‘Bài học giáo huấn cho người Hồng Kông: Đừng nói về dân chủ và nhân quyền’
Các học giả phản bác: Vậy chúng ta nên nói về điều gì đây? Nói về chế độ độc tài ư?
Bà Phạm Từ Lệ Thái (Rita Fan Tsui Lai-tai), một thành viên của cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ, đã nhìn lại quãng thời gian 25 năm kể từ khi Hồng Kông được bàn giao cho Trung Quốc và khẳng định: “25 năm qua đã dạy cho chúng ta một bài học vô giá. Bài giáo huấn này dạy cho tất cả người dân Hồng Kông rằng đừng nói về dân chủ và nhân quyền thêm một lần nào nữa.”
Khi bà vừa lên tiếng, các học giả đã lập tức phản bác lại “bài giáo huấn” của bà Phạm: Nếu chúng ta không nói về dân chủ nữa, vậy thì chúng ta nên nói về điều gì đây? Nói về chế độ độc tài ư?
Ông Triệu Tử Dương, cựu Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từng nói rằng Hồng Kông đương nhiên phải được quản lý bằng dân chủ.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Thương mại Hồng Kông, bà Phạm đã nói lên suy nghĩ của mình rằng các quyền lợi căn bản mà người Hồng Kông mong muốn có được đó là làm nhiều hưởng nhiều làm ít hưởng ít, có mức thù lao tương xứng với công sức họ bỏ ra, có một cuộc sống ổn định, và thậm chí có thể có được một chút dư giả. Bà tiếp tục, “Nếu chúng ta thậm chí không thể đạt được điều đó, thì nói về dân chủ nào có tác dụng gì.”
Người dân Hồng Kông hiện đã đi được nửa chặng đường của cái gọi là “50 Năm Không Thay Đổi”. Giáo sư Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), cựu giáo sư trợ lý tại Khoa Khoa học Ứng dụng Xã hội thuộc Đại học Bách khoa Hồng Kông, và Phó Giám đốc điều hành PORI, Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông, đã tranh luận về những gì bà Phạm nói. Ông Chung nhớ lại rằng phát triển dân chủ là yêu cầu của người dân Hồng Kông mấy chục năm qua.
“Các tổ chức khác nhau đã gây áp lực cho chính phủ Hồng Kông và yêu cầu quản trị nguồn mở, còn được gọi là nền chính trị khai phóng vào những năm 1970. Sau đó, vào những năm 1980, khi chủ quyền được chuyển giao cho Trung Quốc, người dân Hồng Kông chỉ có một yêu cầu duy nhất — đó là trả lại nền dân chủ cho thành phố. Hồi đó Bắc Kinh đã không phản đối yêu cầu này. Cựu thủ tướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Triệu Tử Dương, thậm chí còn thể hiện sự ủng hộ của mình đối với quản trị dân chủ bằng cách tự mình viết thư gửi cho hai trong số các hội sinh viên đại học ở Hồng Kông.”
Ông Chung nghĩ bà Phạm chỉ là đang bóp méo sự thật để phù hợp với hoàn cảnh chính trị hiện tại.
Theo các tài liệu được ghi chép lại vào tháng 05/1984, ông Triệu bày tỏ lập trường của mình trong một lá thư trả lời hội sinh viên tại trường Đại học Hồng Kông.
Trong bức thư của mình, ông Triệu viết, “Việc thực thi các hệ thống chính trị dân chủ hóa của Hồng Kông, mà một vài người trong các em có thể gọi là quản trị dân chủ cho Hồng Kông, nên được thực hiện.”
Bà Phạm: Quyền phổ thông đầu phiếu sẽ chỉ thành hiện thực khi mọi người ‘hồi tâm chuyển ý’
Ông Hoàng Vỹ Quốc (Wong Wai-kwok), giáo sư trợ lý tại Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Baptist Hồng Kông cho thấy, rằng bất cứ điều gì trong phát ngôn của những người ủng hộ Bắc Kinh đều chứa đầy những thông tin và tuyên truyền bị bóp méo, cho nên không thể dùng lý lẽ hay logic thông thường mà lý giải được.
Giáo sư trợ lý Hoàng tin rằng các yêu cầu về dân chủ và nhân quyền là những quyền căn bản mà bất kỳ chính phủ đang vận hành nào cũng phải trao cho người dân của mình. Người dân đáng lẽ ra không cần phải đi cầu xin để có được những quyền ấy.
