Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia tiến tới bình thường hóa bang giao bất chấp sự đối kháng trong lịch sử
ANKARA, Thổ Nhĩ Kỳ — Mối bang giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia đã bị đóng băng trong gần ba thập niên do những hiềm khích lịch sử lâu đời và sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan, địch thủ lâu năm của Armenia ở vùng Caucasus. Nhưng quan hệ đã tan băng trong những tháng gần đây, khi cả hai nước đang tiến hành các bước tạm thời hướng tới bình thường hóa bang giao và mở lại đường biên giới dài 311 km của họ.
Ông Talha Köse, một giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Ibn Haldun của Istanbul, nói với The Epoch Times: “Tình trạng tiếp tục bị cô lập của Armenia trong khu vực không thể được duy trì lâu dài.”
“Quan hệ bình thường hóa với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang lại những cơ hội mới, bao gồm cả sự hội nhập của Armenia vào nền kinh tế khu vực.”
Là bước đầu tiên hướng tới việc mở lại biên giới, vốn vẫn bị đóng cửa từ năm 1993, các hoạt động rà phá bom mìn đã bắt đầu vào tháng trước tại tỉnh Kars, tỉnh đông bắc của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Không rõ quá trình này sẽ mất bao lâu,” ông Naif Alibeyoğlu, cựu thị trưởng thành phố Kars (nằm cách biên giới 30 km về phía tây), nói với The Epoch Times. “Nhưng các cộng đồng địa phương ở cả hai bên biên giới hy vọng sẽ thấy thương mại và du lịch song phương được nối lại.”
Yếu tố Nagorno-Karabakh
Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, Ankara chính thức công nhận Armenia là một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, mối quan hệ đã trở nên xấu đi ngay sau đó, khi các lực lượng Armenia chiếm được vùng Nagorno-Karabakh từ nước láng giềng Azerbaijan, quốc gia mà, giống như Armenia, từng là một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa của Xô Viết cho đến năm 1991.
Mối quan hệ văn hóa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan, hai nước vốn đều là người Thổ về mặt dân tộc và ngôn ngữ, là rất sâu sắc. Vì vậy, khi Armenia chiếm lãnh thổ từ Azerbaijan, Ankara đã đáp trả bằng cách cắt đứt quan hệ — và đóng cửa biên giới — với nước láng giềng có đa số là người theo đạo Cơ Đốc ở phía đông.
Một nỗ lực đã được thực hiện để hàn gắn quan hệ vào năm 2009 khi hai nước ký Nghị định thư Zurich, trong đó kêu gọi khôi phục dần các mối quan hệ. Nhưng các nghị định thư chưa bao giờ được nghị viện hai nước phê chuẩn, và sáng kiến này cuối cùng bị đình trệ.
“Tại thời điểm đó, ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, có rất ít sự ủng hộ của công chúng đối với việc bình thường hóa,” ông Köse, người chuyên về các cuộc xung đột khu vực, cho biết. “Hơn nữa, Azerbaijan không phải là một phần của quá trình này và sợ bị gạt sang một bên, vì vậy họ đã gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ sáng kiến này.”
Cuối cùng thì điểm bế tắc này đã được phá vỡ vào cuối năm 2020, khi các lực lượng Azerbaijan, với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm lại phần lớn lãnh thổ bị mất vào tay Armenia đầu những năm 1990. Trong những tháng sau cuộc xung đột kéo dài 44 ngày này, các tín hiệu bắt đầu phát ra từ Yerevan rằng họ đã sẵn sàng xem xét bình thường hóa quan hệ với Ankara.
“Chúng ta phải làm hòa với Thổ Nhĩ Kỳ,” Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết hồi tháng Tám năm ngoái trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. “Việc thiếu các mối quan hệ ngoại giao… và biên giới đóng đang ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của khu vực.”
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng phản hồi, khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng cuộc xung đột đã mang lại “cơ hội mới” cho triển vọng bình thường hóa. “Nếu Armenia phản ứng tích cực với những cơ hội này,” ông nói, “chúng tôi sẽ thực hiện các bước cần thiết.”
