Thẩm phán: Vụ kiện áp dụng luật môi trường chống lại chính sách nhập cư của TT Biden có thể được xét xử
Hầu hết các tuyên bố không bị bác bỏ, bao gồm cả tuyên bố về bức tường biên giới
Một thẩm phán liên bang của Đặc khu Columbia đã không bác một đơn kiện dựa trên Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA) nhằm thách thức các hành động của chính phủ Tổng thống (TT) Biden về nhập cư, đánh dấu một thành công chưa từng có dù vẫn còn sớm trong việc áp dụng luật môi trường để chống lại nạn nhập cư bất hợp pháp.
Thẩm phán Tòa Địa hạt Trevor McFadden, do cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm, đã ra phán quyết hôm 11/08 (pdf) rằng tòa án của ông sẽ xét xử vụ kiện này.
Trong vụ kiện này, các nhà cải cách nhập cư, các nhà bảo vệ môi trường, và các chủ trang trại thách thức chống lại Bộ An ninh Nội địa, Bộ Tư pháp, và Bộ Ngoại giao.
Bà Julie Axelrod, giám đốc tố tụng của Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 30/08 với The Epoch Times: “Tôi nghĩ mọi người sẽ ủng hộ những nỗ lực ngăn chặn việc phớt lờ những hậu quả to lớn về môi trường của nạn nhập cư.”
Bà Axelrod đã nộp đơn kiện sửa đổi (pdf) thay mặt cho phía nguyên đơn. Đầu tiên Tòa án Địa hạt Phía Nam California và sau đó là Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 đã bác một đơn kiện dựa trên NEPA trước đây của Trung tâm này vì thiếu quyền khởi kiện.
Một nguyên đơn trong vụ kiện Đặc khu Columbia này là chủ trang trại gia súc Chance Smith. Ông sinh sống gần Douglas, Arizona, tại vùng đất mà cả nhà ông xem là nơi chôn rau cắn rốn từ thế kỷ 19.
Đơn kiện nêu rõ, sự chuyển giao chính phủ từ cựu TT Trump sang TT Biden “khiến số lượng người vượt biên mà ông tận mắt chứng kiến băng qua trang trại này tăng lên 8 hoặc 9 lần so với [số lượng] trước đây.”
Ông Smith cho hay những người vượt biên giới đó làm thoái hóa đất đai, để lại rác rưởi hoặc thậm chí là ma túy và súng bị chôn vùi.
“Lúc nào ông ấy [Smith] cũng cần phải mang theo một khẩu súng lục bên mình, mặc dù ông không muốn làm vậy. Tuy nhiên, ông biết lúc nào ông cũng có nguy cơ gặp rắc rối với các thành viên băng đảng khi mà biên giới không được các cơ quan chấp pháp kiểm soát.”
NEPA và biên giới
Được Tổng thống Richard Nixon ký ban hành, NEPA là một cột mốc quan trọng để bảo vệ thiên nhiên không bị chính phủ liên bang gây hại.
Đơn kiện của Trung tâm này chỉ rõ: “Nếu NEPA phải được áp dụng cho bất kỳ chính sách nào của chính phủ, thì nó nên áp dụng đối với các chính sách liên bang dẫn đến tình trạng gia tăng dân số.”
Vụ kiện này viện dẫn những ảnh hưởng trực tiếp của nạn nhập cư bất hợp pháp mất kiểm soát ở biên giới, như ông Smith và những người khác đã phải chịu đựng.
Vụ kiện cũng đề cập đến các tác động tiêu cực rộng lớn hơn của sự gia tăng dân số do nạn nhập cư, bao gồm sự mở rộng của khu đô thị, mất đất canh tác, giảm đa dạng sinh học, và gây ra tình trạng căng thẳng cho nguồn nước.
Đơn đề nghị bác bỏ vụ kiện của chính phủ (pdf) khẳng định rằng phía nguyên đơn không có quyền khởi kiện. Bản đề nghị tuyên bố đơn kiện xoay quanh “những bất bình đầy tính suy đoán và được tạo ra liên quan đến tác động của sự gia tăng dân số,” và cho biết thêm rằng không có điều nào trong số những gì được cho là tác hại có thể liên quan đến những thay đổi từ chính phủ Tổng thống Biden.
Bản kiến nghị cũng chỉ ra rằng nhiều hành động mà vụ kiện này thách thức là thuộc về quyền tự quyết của chính phủ.
Thẩm phán McFadden đã phán quyết rằng ông Smith, một trong những nguyên đơn, có quyền khởi kiện, tuyên bố rằng những tổn hại mà ông nêu ra không phải là suy đoán thái quá “nếu sau này chúng có thể được chứng minh là đúng hay sai trong quá trình tố tụng.”
Ông chỉ bác bỏ hai trong số chín tuyên bố của bên nguyên đơn.
Những tuyên bố còn lại bao gồm những thách thức đối với các hành động của Bộ Ngoại giao về tái định cư người tị nạn cũng như các thay đổi chính sách khác đối với việc giam giữ người tị nạn, tiền phạt, và các hành động liên quan.
