Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.23)
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10
Nguyên văn
夏有禹, 商有湯,
周文武,稱三王。
夏傳子,家天下,
四百載,遷夏社。
Âm Hán Việt
Hạ hữu Vũ, Thương hữu Thang,
Chu Văn Vũ, Xưng Tam vương.
Hạ truyền tử, Gia thiên hạ,
Tứ bách tải, Thiên Hạ xã.
Tạm dịch:
Nhà Hạ có Đại Vũ, nhà Thương có Thành Thang,
Nhà Chu có Văn Vũ, tất cả gọi Tam vương.
Nhà Hạ truyền con cháu, thiên hạ như sản gia,
Trải qua bốn trăm năm, nhà Hạ không còn nữa.
Từ vựng
(1) Hạ (夏): tên triều đại nhà Hạ.
(2) Vũ (禹): Quân vương đầu tiên khai quốc triều đại nhà Hạ. Họ Tự. Là cháu trai của Chuyên Húc, huyền tôn (cháu cố, cháu bốn đời) của Hoàng Đế.
(3) Thương (商): tên triều đại nhà Thương.
(4) Thang (湯): vua khai quốc triều đại nhà Thương. Họ Tử, tên Lý, còn gọi là Thành Thang.
(5) Chu (周): tên triều đại nhà Chu.
(6) Văn (文): chỉ Chu Văn Vương. Họ Cơ, tên Xương, lãnh tụ tộc Chu những năm cuối triều Thương, lập quốc ở Kỳ Sơn, gọi là “Tây Bá”. Sau khi chết, được tôn là “Văn Vương”.
(7) Vũ (武): chỉ Chu Vũ Vương. Họ Cơ, tên Phát, con trai của Văn Vương.
(8) Tam vương (三王): thực tế không phải chỉ ba người, mà chỉ bậc thánh vương của ba đời Hạ, Thương, Chu.
(9) truyền (傳): truyền ngôi vị.
(10) tử (子): con trai gọi là ‘nhi tử’, con cháu gọi là ‘tử tôn’.
(11) gia thiên hạ (家天下): chỉ việc đem đế vị truyền cho con cháu của mình, quốc gia tựa như gia sản của mình, do con cháu kế thừa.
(12) tải (載): năm.
(13) thiên (遷): cải biến, thay đổi, biến đổi.
(14) xã (社): xã tắc, chỉ quốc gia. Xã, là Thổ Thần; Tắc, là Cốc Thần (Thần lúa gạo). Thời cổ đế vương, chư hầu đều tin vào tế Thần Xã Tắc, Xã Tắc theo quốc gia mà tồn vong, cho nên xem Xã Tắc là cách gọi khác của quốc gia.
Dịch nghĩa tham khảo
Vị vua khai quốc nhà Hạ là Đại Vũ, vị vua khai quốc nhà Thương là Thành Thang, vị vua khai quốc nhà Chu là Văn Vương và Vũ Vương. Họ đều là những bậc Thánh vương tài đức vẹn toàn của 3 triều đại Hạ, Thương, Chu.
Quân vương nhà Hạ truyền ngôi cho con cháu của mình, từ đó về sau, thiên hạ cũng giống như gia sản của họ, truyền lại cho con cháu kế thừa. Trải qua 400 năm, Hạ Kiệt lên ngôi, bạo ngược vô đạo, do đó Thương Thang khởi binh thảo phạt Hạ Kiệt, giành được thiên hạ, nhà Hạ từ đó kết thúc.
Đọc sách luận bút
Trong bài học trước đã kể về lịch sử của “Tam Hoàng” và “Nhị Đế”, nói rằng tổ tiên của người Trung Quốc cùng với cội nguồn văn hóa là do Thần truyền. Đến bài học này thì chính thức đi vào lịch sử thay đổi các triều đại Trung Quốc, bắt đầu từ nhà Hạ, mỗi triều mỗi đại đã diễn giải câu chuyện hưng suy và chuyển đổi giữa các triều đại, những nhân vật chính trong những thời kỳ lịch sử này là con người, các vị Thần đã rời đi, không còn trực tiếp tiếp xúc với con người, có lẽ nhằm lưu lại một kịch bản không để con người biết được; thông qua các nhà tiên tri như Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, Viên Thiên Cương triều Đường, Thiệu Ung triều Tống, Lưu Bá Ôn triều Minh, mà ngẫu nhiên điểm hóa cho con người một chút: Ông Trời an bài đại sự nơi thiên hạ, thúc đẩy sự thay đổi các triều đại, có tin hay không, thì còn phải xem ngộ tính, nhìn vào sự lựa chọn của bản thân con người.
