Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.21): Câu chuyện về Lão Tử
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Xem lại P1, P2, P3, P4, P5, P6, P7, P8, P9, P10
Nguyên văn
五子者,有荀揚,
文中子,及老莊。
經子通,讀諸史,
考世系,知終始。
Âm Hán Việt
Ngũ tử giả, Hữu Tuân Dương,
Văn Trung Tử, Cập Lão Trang.
Kinh Tử thông, Độc chư Sử,
Khảo thế hệ, Tri chung thủy.
Tạm dịch:
Năm Tử ấy, có Tuân Tử, có Dương Tử,
Văn Trung Tử, có Lão Tử, và Trang Tử.
Thông Kinh Tử, đọc sang Sử,
Xét thế hệ, biết đầu đuôi.
Từ vựng
(1)Tử (子): thời cổ đại gọi người có học vấn, đạo đức và địa vị là “Tử”. Ở đây chỉ sách của Ngũ Tử.
(2)Tuân (荀): Tuân Tử, còn gọi là Tuân Huống, người nước Triệu thời Chiến quốc, tác giả viết 2 thiên thượng, hạ của sách “Tuân Tử”.
(3)Dương (揚): Dương Tử, tức Dương Hùng người thời Tây Hán. Là tác giả 2 cuốn sách “Thái Huyền Kinh” và “Pháp Ngôn”.
(4)Văn Trung Tử (文中子): tức Vương Thông người thời nhà Tùy. Tác giả 2 cuốn sách “Nguyên Kinh” và “Trung Thuyết”.
(5)Lão (老): Lão Tử, tên là Lý Nhĩ, là thủy tổ của Đạo gia, tác giả cuốn sách “Đạo Đức Kinh”.
(6)Trang (莊): Trang Tử, tức Trang Chu người thời Chiến quốc, tác giả sách “Trang Tử”.
(7)Kinh (經): kinh thư, đây là bộ phận đầu tiên trong phân loại sách thời Trung Quốc cổ đại, 4 bộ phận gồm: Kinh, Sử, Tử, Tập.
(8)Tử (子): Tử thư, bộ phận thứ 3 trong phân loại sách thời Trung Quốc cổ đại.
(9)thông (通): minh bạch, hiểu rõ.
(10)Độc (讀): đọc, xem, nghiên cứu.
(11)Chư (諸): nhiều, đông, các, tất cả.
(12)Sử (史): sách sử, chỉ sách về lịch sử.
(13)Khảo (考): khảo chứng, khảo cứu, nghiên cứu nguyên bản.
(14)Thế hệ 世系: hệ thống đế vương và quý tộc đời nọ nối đời kia.
(15)Tri (知): biết, biết rõ, hiểu rõ, minh bạch.
(16)Chung (终): suy vong.
(17)Thủy (始): hưng khởi, bắt đầu.
Dịch nghĩa tham khảo
Thời Trung Quốc cổ đại, Tử thư có năm bản sách trọng yếu, theo thứ tự là “Tuân Tử”, “Pháp Ngôn”, “Trung Thuyết”, “Đạo Đức Kinh”, “Trang Tử” của các tác giả Tuân Tử, Dương Tử, Văn Trung Tử, Lão Tử và Trang Tử. Người đi học sau khi minh bạch Kinh thư và Tử thư, thì có thể bắt đầu nghiên cứu các loại sách lịch sử, từ đó khảo cứu trình tự mà các triều đại lưu truyền, để rồi hiểu được đạo lý hưng vong của họ.
Đọc sách luận bút
Trong bài học trước có nói “Kinh ký minh, Phương đọc Tử” (Kinh đã rõ, mới đọc Tử), đến bài học này lại nói “Kinh Tử thông, Độc chư Sử” (Thông Kinh Tử, đọc sang Sử). Có thể thấy trong sách giáo khoa vỡ lòng trẻ em, người xưa đã nói rõ cho trẻ biết mục đích học tập và phương pháp học như thế nào, cho dù là người lớn, dựa theo trình tự này cũng có thể học thành tài. Sau khi có được phẩm hạnh đạo đức thông qua việc học tập Kinh thư, lại tham khảo thêm tư tưởng sách lược xử thế, trị thế trong học thuyết của Bách gia chư tử, thì về cơ bản sẽ có hiểu biết, kiến giải chính xác và linh hoạt đối với sự vật.