Một trở ngại khác đối với quá trình bình thường hóa là cuộc tranh luận đang diễn ra về việc liệu Thổ Nhĩ Kỳ có phạm tội diệt chủng đối với người Armenia trong Đệ nhất Thế chiến hay không. Mặc dù Ankara thừa nhận rằng hàng trăm ngàn người Armenia đã thiệt mạng trong bối cảnh bạo lực giữa các cộng đồng đã hủy hoại Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó, nhưng họ bác bỏ quan điểm cho rằng điều này tương đương với tội ác diệt chủng.
“Các thành viên của cộng đồng Do Thái người Armenia có xu hướng rất thiết tha với vấn đề này,” ông Köse nói. “Nhưng những đồng bào của chúng tôi sống ở Armenia nhận ra những lợi ích chung của chúng tôi và có vẻ thực tế hơn trong vấn đề này.”
‘Không có điều kiện tiên quyết’
Theo ông Köse, tuyên bố hòa giải của ông Pashinyan phản ánh mong muốn của một bộ phận công chúng Armenia nhằm chấm dứt sự thù địch kéo dài nhiều thập niên với hai nước láng giềng nói tiếng Thổ của mình.
“Cuộc xung đột năm 2020 đã tạo cơ hội để cuối cùng phá vỡ hiện trạng này,” ông nói. “Bất chấp tổn thất quân sự [ở Nagorno-Karabakh], người dân Armenia dường như hoan nghênh viễn cảnh bình thường hóa với Thổ Nhĩ Kỳ.”
Không giống như tình hình năm 2009, ông Köse nói thêm, “có nhiều sự ủng hộ của công chúng hơn [cho quá trình bình thường hóa] trong khoảng thời gian này, đồng thời Azerbaijan cũng tham gia nhiều hơn vào quá trình này.”
Động lực hướng tới bình thường hóa hoàn toàn đã tăng thêm hồi tháng 12 năm ngoái (2021), khi Ankara và Yerevan đều chỉ định “đặc phái viên” để theo dõi quá trình này. Kể từ đó, các phái viên đã gặp nhau tại bốn dịp riêng biệt để nhắc lại mong muốn bình thường hóa quan hệ của các quốc gia tương ứng của họ mà “không có điều kiện tiên quyết.”
Hai nước đã đạt được một mốc quan trọng khác vào giữa tháng Ba, khi Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Armenia trong hơn một thập niên.
Trong chuyến thăm, ông Mirzoyan bày tỏ hy vọng rằng quan hệ bình thường hóa sẽ dẫn đến “một kỷ nguyên phát triển hòa bình và bền vững trong khu vực.” Ông nói việc mở cửa biên giới sẽ có “tác động tích cực đến sự kết nối, thương mại, và quan hệ kinh tế giữa hai nước.”
Ôg Alibeyoğlu, người từng là thị trưởng của Kars từ năm 1999 đến năm 2009, nhắc lại những quan điểm này. Ông nói, “Đã từng có hoạt động thương mại sôi động giữa Kars và Armenia. Tất cả điều đó đã thay đổi khi biên giới bị đóng.”
“Người dân Kars, đặc biệt là các thương nhân, muốn biên giới được mở lại càng sớm càng tốt,” ông Alibeyoğlu nói thêm. “Cùng với việc phục sinh nền kinh tế địa phương, điều này sẽ mang hai dân tộc lại gần nhau và xoa dịu những căng thẳng lâu nay.”
Ở cấp độ khu vực, theo ông Köse, một biên giới mở sẽ đóng vai trò “kích thích thương mại khắp vùng Caucasus và tạo ra một hành lang thương mại nối Trung Á với Âu Châu.”
Hôm 03/08, các cuộc đụng độ hạn chế đã nổ ra giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh. Vào thời điểm viết bài này, vẫn chưa rõ điều này sẽ ảnh hưởng gì đến quá trình bình thường hóa Thổ Nhĩ Kỳ-Armenia.