Cuộc diễn hành của Pháp Luân Đại Pháp ở Melbourne là một sự chứng nhận cho biểu tình ‘ôn hòa’
MELBOURNE, Úc — Giữa các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 09/07 tại một thành phố từng được mệnh danh là “đáng sống nhất”, có một đoàn biểu tình nổi bật trong khung cảnh hỗn loạn, mang đến cho người dân địa phương một thông điệp hòa bình.
Thông điệp đó là “Pháp Luân Đại Pháp Hảo”.
Mục đích của cuộc diễn hành, vẫn bất biến kể từ ngày 20/07/1999, là: tưởng nhớ các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã phải chịu đựng thống khổ và mất đi sinh mạng của mình trong cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nâng cao nhận thức cho người dân về những hành vi tàn bạo đang xảy ra đối với các học viên ở Trung Quốc ngày nay, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ để chấm dứt cuộc bức hại này.
Pháp Luân Đại Pháp, còn gọi là Pháp Luân Công, là một pháp môn tu luyện cổ xưa của Phật gia gồm các bài công pháp nhẹ nhàng và một bộ bài giảng dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Xuống đường để nâng cao nhận thức
Bắt đầu từ khu Treasury Gardens ở Melbourne, nhóm Pháp Luân Đại Pháp được dẫn đầu bởi Thiên Quốc Nhạc Đoàn trong một đoàn diễn hành theo sau là các xe hoa, đội trống lưng, các nghệ sĩ múa quạt, các tấm biểu ngữ, các học viên biểu diễn các bài công pháp nhẹ nhàng, cũng như những phụ nữ trong trang phục màu trắng cầm trên tay các vòng hoa tưởng niệm những người bị tước đi sinh mạng ở Trung Quốc.
Các biểu ngữ có nội dung: “23 Năm Bức Hại Phải Kết Thúc Ngay Bây Giờ”, “Pháp Luân Đại Pháp dạy Chân, Thiện, Nhẫn” và “Giải Thể Đảng Cộng Sản, Cứu Vãn Nhân Tính”.
Khi nhóm Pháp Luân Đại Pháp diễn hành dọc theo đường Spring Street, xuống Khu Phố Tàu dọc theo đường Little Bourke Street, qua Swanston Street và sau đó kết thúc tại Quảng trường Liên bang, họ đã được chào đón và khích lệ bởi người đi đường cũng như các chủ doanh nghiệp và khách hàng tò mò khi nhịp điệu rộn ràng và giai điệu của dàn nhạc vang lên qua các tuyến phố.
Cuộc tuần hành ôn hòa này cũng khiến một số thành viên của Lực lượng Cảnh sát Victoria cảm động, trong đó một sĩ quan bày tỏ với một phóng viên của đài truyền hình NTD rằng đây là “ví dụ điển hình về cách thức tiến hành một cuộc tuần hành hòa bình.”
Just passed Parliament House, #Melbourne. A police officer just told me this is a an example of how protests should he conducted "peaceful". #Falungong parade pic.twitter.com/Z0yWkid94M
— Alex Joseph (@alexcjoseph1) July 9, 2022
Cuộc tuần hành ôn hòa này hoàn toàn trái ngược với các cuộc biểu tình gần đây ở Melbourne, vốn chứng kiến các cuộc đụng độ bạo lực nổ ra giữa các nhóm với nhau cũng như với các sĩ quan Cảnh sát Victoria.
Trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times, Cảnh sát Victoria cho biết mặc dù có sự hiện diện rõ rệt của cảnh sát trong ngày 09/07 để “duy trì trật tự công cộng, bảo đảm an toàn cho cộng đồng và ngăn chặn các vụ phá rối nền hòa bình” vì ngày hôm đó có nhiều cuộc tuần hành và biểu tình đã được lên kế hoạch, “không có vấn đề gì liên quan đến cuộc diễn hành của Pháp Luân [Công].”
