Thổ Nhĩ Kỳ trở thành ‘một nhà kho và cầu nối’ trong buôn bán kim loại với Nga
Người đứng đầu một hiệp hội ngành cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tạo cơ hội cho ngành kim loại Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là “nhà kho và cầu nối”, dẫn chứng về sự quan tâm ngày càng tăng từ các công ty Nga và cả các công ty EU đang tìm cách bán cho Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Phương Tây, gồm Anh và các nước thuộc Liên minh Âu Châu, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới tinh hoa, ngân hàng và các ngành công nghiệp chiến lược của Nga kể từ khi Nga bắt đầu điều mà nước này gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hôm 24/02.
Ông Cetin Tecdelioglu, người đứng đầu Hiệp hội Các nhà xuất cảng Kim loại đen và Kim loại màu Istanbul (IDDMIB), cho biết nhu cầu của Nga đã tăng lên đối với các sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (05/08): “Những gì họ (Nga) không thể mua được từ Đức, Ý và Pháp, họ đang mua từ chúng tôi. Mặt khác, rất nhiều công ty EU đang có kế hoạch bán sản phẩm của họ sang Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.”
“Họ muốn sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như một nhà kho và cầu nối, trong khi Nga muốn nguồn cung từ Thổ Nhĩ Kỳ,” ông nói và cho biết thêm rằng đó là một “cơ hội lịch sử” cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông không nêu tên các công ty liên quan, cũng không nói rõ có bao nhiêu công ty, nhưng ông cho biết họ sản xuất đồng, nhôm, đồ dùng nhà bếp, và máy móc.
Theo số liệu của IDDMIB, kim ngạch xuất cảng kim loại đen và kim loại màu của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 8.9 tỷ lira (495.58 triệu USD) trong bảy tháng đầu năm 2022, tăng 33% so với một năm trước. Con số này chiếm 6.2% xuất cảng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Dữ liệu cũng cho thấy xuất cảng kim loại đen và kim loại màu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng 26% so với cùng thời kỳ năm ngoái lên 170 triệu USD hôm 08/08.
Rạn nứt giữa Moscow và phương Tây về việc Nga xâm lược Ukraine đã dẫn đến lo ngại về khả năng cắt nguồn khí đốt của Nga tới Âu Châu, điều này có thể khiến một số hoạt động sản xuất công nghiệp ở Âu Châu buộc phải đóng cửa.
Ông Tecdelioglu cho rằng điều đó có thể mang lại một cơ hội nữa cho các nhà xuất cảng các sản phẩm kim loại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích cuộc xâm lược của Nga, gửi phi cơ không người lái có vũ trang đến Ukraine và tìm cách tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên. Nhưng họ đã không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow và tìm cách duy trì các mối quan hệ chặt chẽ về thương mại, năng lượng, và du lịch.
Quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc cũng trở nên xấu đi sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan hồi tuần trước (01-07/08). Ông Tecdelioglu cho rằng đây là một cơ hội tiềm năng khác cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại trước đó.
Ông nói, “Chúng tôi đang nhận được tín hiệu về một số cơ hội.”
Thổ Nhĩ Kỳ đã không bình luận công khai về chuyến thăm của bà Pelosi, nhưng trong những năm gần đây đã sửa đổi ngôn ngữ của họ đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, những người tạo thành một cộng đồng thiểu số đáng kể ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm ngoái (2021), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình rằng điều quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sống trong hòa bình với tư cách là “các công dân bình đẳng của Trung Quốc”, nhưng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.
Tại thời điểm phát hành bài báo này, 1 USD = 17,9589 lira.