Thiên tài đạt giải Nobel từng bị tín tức người ngoài hành tinh làm đảo lộn cuộc sống
Vào ngày 23/05/1994, tại lễ trao giải Nobel được tổ chức ở Stockholm, Thụy Điển, một người đàn ông gầy gò, hiền lành đã thu hút sự chú ý của mọi người. Khi ông ấy đứng lên nhận giải Nobel Kinh tế và nhẹ nhàng cúi đầu, rất nhiều người đã xúc động, bởi vì cuối cùng ngày này cũng đã đến.
Người đàn ông đó là nhà toán học vĩ đại John Forbes Nash Jr, một huyền thoại đã quanh quẩn một đời giữa thiên tài và kẻ mất trí. Nếu mọi người nghĩ rằng tên của ông ấy không quá quen thuộc, thì bộ phim Mỹ “A Beautiful Mind” phát hành năm 2001 và giành được bốn giải Oscar có thể sẽ gợi lại nhiều ký ức. Ông Nash chính là nguyên mẫu của nhân vật nam chính trong bộ phim này.
Dù nhiều người cho rằng ông Nash đã bị điên trong hơn 30 năm, nhưng sau khi trở thành một người bình thường trong mắt mọi người, ông từng xuất bản một cuốn tự truyện nói rằng ông chưa bao giờ bị điên, ông chỉ là nhìn thấy hai thế giới cùng một lúc, và quá trình được gọi là “chữa bệnh” của ông ấy không liên quan gì đến các loại thuốc mà con người sử dụng. Vậy ông ấy đã có những trải nghiệm đáng kinh ngạc nào?
Thiên tài xuất thế
Nash sinh ra ở Bluefield, Virginia, Hoa Kỳ vào ngày 13/06/1928. Cha ông là kỹ sư điện, còn mẹ ông là giáo viên. Gia đình ông đã trải qua một cuộc sống êm ấm. Tuy nhiên, từ nhỏ Nash đã tương đối thu mình, không muốn chơi với những đứa trẻ cùng tuổi, chỉ thích vùi mình vào đống sách để tìm kiếm niềm vui. Có vẻ như rất nhiều thiên tài trong giới khoa học tự nhiên đều có những tính cách như vậy.
Mặc dù sau này Nash đã trở thành một nhà toán học, nhưng khi còn nhỏ ông luôn bị giáo viên dạy toán phàn nàn rằng ông có vấn đề với môn toán, làm bài không theo lẽ thường mà thích sử dụng một số phương pháp kỳ lạ để giải quyết vấn đề. Ở trường cấp 2, tình trạng này càng trở nên rõ ràng hơn, giáo viên thường phải viết kín bảng đen trong quá trình tính toán, nhưng Nash chỉ dùng vài bước đơn giản là đã hoàn thành, điều này khiến giáo viên khá lúng túng. Vào thời điểm đó, tài năng phi thường của Nash đã được bộc lộ, ông đã giành được “Học bổng George Westinghouse” vào năm cuối cấp, và đỗ vào Học viện Công nghệ Carnegie – tiền thân của Đại học Carnegie Mellon nổi tiếng sau này – để tiếp tục theo học.
Thực ra, ban đầu Nash muốn học hóa học vì thích mày mò với những thí nghiệm kỳ lạ. Năm 12 tuổi, ông làm hẳn một phòng thí nghiệm nhỏ trong nhà. Vì vậy, ông đã ghi danh vào Khoa kỹ thuật hóa học khi lên đại học. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên ở đây, ông đã không hài lòng với việc thể chế hóa chuyên ngành và sự thiếu chặt chẽ về mặt toán học trong chương trình giảng dạy. Nash nói trong cuốn tự truyện của mình rằng, chuyên ngành này đánh giá tài năng của một người “không phải bằng khả năng tư duy của người ấy mạnh đến mức nào, mà là người ấy có thể sử dụng pipet và chuẩn độ tốt như thế nào trong phòng thí nghiệm”.
