Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.25): Câu chuyện ‘Một tiếng kinh người’
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10
Nguyên văn
周轍東,王綱墜,
逞干戈,尚遊說。
始春秋,終戰國,
五霸強,七雄出。
Âm Hán Việt
Chu triệt Đông, Vương cương trụy,
Sính can qua, Thượng du thuyết.
Thủy Xuân Thu, Chung Chiến Quốc,
Ngũ bá cường, Thất hùng xuất.
Tạm dịch
Nhà Chu dời về phía Đông, kỷ cương của Vương triều suy yếu,
Lạm dụng chiến tranh, tôn sùng du thuyết.
Bắt đầu ở thời Xuân Thu, kết thúc ở thời Chiến Quốc,
Ngũ Bá cường thịnh, Thất Hùng xuất hiện.
Từ vựng
(1) Chu (周): triều Chu, nhà Chu.
(2) triệt đông (轍東): Chu Bình Vương dời đô về phía đông đến Lạc Dương, sử gọi là nhà Đông Chu.
(3) vương cương (王綱): Chế độ của vương triều thống trị. Cương (綱): kỷ cương.
(4) trụy (墜): rơi, rơi xuống, suy yếu.
(5) sính (逞): Tùy ý ngông nghênh, kiêu ngạo, ngang tàng, ở đây chỉ “lạm dụng vũ lực”.
(6) can qua (干戈): là hai loại binh khí thời cổ đại, đây ý là chỉ chiến tranh.
(7) thượng (尚): Tôn sùng, tôn trọng, tôn kính.
(8) du thuyết (遊說): Chỉ mưu sĩ chu du các nước, nhằm phân tích hình thế chính trị và quan hệ lợi hại cho các chư hầu, cũng đề xuất ra chủ trương cá nhân, để cầu lấy sự tín nhiệm và trọng dụng của chư hầu.
(9) thủy (始): bắt đầu, mới.
(10) Xuân Thu (春秋): thời kỳ Xuân Thu.
(11) chung (終): cuối cùng, hết, kết thúc.
(12) Chiến Quốc (戰國): thời đại Chiến Quốc.
(13) Ngũ Bá (五霸): Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tống Tương Công, Tần Mục Công, Sở Trang Vương.
(14) cường (強): cường thịnh, mạnh, mạnh mẽ.
(15) Thất Hùng (七雄): tức 7 nước Tần, Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy.
(16) xuất (出): ra, xuất hiện.
Dịch nghĩa tham khảo
Sau khi Chu Bình Vương dời đô về phía đông đến Lạc Dương, kỷ cương vương thất và chế độ chính trị dần dần suy sụp, các chư hầu lạm dụng vũ lực, thường phát động chiến sự. Việc các mưu sĩ đi khắp các nước, lấy tài ăn nói để thuyết phục, hiến kế sách để cầu công danh, đã phát triển thành một trào lưu thời bấy giờ.
Nhà Đông Chu bắt đầu vào thời Xuân Thu và kết thúc vào thời Chiến Quốc. Trong thời Xuân Thu, có Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công và Sở Trang Vương, đây là 5 nước chư hầu xưng bá, và thời kỳ Chiến Quốc thì xuất hiện Thất Hùng là Tần, Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, và Ngụy.
Đọc sách luận bút
Bài học trước đã đề cập đến sự thay đổi của ba triều đại Hạ, Thương, Chu, đã diễn giải quy luật hưng vong của quốc gia: nếu vua của một nước hoang dâm tàn bạo, tất yếu sẽ suy bại và diệt vong. Đối với cá nhân cũng như vậy, làm nhiều việc bất nghĩa sẽ tự giết mình. Vì vậy, lịch sử là một tấm gương, nếu lấy sử làm gương, chúng ta có thể thu được chính lý (lẽ phải) để trị quốc và cách xử thế làm người.
Trọng điểm ở đây có thể lấy nhà Chu làm ví dụ, để làm sáng tỏ bài học đời người lớn nhất vừa kể ở trên. Đó là bởi vì nhà Chu là triều đại lâu dài nhất, tổng cộng 800 năm, lại bị phân ra thành hai phần Tây Chu và Đông Chu, hình thành sự đối lập mạnh mẽ, những quy luật và bài học kinh nghiệm của việc trị quốc hưng suy diễn ra một cách sinh động, bày ra trước mặt mọi người, diễn thử ra một lần trước cho hậu thế và lưu lại một tấm gương.
