Tân lang không chịu vào phòng tân hôn, người vợ xấu xí làm thế nào khiến chàng thay đổi?
Vệ úy khanh Nguyễn Bá Ngạn của nhà Tào Ngụy có một người con trai là Nguyễn Khản nổi tiếng về văn học và y học. Ông còn có một người con gái, đức hạnh hiền lương, nổi tiếng vì có diện mạo xấu xí. Nàng là một trong bốn người phụ nữ xấu nhất trong truyền thuyết lịch sử. Nguyễn Vệ úy tìm nhà chồng cho nàng là gia tộc họ Hứa ở Cao Dương, để nàng kết đôi với danh sĩ Hứa Doãn, con trai nhà họ Hứa (sau này là đại thần của nhà Tào Ngụy).
Trong phòng tân hôn, nàng nói một câu khiến tân lang chấn động
Ngày kết hôn, sau khi tân lang Hứa Doãn cùng tân nương bái thiên địa, bái cao đường, và phu thê giao bái, thì chàng không chịu bước vào phòng tân hôn. Người nhà Hứa gia nhìn thấy như vậy thì cảm thấy rất lo lắng.
Lúc ấy, người bằng hữu thân thiết của Hứa Doãn đến chúc mừng. Tân nương lệnh tỳ nữ ra ngoài xem người đến là ai. Tỳ nữ trả lời: “Là Hoàn Lang.” Người bằng hữu tới chơi là Hoàn Phạm (tự là Nguyên Tắc, quan viên nhà Tào Ngụy), khi đó có biệt danh là “trí nang” (túi khôn).
Tân nương nói: “Không cần lo lắng, Hoàn Lang nhất định sẽ khuyên tân lang vào động phòng.”
Có thể thấy rằng, vị tân nương này không phải là một nữ nhi bình thường. Nàng hiểu rõ về sở trường và phẩm hạnh của văn nhân danh sĩ thời đó.
Hoàn Phạm nhìn tân lang là người bạn thân Hứa Doãn, biết rằng Hứa Doãn khổ tâm vì “dung mạo xấu xí” của tân nương, bèn nói: “Nguyễn gia là danh gia vọng tộc, đã đem con gái xấu gả cho huynh, nhất định là có thâm ý. Huynh hẳn là nên quan sát kỹ tân nương của mình.”
Hứa Doãn nghe lời của bạn thân, bèn đi vào phòng tân hôn. Nhưng khi chàng vừa nhìn thấy tân nương, thì lại quay đầu muốn bỏ đi. Tân nương đã lường trước, nếu như lần này chàng ra khỏi cửa thì sẽ không bao giờ trở lại căn phòng này nữa. Vì vậy, nàng bèn túm lấy vạt áo của chàng, kịp thời ngăn cản bước chân muốn rời xa của chàng.
Hứa Doãn quay đầu hỏi tân nương: “Là nữ nhân cần có tứ đức. Nàng có được mấy đức đây?”
Tân nương đáp: “Thê tử của chàng duy chỉ thiếu mỗi dung mạo, còn mọi thứ đều có đủ cả. Thế bậc sĩ có trăm phẩm hạnh, phu quân có được bao nhiêu?”
Hứa Doãn đáp: “Ta đều có đủ tất cả.”
Tân nương tiếp tục truy hỏi: “Nói đến trăm phẩm hạnh, kẻ sĩ đều biết đức hạnh được xem là quan trọng nhất. Phu quân hiếu sắc mà không hiếu đức, làm sao có thể nói là cả trăm phẩm hạnh đều có đủ chứ?”
Hứa Doãn nghe thấy thê tử nói một câu như vậy, thì cảm thấy rất hổ thẹn. Vị tân nương cùng mình kết tóc se duyên trước mặt đã lên lớp cho chàng một bài học “giáo huấn sâu sắc.” Trí huệ và nội hàm của thê tử thật không tầm thường rồi! Ngộ tính của Hứa Doãn cũng rất khá, cũng biết tự phản tỉnh. Từ đó về sau, chàng đối với thê tử vừa thân thiết, vừa kính trọng.
