Thiên cổ anh hùng Tào Tháo (P.15): Một nhà văn lớn
Chương 5: Một nhà văn lớn
Vào cuối thời Đông Hán, đội quân Khăn vàng nổi dậy, Đổng Trác gây họa, dẫn đến việc thế lực các châu cát cứ, chiến họa liên miên, xã hội hỗn loạn chưa từng có. “Đời chất chứa loạn ly, phong tục ai oán,” nhân dân hoặc mất mạng trong chiến loạn, hoặc ly biệt gia đình. Văn nhân phải rời bỏ quê hương, phiêu bạt vô định, không lo được cơm ăn, áo mặc chứ đừng nói đến việc sáng tác thơ phú, phát triển văn học và nghệ thuật. Dù sáng tác được những tác phẩm lẻ tẻ thì ảnh hưởng cũng rất hạn chế.
Tào Tháo tính tình chân thật. Ông nhìn thấy những năm cuối niên hiệu Kiến An thiên hạ loạn lạc, chinh chiến gian khó, dân tình khốn khổ. Người anh hùng thấy sự khắc nghiệt của thế gian, nên dùng văn thơ để nói lên chí khí của mình, trực tiếp bày tỏ tấm lòng, khảng khái bi thương. “Nhìn Lạc Dương thành quách, Vi tử buồn thương thay,” “Dân đen trăm như một, nhớ nghĩ đứt đoạn trường,” “Chẳng buồn năm tháng, đời loạn chẳng bình,” (những dòng thơ như vậy) tạo nên phong cốt Kiến An, dẫn lối văn chương một thời.
Trần Tộ Minh nói: “Các thiên truyện Mạnh Đức viết tuy bắt chước theo lối xưa, nhưng đều viết về hoài bão của bản thân, ban đầu ưu lo về sự nghèo đói, sau đó thương xót thế sự hỗn loạn, cảm khái địa thế đã lựa chọn, nghĩ về việc giải thoát nhưng không thể. Câu từ vô vàn nhưng đều nằm trong số đó thôi. Vốn lời nói vô định, nhưng gốc rễ nằm ở tính tình, cho nên chất giọng đè nén, bi thương, một mình đạt đến chỗ siêu việt. Nếu xem xét kỹ cách điệu, Mạnh Đức toàn sử dụng âm Hán, còn Phi, Thực sử dụng âm Ngụy nhiều hơn.” (“Thái Thục Đường thi tập,” quyển 5)
“Quan sát văn phong thời đó, tao nhã, khảng khái; thế sự tích chứa nhiều loạn ly, phong ai tục oán, lại thêm chí hướng sâu xa mà bút lực dôi dài, cho nên cứng cỏi mà đầy chí khí.”(“Văn tâm điêu long – Thời tự biên”)
Trên con đường lập nghiệp đan đầy lam lũ của Tào Tháo, ông đã quy tụ được văn nhân ở Nghiệp Thành, trực tiếp khai sáng và hình thành nên cục diện phồn vinh “rực rỡ tươi tốt” của văn học Kiến An. Các tác phẩm của ông đã đặt định nên phong cách văn học Kiến An, đưa văn học Kiến An lên đỉnh cao huy hoàng trong lịch sử văn học Trung Quốc, khiến văn hóa Thần truyền Trung Quốc dù trong bối cảnh chiến loạn liên miên, xã hội tàn phá nhưng vẫn được thừa truyền và hưng thịnh. Tào Tháo “yêu thích thi ca, thư tịch. Tuy ở trong quân đội, nhưng tay không rời ống quyển” (Tào Phi), “không chỉ coi xét chính sự mà còn trông khắp chốn Nho lâm. Cúi mình trước sự tao nhã khi nghe tiếng cầm sắt” (Tào Thực).
Sáng tác của Tào Tháo khá phong phú. Ngoài thơ, phú còn có một quyển “Gia truyện,” 10 quyển “Ngụy chủ tấu sự,” “Ngụy Võ tứ thời thực chế,” 30 quyển “Ngụy Võ đế tập,” 10 quyển “Ngụy Võ hoàng đế dật sự,” 10 quyển “Ngụy Võ đế tập tân soạn,” một quyển “Ngụy Võ đế tập bản,” 03 quyển “Ngụy Võ đế tập biên tập bản,” 09 quyển “Ngụy Võ đế lộ bố văn.” Tuy nhiên, phần lớn chúng đã bị thất lạc, chỉ còn lại khoảng 150 thiên tản văn. Phần lớn trong số chúng là lệnh, giáo, còn lại là thư, biểu.
