Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.24): Câu chuyện ‘Chu Công thịnh đức’
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10
Nguyên văn
湯伐夏,國號商,
六百載,至紂亡。
周武王,始誅紂,
八百載,最長久。
Âm Hán Việt
Thang phạt Hạ, Quốc hiệu Thương,
Lục bách tải, Chí Trụ vong.
Chu Vũ Vương, Thủy tru Trụ,
Bát bách tải, Tối trường cửu.
Tạm dịch:
Thương Thang dẹp Hạ Kiệt, đặt quốc hiệu là Thương,
Trải qua sáu trăm năm, tới Trụ Vương thì hết.
Chu Vũ Vương khởi binh, bắt đầu diệt Trụ Vương,
Trải qua tám trăm năm, triều trị vì lâu nhất.
Từ vựng
(1) Thang (湯): tên người, là vua Thương Thang, vị quân vương đầu tiên của nhà Thương.
(2) phạt (伐): tiến đánh, xuất chinh thảo phạt (ra trận đánh dẹp).
(3) Hạ (夏): là vua Hạ Kiệt, vị quân vương cuối cùng của nhà Hạ, là một bạo chúa trong lịch sử.
(4) quốc hiệu (國號): tên đại diện một nước trong thời Trung Quốc cổ đại.
(5) Thương (商): tên triều đại nhà Thương. Thương Thang diệt nhà Hạ sau đó kiến lập nhà Thương.
(6) tải (載): năm.
(7) chí (至): đến, tới.
(8) Trụ (紂): tên người. Trụ Vương là vị quân vương cuối cùng của nhà Thương, là một bạo chúa trong lịch sử.
(9) vong (亡): mất, tiêu diệt.
(10) Chu Vũ Vương (周武王): đế hiệu, vua Vũ Vương nhà Chu.
(11) thủy (始): bắt đầu, mới.
(12) tru (誅): giết, tiêu diệt.
Dịch nghĩa tham khảo
Thương Thang đánh dẹp Hạ Kiệt, tiêu diệt nhà Hạ, kiến lập quốc gia mới, đặt tên nước là Thương, truyền thừa hơn 600 năm, đến Trụ Vương thì diệt vong.
Chu Vũ Vương dấy binh tiêu diệt Trụ Vương nhà Thương kiến lập ra nhà Chu, lập quốc được 800 năm, là triều đại dài nhất trong các vương triều thời cổ đại.
Đọc sách luận bút
Trung Quốc đã lưu lại một lịch sử và văn hóa hoàn chỉnh nhất về sự thay đổi các vương triều. Hạ-Thương-Chu là ba vương triều nổi tiếng mở đầu lịch sử các vương triều, trong đó triều đại nhà Thương và nhà Chu có lịch sử dài nhất, hơn nữa nhà Chu đã đặt định cho hậu thế nền tảng văn hóa toàn diện về mọi mặt ở tầng thứ này của con người. Về cơ bản, lấy cách quân thần trị quốc, lý niệm làm người, lễ nghi cơ bản, thậm chí tất cả các vấn đề và mâu thuẫn lớn nhỏ có thể xảy ra trong xã hội loài người, cũng như các đối sách trí tuệ và các bài học kinh nghiệm, đã diễn giải ra rõ như ban ngày cho hậu nhân thông qua quá trình lịch sử dài 800 năm.
Nhà Chu với lịch sử lâu đời nhất Trung Quốc, có truyền thuyết là Chu Văn Vương chiêu hiền đãi sĩ, tìm kiếm Khương Thái Công (Khương Tử Nha) khắp mọi nơi, sau khi đích thân tìm thấy ông ấy, đã cung kính mời ông ngồi xe của mình về nhà Chu làm Tể tướng, nhờ đó nhà Chu mới có được thiên hạ. Chỉ vì ông trọng đãi Khương Thái Công, nhường Khương Thái Công ngồi lên trên xe, bản thân là vua một nước chư hầu lại hạ mình đi bộ cạnh xe 800 bước để mời người về đất Chu, vì thế mà Thiên thượng cảm động nhân đức của ông, đã cấp thiên hạ cho ông 800 năm. Tạo nên sự chuẩn mực cho các thế hệ quân vương sau này về cách trọng đãi hiền tài, khai sáng và trị lý thiên hạ, cũng giống như điển cố Lưu Bị “tam cố thảo lư” (ba lần đến lều tranh), đã trở thành hình mẫu và tấm gương chiêu hiền đãi sĩ cho các bậc quân vương.