Người vợ của Hứa Doãn bất phàm như thế nào? Sau này Hứa Doãn gặp phải cảnh sóng to gió lớn trong cuộc đời, nàng vẫn vững vàng trước nguy nan mà không rối loạn, hơn nữa còn lường trước mọi sự tình. Có thể thấy rằng, nàng không chỉ có trí tuệ bất phàm, mà còn có khả năng tri mệnh hiếm có.
Vững vàng trước sóng to gió lớn
Trên con đường làm quan, Hứa Doãn từng đảm nhận nhiều chức vụ như Thị trung, Thượng thư, Trung quân. Khi ông nhậm chức Lại bộ lang dưới thời Ngụy Minh Đế Tào Duệ, ông thường bổ nhiệm người đồng hương của mình làm quan. Một hôm, Ngụy Minh Đế phái Hổ bôn Trung lang đi bắt Hứa Doãn, muốn tống ông vào ngục giam. Lúc Hứa Doãn sắp bị dẫn đi, thê tử dặn dò ông: “Trước mặt Minh quân, có thể dựa vào lý để thuyết phục, nhưng khó có thể dùng tình để tác động”.
Hứa Doãn bị đưa vào cung, Minh Đế lần nữa tra xét thẩm vấn vì sao đảm nhiệm chức quan mà ra sức dùng người cùng quê? Hứa Doãn đối đáp: “Làm quan phải ‘đề cử người mình biết’ [1]. Người cùng quê của thần, là người thần hiểu rõ. Xin bệ hạ cho thẩm tra đối chiếu sự thật xem những gì họ làm có xứng với chức tước đảm nhận hay không? Nếu không xứng đáng, thần nguyện xin chịu tội.”
Sau khi Minh Đế cho thẩm tra đối chiếu những người mà Hứa Doãn bổ nhiệm, phát hiện những người ông dùng xác thực làm việc rất xứng đáng với chức vị. Vì thế, Minh Đế bèn hạ lệnh phóng thích ông. Lúc đó, Minh Đế nhìn thấy y phục Hứa Doãn mặc đã cũ rách, liền hạ chiếu ban cho y phục mới.
Lại nói trong nhà Hứa gia, sau khi Hứa Doãn bị bắt đưa đi, cả nhà đều gào khóc. Chỉ có thê tử của Hứa Doãn là Nguyễn Thị nói với người nhà như không có chuyện gì xảy ra: “Mọi người không cần phải lo lắng, ông ấy sẽ nhanh chóng trở về.”
Lúc đó, Nguyễn Thị còn nấu cháo kê chờ đợi Hứa Doãn trở về. Quả nhiên không lâu sau, Hứa Doãn đã về đến nhà.
Trụ cột của gia tộc
Đại Tướng quân Tư Mã Cảnh Vương nắm quyền chính, bề tôi hiền lương Ngạn Sĩ Vương Cơ (tự là Bá Dư, người Khúc Thành, Đông Lai, làm Trung Thư Thị Lang) đã kiến nghị với ông: “Hứa Doãn, Phó Giả, Viên Khản, Thôi Tán đều là những chính sĩ một thời, ngay thẳng chất phác, không thay lòng đổi dạ, có thể cùng lo chính sự vậy.” Cảnh Vương tiếp nhận đề nghị của Vương Cơ.
Sau đó, gia tộc Tư Mã chuyên quyền, Hứa Doãn và những chí sĩ cùng chí hướng mưu sát người nhà Tư Mã. Sự việc không thành, ông bị Tấn Cảnh Vương sát hại.
Khi môn đồ của Hứa Doãn đến Hứa gia báo tin dữ cho Nguyễn Thị, thì bà đang dệt vải. Nghe được tin phu quân qua đời, thần sắc của bà vẫn không thay đổi và nói: “Ta đã sớm biết rồi!”
