triệu (Lucy Zhao), chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc nói với the Epoch Times.
Bà Triệu cho biết: “Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, ĐCSTQ đang thúc đẩy sự giả dối, tà ác và tranh đấu (đối lập hoàn toàn với nguyên lý chân, thiện, nhẫn).
“Hậu quả là đạo đức xã hội trượt dốc nhanh chóng, quan chức tham nhũng, thói đạo đức giả, tà ác, và sự tranh giành ngày càng phổ biến.”
Bà viện dẫn hai ví dụ gần đây, trường hợp một người phụ nữ bị xích tại Trung Quốc và một vụ đánh đập ở Đường Sơn là phần nổi của tảng băng về sự suy đồi đạo đức trong xã hội Trung Quốc.
“Trong một xã hội như vậy, người dân không có cảm giác an toàn, không có tự do, không có đức tin và tất cả mọi người đều chăm chăm vào tiền bạc. Vì tiền, bất cứ điều xấu xa nào cũng dám phạm,” bà bày tỏ.
“Người ta không tin tưởng nhau, cho đến cuối cùng, xã hội này không còn một tia hy vọng nào cả.”
Vị chủ tịch này nói rằng chỉ bằng cách ngăn chặn cuộc bức hại Pháp Luân Công và khuyến khích mọi người hành xử theo “chân, thiện và nhẫn” thì Trung Quốc sẽ có thể phục hồi, thịnh vượng và có tương lai.
Nhà hoạt động Trung Quốc: Các học viên Pháp Luân Công đã tỉnh thức thế giới bằng lòng dũng cảm
Ông Nathan Hứa (Nathan Hsu), một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, đã ca ngợi lòng dũng cảm của các học viên Pháp Luân Công khi phải đối mặt với cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ.
“Trong 23 năm, các học viên Pháp Luân Công đã không lùi bước trước sự đàn áp và bức hại tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở hải ngoại, các học viên Pháp Luân Công đã tạo ra một loạt các kênh truyền thông như The Epoch Times và New Tang Dynasty TV, liên tục phơi bày cuộc bức hại người Trung Quốc của ĐCSTQ,” ông Hứa cho biết.
“Các học viên Pháp Luân Công đã thể hiện sự dũng cảm không sợ hãi trong việc loan truyền sự thật và nỗ lực to lớn để thức tỉnh những người dân Trung Quốc đang say ngủ, đồng thời thúc đẩy Trung Quốc tiến tới tự do và dân chủ.”
Nhà hoạt động này đã viện dẫn một loạt các mối lo ngại về nhân quyền mà ĐCSTQ đã vi phạm, bao gồm việc đối xử với những người theo đạo Công Giáo tại gia, những người bất đồng chính kiến, các luật sư nhân quyền ở Trung Quốc; các trại tập trung ở Tân Cương, và Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi được thông qua ở Hồng Kông.”
“Trong ba năm qua, virus ĐCSTQ đã ảnh hưởng đến toàn nhân loại và hàng triệu người đã thiệt mạng vì chủng virus này. ĐCSTQ đã gây ra những tội ác phản nhân loại trong 100 năm cai trị của mình,” ông Hứa cho biết.
“Chỉ khi nào ĐCSTQ bị lật tẩy thì cuộc bức hại mới chấm dứt, và mọi người sẽ có quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng.”
Chuyên gia luật: Kiên định sẽ chiến thắng
Luật sư người Úc Sophie York, một giảng viên luật nhân đạo quốc tế và là giảng viên tại Đại học Sydney nói rằng, sự kiên định của các học viên Pháp Luân Công cuối cùng sẽ được đền đáp xứng đáng.
Bà York viết trong một lá thư ủng hộ rằng: “Ngày hôm nay tràn ngập nỗi buồn, đúng vậy.”
“Nhưng sự quyết tâm, [là] trên hết!” “Sự kiên định của quý vị, cuối cùng, cũng sẽ chiến thắng.”
Bà York cũng đề cập rằng Trung Quốc hiện đang thông qua luật cấm chỉ trích, (điều mà họ gọi là ‘xúc phạm’). Việc tụ họp và nói ra [sự thật] của tất cả những người ở đây ngày hôm nay là điều cao cả và dũng cảm.
Bà viết: “Tất cả những ai lên tiếng đều có thể cảm thấy an ủi bởi vì có một sự thật rằng, chỉ có các cá nhân và chế độ bất ổn, yếu hèn mới ngăn cấm việc phê bình và chỉ trích.”
“Tương tự như tất cả những người hoạt động thể thao và tất cả những người đạt thành tích cao trong bất kỳ lĩnh vực cần sự nỗ lực nào, hãy biết rằng: sự phê bình có cơ sở là điều dẫn đến sự cải thiện và thành công. Loại bỏ sự phê bình sẽ dẫn đến thất bại.”
Chuyên gia luật này kết thúc bức thư với những lời chúc tốt đẹp nhất gửi đến các học viên Pháp Luân Công:
“Quý vị có sự ủng hộ của tôi, và sự ủng hộ của vô số những người văn minh trên khắp thế giới. Quý vị đừng bao giờ bỏ cuộc!!”
Vào buổi tối, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm dưới ánh nến để tưởng nhớ các học viên Pháp Luân Công bị bức hại tới mức mất đi sinh mạng tại Trung Quốc.
Bài viết có sự đóng góp của Rachel Qu.
BTV The Epoch Time tại Sydney