Tạo dựng ngân sách để quý vị có thể đủ sống
Một trong những cách tốt nhất để quản lý tiền bạc là xây dựng ngân sách. Không có một ngân sách có thể có nghĩa là tiền đang được tiêu vào những thứ vặt vãnh, không có ý nghĩa gì về mặt dài hạn. Một ngân sách không cần phải phức tạp để có thể có tác dụng — đặc biệt nếu quý vị chưa bao giờ tạo dựng ngân sách trước đây. Dưới đây là một số bước quý vị có thể sử dụng để tạo dựng ngân sách cho gia đình.
Tính tổng thu nhập ròng
Điều đầu tiên quý vị cần làm khi tạo dựng ngân sách là biết được tổng số tiền quý vị nhận về mỗi tháng là bao nhiêu. Con số này gồm toàn bộ số tiền quý vị nhận về sau khi trừ thuế. Nó sẽ không bao gồm các khoản khấu trừ lương định kỳ. Nếu quý vị tự kinh doanh và có số tiền thu về khác nhau mỗi tháng, hãy tính thu nhập trung bình hàng tháng mà quý vị nhận được.
Xác định chi phí hàng tháng
Tiếp theo hãy tính toán chi phí hàng tháng của quý vị. Điều quan trọng là quý vị phải hiểu từng xu sẽ được chi vào đâu. Liệt kê tất cả các hóa đơn và chi tiêu của quý vị — cho dù là cố định hay không. Nhớ bao gồm các khoản thanh toán vay thế chấp hoặc tiền thuê nhà, phí thành viên, mua hàng tạp hóa, mua thức ăn nhanh, thanh toán cho xe hơi, phí bảo hiểm, chi phí đi lại, và mọi thứ khác.
Phân loại cho các chi phí này. Việc phân loại sẽ giúp quý vị hiểu các loại chi phí cố định và các chi phí mua sắm tùy ý, hay không bắt buộc của quý vị.
BetterMoneyHabits khuyên quý vị nên viết ra các khoản chi tiêu hàng ngày để chắc chắn rằng quý vị không bỏ quên bất kỳ khoản nào trong số đó. Hãy làm điều này trong một hoặc hai tháng. Quý vị có thể ghi lại chúng trên giấy, hoặc bằng ứng dụng về ngân sách trên điện thoại, hoặc sử dụng một bảng ngân sách. Quý vị cũng có thể tìm thấy danh sách các công cụ lập ngân sách tốt nhất tại EpochTimes.
Đánh giá xem số tiền còn dư (sau các chi phí bắt buộc) của quý vị đang đi đâu. Nếu quý vị không còn cần phải chi tiền cho một số khoản mục, hãy loại bỏ chúng. Nếu quý vị đang trả phí trễ hạn cho một số hóa đơn, hãy tìm cách tiết kiệm tiền bằng cách thanh toán tất cả các hóa đơn đúng hạn. Để tiết kiệm nhiều tiền hơn, hãy chỉ sử dụng thẻ tín dụng nếu quý vị có thể thanh toán toàn bộ số tiền mỗi tháng.
Xác lập các mục tiêu tài chính
Sau khi đã biết được nhu cầu hàng tháng của mình là gì và thu nhập của quý vị còn dư lại bao nhiêu, quý vị sẽ cần đặt ra một số mục tiêu tài chính. Quý vị có thể lập các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn.
Mục tiêu tài chính ngắn hạn có thể là trả hết nợ thẻ tín dụng hoặc tiết kiệm cho kỳ nghỉ năm sau. Các mục tiêu tài chính dài hạn của quý vị có thể bao gồm việc bỏ nhiều tiền hơn vào quỹ hưu trí để đảm bảo quý vị có đủ tiền để nghỉ hưu một cách thoải mái.
Nerdwallet khuyên quý vị sử dụng quy tắc ngân sách 50-30-20 để lập ngân sách của mình. Quy tắc này khuyến khích mọi người chỉ sử dụng 50% thu nhập hàng tháng của họ cho các chi tiêu cần thiết. Sau đó, 30% thu nhập khác của quý vị có thể được sử dụng cho những thứ quý vị muốn, và 20% cuối cùng để tiết kiệm và trả nợ.
Nhu cầu
Nhu cầu là thứ căn bản: những thứ quý vị không thể không có. Đầu tiên trong số này thường là thanh toán tiền thuê nhà hoặc trả vay thế chấp. Các nhu cầu khác thường bao gồm các loại tiện ích, thực phẩm, quần áo, phương tiện đi lại và bảo hiểm. Các khoản chi cho “nhu cầu” thường xảy ra đều đặn, dù đó là hàng tháng, hàng năm hay ít thường xuyên hơn.
Mong Muốn
Mong muốn là thứ không bắt buộc và thường là để giải trí. Chúng bao gồm ăn uống bên ngoài, các loại dịch vụ đăng ký hàng tháng, du lịch, và giải trí.
Từ thiện thường thuộc loại này. Trong khi nhiều người coi đây là khoản không để bàn luận, số tiền quý vị đóng góp có thể linh hoạt và được xác định theo các chi phí khác, do đó, việc đóng góp từ thiện được xếp trong nhóm chi phí lớn thứ hai này.
Nếu quý vị kiểm tra danh mục “mong muốn” của mình, quý vị có thể thấy rằng những thứ quý vị nghĩ là “nhu cầu” thực ra là “mong muốn.”