Môn đồ muốn đưa các con của Hứa Doãn trốn đi để giữ an toàn cho họ. Nguyễn Thị nói: “Việc này không liên quan gì đến bọn trẻ.”
Sau đó, Nguyễn Thị cùng các con trai Hứa Kỳ (tự Tử Thái) và Hứa Mãnh (tự Nghi Tổ) dời đến sống gần mộ Hứa Doãn. Cảnh Vương sai Chung Hội đi xem xét các con trai nhà Hứa Doãn, nếu tài năng và phong thái ngang bằng với cha thì sẽ bắt giữ.
Hứa Kỳ và Hứa Mãnh cùng với mẫu thân đã bàn bạc xem nên ứng phó như thế nào. Nguyễn Thị nói: “Hai con tuy học thức không tệ nhưng tài năng không nhiều, nên cứ nói thẳng thắn, không cần phải lo lắng, không cần biểu hiện vẻ đau buồn cực độ. Nếu Chung Hội đình chỉ lễ tang, thì các con cũng có thể ngừng vẻ đau buồn lại. Ngoài ra các con có thể hỏi qua một chút chuyện trong triều.”
Khi Chung Hội đến thăm, hai người con trai liền ứng phó theo lời mẹ dặn. Chung Hội quay về triều, đem tình hình nhìn thấy và nghe được tâu với Cảnh Vương. Trước mặt Chung Hội, hai người con trai của Hứa Doãn không hề tỏ ra đau buồn trước sự ra đi của phụ thân, thậm chí còn hỏi những chuyện triều đình mà người minh triết biết giữ mình sẽ không hỏi; tóm lại chúng cũng chỉ là hạng người tầm thường. Mặc dù Chung Hội có khả năng minh xét, nhưng cuối cùng vẫn không địch lại trí tuệ của người phụ nữ hiền đức.
Các con trai của Hứa Doãn, Hứa Kỳ và Hứa Mãnh đều có tài học trị lý. Vào giữa những năm Nguyên Khang của triều Tấn, Hứa Kỳ được bổ nhiệm làm Hiệu úy Ti Lệ, Hứa Mãnh được bổ nhiệm làm Thứ sử U Châu. Hành động, cử chỉ của Hứa Mãnh rất hợp lễ nghi và có chừng mực. Mọi người ca ngợi ông là người có phong thái tao nhã bậc nhất khi đó. Con trai của Hứa Kỳ là Hứa Hà, nổi danh trên đời nhờ đức tính thanh liêm, làm quan đến chức Thị Trung. Hứa Thức, con trai của Hứa Mãnh, rất tài giỏi, từng giữ chức Nội sử Bộc Dương và Thái thú Bình Nguyên.
Cuối cùng, các con trai của Hứa Doãn đã tránh được tai họa. Việc này không thể không nói đến công lao của người mẹ Nguyễn Thị thông minh, thấu hiểu nhân tâm và hiểu rõ sự đời. Người phụ nữ tuy xấu xí nhưng đức hạnh mà Hứa Doãn đã lấy làm vợ, không chỉ giữ ổn định cả gia đình trong lúc hỗn loạn, bảo vệ được huyết mạch của Hứa gia, mà còn tạo được hồng phúc cho đời sau. Bà thông hiểu mệnh số, lại luôn cố gắng hết sức mình, gặp khó khăn không hoang mang không rối loạn, trước nguy nan thì điềm tĩnh thản nhiên. Trên thế gian này, hỏi có bao nhiêu nam nữ có thể sánh ngang với bà?
Chú thích
[1]: Khi Tử Lộ làm chủ quản cho họ Quý, ông hỏi Khổng Tử về chính sự. Khổng Tử đáp: “Đầu tiên có chức ti, miễn xá cho tội nhỏ và đề cử người tài.” Tử Lộ lại hỏi: “Làm sao biết hiền tài mà đề cử họ?” Khổng Tử nói: “Cử người mà mình biết …”
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