“Nếu chúng ta không nói về dân chủ và nhân quyền, vậy thì chúng ta sẽ nói về điều gì đây? Nói về chế độ độc tài ư?” ông Hoàng tiếp tục, rằng các vấn đề lớn nhất ở Hồng Kông trong 25 năm qua là các chính sách công và quyền điều hành lại đổ dồn về phía các nhà tư bản và những nhân vật tôn thờ ĐCSTQ. Người dân Hồng Kông không thể có cuộc sống ổn định hay sung túc. Trung Quốc đại lục cũng như vậy, khi mà quyền lực chỉ tập trung trong tay một nhóm người nhất định, thì họ sẽ chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, chứ không quan tâm đến lợi ích của người dân.”
Về hệ thống chính trị, chính trị gia ủng hộ nhà cầm quyền Phạm Từ Lệ Thái đã lớn tiếng đe dọa công chúng Hồng Kông, “Quyền phổ thông đầu phiếu sẽ chỉ thành hiện thực, khi và chỉ khi mọi người “hồi tâm chuyển ý”, hay nói cách khác là chỉ khi nào đại bộ phận người dân Hồng Kông xác định và chấp nhận mình là người Trung Quốc, và sẽ không làm bất cứ điều gì có hại cho đất nước hoặc Hồng Kông.”
Giáo sư trợ lý Hoàng cho rằng Luật Căn bản đã chỉ định trưởng đặc khu hành chính của Hồng Kông và Hội đồng Lập pháp, những người cuối cùng sẽ đạt được quyền phổ thông đầu phiếu. Đề cử, ứng cử, và bỏ phiếu không được có yếu tố hoặc ảnh hưởng của kiểm duyệt chính trị.
Tuy nhiên, việc bà Phạm lẫn lộn giữa khái niệm “một người, một phiếu bầu” với sự phát triển của đất nước sẽ chỉ để lại ấn tượng trong lòng người dân rằng đây là một cái cớ để phản bội lời hứa.
Bà Phạm cũng chỉ trích các đảng ủng hộ dân chủ “không lắng nghe ý kiến” sau khi Cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ đưa ra Quyết định ngày 31/08/2014 (còn gọi là Quyết định 831).
Quyết định 831 là khuôn khổ cho quyết định về các vấn đề phổ thông đầu phiếu cho Đặc khu trưởng Hồng Kông và các chi tiết hình thành của Hội đồng Lập pháp.
Bà Phạm cũng chế giễu các thành viên thuộc phe ủng hộ dân chủ rằng họ đã “đánh giá quá cao” bản thân và khả năng của họ, trong khi nhắm mắt làm ngơ trước sự khôn ngoan và sức mạnh của Trung Quốc, khiến cho nền dân chủ của Hồng Kông quay về gần 8 năm trước. Bà Phạm cũng cho rằng Quyết định 831 đưa ra rất nhiều cơ hội để có thể dần dần dân chủ hóa.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Phạm chỉ trích các nhà dân chủ vì không chịu tiếp thụ Quyết định 831. Vào năm 2017, bà Phạm tuyên bố rằng Quyết định 831 sẽ cho phép mở rộng nền tảng của cử tri trong các cuộc bầu cử Đặc khu trưởng Hồng Kông; Đảng Dân Chủ đã đứng ngoài liên minh chính trị của họ khi họ đấu tranh chống lại quyết định này và hy vọng chính phủ trung ương bãi bỏ Quyết định 831.
Quyết định 831 quy định không thực hiện các đề cử của công dân hoặc đảng phái chính trị. Chính quyền ĐCSTQ cũng quy định số lượng và cơ cấu của ủy ban đề cử; bất kỳ ứng cử viên nào cho cuộc bầu cử đặc khu trưởng phải được hơn một nửa số thành viên được đề cử ủng hộ, để trở thành ứng cử viên chính thức điều hành các chiến dịch của họ. Quyết định 831 cũng giới hạn số lượng ứng cử viên là hai hoặc ba người.
Vào ngày 26/09/2014, người dân Hồng Kông cùng với các tổ chức của học sinh trung học và sinh viên đại học đã khởi xướng một loạt các chiến dịch bất tuân dân sự để đấu tranh cho quyền phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông trong 79 ngày sau đó.