Có hiểu biết chính xác đối với mọi sự vật ở thế gian, là để thông kim bác cổ (thông hiểu mọi việc xưa nay), thu được nhiều giáo huấn và kinh nghiệm trong việc quản trị quốc gia và đạo làm người. Mục đích vẫn là vì thiên hạ thái bình, gia hòa quốc thuận (gia đình hòa thuận, quốc gia yên ổn). Cho nên người xưa nghiên cứu lịch sử, để dựa trên chính kiến (kiến giải đúng đắn) của kinh thư để nhìn nhận về lịch sử, từ đó đạt được trí tuệ, chỉ đạo việc xử thế trong cuộc sống, chỉ đạo sự chọn lựa trong cuộc sống, lấy các giáo huấn và kinh nghiệm quý giá để lập chí và thực hiện hoài bão của mình. Đây chính là mục đích và phương pháp nghiên cứu học vấn của cổ nhân.
Vì lẽ đó, cổ nhân nghiên cứu học vấn, đọc sử sách, họ coi là một việc rất vui sướng. Đọc hiểu Kinh thư và Sử thư, gặp phải vấn đề khó liền có thể tham chiếu, lịch sử và kinh nghiệm của cổ nhân sẽ có thể áp dụng vào cuộc sống của bạn, áp dụng lời dạy của Khổng Tử và của các bậc tiên hiền để tự nhận định đúng sai và lựa chọn các việc của mình một cách quyết đoán, vượt qua cửa ải khó khăn, hoặc là tránh được nguy hiểm, đây quả thực là một việc vui sướng biết bao. Tự cổ đã có rất nhiều câu chuyện kể về việc các đế vương lấy sử làm gương, không có vị đế vương nào không đọc lịch sử, cũng không ai không mời bậc đại Nho làm thầy. Và Hoàng đế Đường Thái Tông chính là điển hình.
Dưới đây, xin trích dẫn câu chuyện về Tiết Bảo Thoa và Thám Xuân trong truyện “Hồng Lâu Mộng” đã thay thế quản gia Vương Hy Phượng, tiến hành cải cách vì để tiết kiệm đồ dùng trong gia đình.
Tiết Bảo Thoa đọc sách từ nhỏ, gia đình cũng là thương nghiệp lớn, biết rằng đem hoa viên trong Đại Quan Viên cho các bà các chị làm việc quản lý nhận thầu, thì sẽ kích thích sự tích cực của họ. Làm vậy, không chỉ không cần bỏ tiền ra để nhờ người ngoài quản lý những hoa cỏ cây cối này, mà còn có thể bán hoa cỏ, cây trái, thu hoạch sau khi nộp lên, vẫn là một món thu nhập. Nghĩa là không phải dùng tiền thuê người quản lý hoa viên, ngược lại còn có thu nhập, các bà các chị cũng rất tích cực, cho nên tiến hành cho nhận thầu. Biện pháp này có thể thấy chẳng phải là đang áp dụng ở hiện tại hay sao? Không sai, cổ nhân đã biết đến nó từ lâu rồi! Vì vậy, ‘bác cổ’ liền có thể ‘thông kim’ (uyên bác việc xưa liền có thể thông hiểu việc nay).
Hơn nữa, Tiết Bảo Thoa sau khi luận thuật (trình bày phân tích) về phương pháp này, một mặt chỉ bảo cho Thám Xuân về biện pháp quản lý thương nghiệp, một mặt thảo luận đạo của Khổng Mạnh, ý tứ là kiếm tiền tuy quan trọng, nhưng cũng phải cân nhắc đến các bà các chị cả năm vất vả, không nên chỉ nhìn vào thu nhập mà quên đi sự phó xuất của họ, nộp một chút thu nhập đại khái tượng trưng là được rồi, không nên thấy tiền liền quên nghĩa, bị tiền bạc che mờ mất lương tâm, không cân nhắc đến cuộc sống của mọi người. Vì vậy, quản gia Tiết Bảo Thoa rất rộng lượng nhân đạo.
