Thần cơ diệu toán Gia Cát Lượng được an táng ở nơi đâu, đến nay vẫn không ai hay biết
Thục Tướng
Thừa tướng từ đường hà xứ tầm? Cẩm Quan thành ngoại bách sâm sâm. Ánh giai bích thảo tự xuân sắc, Cách diệp hoàng ly không hảo âm.
Tam cố tần phiền thiên hạ kế, Lưỡng triều khai tế lão thần tâm. Xuất sư vị tiệp thân tiên tử,
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm.
Dịch nghĩa
Thừa tướng nước Thục
Đền thờ của thừa tướng tìm ở nơi đâu?
Chính là ở ngoài thành Cẩm Quan, nơi có hàng cây bách um tùm.
Ánh sáng chiếu xuống thềm cỏ xanh tự phô bày sắc xuân,
Sau vòm lá, chim vàng anh cứ hót suông.
Tam đáo lều cỏ mà có kế sách bình thiên hạ,
Hai triều trông cậy vào tấm lòng phò tá của bậc lão thần.
Xuất quân chưa kịp thắng trận mà đã thác,
Mãi khiến cho các bậc anh hùng phải rơi lệ.
Bài thơ nổi tiếng của thi nhân Đỗ Phủ đời Đường, đã nhẹ nhàng kể lại câu chuyện cả cuộc đời “cúc cung tận tụy, chết thì mới thôi” của Gia Cát Lượng. Hơn 1,700 năm qua, các bậc đế vương tướng lĩnh, cùng các bậc nhân sĩ tài tử của các triều đại, đều không ngừng tán tụng Gia Cát Lượng, cho rằng ông là hóa thân của trí tuệ, là tấm gương trung thần mẫu mực. Tuy nhiên, sau khi ông chết rốt cục được an táng nơi nào, lại là điều không ai hay biết, cho đến nay vẫn là bí ẩn chưa có lời đáp.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có miêu tả rất sống động chiến dịch cuối cùng của Gia Cát Lượng tại nhân thế – trận chiến Ngũ Trượng Nguyên.
Lúc ấy quân tướng hai nước Ngụy, Thục trì đấu đã hơn trăm ngày. Sau khi vào thu, Gia Cát Lượng vì vất vả lâu ngày mà thành bệnh, hơn nữa bệnh tình ngày càng chuyển biến xấu. Ông gắng gượng thân thể bệnh tật, dưới sự dìu đỡ của thị vệ ngồi trên xe binh đi tuần sát quân doanh, thăm hỏi các tướng sĩ tiền tuyến lần cuối.
Các tướng sĩ lệ rơi đầy mặt, họ biết rằng vị tể tướng mà trăm vạn quân dân nước Thục ký thác hy vọng sắp rời xa nhân thế. Sau khi tiên đế Lưu Bị băng hà, Gia Cát Lượng một vai gánh trọng trách lớn phục hưng nhà Hán, việc gì cũng phải tự tay làm, ăn ít làm nhiều, nhiều lần vất vả quá độ mà thành bệnh. Ông đã phải chịu đựng quá nhiều.
Gia Cát Lượng nhìn thấy một lá cờ lớn bay trong gió, đưa mắt nhìn thấy bốn chữ lớn “Thu phục Trung Nguyên”, trong lòng tràn ngập nỗi thương cảm. Gió thu thổi tới, càng mang theo cái lạnh lẽo thấu xương, Gia Cát Lượng không khỏi ngửa mặt lên trời mà than: “Không thể lâm trận giết giặc rồi! Trời xanh vời vợi, vì sao tới hạn rồi!“. Lời than thở bùi ngùi cuối cùng này cùng với gió thu, và cảnh hoàng hôn ở Ngũ Trượng Nguyên nối thành một mảng, thiên địa cũng cảm thương theo. Tướng tinh rơi xuống, Gia Cát Lượng đã rời khỏi lịch sử võ đài như vậy.
Về phần Gia Cát Lượng sau khi chết được an bài như thế nào, chính sử “Tam quốc chí – Gia Cát Lượng truyện” ghi chép: “Lượng di mệnh táng Hán Trung Định Quân Sơn, nhân sơn vi phần, trủng túc dung quan, liễm dĩ thì phục, bất tu khí vật“. Đại ý là: Gia Cát Lượng muốn táng tại nơi đất quân sự trọng yếu là núi Định Quân, dựa vào núi làm mộ phần, mộ huyệt lớn nhỏ chỉ vừa đủ hạ quan tài là được, khi khâm liệm chỉ cần quần áo ngay lúc đó là đủ, không cần bất kỳ đồ vật gì.
Tuy nhiên, trải qua hơn nghìn năm, thế nhân đều biết mộ Vũ Hầu ở Định Quân Sơn chỉ là cái mộ giả, còn nhục thân Gia Cát Lượng thực sự được an táng ở đâu thì vẫn chưa được biết đến. Vậy nên, liên quan tới địa điểm thực tế an táng Gia Cát Lượng, từ xưa đến nay luôn có nhiều ý kiến khác nhau, có đến mấy truyền thuyết. Dưới đây là hai trong số đó.
Truyền thuyết thứ nhất
Trong “Lương Châu ký” ghi chép, lúc ấy tiền tuyến nguy cấp, Tư Mã Ý của quân Ngụy đang chăm chăm theo dõi. Vì để tránh cho thông tin chủ soái qua đời bị lộ ra ngoài, bốn binh sĩ được lệnh khiêng chiếc quan tài gỗ lên núi Định Quân, rồi đi về phía Nam, cho đến khi đòn khiêng gãy và dây thừng đứt nát ở chỗ nào thì chỗ đó chính là nơi hạ táng. Thế nhưng bốn binh sĩ này chỉ mong sớm xong việc, cho nên sau khi khiêng một ngày thì nói dối rằng sợi dây thừng đã bị nát, và về bẩm báo Hoàng đế Lưu Thiện.