Trong năm thứ hai đại học, trường của ông đã mở rộng đội ngũ giáo viên, và một số nhà nghiên cứu xuất sắc đã tham gia. Họ là các nhà vật lý John Singer, Richard Duffin, và các nhà toán học Raoul Bott và Alexander Weinstein. Những con người tài năng thường chung chí hướng, và họ đã phát hiện ra tài năng của Nash, đồng thời dẫn dắt thành công ông từ lĩnh vực hóa học sang toán học.
Đến năm 1948, cũng là năm thứ 3 đại học của Nash, ông đã nhận được nhận vào các trường Đại học Harvard, Princeton, Chicago và Michigan. Trong đó Đại học Princeton đặc biệt nhiệt tình với Nash, họ biết rằng Nash nhất định là một tài năng hiếm có. Tại sao? Bởi vì trong thư giới thiệu do người giám sát luận án của Nash chỉ có một câu như thế này: “Anh Nash năm nay 19 tuổi và sẽ tốt nghiệp vào tháng 6. Anh ấy là một thiên tài toán học”. Cuối cùng, với lời mời của chủ nhiệm khoa toán học Princeton, ông Lefschetz, và dưới sự cố vấn của ông Carnegie, cũng như nhìn thấy học bổng hào phóng của Đại học Princeton, Nash đã theo học tại Đại học Princeton vào năm 1948. Như vậy, Nash đã học tại Học viện Carnegie trong ba năm và tốt nghiệp với bằng Thạc sĩ toán học, sau đó ông đến Đại học Princeton để học tiếp bằng Tiến sĩ.
Thời điểm đỉnh cao
Princeton là nơi có những bậc thầy vĩ đại, Einstein, Von Neumann và Oppenheimer đều giảng dạy ở đó. Dù chỉ là một sinh viên nhưng Nash đã dám thách thức các giảng viên. Hơn nữa ông không hề đến lớp, vì ông cho rằng kiến thức nhận được trên lớp sẽ hạn chế suy nghĩ của ông, vì vậy cuộc sống của ông ở Princeton thường là một mình nghiên cứu và suy nghĩ. Nash cũng khá kiêu ngạo, khi đang thảo luận vấn đề với mọi người, ông ấy thậm chí sẽ đột ngột đứng dậy và bỏ đi, bởi vì cảm thấy suy nghĩ của đối phương không theo kịp với bản thân.
Vào thời điểm đó, Lý thuyết trò chơi (Game Theory) là một bộ môn mới được thành lập trong Khoa toán học. Cuốn sách “Lý thuyết về trò chơi và hành vi kinh tế” (Theory of Games and Economic Behavior) năm 1944 của Von Neumann và nhà kinh tế học Oskar Morgenstern đã thổi lên sức sống cho môn học này. Tuy nhiên, Von Neumann và Morgenstern chỉ phân tích “trò chơi có tổng bằng không”. Trong đó chủ yếu đề cập đến thực tế là khi hai bên chơi một trò chơi, lợi ích của một bên chắc chắn sẽ làm cho bên kia tổn thất. Do đó, tổng các kết quả lỗ và lãi của hai bên luôn bằng không. Nhưng trong thế giới thực, hầu hết các tương tác đều phức tạp hơn, và lợi ích của tất cả các bên không phải là chỉ thắng hay thua, mà còn tồn tại khả năng đôi bên cùng có lợi. Nash đã nhận thức đến điểm này, vì vậy ông đã đến gặp Von Neumann để giải thích ý tưởng của mình cho ông ấy.
Vào thời điểm đó, Von Neumann đã nổi tiếng khắp thế giới và rất bận rộn, nếu muốn gặp ông ấy thì cần đặt lịch hẹn trước. Nhưng Nash cứ thế bước thẳng vào văn phòng của Von Neumann và bắt đầu nói về ý tưởng của mình. Có lẽ vì điều này có vẻ quá kiêu ngạo trong mắt Von Neumann, nên trước khi Nash kịp nói xong, Von Neumann đã ngắt lời ông và đi đến kết luận chưa giải thích được trong lập luận của Nash, nói rằng, “Đó là điều nhỏ nhặt không đáng kể, cậu biết chứ, đó chỉ là một định lý điểm bất động”.
