Thiếu hụt tàu chở hàng đang gây ảnh hưởng đến giá năng lượng
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Âu Châu và hệ quả về nhu cầu cao hơn đối với các tàu chở hàng để vận chuyển nhiên liệu đang tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với giá nhiên liệu.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Liên minh Âu Châu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Điện Kremlin. Đáp lại, Nga đã bắt đầu cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực này, tạo ra sự tranh giành năng lượng trên lục địa này. Để thay thế nguồn cung cấp của Nga, Âu Châu giờ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhập cảng dầu và khí đốt từ những nơi khác.
Khi các tàu chở nhiên liệu đến Âu Châu từ những nơi xa hơn, những tàu này được sử dụng trong thời gian dài hơn và đang không quay trở lại hoạt động trở lại như trước đây. Các chuyên gia vận tải nói với Bloomberg rằng tình hình này đã làm tăng giá cước vận tải toàn cầu.
Ví dụ, vận chuyển một lô hàng nguyên liệu hóa dầu naphtha từ Trung Đông đến Nhật Bản hiện có chi phí gấp đôi so với chi phí hồi tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, vận chuyển hàng hóa dầu đến Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ năm 2020.
Tình hình thiếu hụt tàu chở hàng đang trở nên căng thẳng hơn khi các công ty tiện ích Âu Châu chứa các chuyến hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên tàu. Do các bến tàu trong khu vực đã hoạt động hết công suất, các công ty tiện ích này không thể nhập hàng vào kho trên bờ.
Do đó, các công ty này buộc phải lưu trữ hàng trong các tàu ngoài khơi, còn được gọi là “kho nổi”. Thực tiễn này làm tăng thêm tình trạng thiếu hụt các tàu chở hàng.
Ông Oystein Kalleklev, giám đốc điều hành của chủ tàu Flex LNG Management AS, nói với Bloomberg : “Chúng tôi mong đợi sẽ có nhiều kho nổi hơn.”
“Tuy nhiên, thị trường vận chuyển khí LNG chủ yếu được bán hết cho mùa đông, vì vậy chúng tôi hy vọng các thương nhân sẽ sử dụng các tàu trong danh mục hiện có của họ.”
Khủng hoảng về năng lượng và xã hội của Âu Châu
Theo ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Citigroup, cuộc khủng hoảng năng lượng ở Âu Châu có thể kéo dài trong ba năm hoặc hơn.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: “Đâu đó trong khoảng từ năm 2025 đến năm 2027, chúng ta sẽ chứng kiến giá ở Âu Châu quay trở lại mức cũ hồi đầu năm 2021.”
Trong một cuộc họp báo vào cuối tháng Tám, Giám đốc điều hành Shell Ben van Beurden cũng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng mà Âu Châu đang phải đối mặt có thể kéo dài trong vài mùa đông và rằng có thể cần phải phân bổ năng lượng để quản lý được tình hình này.
Giá năng lượng ở Đức, một trong những nền kinh tế lớn nhất ở Âu Châu, lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1,000 euro/megawatt giờ vào tháng trước.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times