‘Giảm bớt và khắc phục’ cuộc đàn áp tàn khốc của ĐCSTQ
Kể từ ngày 20/07/1999 — ngày cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân ban hành lệnh cấm đối với Pháp Luân Đại Pháp — hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù và cơ sở giam giữ trên khắp đất nước, nơi họ bị tra tấn và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Theo bà Katrina Lantos Swett, cựu chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức các học viên Pháp Luân Công nên là trọng tâm khi đề cập đến các vấn đề nhân quyền với Trung Quốc.
Bà Swett nói với chương trình “China Insider” (“Nội Tình Trung Quốc”) của EpochTV: “Trước hết, chúng ta cần tập trung vào việc này, [bởi vì] đó là một trong những tội ác kinh khủng nhất mà quý vị có thể hình dung.”
“Hơn nữa chuyện này là một thực tế không thể phủ nhận. Đó là điều mà người ta khi nghe đến [sẽ cảm thấy] choáng váng và ghê sợ.”
Trình bày tại cuộc biểu tình tại Quảng trường Liên bang, ông Gerard Flood đến từ Đảng Lao Động Dân Chủ (DLP) đã đưa ra một số giải pháp cho người dân Úc.
Ông nói: “Đầu tiên chúng ta phải nắm lấy cơ hội để lên án và phủ nhận tràng xảo ngôn và lừa dối của ĐCSTQ và các đặc vụ của họ.”
Thứ hai, ông Flood đề nghị bắt đầu một chiến dịch để áp dụng “một yêu cầu mới trong quản trị doanh nghiệp” đối với các tổ chức, thể chế, cơ quan, và tổ chức hợp tác, “để bảo đảm họ tách rời và được cách khai khỏi bất kỳ sự đồng lõa và liên đới nào đến tội ác phản nhân loại của ĐCSTQ, bao gồm cấy ghép nội tạng, lao động cưỡng bức, nô lệ, tra tấn, đàn áp chính trị và diệt chủng.”
Ông Flood nói, “Chương trình này nhằm mục đích và sẽ thiết lập trách nhiệm y tế một cách đúng đắn, yêu cầu các tổ chức và các chuyên gia liên quan đến cấy ghép phải tôn trọng nhân quyền để ngăn chặn các hành vi lạm dụng nghiêm trọng và bất kỳ hành động bất chính nào.”
“Vì lợi ích của hòa bình thế giới và cấp bách nhất là vì để giảm bớt và khắc phục cuộc bức hại tàn khốc của ĐCSTQ, ĐCSTQ phải và sẽ bị giải thể.”
Thỉnh nguyện lên chính phủ
Cũng trình bày tại cuộc biểu tình còn có Nghị viên Úc David Limbrick, thuộc Đảng Dân Chủ Tự Do, người đã kêu gọi người dân Úc lắng nghe câu chuyện của những người bị mất quyền tự do từ các quốc gia khác để “hiểu rõ hơn tại sao chúng ta có quyền tự do này và tại sao chúng ta muốn bảo vệ những quyền ấy trước tiên.”
Ông Limbrick nói, “Tôi muốn khen ngợi tất cả những người đã dũng cảm đứng lên bảo vệ quyền tự do tôn giáo, và nhiều người đã mạo hiểm tính mạng để lên tiếng ủng hộ những người bị bức hại như các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc, và những người đến Úc và coi Úc như quê hương để thoát khỏi cuộc bức hại, tôi hoan nghênh quý vị.”
Trong số những người đã đến Trung Quốc để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp có anh Jarrod và cô Emma Hall. Cả hai người này, vào tháng 03/2001, đã đến Quảng trường Thiên An Môn để kháng nghị.
“Lý do tại sao tôi đến đó là vì ở trường tôi luôn được học về những hành động tàn bạo xảy ra ở Đức vào những năm 1940 và những điều khác đã xảy ra trên khắp thế giới như nạn diệt chủng ở Rwanda và vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn,” anh Jarrod nói.
“Tôi luôn nghĩ về việc nếu mình ở đó, liệu mình có phải là người sẽ làm điều đúng đắn, hay mình sẽ là người chỉ quan tâm đến bản thân, cúi đầu và không làm bất cứ điều gì về những điều khủng khiếp đang xảy ra.”