Tâm trạng của Nash hơi bối rối khi bị Von Neumann thẳng thừng phủ định. Nhưng vàng kim thì luôn tỏa sáng. Người cố vấn tiến sĩ của Nash, ông Albert Tucker đã nhìn thấy giá trị trong các ý tưởng của Nash. Ông Tucker đã hướng dẫn Nash viết luận án của mình, và đích thân viết một lá thư giới thiệu đến Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia. Còn ông Lefschetz, Trưởng khoa toán học thì trực tiếp nộp bản thảo luận án này cho Viện Hàn lâm Khoa học. Luận án này đã được xuất bản trên bản tin của Viện Hàn lâm Khoa học vào ngày 26/11/1949, và ngay lập tức gây ra chấn động. Nash không chỉ lấy được bằng tiến sĩ với lý thuyết này, mà thậm chí còn khẳng định vị thế của mình như một bậc thầy về Lý thuyết trò chơi.
Lý thuyết của Nash chính là “cân bằng Nash” (Nash equilibrium) thường xuất hiện trong các sách giáo khoa kinh tế. Nó rốt cuộc quan trọng ở chỗ nào? Ở đây cần nói đến ví dụ nổi tiếng nhất trong giới Lý thuyết trò chơi, “Song đề tù nhân” (Prisoner’s Dilemma).
Tình huống Song đề tù nhân kinh điển được thiết lập như sau: cảnh sát bắt giữ hai nghi phạm A và B, nhưng không có đủ bằng chứng để buộc tội họ. Vì vậy, cảnh sát đã giam giữ riêng các nghi phạm, gặp riêng hai người và đưa ra các phương án tương tự như sau:
Nếu một người nhận tội và làm chứng chống lại người kia, mà người kia giữ im lặng, người này sẽ được trả tự do ngay lập tức, và người im lặng sẽ bị kết án 10 năm tù.
Nếu cả hai giữ im lặng , cả hai sẽ cùng bị kết án 6 tháng tù.
Nếu cả hai nhận tội và tố cáo lẫn nhau, thì họ đều sẽ bị phạt tù 5 năm.
Vì vậy A và B đều rơi vào tình thế khó xử: im lặng hay là nhận tội. Tất nhiên, không nhận tội sẽ là lựa chọn có lợi nhất cho cả hai. Tuy nhiên, A và B không thể giao tiếp, nên cả hai đều sẽ tìm kiếm lợi ích tốt nhất cho mình. Vì vậy cuối cùng đã xuất hiện tình huống như thế này:
- Nếu bên kia im lặng, mình nhận tội thì sẽ được thả, nên mình sẽ chọn cách nhận tội.
- Nếu bên kia nhận tội và buộc tội mình, mình cũng sẽ buộc tội bên kia để được mức án thấp hơn, vì vậy mình cũng sẽ chọn cách nhận tội.
Vì vậy, cuối cùng cả hai đều chọn cách nhận tội, cái kết này được gọi là “cân bằng Nash”, hay còn gọi là “trạng thái cân bằng bất hợp tác”.
“Cân bằng Nash” không chỉ đã đặt nền tảng toán học cho Lý thuyết trò chơi, mà còn được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thương mại. Trong những năm nghiên cứu tiếp theo, Nash cũng đã tạo ra một số đột phá trong lý thuyết đa tạp đại số, hình học Riemann, phương trình parabol và elliptic, và suýt giành được Huy chương Fields – giải thưởng cao nhất của toán học – vào năm 1958. Cùng năm đó, ông được tạp chí “Fortune” của Mỹ vinh danh là nhân vật kiệt xuất nhất trong thế hệ nhà toán học thiên tài mới.