Trong lịch sử nhà Chu có Văn Vương đã nêu một tấm gương về việc làm vua của vương triều, đồng thời nhà Chu cũng sản sinh ra bề tôi hiền tài như Chu Công, mà đặt định ra văn hóa nghi lễ người Trung Quốc cho hậu nhân; chế định ra Chu Lễ, đồng thời lập ra một tấm gương bề tôi cúc cung tận tụy phò tá vua. Cho nên đời sau đều có tham chiếu, quan hệ quân thần của Lưu Bị với Gia Cát Lượng chính là một điển hình mà trong đó người đời sau đã kế thừa từ mối quan hệ quân thần của nhà Chu. Với lòng trung nghĩa, Gia Cát Lượng đã phò tá Lưu Bị và hậu chủ (Lưu Thiện), rất giống Chu Công.
Đến nhà Đông Chu (thời nửa sau của nhà Chu), tức là thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, thiên hạ phân tranh, chiến tranh liên tiếp. Đây cũng là lúc mà các loại nhân tâm và thiện ác, các loại vấn đề xã hội, được diễn ra một cách sinh động trên thế gian. Nhằm cầu an định, tránh họa, thống nhất thiên hạ hoặc bảo vệ quốc gia khỏi diệt vong, các nước xuất hiện nhiều loại quan niệm học thuyết, khiến cho học thuyết Nho gia và Bách Gia Chư Tử xuất hiện trên thế gian, trí tuệ, mưu kế ứng biến, đạo nghĩa nhân ái thiện lương và nham hiểm tàn bạo đều đồng thời triển hiện ra. Bởi vì thời này chiến tranh loạn lạc, nên đã lưu lại “Binh Pháp Tôn Tử”, cũng thúc đẩy việc xuất hiện hình phạt nghiêm khắc của Pháp gia. Hơn nữa bởi vì khuyến thiện, phổ biến Vương đạo mà xuất hiện Nho gia, tấm gương quân thần những năm đầu thời nhà Chu và văn hóa lễ nghi trị quốc được Khổng Tử kế thừa, khiến cho Vương đạo mà Nho gia tôn sùng trở thành chính thống, được hậu thế kế thừa.
Nhà Thương lật đổ nhà Hạ và nhà Chu lật đổ nhà Thương đều thể hiện chung một bài học giáo huấn và đạo lý, đó là làm người nhân nghĩa thì được thiên hạ, người mất nhân nghĩa thì mất thiên hạ. Quan hệ quân thần, quan niệm văn hóa, các vấn đề mâu thuẫn, đối sách chiến tranh và quan niệm làm người mà nhà Chu thể hiện, đã trở thành trí tuệ quý báu nhất để người Trung Quốc tham chiếu qua nhiều thế hệ. Đây chính là mục đích của việc học lịch sử: Lấy sử làm gương, giữ vững đạo nghĩa.
Câu chuyện “Chu Công thịnh đức”
Chu Công Đán là con trai thứ của Chu Văn Vương và là em trai của Chu Vũ Vương. Khi Văn Vương còn sống, Chu Công Đán rất hiếu thuận, thuần hậu nhân ái hơn những người con khác. Khi Vũ Vương lên ngôi, Chu Công tận tâm tận lực phò tá Vũ Vương đánh dẹp Trụ Vương nhà Thương và phụ giúp trông coi chính sự.
Vào năm thứ hai sau khi Vũ Vương diệt nhà Thương, thiên hạ còn chưa ổn định. Vũ Vương bị bệnh, các quan rất sợ hãi, Thái Công và Triệu Công đã cung kính xem bói. Chu Công nói: “Việc này còn chưa đủ để cảm động đến tiên vương của chúng ta”. Vì vậy, ông đã tự nhận mình làm người thay thế, lập bàn thờ để cầu nguyện với tiên vương, bày tỏ nguyện vọng được chết thay cho Vũ Vương. Sau đó trước bài vị của tiên vương xin quẻ, quẻ đều nói là “Cát”, nên Chu Công rất vui mừng. Ông giấu tập sớ cầu nguyện vào trong một chiếc tủ kim loại niêm phong kín, căn dặn người bảo quản không được nói ra. Ngày hôm sau, Vũ Vương khỏi bệnh.