Khi anh Jarrod và cô Emma có cơ hội đến Quảng trường Thiên An Môn vào năm 2001, anh Jarrod nói rằng đây là dịp để anh làm “điều đúng đắn”.
“Quyết định đó là vào phút chót, nhưng việc đứng trên Quảng trường Thiên An Môn vẫn là một ký ức rõ ràng và sống động trong tôi,” anh nhớ lại.
“Tôi đứng trên Quảng trường Thiên An Môn, và tôi có thể nhìn thấy bức ảnh của Chủ tịch Mao, và tôi không cảm thấy mình giống như một du khách.”
“Và tôi nghĩ về tất cả các học viên (Pháp Luân Công) Trung Quốc đã hy sinh tính mạng của họ, hy sinh sự tự do của họ, hy sinh sức khỏe của họ để đứng lên vì nhân quyền, và tôi biết rằng là một người phương Tây, tôi có hy sinh bao nhiêu thì cũng không sao sánh nổi với họ.”
Sau đó, anh Jarrod và cô Emma đã cùng nhau kéo ra một tấm biểu ngữ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp Hảo” (Pháp Luân Đại Pháp là Tốt), dòng chữ này cũng được thêu lên cổ áo khoác của họ.
“Việc này cũng không phải là nhiều, nhưng đó là một trong những việc tôi đã làm được trong đời mà tôi cảm thấy tự hào nhất,” anh Jarrod nói và cho biết thêm rằng những việc làm của anh cũng sẽ để lại tiếng thơm cho những thế hệ mai sau của anh.
Nhân chứng của cuộc bức hại
Cô Angel, một học viên Pháp Luân Công Trung Quốc đến từ Thẩm Dương, nói về việc cô bị bức hại như thế nào sau khi đến Quảng trường Thiên An Môn kháng nghị vào tháng 07/2000 cùng với ba học viên khác.
Chỉ trong vài giây sau khi thỉnh nguyện, họ đã bị cảnh sát bắt đi.
Sau đó vào năm 2001, cô Angel bị bắt cóc bất hợp pháp và đưa đến một lớp tẩy não.
Cô kể lại, “Tôi đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại, và một vài người đã đè tôi lên ghế để bức thực tôi. Khi họ rút ống ra, có máu trên đó. Sau khi tuyệt thực, huyết áp của tôi rất thấp nên họ yêu cầu người nhà đến chở tôi về.”
Sau một đợt bức hại khác vào tháng 03/2004 khiến cô gần như trên bờ vực sinh-tử, cô Angel sau đó đã đến Úc để thoát khỏi cuộc bức hại của ĐCSTQ.
Cô tâm sự, “Tại sao tôi và gia đình tôi phải chịu nhiều đau khổ như vậy chỉ vì tôi tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Khi nào thì tôi có thể đi làm, học Pháp (các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp) và luyện công trong yên bình như một người bình thường? Ở Trung Quốc, tự do tín ngưỡng là một đặc quyền — một thứ xa xỉ.”
Trong số các diễn giả khác tại cuộc biểu tình có ông Phàn Tuệ Cường (Fan Huiqiang) đến từ Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc Chi nhánh Victoria, cựu chủ tịch Hội đồng Công dân Quốc gia Peter Westmore, biên tập viên Thời báo Thiên An Môn đồng thời là chủ tịch Đảng Dân Chủ Trung Quốc của Úc Nguyễn Kiệt (Ruan Jie), và diễn giả Trung Quốc Cao Kiện (Gao Jian). Các quan chức khác không thể diễn thuyết tại cuộc biểu tình nhưng đã gửi thư ủng hộ gồm có ông Bernie Finn đến từ Đảng Lao Động Dân Chủ và Thượng nghị sĩ Jordan Steele đến từ Đảng Xanh của Úc.
Ông Henry Jom là một phóng viên đóng tại Úc, chuyên đưa tin tức địa phương của Úc. Liên lạc với ông ấy tại [email protected].