Ngoài thành tích học tập, cuộc hôn nhân của Nash khi đó cũng khiến người ta rất ghen tị. Trong thời gian Nash giảng dạy tại MIT, với vẻ ngoài hào hoa, cao ráo và tài năng phi thường đã thu hút sự chú ý của cô nữ sinh xinh đẹp Alicia Lopez-Harrison de Lardé. Alicia không chỉ xinh đẹp mà còn rất thông minh, là một trong 16 nữ sinh được MIT nhận vào trong khóa của cô. Họ đã kết hôn vào năm 1957, và Alicia mang thai vào năm 1958.
Tất cả những điều này trong mắt mọi người là rất tuyệt vời, và Nash quả thật là đang ở thời kỳ đỉnh cao trong cuộc đời mình. Tuy nhiên, mọi thứ đã không đi theo hướng mà mọi người dự đoán, và năm 1958 là một bước ngoặt trong cuộc đời của Nash.
Bóng ma của Princeton
Vào mùa đông năm 1958, Nash đã nhận được một chức vị chính thức tại MIT, nhưng hành động của ông đột nhiên khiến mọi người ngày càng khó hiểu. Ông cho rằng mình có thể giải mã những thông điệp bí mật trên báo chí do người ngoài hành tinh phát đi. Ông cũng cho rằng mọi thứ trên thế giới đều có thể được biểu thị bằng một công thức toán học.
Vào thời điểm đó, Nash đang nghiên cứu nguyên lý cốt lõi của “mã hóa và giải mã”. Vào năm 2011, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) đã giải mật thành công những bức thư được Nash viết vào những năm 1950. Họ phát hiện trong một bức thư, Nash đã đề xuất một máy mã hóa và giải mã mới. Trong bức thư, Nash đã đi tiên phong trong nhiều khái niệm mật mã hiện đại dựa trên độ phức tạp của máy tính, điều này thật sự khiến mọi người kinh ngạc.
Tuy nhiên, trước khi Nash có thể đào sâu nghiên cứu và công bố những ý tưởng này, hành vi kỳ lạ của ông đã khiến mọi người cho rằng ông thực sự bị điên. Trước khi người con của ông và Alicia chào đời, ông đã bị Alicia cưỡng chế đưa vào bệnh viện tâm thần, nhưng Nash khẳng định ông không bị điên.
Trong lần nhập viện đầu tiên, Nash được đưa đến bệnh viện McLean, nơi chuyên điều trị cho tầng lớp thượng lưu, các bác sĩ ở đây coi chứng tâm thần phân liệt như một căn bệnh tâm thần, và làm công việc tư vấn tâm lý cả ngày. Khi đồng nghiệp Donald Newman đến thăm ông, Nash đã than thở rằng ông sẽ không thể xuất viện trừ khi ông trở thành một người bình thường trong mắt thế giới. Thế là sau 50 ngày nằm viện, Nash đã khôi phục lại trạng thái bình thường và được xuất viện. Như vậy xem ra, có lẽ độ “điên” của Nash có thể được ông kiểm soát, miễn là ông giấu đi những điều mà mọi người không tin cũng như những hành vi mà người khác không muốn nhìn thấy.
Trong lần nhập viện thứ hai, Nash đã bị đưa đến bệnh viện Trenton Psychiatric và bị ép phải điều trị bằng liệu pháp hôn mê insulin. Nash kể lại: “Họ tiêm cho bạn để khiến bạn giống như một con vật, nhờ thế họ có thể đối xử với bạn giống như một con vật”. Nửa năm sau, Nash đã trở nên “khiêm tốn và lịch sự”, và lần nữa được xuất viện.
Lúc này, Nash không thể tha thứ cho người vợ đã cưỡng chế mình vào bệnh viện tâm thần, còn Alicia thì không thể chịu đựng được việc Nash liên tục lang thang giữa trạng thái bình thường và điên loạn, vì vậy hai người đã ly hôn vào năm 1963.