Sau đó, Vũ Vương mất, Chu Thành Vương còn nhỏ nằm trong tã. Chu Công lo lắng có người sẽ làm loạn nên lên ngôi thiên tử, thay Thành Vương tạm quản lý triều chính, nắm quyền lực quốc gia. Nghe Quản Thúc Tiên và những người khác đồn rằng “Chu Công muốn gây bất lợi cho Thành Vương”, Chu Công nói: “Ta sở dĩ không trốn tránh mà ra mặt giúp vua đảm đương chính sự quốc gia, là lo thiên hạ phản bội nhà Chu, như thế sẽ không cách nào đền đáp với tiên vương. Vì để hoàn thành đại nghiệp nhà Chu, cho nên ta mới làm vậy!” Vì thế ông tiếp tục phò tá Thành Vương, sai con trai của mình là Bá Cầm thay thế mình đến nước Lỗ thụ phong.
Trước khi Bá Cầm đi, Chu Công khuyên bảo rằng: “Ta là con trai của Văn Vương, em trai của Vũ Vương, và là chú của Thành Vương, địa vị của ta trong thiên hạ cũng không tính là thấp. Song vì ta gấp gáp cho việc tiếp đãi nhân sĩ, có khi gội đầu một lần mà nâng tóc lên ba lần; ăn một bữa cơm mà nhả thức ăn ra ba lần, hãy còn sợ mất đi hiền tài thiên hạ. Con đến nước Lỗ, tuyệt đối không được vì là chủ một nước mà đối đãi kiêu căng ngạo mạn với mọi người”.
Khi Thành Vương trưởng thành có thể xử lý chính sự, Chu Công liền trao quyền lại cho Thành Vương. Khi Chu Công thay thế Thành Vương trị quốc, quay mặt về phương nam tiếp nhận chư hầu đến triều kiến. Sau khi Thành Vương lên triều tự mình chấp chính, Chu Công liền quay mặt về hướng bắc để diện triều như bậc bề tôi, cung kính cẩn thận ra dáng nể sợ.
Trước đây, Thành Vương tuổi nhỏ bị bệnh, Chu Công liền cắt móng tay mình ném xuống sông Hoàng Hà, cầu Thần sông rằng: “Thành Vương còn nhỏ không hiểu chuyện, người can phạm Thần mệnh chính là Đán tôi ạ!” Cũng đem sớ cầu đảo giấu vào minh phủ (nơi bảo quản các văn bản giao ước). Không lâu sau, bệnh tình Thành Vương liền được cải thiện.
Đến khi Thành Vương chấp chính, có người vu cáo Chu Công. Chu Công không biết làm sao đành bỏ đi đến nước Sở. Thành Vương mở minh phủ ra thì thấy được sớ Chu Công cầu đảo, cảm động khóc ồ lên, lập tức mời Chu Công trở về kinh thành.
Sau khi Chu Công trở về kinh thành, sợ Thành Vương còn trẻ sức sống mãnh liệt, trị vì quốc gia sẽ sinh ra xa hoa dâm đãng, thế là ông viết ra “Vô Dật” và “Đa Sĩ”. Trong “Đa Sĩ” khuyên bảo Thành Vương rằng: “Từ Thành Thang đến Đế Ất, tất cả các vua đều tuân theo kỷ cương nghi lễ cúng tế có ích cho dân, đức đều xứng với Thượng thiên. Đến thời nay Trụ Vương kế vị, phóng đãng dâm dật, không để ý đến việc có thuận theo thiên đạo và lòng dân hay không. Bách tính đều cho rằng ông ta đáng chết”.
Chu Thành Vương ở Phong Kinh, thiên hạ đã yên ổn, nhưng việc xếp đặt quan chức nhà Chu, chức năng hành chính còn chưa có trật tự. Chu Công lại soạn ra “Lập Chính” để có lợi cho dân. Bách tính rất vui mừng.
Xem xong câu chuyện này, ai ai cũng không khỏi cảm phục, Chu Công đã vì nước vì dân mà cống hiến quên mình, chính là cái tâm trung nghĩa mà mọi người hay nói là “Cúc cung tận tụy”, “Đàn tinh kiệt lự” (lo lắng hết lòng). Đối với bất công hiểu lầm và phỉ báng hãm hại, ông đều không oán không hận, thân ở nơi cao nhưng lại không cao ngạo, luôn thương cảm với dân, yêu quý nhân tài, làm người khiêm cung, trước mặt quân vương tiến thoái có lễ, nho nhã lễ độ, đây hết thảy đều nhờ trong tâm ông vô tư (không vu lợi cá nhân), trong tâm có đại nghĩa và nhân đức (nhân ái, nhân từ), chính là phong thái quân tử lý tưởng nhất trong mắt Khổng Tử.
Ghi chú: Bài viết dựa trên tài liệu dạy “Tam Tự Kinh” đã qua chỉnh sửa của Chánh Kiến Net.
Quý vị tham khảo bản gốc từ chanhkien.org