Đáng chú ý, Thẩm phán McFaddeen không bác bỏ một tuyên bố phản đối chính sách bức tường biên giới của TT Biden. Điều đó khiến vụ kiện này khác với một phán quyết gần đây trong vụ kiện NEPA của Arizona (pdf), vốn cho thấy rằng việc từ chối áp dụng NEPA cho bức tường biên giới của chính phủ cựu TT Trump có thể giúp biện hộ cho việc từ chối phân tích NEPA cho việc dừng xây dựng bức tường biên giới.
Bà Axelrod nói: “Việc tất cả các thẩm phán không nhìn nhận sự việc theo cùng một cách cũng chưa hẳn là điều không hay.”
Bà cho rằng cả bên nguyên đơn và bên bị đơn đều sẽ có thể nộp đơn đề nghị [thẩm phán] đưa ra phán quyết mà không cần xét xử.
Bà Axelrod viết trong một bài báo hôm 18/08 về phán quyết này: “Vụ kiện sẽ được tiến hành để tranh chấp xem liệu các hành động của chính phủ TT Biden về vấn đề nhập cư có gây tác động đáng kể đến môi trường hay không, và liệu trong vụ kiện này các nguyên đơn này có chịu ảnh hưởng của các tác động đó hay không.”
Những mối lo ngại về môi trường do tình trạng nhập cư ồ ạt không phải là mới
Việc sử dụng luật môi trường để chống lại những thay đổi trong chính sách nhập cư là tương đối mới. Tuy nhiên, từ lâu các nhà bảo vệ môi trường đã lo lắng rằng sự gia tăng dân số, gồm cả gia tăng dân số ồ ạt do nhập cư, sẽ gây ra tác động tiềm tàng.
Bản thân NEPA ra đời từ năm 1970, một thời kỳ mà nạn nhân mãn là điều mà các nhà môi trường lo ngại nhất.
Thật vậy, như đơn kiện của Trung tâm này chỉ ra, tuyên bố ban đầu của Quốc hội về chính sách môi trường quốc gia gọi sự gia tăng dân số là một trong những “ảnh hưởng sâu sắc” thúc đẩy một đạo luật mới ra đời.
Tuyên bố đó cũng nêu rõ rằng chính phủ liên bang chịu trách nhiệm “[đạt được] sự quân bình giữa dân số và sử dụng tài nguyên, điều này sẽ tạo nên mức sống cao và các tiện nghi của cuộc sống được chia sẻ rộng rãi.”
NEPA đã được thông qua chỉ nửa thập niên sau một đạo luật thậm chí còn mang tính thay đổi hơn nhiều: Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch năm 1965.
Cựu Thượng nghị sĩ Edward Kennedy (Dân Chủ-Massachusetts), một người ủng hộ chính của dự luật này, đã làm chứng trước một tiểu ban di trú, “Dự luật này sẽ không khiến những người nhập cư tràn ngập khắp các thành phố của chúng ta. Nó sẽ không phá vỡ sự pha trộn sắc tộc trong xã hội chúng ta. Nó sẽ không nới lỏng các tiêu chuẩn xin tị nạn. Nó sẽ không khiến người lao động Hoa Kỳ mất việc làm.”
Tuy nhiên, trong những thập niên tiếp theo, số lượng người nhập cư ồ ạt, cả hợp pháp và bất hợp pháp, đã thúc đẩy phần lớn sự gia tăng dân số Hoa Kỳ.
Các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng xu hướng đó sẽ tăng lên. Pew Research dự đoán từ năm 2015 đến năm 2065, những người nhập cư trong tương lai và con cháu của họ sẽ khiến dân số Hoa Kỳ tăng 88%.
Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư còn đưa ra ước tính cao hơn. Họ cho rằng nhập cư sẽ thúc đẩy 95% tăng trưởng dân số vào năm 2060.
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, nhập cư đã trở thành một đề tài nhạy cảm cho các nhà bảo vệ môi trường.
Gần đây nhất là năm 1989, tổ chức Sierra Club khăng khăng rằng “số người di cư đến Hoa Kỳ không được cao hơn mức sẽ cho phép dân số Hoa Kỳ được ổn định.”
Nhà tài trợ lớn David Gelbaum có thể đã khiến Sierra Club thay đổi lập trường của tổ chức này.
Vào giữa những năm 1990, doanh nhân này đã nói với giám đốc tổ chức rằng “nếu họ mà thể hiện quan điểm chống nhập cư, thì họ sẽ không bao giờ nhận được một xu nào của tôi.”
Sau đó, ông đã quyên góp hơn 100 triệu USD cho tổ chức đó.
Sự thay đổi quan điểm của Tổ chức này đã khiến một số thành viên của họ đứng ra thành lập một tổ chức nhỏ lẻ, có tên là Các thành viên Sierra vì Sự ổn định Dân số Hoa Kỳ (SUSPS), phản đối nhập cư mất kiểm soát cũng như thái độ thành kiến về chủng tộc nhằm vào các nhóm người nhập cư.
Một người trong nội bộ của SUSPS nói với The Epoch Times rằng nhiều thành viên sáng lập không hề biết rằng Sierra Club đã từng cố gắng sử dụng NEPA hoặc các luật môi trường khác để chống lại nạn nhập cư bất hợp pháp trong những thập niên trước.
Sierra Club và Bộ An ninh Nội địa đã không phúc đáp yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bản tin này.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times