Tào Tháo giỏi sáng tác văn. Thư, biểu, giáo, lệnh của ông lời gọn ý đủ, mạch lạc, lập ý sâu sắc, khí phách hùng vĩ, tình cảm lẫn văn phong đều tràn đầy, hấp dẫn người đọc. Hai câu “Phu hữu kỳ chí, tất thành kỳ sự” (Nam có chí khí, hành sự tất thành) (“Bao lữ kiền lệnh”), đủ trở thành cách ngôn, khích lệ những kẻ sĩ có chí khí. Trước đó, bài tản văn tự thuật “Nhượng huyện tự minh bổn chí lệnh” của Tào Tháo có nét đặc sắc riêng biệt đã trở thành một tác phẩm xuất sắc. Nếu nói tài cầm quân thống suất của Tào Tháo đủ để quật ngã quần hùng, thì cách hành văn của Tào Tháo cũng có thể đứng vững ngàn năm. Ngay cả những người có thành kiến với Tào Tháo cũng không thể không thở dài rằng “văn từ tuyệt điệu” (lời văn tuyệt vời).
Tào Tháo tinh thông thư pháp, binh thư, Kinh Thi, sách của bách gia chư tử, cờ vây, dược lý .v.v. Ông còn đặc biệt giỏi âm nhạc và am hiểu kiến trúc. “Bác vật chí” của Trương Hoa, người thời Tấn cho biết: Vào thời nhà Hán, An Bình Thôi Viện, Viện Tử Thực, Hoằng Nông Trương Chi, Chi Đệ Húc đều giỏi thảo thư, còn Thái Tổ xếp sau họ. Hoàn Đàm, Thái Ung đều giỏi âm nhạc, … Thái tổ tài năng sánh ngang họ (giỏi như nhau). (Hoàn Đàm “giỏi âm luật, hay cổ cầm”, Thái Ung “am tường âm luật”, “giỏi cổ cầm”.)
“Thái Tổ cầm quân hơn ba mươi năm, tay chưa bao giờ buông sách. Sách ắt đọc sách về võ lược, ban đêm nghiền ngẫm kinh truyện. Lên đài cao tất sáng tác phú, có lúc sáng tác thơ mới, nghe tiếng đàn, tiếng sáo cũng sáng tác được bài nhạc.” (“Ngụy thư” của Vương Thẩm). Tào Tháo còn sáng tác nhạc khúc và rất giỏi thưởng thức âm nhạc. Ông coi trọng tài năng âm nhạc. Thái Ung, Nguyễn Vũ, Nễ Hành, Đỗ Quỳ .v.v. đều nhận được đãi ngộ hợp lễ của Tào Tháo. Ông cho phép họ sáng chế nhã nhạc, diễn tấu âm luật. Tào Tháo thông hiểu âm luật, loại bỏ những thứ giả tạo, lưu giữ điều chân, đồng thời dẫn dắt sự phát triển của âm nhạc đời sau. Trước sự thất truyền của nhã nhạc cổ đại trong thời chiến loạn, Tào Tháo sai Đỗ Quỳ sửa lại nhạc luật, “phục hưng cổ nhạc của đời trước.”
Đỗ Quỳ tinh thông nhã nhạc. Người này vốn trước đây dưới trướng của Lưu Biểu, sau này theo Lưu Tông đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo bổ nhiệm ông làm Tế tửu mưu việc quân và lo liệu Thái nhạc. Một người chơi nhạc khác là Sài Ngọc đúc một chiếc chuông đồng không hợp ý của Đỗ Quỳ nên hai người xảy ra tranh chấp. Sau khi Tào Tháo giám định và phán đoán đã trừng phạt Sài Ngọc có tội. Trong “Tam Quốc Chí – Đỗ Quỳ truyện” có ghi lại sự việc này: Thái Tổ dùng Quỳ làm Tế tửu mưu việc quân, lo liệu Thái nhạc. Nhân đó Quỳ nhận lệnh sáng chế nhã nhạc. Quỳ giỏi về luật đồng, mẫn tiệp hơn người, bát âm tơ trúc không cái nào không giỏi. Thợ làm vũ chuông nhà Hán là Sài Ngọc có hứng thú, trong khi làm hình dáng khí cụ đa phần đều có nét sáng tạo, được các nhà quyền quý biết đến. Quỳ lệnh cho Ngọc đúc chuông đồng, thanh âm của nó trong đục không theo phép cũ, mấy lần phải hủy đi làm lại. Ngọc rất chán ghét điều đó, cho rằng Quỳ không giỏi nhận biết thanh âm, có ý kháng cự lại Quỳ. Hai người bèn cùng đến gặp Thái Tổ. Thái Tổ lấy chiếc chuông đã đúc ra nghe thử, liền biết Quỳ đúng là tinh thông, mà Ngọc xằng bậy. Thế là, trừng phạt Sài Ngọc cùng những người làm cùng, thảy đều cho làm người nuôi ngựa.