Những người biểu tình tự phát chiếm các con đường chính và đường cao tốc để ngồi và tuần hành. Yêu cầu chính của họ là rút lại Quyết định 831, quyền được đề cử dân sự trong các cuộc bầu cử trưởng đặc khu hành chính, và bãi bỏ khu vực bầu cử chức năng cho Hội đồng Lập pháp.
Trong cuộc phỏng vấn, bà Phạm đã chỉ trích gay gắt hệ thống giáo dục của thành phố và giới trẻ Hồng Kông, cho rằng thanh niên Hồng Kông đã bị lừa dối do thiếu nền giáo dục quốc gia, và điều đó đã được chứng minh qua việc họ tham gia vào phong trào chống dẫn độ năm 2019 và Buổi thắp nến Tưởng niệm Sự kiện Lục Tứ hàng năm, vốn [được coi là] vừa chống ĐCSTQ vừa chống chính phủ.
Bà Phạm dường như chắc chắn rằng những tổ chức phản đối này đã nhận được tiền thông qua các cơ quan thuộc Quốc hội Hoa Kỳ, mà không hề có bằng chứng xác thực. Bà Phạm tiếp tục các cáo buộc của mình, rằng nhiều giáo viên trẻ bị “ảnh hưởng bởi các thế lực ngoại quốc” và nghĩ rằng điều họ muốn là dân chủ. Những giáo viên này có ý tưởng rằng Đảng Cộng sản là một chế độ độc đảng hay chế độ độc tài. Bà Phạm đoán rằng giới trẻ Hồng Kông đã bị tước mất cơ hội tìm hiểu về Trung Quốc. Điều này tạo thành một vấn đề, đó là các sinh viên ngày càng hâm mộ và khát khao muốn hòa nhập văn hóa phương Tây một cách mù quáng trong 25 năm qua, cũng như không trân quý mảnh đất quê hương.
Ông Dương Dĩnh Vũ (Hans Yeung Wing-yu), cựu quản lý của Phòng Phát triển tại Cục Kiểm tra và Đánh giá Hồng Kông (HKEAA) và là một giáo viên trung học, đã phản bác lại rằng, ngoại trừ các kỳ thi theo kiểu khoa cử truyền thống, toàn bộ hệ thống giáo dục và triết học thế kỷ 20 khác đều là của ngoại quốc hoặc phương Tây.
Ông Dương kết luận, “Trừ phi bà Phạm muốn khôi phục hệ thống khoa cử ở Hồng Kông, còn không thì việc lên án hệ thống giáo dục và các nhà giáo dục Hồng Kông, đồng thời cáo buộc họ bị ảnh hưởng bởi các thế lực ngoại quốc là hoàn toàn vô nghĩa.”
Ông Dương tin rằng nền giáo dục Hồng Kông phải là sự kết hợp của cả phương đông lẫn phương tây. Từ lâu, nền giáo dục Hồng Kông chưa bao giờ có bất kỳ thành kiến nào đối với việc kiến giải Trung Quốc. Ông Dương đặt câu hỏi liệu cả bà Phạm và các đảng phái ủng hộ chính phủ có muốn xóa bỏ hệ thống giáo dục hiện tại, vốn dựa trên thực tế và không có thành kiến ở Hồng Kông, và thay vào đó là cưỡng bức nhồi nhét phiên bản “giáo dục” của chính phủ cho học sinh hay không.
“Nếu các thế lực ngoại quốc trở thành vật tế thần để cắt giảm các yếu tố của phương Tây trong giáo dục, thì học sinh Hồng Kông sẽ không bao giờ trở thành công dân toàn cầu của thế kỷ 21 được”, ông Dương cảnh báo.
“Chế độ độc tài độc đảng của ĐCSTQ đã tạo ra sự mục nát hủ bại và đặc biệt là Vụ Thảm sát bi thảm tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06. Đây đều là những sự thật lịch sử không thể phủ nhận.” Ông Dương nói thêm rằng một hệ thống dân chủ có lợi cho việc xóa bỏ các xung đột xã hội.
Ông Dương thách thức lý luận của bà Phạm, “Không có dân chủ, thì tuyên truyền“ “vì dân phục vụ” của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ là một khẩu hiệu gạt người. Trước khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đảng Cộng sản cũng sử dụng “dân chủ” để hấp dẫn tầng lớp trí thức. Vậy phải chăng bà Phạm Từ Lệ Thái đang ám chỉ Mao Trạch Đông và những người khác đã dùng chiêu bài ‘dân chủ’ để lừa dối người dân Trung Quốc?”