Tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson là một trong những người ủng hộ ông Trump nhiệt thành nhất về những thách thức bầu cử năm 2020
Ông đã kêu gọi cựu Tổng thống Trump sử dụng mọi biện pháp pháp lý mặc dù thừa nhận việc đảo ngược kết quả bầu cử sẽ vô cùng khó khăn.
Dân biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), tân chủ tịch của Hạ viện, là một trong những nhà lập pháp tích cực nhất trong việc giúp đỡ các thách thức pháp lý của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.
Là một luật sư luật chuyên về Hiến Pháp, ông đã lãnh đạo các dân biểu Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội ủng hộ việc thách thức bầu cử tại Tối cao Pháp viện. Ông cũng nằm trong số những người phản đối việc kiểm phiếu đại cử tri đến từ một số tiểu bang.
Rõ ràng, ông đã liên lạc chặt chẽ với cựu TT Trump trong những tháng sau cuộc bầu cử.
“Tôi vừa gọi điện cho Tổng thống Trump để nói điều này: ‘Hãy mạnh mẽ và tiếp tục tranh đấu, thưa ông! Đất nước này đang phụ thuộc vào quyết tâm của ông. Chúng ta phải tận dụng mọi biện pháp pháp lý hiện có để khôi phục niềm tin của người Mỹ vào sự công bằng của hệ thống bầu cử của chúng ta,’” ông Johnson nói trong một tweet vào ngày 07/11/2020, bốn ngày sau cuộc bầu cử.
Ông cho biết ngày hôm sau, ông nhận được cuộc gọi từ cựu TT Trump.
Sang ngày tiếp theo, ông nói với người dẫn chương trình phát thanh theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống Moon Griffon của Louisiana, “Tôi cảm thấy được khích lệ nhiều khi nghe được quyết tâm của ông ấy về vấn đề này tối qua.”
“Tổng thống đang tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề này. Ông ấy muốn bảo đảm rằng mọi lá phiếu hợp pháp đều được kiểm đếm đúng cách.”
Ông thừa nhận sự khó khăn khi thách thức một cuộc bầu cử, nhưng cho biết “vẫn còn lý do để hy vọng.”
Ông nói: “Có rất nhiều điều mà chúng tôi tin là những cáo buộc đáng tin cậy về gian lận và những điều bất thường và vụ việc này phải được điều tra thích đáng.”
Ông chỉ trích giới truyền thông thiên tả đã tuyên bố rằng đối thủ Đảng Dân Chủ Joe Biden thắng cử và “tiếp tục bước tiếp theo” bất chấp nhiều cáo buộc về những điều bất thường.
Ông nói: “Quý vị phải để việc này diễn ra và được thực hiện một cách đúng đắn, và tôi nghĩ chúng ta sẽ khám phá ra rất nhiều điều khiến nhiều người phải ngạc nhiên,” đồng thời lưu ý rằng 10 vụ kiện sắp được đệ trình.
Ông Johnson nói rằng khi còn là sinh viên luật, ông đã tham gia vào cuộc đua Thượng viện năm 1996 ở Louisiana, nơi ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Woody Jenkins thách thức chiến thắng sát nút của thành viên Đảng Dân Chủ Mary Landrieu. Theo quan điểm của ông, có rất nhiều bằng chứng về hành vi sai trái trong cuộc đua này, nhưng những điều đó chưa bao giờ được đưa ra xét xử một cách thỏa đáng.
Ông nói: “Quý vị phải có bằng chứng thuyết phục, quý vị phải có bằng chứng không thể chối cãi, hoặc quý vị phải có người tố cáo sẽ làm chứng hữu thệ. Đó là những điều rất khó làm được. Quý vị không chỉ búng ngón tay và khám phá tất cả những điều đó rồi ráp những chi tiết lại với nhau chỉ sau một đêm.”
Ông cho rằng thật nguy hiểm nếu để những cáo buộc đó không được giải quyết.
Ông nói: “Quý vị không thể cho phép loại tội ác đó sinh sôi nảy nở. Và đó là tội lỗi. Tính liêm chính của hệ thống bầu cử tại nước cộng hòa lập hiến của chúng ta là nền tảng thiết yếu giúp hệ thống của chúng ta hoạt động hiệu quả. Và khi mọi người mất niềm tin vào những nền tảng đó, vào các tổ chức chính phủ của chúng ta, thì họ chỉ muốn giải quyết tranh chấp trên đường phố.”
Một tuần sau, ông đưa ra một thông tin cập nhật khác về những thách thức bầu cử, có vẻ như là sau một cuộc trò chuyện khác với cựu Tổng thống Trump.
Ông nói với đài phát thanh địa phương KEEL News: “Tôi đã nói chuyện với tổng thống trong vài ngày qua và ông ấy vẫn đang tìm hiểu kỹ lưỡng về vấn đề này.”
“Tôi nghĩ rằng, bằng trực giác, tất cả chúng ta đều biết rằng có rất nhiều điều không ổn trong Ngày Bầu cử vừa qua.”
Ông nói rằng có “rất nhiều cơ sở” cho lập luận rằng một số tiểu bang dao động đã thay đổi các quy tắc bầu cử mà không có sự chấp thuận thích hợp của các cơ quan lập pháp tiểu bang cũng như các cáo buộc liên quan đến một số máy bỏ phiếu “gian lận.”
