Thâm Quyến trở thành sở giao dịch chứng khoán Trung Quốc thứ hai thiết lập liên kết tài trợ với London
Nhiều công ty Trung Quốc nữa sẽ có thể gọi vốn bên ngoài Trung Quốc khi thứ Ba (14/03), Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến (SZSE) đã trở thành thị trường chứng khoán Trung Quốc thứ hai sau Thượng Hải kết nối với Tập đoàn Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSEG).
Theo SZSE, hai sàn giao dịch chứng khoán này đã ký một Biên bản Ghi nhớ (MoU), cho phép hai thành phố Thâm Quyến và London “khai thác và thúc đẩy hợp tác đa cấp” về phát triển thị trường, đổi mới sản phẩm, và trao đổi thông tin.
Bà Sa Nhạn (Sha Yan), Tổng giám đốc SZSE, cho biết trong một tuyên bố rằng, “Sự hợp tác này sẽ bao gồm việc phát hành và niêm yết các chứng chỉ lưu ký, hiển thị thông tin tương hỗ về chứng khoán xanh, quan hệ đối tác dữ liệu, và nghiên cứu thị trường, và cùng phát triển các chỉ số và theo dõi quỹ ETF.”
SZSE cho biết họ sẽ “thực hiện tinh thần của Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và tinh thần của Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương” và tăng cường kết nối với thị trường tài chính quốc tế này.
Tổng giám đốc LSEG Julia Hoggett cho biết bà “rất vui” khi được ký MoU này. Bà cho biết đây là một bằng chứng cho cam kết của LSEG trong việc “hợp tác trên nhiều lĩnh vực để tạo thuận tiện cho việc phát triển hơn nữa và làm phong phú thêm các thị trường vốn toàn cầu.”
Thỏa thuận mới nói trên là một phần trong nỗ lực của ĐCSTQ nhằm kết nối các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc với các đối tác toàn cầu của họ, bắt đầu với kế hoạch Kết nối Chứng khoán Thượng Hải-London, vốn được xây dựng đa phần dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng David Cameron, và được Bộ trưởng Tài chính đương thời Philip Hammond ca ngợi là một “sáng kiến đột phá” cũng như là một phần quan trọng trong mối liên kết đối tác tài chính chiến lược lâu dài giữa hai nước.
Kể từ khi ra mắt Kết nối Chứng khoán Thượng Hải-London vào ngày 17/06/2019, một số công ty lớn của Trung Quốc — hầu hết trong số đó cuối cùng đều do nhà nước kiểm soát — đã phát hành các chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR) thông qua chương trình này, trong đó có các công ty Bảo hiểm Trung Quốc Thái Bình Dương (CPIC), Công ty Chứng khoán Hoa Thái (Huatai Securities), SDIC Power Holdings, Công ty TNHH Tập đoàn Năng lượng Thông minh Minh Dương (Mingyang Smart Energy Group Limited), và Công ty TNHH Điện lực Trường Giang (China Yangtze Power Co. Ltd), gọi vốn được tổng cộng 6.1 tỷ USD.
Giống như nhiều công ty lớn khác ở Trung Quốc, một phần lớn của CPIC do nhiều doanh nghiệp nhà nước nắm giữ mà cuối cùng các doanh nghiệp nhà nước này lại thuộc sở hữu của chính quyền trung ương hoặc địa phương của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Chính quyền tỉnh Giang Tô là một cổ đông quan trọng của Công ty Chứng khoán Hoa Thái.
Đa số vốn của Công ty TNHH Điện lực Trường Giang cuối cùng thuộc sở hữu của chính quyền trung ương Trung Quốc với đa phần cổ phần còn lại được chia cho một số chính quyền địa phương các tỉnh Quý Châu, Vân Nam, và Thượng Hải.
SDIC Power Holdings là một công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà nước — công ty đầu tư mẹ thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất ở Trung Quốc do chính quyền Trung Quốc trực tiếp quản lý.
So với các cổ phiếu gốc thả nổi, kế hoạch Kết nối niêm yết GDR cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài trợ quốc tế.
Theo kế hoạch này, các công ty đủ điều kiện được niêm yết tại một sàn giao dịch có thể lưu giữ các cổ phiếu gốc của họ tại một ngân hàng giám sát địa phương và niêm yết “các chứng chỉ” do ngân hàng lưu ký này phát hành tại sở giao dịch còn lại. Những chứng chỉ đó có thể được giao dịch như những cổ phiếu bình thường.
Với việc niêm yết GDR, các công ty Trung Quốc bỏ qua được một số trong các yêu cầu khắt khe theo các quy tắc niêm yết đối với các cổ phiếu thuộc vốn chủ sở hữu, chẳng hạn như theo dõi doanh thu trong ba năm.
Theo các quy tắc trước đây, mặc dù chương trình này cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc gọi vốn mới thông qua việc phát hành các cổ phiếu mới để niêm yết tại Vương quốc Anh, nhưng các công ty Anh quốc chỉ được phép ghi danh mua các cổ phiếu hiện có trong bất kỳ việc niêm yết nào của Trung Quốc, làm hạn chế những lợi ích đối với họ.
Hồi năm ngoái (2022) Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã thay đổi những quy định của họ về GDR, cho phép các công ty ngoại quốc gọi vốn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, không có tin tức nào về việc các công ty ngoại quốc niêm yết cổ phiếu của họ tại Thượng Hải.
Kế hoạch này cũng được mở rộng tính đến cả các sàn giao dịch chứng khoán ở Đức và Thụy Sĩ.
Bốn công ty Trung Quốc — Keda Group, công ty năng lượng Shanshan, GEM Co., Ltd, và Gotion High Tech, đã phát hành GDR tại Sàn giao dịch Chứng khoán SIX của Thụy Sĩ (SIX Swiss Exchange) khi Kết nối Chứng khoán Trung Quốc-Thụy Sĩ được ra mắt vào ngày 28/07/2022.