Vì vậy, lịch sử chuyển đổi triều đại lâu dài này hoàn toàn do con người tự làm diễn viên, liên tục diễn, vừa có nền văn hóa huy hoàng, lại vừa có sự xót xa thống khổ trong thời chiến loạn, trong lúc phân ly. Hết thảy những điều này đều nhằm chỉ bảo con người cần phải trọng đức hành thiện, đặc biệt là vua một nước, đã đem ‘quốc’ (nước) xem như là ‘gia’ (nhà) của mình, vậy thì chính là cha của một nước, nên phải nhân ái đối với thiên hạ, xem bách tính là con dân của mình.
Cho dù người kế thừa vương vị là con cháu đời sau của vua, nhưng tư tưởng “hoàng quyền là của công” do chế độ thiện nhượng vương quyền cho người tài đức của tổ tiên lưu lại, cùng với truyền thống lấy đạo Hiếu trị quốc của tiên đế Thuấn lại bén rễ ăn sâu truyền thừa không dứt. Bởi vậy, cho dù chuyển đổi triều đại, hay truyền ngôi lại cho con như thế nào, thì những tư tưởng này vẫn sẽ được truyền từ đời này sang đời khác. Vị vua nào làm trái đạo lý trị quốc, sẽ bị thần dân thấy được và chỉ trích, thiên hạ cũng liền lâm vào hỗn loạn và khổ nạn, triều đại ấy sẽ tràn ngập nguy hiểm, cuối cùng đi đến diệt vong. Tiếp đó thế hệ sau sẽ lật đổ tiền triều, khai sáng triều đại mới, lại căn cứ tham chiếu những lời dạy của bậc đế vương tiên tổ lưu lại mà phản tỉnh và quy chính, một lần nữa hướng tới phồn vinh. Ngay từ đầu, ba triều đại Hạ, Thương và Chu đều diễn xuất ra quy luật này, Hạ Kiệt vô đạo bị Thương Thang lật đổ, Trụ vương nhà Thương vô đạo bị nhà Chu thay thế. Cho đến ngày nay câu “Trợ Trụ vi ngược” là thành ngữ mà mọi nhà đều biết, có thể thấy Trụ Vương bạo ngược cỡ nào. Hôn quân vô đạo nhất định diệt vong, minh quân hữu đạo sẽ khai sáng thịnh thế. Ba triều đại này đã diễn xuất ra đạo lý đó, đạo lý chân thực trọng yếu nhất, để hậu nhân ghi khắc vào tâm. Trong ba triều đại này, triều đại nhà Chu là dài nhất, tổng cộng 800 năm, lưu lại văn hóa vương triều rất rộng lớn, Chu Lễ, Chu Dịch đều hình thành ở thời kỳ này. Văn Vương hạ mình cầu hiền mời Khương Thái Công (Khương Tử Nha) giúp đỡ để kiến lập triều Chu; Chu Công cúc cung tận tụy, tiếp đãi hiền tài, thiên hạ quy thuận, lưu lại cho hậu thế cái đức quân thần trong việc khai sáng và trị lý vương triều. Đây chính là mục đích học lịch sử của Nho gia. Mọi người cần rút ra những bài học giáo huấn và trí tuệ từ trong lịch sử, hiểu được chân tướng của sự thành bại hưng suy.
(1) Câu chuyện “Đại Vũ trị thủy”
Bởi vì trộm ‘tức nhưỡng’ (túi đựng đất) của Thiên Đế mang xuống thế gian để ngăn lũ, Cổn đã chọc giận Thiên Đế, bị Thiên Đế phái Hỏa Thần giết chết tại Vũ Sơn. Thi thể của Cổn trải qua ba năm chẳng những không có hư thối, mà trong bụng còn thai nghén ra một sinh mệnh mới. Thiên Đế phái một Thiên Thần đến Vũ Sơn, dùng Ngô đao mổ bụng Cổn ra, bỗng nhiên nhảy ra một con Cầu Long (rồng có sừng), chính là Vũ. Và thi thể của Cổn sau khi sinh ra Vũ thì phát sinh biến hóa, hóa thành Hoàng Hùng (có khi nói là Hoàng Long) nhảy vào đầm Vũ Uyên, biến mất bóng dáng.
Đại Vũ tiếp tục hoàn thành di nguyện của cha, muốn dẹp yên hồng thủy. Thiên Đế còn phái Thiên Thần xuống giúp đỡ, Bá Ích phụ trách nhóm lửa, đốt cháy cỏ cây um tùm trong đầm lầy rừng núi, xua đuổi cầm thú, khơi thông dòng nước; Ứng Long hỗ trợ đo đạc, dẫn hướng đường thủy. Thuở đầu trị thủy, Đại Vũ còn thu được hai loại bảo vật, một là “Ngọc giản” được Hy Hoàng ban cấp, có thể dùng để đo lường thiên địa; một cái khác là “Hà Đồ” được Hà Tinh trao cho, ghi chép tất cả đường xá sông ngòi, dùng để quan sát địa hình. Với sự hỗ trợ của Thiên Thần và bảo vật, lại thêm sự đồng lòng chung sức hợp tác của bách tính trên mặt đất, Đại Vũ đạt hiệu quả rất lớn trong việc trị thủy, sông ngòi đều thuận theo thủy đạo mà chảy ra biển đông, và đất đai nơi con người cư trú cũng dần cao thêm.