Tiết kiệm tiền
20% cuối cùng của thu nhập khả dụng của quý vị nên được phân chia giữa việc trả nợ và tiết kiệm.
Suy tính dài hạn là điều cần thiết khi quý vị đang tiết kiệm. Điều đó có nghĩa là tiết kiệm tiền để nghỉ hưu. Tiền hưu trí hiếm khi đủ để sống thoải mái. Nó chỉ nhằm mục đích bổ sung thêm thu nhập hoặc khoản tiết kiệm khác sau khi quý vị nghỉ hưu. Và ngày nay cần nhiều tiền hơn để nghỉ hưu, bởi vì mọi người sống lâu hơn so với cách đây 30–50 năm.
Quý vị có thể muốn giữ tiền của mình để tiết kiệm — cho dù ngắn hạn hay dài hạn — trong một tài khoản tiết kiệm có nhận lãi suất riêng biệt theo một dạng nào đó.
Tiết kiệm dài hạn thường bao gồm một kế hoạch hưu trí chẳng hạn như 401 (k). Nhiều chủ sử dụng lao động có các đề nghị về kế hoạch quỹ hưu trí có thể phù hợp với phần đóng góp của quý vị đến một số tiền nhất định. Hãy tận dụng khoản tiền phúc lợi miễn phí này bằng cách đóng góp ở mức tối đa cho phép vào tài khoản hưu trí của quý vị.
Nếu chủ lao động của quý vị không có các đề nghị về tài khoản hưu trí hoặc nếu quý vị tự kinh doanh, hãy bảo đảm quý vị có một tài khoản (hưu trí) cho riêng mình. Quý vị có thể muốn cân nhắc một tài khoản 401 (k) hoặc IRA loại cá nhân. Money liệt kê một số loại tài khoản hưu trí khác nhau — với giải thích ngắn gọn về từng loại.
Tiết kiệm cũng bao gồm một quỹ khẩn cấp. Không sớm thì muộn, quý vị sẽ có những khoản phát sinh bất ngờ, chẳng hạn như hóa đơn y tế, sửa chữa xe hơi hoặc nhà cửa. Quý vị nên có ít nhất 1,000 USD cho những trường hợp khẩn cấp — và nó cần phải sẵn sàng để sử dụng.
Cuối cùng, một phần quan trọng của danh mục này là trả hết nợ. Để giảm thiểu nợ nần, hãy học cách tiết kiệm tiền đủ để mua những món đắt tiền hơn là mua theo hình thức nợ vay tín dụng. Hãy nhớ rằng bất cứ thứ gì quý vị mua sẽ rẻ hơn nếu quý vị không phải trả lãi cho nó. Có ít nợ tín dụng hơn (khuyến nghị dưới 30% hạn mức tín dụng khả dụng) cũng có thể giúp nâng cao điểm tín dụng của quý vị.
Thực hiện điều chỉnh
Sau khi quý vị đã xây dựng ngân sách của mình, có thể sẽ cần một số điều chỉnh. Có thể quý vị đã quên việc thêm thứ gì đó, hoặc số tiền quý vị dành cho một loại chi phí có thể là không đủ.
Cũng có thể có các khoản chi bổ sung, theo mùa hoặc thi thoảng, đòi hỏi phải chi nhiều tiền hơn từ hạng mục này hay hạng mục khác. Nó có thể bao gồm những thứ quý vị không mua thường xuyên, chẳng hạn như chi phí học tập, giày mới, và các nhu cầu y tế.
Để bảo đảm rằng ngân sách của quý vị vẫn phù hợp, Bankrate khuyên quý vị nên rà soát nó 6 tháng một lần và điều chỉnh nó để đáp ứng các nhu cầu mới có thể phát sinh. Nếu ngân sách của quý vị trở nên lỗi thời, nó cũng trở nên vô dụng và không thể là một công cụ để hướng dẫn chi tiêu và tiết kiệm của quý vị.
Kiểm soát chi phí của quý vị
Sau khi quý vị xây dựng ngân sách, chỉ quý vị — cùng với những người khác có quyền tiếp cận tiền của quý vị — mới có thể kiểm soát tiền đi đâu. Một kế hoạch ngân sách là một ý tưởng hoặc một công cụ để giúp kiểm soát xem tiền của quý vị đi đâu. Kỷ luật tự giác sẽ là cần thiết để giới hạn việc mua sắm của bạn theo phạm vi ngân sách gia đình cho phép mỗi tháng.
Sau khi quý vị đã tiêu hết số tiền được phân phối của mình cho các khoản phụ bổ sung thêm — chẳng hạn như đồ ăn nhanh và ăn ở ngoài — hãy cắt giảm chi tiêu thêm cho các khoản đó cho đến tận tháng sau. Hoặc, bù nó từ một phần thu nhập còn dư thừa — nhưng cũng dừng chi tiêu cho nó, khi đã đạt đến giới hạn chi tiêu.
Quý vị vẫn cần ghi lại các khoản chi tiêu hàng ngày của mình để tránh bội chi trong bất kỳ khoản mục nào. Hãy nhớ rằng bất cứ khi nào quý vị chi tiêu quá mức trong một khoản mục, điều đó có nghĩa là quý vị sẽ phải chi tiêu ít hơn cho một khoản mục khác.
Minh Trí biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times