Thăm dò gần đây: Nhận thức toàn cầu vẫn chưa phản ánh tin tức cập nhật về Trung Quốc
Nhận thức toàn cầu về Trung Quốc dường như đang bị mắc kẹt vào quá khứ và không thể hiện sự công nhận về mọi vấn đề của Trung Quốc. Một thay đổi đột ngột đang chờ ở phía chân trời.
Nhận thức của công chúng về Trung Quốc đã hầu như không thay đổi gì trong năm vừa qua. Tình trạng này thật đáng kinh ngạc, khi xét tới tất cả những tin tức kinh tế và tài chính tồi tệ trong 12 đến 18 tháng qua. Giờ đây Trung Quốc có một vẻ ngoài rất khác so với cách nhìn về quá khứ này. Khi tin tức về tình hình khó khăn trở nên phổ biến hơn, thì nhận thức toàn cầu sẽ gặp bất ngờ và sau đó sẽ thay đổi nhanh chóng.
Bức tranh mới nhất về nhận thức toàn cầu đến từ một cuộc thăm dò được thực hiện hàng năm bởi Quỹ German Marshall Fund (GMF) của Hoa Kỳ. Trong nhiều năm, nhóm này đã hỏi người dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương về thái độ và kỳ vọng của họ về tất cả các vấn đề chính trong ngày, bao gồm cả các sự kiện ở Trung Quốc. Cuộc khảo sát năm nay bao gồm rất nhiều câu trả lời từ người dân ở 14 quốc gia phương Tây: Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ý, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Lithuania, và Romania. Đáng tiếc là cuộc khảo sát này không bao gồm người Á Châu, những người đương nhiên sẽ cập nhật nhiều hơn về tình hình ở Trung Quốc cũng như các vấn đề về kinh tế và tài chính nổi bật của quốc gia này. Tuy nhiên, kết quả cuộc thăm dò cung cấp một cơ sở tốt về dư luận phổ biến ở phương Tây và do đó báo hiệu cách mà nhận thức có thể sẽ thay đổi trong những tháng tới khi tình trạng khó khăn của Trung Quốc được biết đến rộng rãi hơn.
Một trong những điều đáng chú ý nhất về cuộc khảo sát gần đây này là sự kiên trì — bất chấp tin tức về những rắc rối của Trung Quốc — trong nhận thức phổ biến một thời rằng Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Hoa Kỳ về ảnh hưởng toàn cầu và sức mạnh kinh tế. Nhìn chung, những người được hỏi đều xác định hiện nay Hoa Kỳ là quốc gia có ảnh hưởng toàn cầu lớn nhất. Tuy nhiên, những người được hỏi cho biết họ kỳ vọng rằng trong vòng năm năm tới, ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ sánh ngang với ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.
Trong nhiều năm, đây là những niềm tin phổ biến và là sự ngoại suy hợp lý cho các xu hướng đã tồn tại từ lâu. Trung Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt và dường như đang trở nên giàu có hơn mọi kỳ vọng trước đó. Quan điểm đó dường như vẫn tiếp tục tồn tại. Nhưng vài năm qua đã làm gián đoạn những xu hướng tích cực mạnh mẽ đó. Thực tế hiện nay nói lên một điều gì đó rất khác về việc Trung Quốc có thể đạt được những thành tựu từng được nhiều người mong đợi nhanh chóng như thế nào. Giờ đây, Trung Quốc phải đối mặt với một khoản nợ nguy hiểm, và tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại hoàn toàn. Xuất cảng đang giảm, và đầu tư cũng như thương mại của phương Tây đang tìm kiếm nơi khác. Vấn đề không còn là liệu nhận thức có thay đổi hay không nữa mà là sự thay đổi về nhận thức sẽ diễn ra nhanh như thế nào.
Có một vấn đề nói lên rất nhiều về khía cạnh chậm trễ của những kỳ vọng này, đó là việc những người trả lời cuộc khảo sát, đặc biệt là ở Tây Âu, cảm thấy rõ ràng hơn về sự thống trị kinh tế và ngoại giao sắp tới của Trung Quốc so với năm ngoái. Những rắc rối kinh tế gần đây của Trung Quốc có thể không đủ để thay đổi hoàn toàn nhận thức, nhưng đối với những người đang chú ý, tin tức này chắc chắn sẽ khiến họ mất tự tin hơn. Hoặc là người Tây Âu bác bỏ tin tức năm vừa qua từ Trung Quốc, hoặc họ chỉ đơn giản là không để ý đến những gì đã xảy ra với nền kinh tế và hệ thống tài chính của Trung Quốc. Lời giải thích thứ hai có nhiều khả năng là sự thật.
Nhưng có một điều trong cuộc khảo sát này phù hợp với thực tế và đã thay đổi rất ít, đó là cái nhìn tiêu cực của người phương Tây về mục đích và hành vi của Bắc Kinh. Mặc dù những người được hỏi thường ủng hộ sự hợp tác giữa phương Tây và Trung Quốc, nhưng chỉ có 23% những người được khảo sát trên khắp cả 14 quốc gia xem Trung Quốc là một “đối tác” kinh tế. Hơn một nửa xem Trung Quốc là “đối thủ” hoặc “địch thủ.” (Phần còn lại của số người được hỏi không có ý kiến). Những ý kiến tiêu cực nhất đến từ Hoa Kỳ và Tây Âu, đặc biệt là Đức, Pháp, Ý, và Tây Ban Nha. Thật vậy, nhóm người Âu Châu thậm chí còn tiêu cực hơn người Mỹ, hoàn toàn trái ngược với những lời lẽ khoa trương gay gắt hơn của giới lãnh đạo ở Hoa Kỳ so với ở châu Âu. Xét từ đánh giá này, hầu như không có gì ngạc nhiên khi người dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều ủng hộ việc chính phủ của họ có đường lối cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Vì các vấn đề kinh tế và tài chính hiển lộ rõ rệt ngày nay sẽ tiếp tục gây khó khăn cho Trung Quốc trong thời gian tới, nên rất có thể thế giới nói chung — trước tiên là châu Á và sau đó là phương Tây — sẽ nhận thức đầy đủ hơn về những thách thức nghiêm trọng mà “trung tâm chi quốc” đang đối mặt và thay đổi quan điểm của họ. Cuộc khảo sát năm tới của Quỹ Marshall có thể sẽ cho thấy một bộ mặt rất khác so với năm qua. Những người được hỏi sẽ thấy Trung Quốc ít có khả năng đạt được ảnh hưởng toàn cầu hoặc đạt được ảnh hưởng toàn cầu với tốc độ không được nhanh chóng như trước kia. Đồng thời, nhận thức về việc Trung Quốc ít là một đối tác mà là một địch thủ hoặc đối thủ cạnh tranh nhiều hơn sẽ trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, nhận thức về sự yếu kém của Trung Quốc có thể làm lu mờ kết luận rằng cần có một đường lối cứng rắn hơn so với những gì các quốc gia hiện đang thể hiện với Bắc Kinh.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times