Thổ Nhĩ Kỳ phát triển thương hiệu xe điện nội địa, áp thuế nặng cho xe nhập cảng từ Trung Quốc
Ngành công nghiệp xe hơi Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước tiến vào thị trường Âu Châu để cạnh tranh với Trung Quốc
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia liên lục địa với ngành công nghiệp xe hơi mới chớm nở, đã áp đặt mức thuế 40% đối với xe điện nhập cảng từ Trung Quốc.
Theo thông báo chính thức của nước này hôm 03/03, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã quyết định áp thuế đối với Trung Quốc, nhưng không áp thuế đối với xe điện sản xuất tại các quốc gia khác một cách cụ thể.
Ông Sun Kai (bí danh), quản lý một cửa hàng xe hơi ở Thượng Hải, đã xác nhận với The Epoch Times hôm 06/03 rằng Thổ Nhĩ Kỳ không áp đặt mức thuế tương tự đối với Tesla và Toyota mà chỉ áp dụng cho các thương hiệu do Trung Quốc sản xuất.
Ông Sun suy đoán, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang theo chân Hoa Kỳ (27.5%) trong việc áp thuế cao đối với xe hơi Trung Quốc để ngăn chặn việc bán phá giá bằng giá thấp đồng thời bảo vệ ngành công nghiệp xe điện đang phát triển của mình và thị trường Âu Châu, viện dẫn việc Thổ Nhĩ Kỳ là một trung tâm thương mại quan trọng trải dài qua châu Âu và châu Á.
Nội địa hóa xe điện
Ông Erdogan đã nỗ lực thúc đẩy sản xuất xe điện nội địa trong những năm qua, như một phần trong chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới vào tháng Sáu.
Cam kết công khai của ông Erdogan bao gồm cơ sở hạ tầng sạc điện trên toàn quốc cho xe điện, cũng như các ưu đãi như giảm thuế, miễn phí đất đai, chi phí vay thấp, và bảo đảm chính phủ mua 30,000 xe điện mỗi năm sau năm 2035.
Đầu tháng 11/2017, ông đã lãnh đạo việc thành lập TOGG, thương hiệu xe hơi nội địa đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, được hình thành bởi một liên doanh có Anadolu Group, BMC Thổ Nhĩ Kỳ, Kök Group, Turkcell, và Zorlu Holding là các đồng cổ đông.
TOGG cho biết hồi năm 2020 rằng họ sẽ đầu tư 22 tỷ lira Thổ Nhĩ Kỳ (2.4 tỷ USD) trong 13 năm cho hoạt động sản xuất xe của mình và dự kiến sẽ sản xuất ra 175,000 chiếc xe điện mỗi năm. Reuters đưa tin hôm 20/10/2020 loan báo, công ty này cũng đã ký kết với nhà sản xuất pin lithium Trung Quốc Farasis để cung cấp pin lithium cho xe của mình, với các module và gói pin sẽ được phát triển và sản xuất chung với Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Varank cho biết hồi tháng Một rằng TOGG đặt mục tiêu xuất cảng ra ngoại quốc trong vòng hai năm tới, còn việc ra mắt thị trường ở Thổ Nhĩ Kỳ thì dự kiến sẽ xảy ra trong tháng Ba.
TOGG vẫn dựa vào nhập cảng các linh kiện như pin, động cơ, và một số hệ thống điện, mặc dù được thiết kế và lắp ráp trong nước. Ông Valank cho biết rằng vào tháng Mười năm ngoái (2022), 51% nguyên liệu để sản xuất TOGG có thể được mua trong nước và sau đó tăng lên 65% vào năm 2025.
Cuối năm ngoái, TOGG đã xác định mục tiêu sản xuất hàng năm là 20,000 chiếc C-SUV (xe thể thao đa dụng) vào năm 2023. Nhà máy này đã nâng công suất sản xuất từ 100,000 chiếc ban đầu lên 175,000 chiếc.
Triển vọng thị trường xe điện Thổ Nhĩ Kỳ
Theo thống kê thị trường, doanh số bán xe điện của Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 7,000 chiếc vào năm 2022, gấp đôi so với năm 2021.
Tiềm năng của thị trường tiêu dùng được phản ánh trong sự tăng trưởng kinh tế có lợi thế về phân bổ dân số của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, tổng dân số Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là 85.27 triệu vào cuối năm 2022, tăng gần 600,000 người so với năm 2021, với tốc độ tăng hàng năm là 7.1 phần ngàn.
Sự phân bổ dân số cũng cho thấy lực lượng lao động Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu là những người trẻ tuổi hơn so với các quốc gia Âu Châu khác.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung vào châu Âu với tư cách là thị trường xe hơi ngoại quan trọng của họ do một thỏa thuận thương mại liên minh hải quan giữa Liên minh Âu Châu và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đang đi theo chương trình giảm carbon của châu Âu và được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm sản xuất xe điện.
Thị trường xe hơi mới nổi của Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn thu hút sự chú ý của BYD, một nhà sản xuất xe điện rất lớn của Trung Quốc. BYD đã thỏa thuận với nhà phân phối Thổ Nhĩ Kỳ ALJ Turkiye để bán xe du lịch và xe thương mại hạng nhẹ của hãng ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Rào cản thuế cao đối với xe hơi giá rẻ từ Trung Quốc
Với lợi thế về giá, Trung Quốc có lẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trên thị trường xe điện Âu Châu, và nước này đang sản xuất hầu hết pin xe hơi trên thế giới.
Tại hội nghị Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) ở Las Vegas hồi đầu tháng Một, ông Patrick Koller, CEO của Forvia, nhà sản xuất phụ tùng xe hơi lớn thứ bảy thế giới, cho biết chi phí sản xuất xe hơi điện của các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc thấp hơn 10,000 euro (khoảng 10,700 USD) so với các nhà sản xuất xe hơi Âu Châu. Những chi phí đó chủ yếu nằm ở R&D, chi phí vốn, và chi phí lao động.
Một chiến lược kiểu bán phá giá bằng giá thấp như vậy trên thị trường xe hơi điện toàn cầu, do ĐCSTQ sử dụng, bao gồm trợ cấp, miễn thuế mua hàng, và hạn chế đối với các phương tiện sản xuất ở ngoại quốc và nguồn cung cấp pin lithium. Chiến thuật này đã giúp các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc chiếm được thị trường ở một số quốc gia, khiến các công ty xe hơi ngoại quốc (bao gồm cả TOGG) phải phụ thuộc vào pin lithium do Trung Quốc sản xuất.
Mức thuế 10% mà châu Âu áp đặt đối với xe điện Trung Quốc tương đương với việc chào đón một số lượng lớn xe hơi điện Trung Quốc tràn vào châu Âu, điều này cũng có thể làm suy yếu thị phần của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu.
Ông Hoàng, một thợ sửa xe ở Đài Loan, người đã chỉ cho biết họ của mình do lo ngại về an toàn, đã nói chuyện với The Epoch Times hôm 05/03. Ông cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc không tiếc tiền để đổ xe hơi điện giá rẻ của Trung Quốc ra ngoại quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Trương Chung Nguyên
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times