Đại Vũ đã dẹp yên lũ lụt, dân chúng lại quay về sinh sống trên vùng đồng bằng, sống an cư lạc nghiệp, tất cả mọi người đều rất cảm kích ông. Bởi vì công lao của ông quá lớn, cho nên vua Thuấn đã nhường ngôi cho ông. Sau đó Đại Vũ trở thành Thiên tử, đóng đô ở An Ấp, quốc hiệu là Hạ.
Sau khi Đại Vũ lên ngôi, cũng muốn noi gương sự nhường ngôi của Nghiêu và Thuấn, lúc sắp chết ông đem thiên hạ giao cho Bá Ích, người đã trị thủy cùng với ông. Nhưng bởi vì Khải, con trai của Vũ có đức hạnh tài năng, bách tính đều hướng tâm đến anh ta, Khải đành phải thuận theo lòng dân bước ra làm vua. Khải sau khi chết, truyền ngôi cho con là Thái Khang. Thái Khang sau khi chết truyền cho em trai là Trung Khang kế vị. Cứ như thế đời nọ truyền đời kia, kể từ đó thiên hạ truyền ngôi riêng trong một gia tộc.
(2) Câu chuyện “Thương Thang diệt Hạ”
Sau khi nhà Hạ truyền được mười mấy đời, cuối cùng mất trong tay Hạ Kiệt. Hạ Kiệt không biết tu đức chuyên cần chính sự, chỉ biết ăn uống vui chơi, sống vô cùng xa hoa, bách tính khổ không thể tả, oán than khắp nơi. Sau đó Thành Thang xuất binh đánh Hạ, quân nhà Hạ thua tại Lịch Sơn, đem Hạ Kiệt đày tới Nam Sào, Kiệt chết ở nơi đó. Nhà Hạ từ thời Đại Vũ kiến quốc cho đến thời Hạ Kiệt thì vong quốc, diễn ra hơn 400 năm.
Sau khi Thành Thang diệt nhà Hạ, kiến lập nhà Thương. Thành Thang là một bậc hiền quân có thể chiêu hiền đãi sĩ, chăm lo cho bách tính. Lúc Thành Thang gặp phải đại hạn hán liên tiếp suốt bảy năm, xem quẻ quyết định phải hiến tế người sống mới có thể cầu mưa thành công, giải trừ hạn hán. Thành Thang nghe vậy, không đành lòng hy sinh sinh mệnh bách tính, bình tĩnh nói: “Nếu như nhất định phải có người hy sinh, thế thì hãy để cho ta vậy!” Rồi hướng lên Trời sám hối. Thiên thượng cảm động với thành ý của ông, đổ mưa to xuống giải trừ hạn hán.
Hai câu chuyện ở trên nói về lai lịch của thiên hạ gia (vị trí thiên tử cha truyền con nối) và kết cục khác nhau của vị vua nhân ái và vị vua bạo ngược. Từ đây sự thay đổi triều đại không ngừng phát sinh, cũng không ngừng diễn lại nhân quả lịch sử ‘thiện hữu thiện quả’, ‘ác hữu ác báo’. Việc này thể hiện ở sự trị quốc hưng suy, chính là khi vua nhân đức quốc gia sẽ hưng thịnh, vua tàn bạo vô đức thì sẽ dẫn đến số phận suy bại và diệt vong. Ba nhà Hạ, Thương, Chu đã diễn ra quy luật này. Thể hiện ở gia tộc, chính là gia đình tích thiện tất có dư phúc, con cháu dòng họ nhất định phồn vinh; còn gia đình tích ác tất có dư họa, liên lụy con cháu bần cùng khốn đốn, lụn bại từng đời. Còn như vận mệnh nho nhỏ của một cá nhân, thì quả báo thiện ác càng rõ ràng hơn, có không ít quả báo xuất hiện ngay trong đời này, mấy chục năm sau đã thấy được kết quả, chuyện như thế trong dân gian từ xưa có nhiều vô số kể. Từ quốc gia cho đến cá nhân, đều là bài học giáo huấn, cũng là ý trời sai khiến, nhằm cảnh tỉnh con người, quy phạm đức hạnh của con người.
Ghi chú: Bài viết dựa trên tài liệu dạy “Tam Tự Kinh” đã qua chỉnh sửa của Chánh Kiến Net.
Quý vị tham khảo bản gốc từ chanhkien.org