Hoàng đế Lưu Thiện sau khi nghe cảm thấy bốn người này có ý giấu diếm, làm sao có thể sau một ngày mà đòn khiêng gãy và dây thừng đứt nát được? Thế là cho bắt giữ bốn người để thẩm vấn, về sau bọn họ đành phải nhận tội khi quân. Lưu Thiện đã rất giận dữ cho xử tử bốn người này, vậy nên thế nhân cũng chẳng bao giờ biết được Gia Cát Lượng thực sự được mai táng ở đâu.
Truyền thuyết thứ hai
Giả thiết thứ hai cho rằng Gia Cát Lượng vẫn chưa chết, ông chỉ là giả “chết” để quy ẩn, lợi dụng phép “thi giải” của Đạo gia”, hóa vật ra thân mình, cho người thế gian mang đi an táng. Còn chân thân của Gia Cát Lượng độn nhập vào núi rừng tiếp tục tu Đạo, về sau thu nhận hai tiểu đồng làm đồ đệ. Hai người này còn đem trước tác “Mã Tiền Khóa” của Gia Cát Lượng lưu truyền rộng khắp thế gian.
“Mã Tiền Khóa” là một bộ kỳ thư dự ngôn, tổng cộng có 14 khóa, mỗi khóa là một bài thơ tứ ngôn. Theo trình tự thời gian, mỗi một khóa đều dự đoán chuẩn xác sự kiện lịch sử trọng đại từ thời Tam quốc trở về sau, ba khóa cuối cùng còn tiên đoán các sự kiện về vận mệnh của Trung Cộng hiện nay và sự xuất hiện của vị Thánh nhân cứu thế.
Khóa thứ nhất của “Mã Tiền Khóa” viết như sau:
Vô lực hồi thiên
Cúc cung tận tụy
Âm cư Dương phất
Bát thiên nữ quỷ
Tạm dịch:
Không sức đổi Trời
Còng mình gắng sức
Âm tồn Dương phất
Tám ngàn nữ quỷ
Bài Khóa này chính là Gia Cát Lượng tự tiên đoán về bản thân mình. Gia Cát sớm đã biết hết thảy mọi cố gắng đều là “vô lực hồi thiên”, nhưng ông vẫn là hết sức mình cúc cung tận tụy phò tá Thục Hán. “Âm cư Dương phất” là chỉ hoạn quan trong triều lộng hành, quốc sự hàng ngày rối loạn, Khương Duy chỉ có thể duy trì tàn cục mà không thể làm gì được.
Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Đại tướng Chung Hội của Tào Ngụy đã tiến hành Nam chinh quy mô lớn, một đường thế như chẻ tre tiến vào Thành Đô. Hậu chủ Lưu Thiền ra hàng, nhà Thục Hán đến đây kết thúc. “Bát thiên nữ quỷ” (八千女鬼) hợp lại chính là chữ “Ngụy” (魏), chỉ nước Ngụy diệt Thục Hán.
Lúc ấy tại thành Bạch Đế, tiên đế Lưu Bị trong lúc lâm chung đã ký thác hết thảy hy vọng và chân thành tin cậy vào Gia Cát Lượng: “Phiền thừa tướng đem chiếu thư đưa cho Thái tử Lưu Thiện, đừng cho là lời nói thường. Mọi việc càng mong thừa tướng chỉ dạy nó!”.
Sau đó Lưu Bị một tay lau nước mắt, một tay nắm chặt tay Gia Cát Lượng nói: “Quân sư tài giỏi gấp mười Tào Phi, tất có thể an bang định quốc, cuối cùng định đại sự. Nếu như Thái tử có thể giúp được, thì giúp; Nếu như bất tài, quân sư có thể tự mình làm chủ Thành Đô“. Lưu Bị thậm chí nguyện ý đem đế vị giao cho Gia Cát Lượng.
Tuy nhiên, Gia Cát Lượng không dám thụ nhận đại lễ này, chỉ có kiệt trung tận trí báo đáp cái tình Lưu Bị ba lần đến lều cỏ, cái nghĩa uỷ thác cô nhi. Vì vậy, cho dù ông đã sớm đoán biết kết quả như thế nào, vẫn kiên trì hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, thành tựu thiên thu đại nghĩa cho ngày sau.
Bên trên phần mộ của Gia Cát Lượng ở núi Định Quân, có mấy câu đối đã nói ra nguyên do Gia Cát Lượng di mệnh muốn an táng ở núi Định Quân thuộc Hán Trung:
“Cố quốc bất quy, sơn hà vị toại trung nguyên chí; Trung hồn do tại, đạo lộ tranh chiêm Hán tướng phần.
Sinh vi hưng Lưu tôn Hán thất, tử do hộ Thục táng Quân Sơn”.
Tạm dịch nghĩa:
Cố quốc chẳng thể quay về, sơn hà chưa thỏa chí thu phục Trung Nguyên;
Hồn trung nghĩa vẫn còn đó, Người người chen chúc bái mộ phần Tướng nhà Hán.
Sống chấn hưng tôn thất họ Lưu nhà Hán, Chết bảo hộ đất Thục an táng tại núi Định Quân”.
Tác giả: Ngưỡng Nhạc
Tô Minh Chân biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