Vào thời Tây Chu, quân thần đều có đức, thiên hạ thái bình, còn ở thời Đông Chu thì theo hướng suy bại, căn nguyên là do ý chí và đức hạnh của quân thần dần dần đã lệch khỏi chính niệm “thiên hạ vi công” (thiên hạ là của chung), quân vương thì mưu cầu hưởng lạc nhàn hạ, không quan tâm đến chính sự, bề tôi thì mưu cầu công danh lợi lộc, đều vì riêng tư cá nhân. Vì người làm vua đã hoàn toàn lệch khỏi chí hướng của vị tổ tiên ban đầu là Văn Vương – vì mong muốn bách tính thiên hạ được yên bình mà chăm lo việc nước, tìm kiếm người hiền tài, nên đương nhiên triều đình cuối cùng cũng sẽ xuất hiện hậu quả lộng quyền của gian thần, giữa quân thần cũng đã tương phụ tương thành cho nhau.
Đông Chu lại được phân thành hai thời kỳ: Xuân Thu và Chiến Quốc, Xuân Thu là một quá trình từ thống nhất đến chia rẽ, còn thời Chiến Quốc là quá trình sau khi chia cắt lại tiến hành tái hợp nhất, để đi tới thống nhất, chinh chiến bằng vũ lực, là quá trình muốn trở thành chủ nhân của thiên hạ. Toàn bộ quá trình Đông Chu này chính là quốc gia đã ngã bệnh, các loại trật tự và cơ chế bị phá vỡ cân bằng nên lâm vào hỗn loạn, sau đó mang đến chinh chiến và thống khổ vô hạn. Vì thế, lòng dân tự nhiên muốn tìm lại thái bình, muốn khôi phục cân bằng, dùng phương thức chiến tranh để sáp nhập thống nhất, để một lần nữa hình thành bộ máy có trật tự mới.
Quá trình này chinh chiến không ngừng, mất đi thái bình lại khôi phục thái bình, lịch sử mấy trăm năm này phải đánh đổi bằng cái giá đắt. Trong lúc nhân tâm biến dị, đạo đức trượt dốc, nhiều người thế gian lợi dụng tâm lý các nước chư hầu muốn bảo vệ bình an và tranh bá mà hiến kế bày mưu, cầu được công danh. Việc người ta chỉ vì cái lợi trước mắt mà hoành hành bá đạo, vứt bỏ vương đạo, tôn sùng vũ lực đã trở thành hiện thực tàn khốc tạm thời xuất hiện trong quá trình này. Nếu không thể nhìn vấn đề từ góc độ và quy luật tổng thể về sự thay đổi của các vương triều, sẽ bị sa vào một giai đoạn lịch sử xưng hùng xưng bá mấy trăm năm này, thì khi thấy được thắng lợi nhất thời bằng vũ lực sẽ rút ra được bài học phản diện, cho rằng vũ lực có thể giải quyết hết thảy mọi vấn đề. Kỳ thực không phải vậy.
Sự thần phục nếu chỉ đạt được dựa vào vũ lực, thì cũng không phải là chân tâm, ắt sẽ bị vũ lực lớn mạnh hơn chinh phục và thay thế, tranh chấp như vậy, không ngừng không nghỉ, hết đợt này đến đợt khác. Điều tai hại là ngay cả sau khi nhà Tần thống nhất sáu nước, lòng người vẫn chưa yên, ân oán tình thù do chiến tranh mang lại, di hại (cái hại di lưu lại) quá sâu, ảnh hưởng vô cùng sâu xa. Cho đến khi kiến lập nhà Hán, xác lập vị trí của Nho gia dạy người ta trọng đức, lấy hiếu đạo để trị quốc, xác định rõ phải khôi phục truyền thống mà các vị thánh vương thời thượng cổ Thuấn Đế đã lưu lại, lúc này mới đạt được sự an định và thống nhất thực sự. Vì vậy, khi nhìn lịch sử cần phải nhìn tổng thể, rút ra những bài học kinh nghiệm chính diện, nhìn nhận vấn đề từ gốc rễ. Tu chính đạo đức, chăm lo việc nước, cảm hóa nhân tâm, đó mới là đạo lý cho thái bình lâu dài. Ngay cả khi cần đến vũ lực, cũng chủ yếu chỉ là khởi được tác dụng về phòng ngự và trị loạn trong tình huống cực đoan nhất thời, không thể đảo ngược gốc thành ngọn.
Cho nên các thế hệ sau này bắt đầu từ Khổng Tử thời Xuân Thu, vô cùng coi trọng việc nghiên cứu lịch sử, xác định rõ ràng rằng người có học thức phải đạt được phẩm đức của bậc quân tử, nhìn nhận lịch sử một cách chính diện, lấy việc quan tâm đến hưng vong của quốc gia và đau khổ của bách tính làm chí hướng và giá trị nhân sinh của mình, gánh vác trọng trách, không thể chối từ. Đây là mục đích của việc đọc sách và giáo dục.