Ngoài việc sáng lập, cổ súy văn học Kiến An như đã nói ở trên, Tào Tháo còn có những đóng góp to lớn cho sự phồn vinh của nghệ thuật thư pháp lúc bấy giờ. Vào thời điểm đó, Tào Tháo đã tập hợp các tài năng thư pháp từ khắp nơi trong thiên hạ về Hứa Đô, như Sư Nghi Quan, Lương Hộc, Chung Dao, Hàm Đan Thuần, Vĩ Diên .v.v. Tào Tháo rất thích đọc bút tích của các nhà thư pháp và nghiền ngẫm nó. Ông còn thường xuyên so tài với các nhà thư pháp thời bấy giờ về kỹ năng thư pháp. Tào Tháo đặc biệt yêu thích thư pháp của Lương Hộc. Ông thường treo thư pháp của Lương Hộc trong trướng hoặc trên tường để thưởng thức. Chúng được tán xưng là tác phẩm khiến “Thái Tổ quên ngủ, mải mê ngắm nhìn.” Một trăm năm sau, khi Vương Hi Chi học thư pháp, ông đã đến Hứa Xương để phỏng theo các tác phẩm bằng mực của Lương Hộc, Chung Dao, Thái Ung, rồi đem chúng dung hợp và quán thông, dần trở thành bậc thầy thư pháp một thời.
Tào Tháo được tán dương là thư pháp gia một thời. Những người từng xem các tác phẩm thư pháp của Tào Tháo trong lịch sử đều ca ngợi thư pháp của ông có vẻ đẹp “hoa vàng rơi thưa thớt, khắp nơi hóa lung linh; Kinh Ngọc đều tỏa sáng, Dao Nhược thành xán lạn,” và “bút mực hùng hồn, phóng soái tuyệt luân.” Các nhà phê bình thư pháp đánh giá rằng, có năm bậc thầy về thư pháp vào cuối thời Hán, đó là Tào Tháo, Thôi Viện, Thôi Thực, Trương Chi và Trương Húc.
Bút tích bằng mực duy nhất của Tào Tháo còn lưu lại đến nay là hai chữ “Cổn tuyết”. Lúc đi qua cổng đá trên con đường lát bằng ván gỗ từ Trương Lỗ đến Hán Trung (nay là Bao Thành, Thiểm Tây), nhìn thấy cảnh tượng trên sông, ông liền ngẫu hứng viết thư pháp, dấu tích mực được khắc trên tảng đá ngầm dưới sông. Hai từ “Cổn tuyết” dùng để chỉ cảnh nước sông cuồn cuộn, xô qua các rạn san hô, nước bắn tung tóe, trong nước có nhiều tảng đá lớn, giống như sóng tuyết cuồn cuộn nên gọi là “Cổn tuyết”. Viên đá này hiện lưu giữ ở Bảo tàng Thiểm Tây, có khắc hai chữ “Ngụy Vương” ở đầu bên trái.
Lời kết
Ngụy Vũ Đế Tào Tháo điềm ứng Hoàng Tinh, là Chân nhân hạ thế, dẹp loạn trị bình, thiên hạ không ai địch nổi. Công lao to lớn mà ông lập được vạn đời lưu danh.