Kể từ sau trải nghiệm tại bệnh viện Trenton Psychiatric, Nash đã từ chối tất cả các loại thuốc, ông cho rằng chúng sẽ khiến ông trở nên uể oải và không thể suy nghĩ về toán học. Theo quan điểm của Nash, toán học là điều duy nhất quan trọng đối với ông. Nash cũng cho rằng toán học thuần túy nhất không phải là lý trí, mà là linh cảm. Lý trí bất quá chỉ là phương tiện câu thông cho linh cảm.
Khi Nash đang nằm viện, một người bạn đã đến thăm và hỏi ông: “Cậu khẳng định rằng người ngoài hành tinh đang nói chuyện với cậu. Nhưng làm sao một nhà toán học lý trí như cậu lại có thể tin vào những điều vô nghĩa về người ngoài hành tinh như vậy?”. Nash trả lời: “Ý tưởng về toán học đến trong não tôi cũng giống như những người ngoài hành tinh. Tôi tin vào sự tồn tại của người ngoài hành tinh cũng như tin vào toán học”. Ông viết trong cuốn sổ tay của mình rằng: “Những suy nghĩ lý tính đã đặt ra giới hạn cho mối quan hệ của một người với vũ trụ” (Rational thoughts impose a limit on a person’s relation to the cosmos).
Những ngày sau đó, đồng nghiệp cũ của Nash đã giúp ông nhận được công việc nghiên cứu viên tại Princeton. Vì vậy trong những năm 1970 và 1980, sinh viên trường Princeton thường nhìn thấy một người đàn ông trung niên gầy gò và ít nói, ông ấy đi lang thang trong khuôn viên trường với đôi giày chạy bộ màu đỏ và thỉnh thoảng viết những mệnh đề toán học huyền bí lên bảng đen. Ông ấy được gọi là “Bóng ma của Princeton”, và ông ấy chính là Nash.
Tái sinh
Trong khi mọi người nghĩ rằng thiên tài Nash đã không thể trở lại được nữa thì điều kỳ diệu đã xuất hiện. Vào cuối những năm 1980 của thế kỷ 20, Nash đã dần hồi phục. Khi được hỏi làm cách nào mà ông lấy lại sự tỉnh táo khi không dùng thuốc, Nash nói: “Chỉ cần tôi muốn”. Ông nói rằng ông chưa bao giờ điên, chỉ là đồng thời đi qua hai thế giới cùng một lúc, và nếu có ngày ông quyết định sống ở thế giới thực này, ông sẽ dựa vào ý chí và khả năng logic mạnh mẽ của mình để khiến bản thân trở nên lý trí.
Trên thực tế, mãi cho đến khi Nash nhận giải Nobel Kinh tế vào năm 1994, người học giả có vẻ ngoài hiền lành này vẫn chưa có dáng vẻ mà người ta gọi là hồi phục, nhưng ông đã biết cách thể hiện mình như thế nào với thế giới. Còn điều mà ông luôn tin tưởng trong đầu, thông tin từ người ngoài hành tinh là gì, sẽ mãi là một ẩn số.
Vào năm 2001, câu chuyện cuộc đời của Nash đã được chuyển thể thành bộ phim “A Beautiful Mind” (Tạm dịch: Một tâm hồn đẹp), gây chấn động ngay khi ra mắt. Cùng năm đó, ông cũng đã tái hôn với người vợ cũ Alicia, người đã luôn chăm sóc ông dù đã ly hôn.
Đến năm 2015, ông đã nhận được Giải thưởng Abel từ Viện Hàn lâm Khoa học và Văn học Na Uy, trở thành học giả duy nhất trong lịch sử giành được cả Giải thưởng Nobel và Giải thưởng Abel.
Tuy nhiên, vào ngày 23/05/2015, khi đi taxi về nhà ở New Jersey, Hoa Kỳ sau khi nhận giải thưởng, họ đã gặp phải một tai nạn xe cộ nghiêm trọng. Hai vợ chồng bị văng ra khỏi xe và tử vong tại chỗ. Cuộc đời huyền thoại của một thiên tài đã kết thúc như vậy.
Lý Mai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