Tuy nhiên thời đại thay đổi, giá trị quan của con người cũng thay đổi theo. Người có học thức của thời hiện đại chỉ vì cái lợi trước mắt, chỉ mưu cầu tư lợi cá nhân, lòng dạ hẹp hòi, khó mà thành tựu. Họ chỉ sống vì bản thân, cả đời ích kỷ mà sầu não uất ức, đánh mất chính mình. Biết bao người bởi vậy mà mất phương hướng trong cuộc đời, cảm thấy cuộc sống vô vị, nội tâm trống rỗng, có bao nhiêu tiền bạc cũng không thể có được niềm vui và hạnh phúc chân chính. Quan niệm giáo dục, giá trị quan của cổ nhân đáng để cho chúng ta suy ngẫm sâu sắc.
Câu chuyện “Một tiếng kinh người”
Năm 613 trước công nguyên, Sở Trang Vương vừa mới lên ngôi. Nước Tấn lợi dụng cơ hội này lôi kéo một số nước trước đây vốn quy thuận nước Sở. Các quan đại thần nước Sở rất bất bình, họ đều đề xuất yêu cầu Sở Trang Vương xuất binh đi tranh bá.
Tiếc thay Sở Trang Vương không nghe theo, trong thời gian ba năm sau khi lên ngôi, ban ngày đi săn, ban đêm uống rượu nghe nhạc, không để ý đến bất kỳ sự kiện trọng đại nào của quốc gia, cả ngày trầm mê với ăn chơi rượu chè, phớt lờ quốc sự, khiến cho quan lại tham ô thất trách, ức hiếp bách tính. Sở Vương biết đám quan đại thần rất không hài lòng đối với việc làm của ông, liền hạ lệnh: Nếu ai dám khuyên can, sẽ phán tội chết.
Lúc này, có một quan đại thần là Ngũ Cử, thực sự nhịn không được, quyết tâm đi gặp Sở Trang Vương. Ông nói với Sở Trang Vương: “Có người bảo hạ thần đoán một câu đố, hạ thần đoán không ra. Đại Vương là người thông minh, xin Ngài đoán thử xem!” Sở Trang Vương nói: “Ngươi nói ra cho ta nghe coi!”
Ngũ Cử nói: “Trên núi nước Sở, có một con chim lớn, thân hình ngũ sắc, dáng vẻ rất oai phong. Thế nhưng đã ba năm, không bay cũng không kêu, đây là con chim gì?” Sở Vương nghe xong, trong lòng hiểu rõ con chim mà Ngũ Cử nói tới là ai. Ông ta nói: “Đây không phải là một con chim bình thường. Loại chim này, không bay thì thôi, khi bay sẽ lên cao ngút trời; không kêu thì thôi, khi kêu một tiếng sẽ kinh người”.
Từ đó, Sở Trang Vương bắt đầu chỉnh đốn quốc gia, ban thưởng cho quan viên tận trung tận trách, trừng phạt tham quan ô lại, khiến cho quốc gia tràn đầy tinh thần phấn chấn. Đồng thời ông chỉnh đốn việc quân, tăng cường vũ lực, tạo dựng được uy thế khá cao, các nước chư hầu chẳng những không dám xâm phạm, mà còn đem đất đai xâm chiếm trả lại cho nước Sở. Cho nên hành động này của Sở Trang Vương thực sự có thể nói là “Một tiếng kinh người”!
Đây là sự đối lập trước sau về những gì xảy ra ở một nước chư hầu trong thời đại các nước chư hầu chinh phạt lẫn nhau, vua nước Sở hồ đồ nên xã hội rối loạn, để tham ô hoành hành, bách tính bị ức hiếp, lòng dân tất nhiên bất ổn, tiền đồ quốc gia có thể hiểu sẽ ra sao. Thế nhưng nửa kỳ sau đó, nhà vua được thức tỉnh, sửa chữa sai lầm, chăm lo việc nước, quốc gia liền tràn ngập tinh thần phấn chấn, nhân tài được trọng dụng, việc ác bị trừng trị, hết thảy đều trở nên ngay ngắn có trật tự, đương nhiên sẽ được bách tính ủng hộ yêu mến, quốc gia tất nhiên cũng được hưng thịnh. Một người liệu có nhân đức hay không, thì đối với quốc gia cũng vậy, đối với gia đình cũng vậy, đó là điều ở vị trí thứ nhất. Đạo hưng suy cũng chính ở chỗ này.
Ghi chú: Bài viết dựa trên tài liệu dạy “Tam Tự Kinh” đã qua chỉnh sửa của Chánh Kiến Net.
Quý vị tham khảo bản gốc từ chanhkien.org