Ông chỉ ra rằng rất nhiều cử tri phàn nàn rằng khi họ đến bỏ phiếu vào Ngày Bầu cử, họ được thông báo rằng họ đã bỏ phiếu qua thư và phải điền vào các lá phiếu tạm thời. Phiếu bầu của họ vẫn sẽ được tính, nhưng điều đó không đề cập đến những người Mỹ gặp hoàn cảnh tương tự đã không đến bỏ phiếu.
Những cáo buộc liên quan đến máy bỏ phiếu vẫn chưa được chứng minh. Vài tuần sau, khi ông Johnson dẫn đầu 126 dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện để đệ trình một bản tóm tắt thân hữu của tòa án (amicus brief) cho một khiếu nại bầu cử do Texas đưa lên Tối cao Pháp viện, thì lập luận của họ chỉ tập trung vào những thay đổi về quy tắc bầu cử.
Ông Johnson lập luận trong cuộc phỏng vấn rằng “chúng ta cần sử dụng hết tất cả các biện pháp pháp lý,” nhưng ông cũng lưu ý rằng đây là một “cuộc tranh đấu gian khó.”
Ông nói: “Big Media, Big Tech và Big Money, họ đều đã dự liệu được điều này từ lâu rồi.”
Ông thừa nhận rằng một số thách thức pháp lý đối với cuộc bầu cử đã thất bại vào thời điểm đó, trong khi đó, những thách thức còn lại khó vượt qua hơn vì chúng cần phải được đệ trình lên tòa án tiểu bang.
Ông nói: “Những gì chúng tôi biết về hầu hết các thẩm phán tòa án địa hạt tiểu bang là họ được bầu chọn và họ rất miễn cưỡng tham gia vào vụ này. Vì vậy, quý vị phải có cả núi bằng chứng để trình lên tòa, để buộc họ phải làm điều đúng đắn, thực hiện chức trách của mình, và xem xét vụ án một cách khách quan. Hễ mà thiếu thứ gì thì họ sẽ loại bỏ vụ án ngay. Đó là một lối thoát dễ dàng cho các thẩm phán.”
“Và tôi không chê bai tính cách của mọi thẩm phán, nhưng tôi nói với quý vị rằng để làm những gì [mà chức trách của họ] đòi hỏi thì cần rất nhiều dũng khí. Và vấn đề với những vụ án này cũng như vấn đề với mọi vụ án gian lận bầu cử khác là những vụ án này nổi tiếng là khó chứng minh. Quý vị có thể biết rằng tất cả những điều này đã xảy ra, nhưng việc chứng minh [gian lận] lại là chuyện khác và đó là một thử thách. Và phải tốn thời gian để làm điều đó, nhưng họ không có nhiều thì giờ.”
Vào ngày 02/12/2020, ông Johnson lại đề cập đến vấn đề này trong cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Viện Doanh nghiệp Mỹ Robert Doar.
Ông một lần nữa nhấn mạnh rằng cựu Tổng thống Trump nên “dùng hết mọi biện pháp pháp lý… để loại bỏ tận gốc hành vi gian lận và những điều bất thường.”
Ông thừa nhận rằng cuộc tranh luận về việc đảo ngược kết quả bầu cử đang trở nên mang tính “học thuật,” nhưng nhấn mạnh rằng những thách thức vẫn có ý nghĩa.
Ông nói: “Ngay cả khi cuộc bầu cử hiện tại không có khả năng bị đảo ngược ngay bây giờ — và có lẽ là không, đó là thực tế — thì chúng ta phải bảo đảm rằng sau này sẽ không có vụ việc như thế xảy ra nữa.”
Trong những ngày sau đó, Tối cao Pháp viện đã bác bỏ vụ kiện của Texas vì thiếu cơ sở khởi kiện.
Ông Johnson nhận định trong một cuộc phỏng vấn khác trên đài phát thanh vào ngày 14/12, “Một số người trong chúng ta rất lấy làm khó hiểu về điều này.”
Ông cho biết quyết định này đã đặt ra một tiền lệ xấu vì không giải quyết được vụ kiện về bản chất, do đó để ngỏ câu hỏi liệu những thay đổi về quy tắc bầu cử của bất kỳ ai ngoại trừ các cơ quan lập pháp tiểu bang có hợp hiến hay không.
Ông lập luận rằng Điều khoản về Đại cử tri trong Hiến Pháp quy định rằng “chỉ có các cơ quan lập pháp của tiểu bang mới có thể đặt ra các quy tắc lựa chọn đại cử tri ở mỗi tiểu bang.”
Ông nói: “Sự im lặng của Tối cao Pháp viện sẽ gợi ý cho nhiều người rằng giờ đây, sau hơn hai thế kỷ, lúc cần giành chiến thắng bầu cử thì việc xem nhẹ các quy tắc cũng được thôi.”
Vào ngày 06/01, ông Johnson nằm trong số khoảng 140 dân biểu Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội phản đối việc kiểm đếm phiếu đại cử tri từ một số tiểu bang với lý do những đại cử tri này được bầu dựa trên những thay đổi vi hiến đối với các quy tắc bầu cử và do đó là bất hợp pháp.
Ông Johnson và 36 người khác cho biết trong một thông cáo sáng hôm đó: “Trước những sự thật không thể bỏ qua này, chúng tôi tin rằng chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ phiếu để duy trì sự phản đối đối với những nhóm cử tri đó.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times