Tào Tháo tạo nên văn học Kiến An vào thời kỳ hoàng kim của lịch sử văn học Trung Quốc, khiến nền văn hóa Thần truyền của Trung Quốc được thừa truyền hưng thịnh trong bối cảnh chiến tranh liên miên, xã hội bị tàn phá. Những tác phẩm lớn về võ học như “Mạnh Đức tân thư,” “Tôn Tử lược giải” cho đến mưu kế dụng binh của ông được các nhà quân sự nhiều thế hệ tôn sùng và truyền bá. Vì vậy, hậu nhân khen ngợi “nói về binh không ai bằng Tôn Vũ, dụng binh không ai bằng Hàn Tín, Tào Công” (“Hà bác sĩ bị luận”). Tào Tháo chấm dứt tục thờ cúng dâm tà của quan lại và dân chúng, diệt trừ linh thể tầng thấp và quỷ loạn, ủng hộ Đạo giáo mới chớm sinh, khiến việc thực hành Đạo giáo trở thành phong tục trong dân chúng nước Ngụy, mang lại thanh bình cho đất nước. Trong thời loạn thế, việc thúc đẩy sự phát triển và hưng thịnh của Đạo giáo đã đề cao phong thái, đạo đức người đời. Công này không gì to lớn hơn!
Ngụy Vũ Đế công cao đức lớn, có ảnh hưởng lớn đối với việc hưng suy về sau. Ông luôn nắm vững bộ máy chính quyền, làm nên nghiệp lớn, khiến nhà Hán nắm giữ thiên hạ kéo dài trong mấy chục năm. “Nếu đất nước không có thừa nối, không biết có bao nhiêu người xưng Đế, bao nhiêu người xưng Vương…Nếu bản thân thất bại, thì đất nước lâm nguy, không thể hâm mộ hư danh mà gặp thực họa. Điều này không thể làm được vậy.” Ông “phụng mệnh chủ thượng, nắm giữ công bình, hoằng dương nghĩa lớn,” vì nghĩa mà tận lực thuận theo ý trời cai trị đất nước, vì nghĩa mà trung quân báo quốc. Ông và các bậc như Gia Cát Lượng, Chu Du, Lưu Bị, Tôn Quyền, cùng nhau diễn dịch, giảng giải ý nghĩa sâu sắc về “Nghĩa” mà đấng Sáng Thế Chủ đã ban tặng cho người có phẩm đức, vì hậu thế mà lưu lại thiên cổ truyền kì, khắc cốt ghi tâm.
Tài liệu tham khảo chính:
Tư Mã Nhương Thư, “Tư Mã Pháp”, thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Lý Phương và những người khác biên chép, “Thái Bình ngự lãm”, thời Tống.
Không rõ tác giả, “Xuân Thu sấm”, thời Hán.
Tào Thực, “Tào Tử Kiện tập, thời Ngụy.
Trần Thọ, “Tam Quốc chí”, thời Tấn.
Bùi Tùng chú giải, “Tam quốc chí”, thời Tấn.
Tư Mã Quang và những người khác biên chép, “Tư trị thông giám”, thời Tống.
Ly Đạo Quang, “Thủy kinh chú”, thời Bắc Ngụy.
Lưu Hy Tái, “Thi khái”, thời Thanh.
Đỗ Hữu, “Thông điển”, thời Đường.
Lục Cơ, “Điếu Ngụy Võ Đế văn”, thời Tấn.
Không rõ tác giả, “Lễ ký-Nhạc ký”, thời Tiên Tần.
Tào Tháo, “Tôn Tử lược giải”, thời Hán.
Tào Tháo, “Nhượng huyện tự minh bổn chí lệnh”, thời Hán.
Trần Thọ, “Tam Quốc chí-Ngụy chí”, thời Tấn.
Phạm Diệp, “Hậu Hán thư”, thời Nam Triều.
Phan Nhạc, “Tây chinh phú”, thời Tấn.
Phương Huyền Linh, “Tấn thư”, thời Đường.
Chung Tinh, “Cổ thi quy”, thời Minh.
Hà Khứ Phi, “Hà bác sĩ bị luận”, thời Bắc Tống.
Trương Thuyết, “Nghiệp Đô Dẫn”, thời Đường.
Trần Tộ Minh, “Thái Thục Đường thi tập”, thời Thanh.
Lưu Hiệp, “Văn tâm điêu long”, thời Nam Bắc Triều.
Phương Đông Thụ, “Chiêu muội chiêm ngôn”, thời Thanh.
Thẩm Đức Tiềm, “Cổ thi nguyên”, thời Thanh.
Xem thêm: Loạt bài Thiên cổ anh hùng Tào Tháo
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