Câu chuyện này cho chúng ta biết rằng ngay cả người nữ chăm lo việc nhà cũng biết áp dụng những hiểu biết và lời dạy của Khổng Tử. Bằng không, nếu trong tâm chỉ có lợi ích của bản thân, không thể quan tâm đến người khác, thì cũng không có uy danh để phục chúng (thuyết phục được đám đông). Vậy nên việc học tập quản lý là không thể tách rời lời dạy của Khổng Tử.
Thế mà ở giáo dục hiện đại, điều người ta thiếu sót nhất chính là không biết tại sao mình phải tiếp nhận sự giáo dục (của gia đình, nhà trường…). Nhà trường đem việc truyền thụ kỹ năng và kiến thức hiện đại đặt lên hàng đầu, làm cho rất nhiều đứa trẻ mờ mịt không biết gì về mục đích của học tập, không biết vì sao phải học tập lịch sử; ghi nhớ một đống lớn niên đại, nhân vật và sự kiện lịch sử, chẳng qua là vì thành tích và điểm số, vì để đậu vào một trường đại học tốt trong tương lai, rồi để dễ dàng vào một công ty tốt, có thu nhập tốt trong xã hội. Còn cách nhìn về lịch sử ra sao, làm sao áp dụng lịch sử vào ngày hôm nay, vì lẽ gì mà sống, lập chí ra sao, tại sao phải lập chí, giá trị nhân sinh là gì, làm sao thực hiện giá trị nhân sinh… thì đều hoàn toàn không biết. Đây là điều thực sự đáng buồn của nền giáo dục hiện đại.
Nhưng thật đáng buồn hơn nữa là nền giáo dục truyền thống của Trung Quốc và học thuyết của Khổng Tử đã bị Trung Cộng trực tiếp bôi nhọ và phê phán. Với cái tên gọi mỹ miều là “kế thừa mang tính phê phán”, để người Trung Quốc có cái nhìn thù địch, chế nhạo tổ tiên và văn hóa của chính mình. Thậm chí có rất nhiều người không biết rằng cuốn “Tam Tự Kinh” này là sách của trẻ em đọc. Người Trung Quốc bị bóp méo và tách rời khỏi văn hóa truyền thống, đã lâm vào tình trạng đạo đức bại hoại hoàn toàn. Vì vậy, hoàn nguyên chân tướng của văn hóa truyền thống chính là việc cấp bách hiện nay.
Câu chuyện về Lão Tử
Lão Tử họ Lý, tên Trọng Nhĩ, tự Bá Dương, là người quê ở Khúc Nhân, huyện Khổ, nước Sở thời Xuân Thu, là người sáng lập ra Đạo gia. Chuyện Lão Tử chào đời có rất nhiều truyền thuyết: có truyền thuyết rằng mẹ ông đã nhìn thấy ngôi sao lớn bay trên bầu trời nên mới mang thai rồi sinh ra ông; cũng có truyền thuyết nói rằng mẹ Lão Tử đã ăn hai quả mận dính vào nhau sau đó mang thai 72 năm, khi rạch nách trái ra thì sinh được Lão Tử. Ông vừa mới chào đời thì đầu tóc bạc phơ, do đó mới gọi ông là Lão Tử. Còn có truyền thuyết, từ thời Chu Văn Vương, Lão Tử làm Thủ tàng sử (tên một chức quan quản lý kho), đến thời Vũ Vương, ông vẫn nhậm chức Chủ hạ sử (tương đương với chức ngự sử thời Tần Hán), người ta thấy ông sống lâu như vậy nên gọi ông là Lão Tử.
Lão Tử là người ‘thanh tâm quả dục’ (tâm thái thanh tịnh, ít có ham muốn), do đó dù ông làm quan dưới triều nhà Chu đã lâu, nhưng chức vị vẫn không có gì thay đổi, trước sau không tranh thiệt hơn. Phép thuật ông dùng để cứu giúp người đời có chín loại đan, tám loại đá, và các loại thuốc tiên như Kim tửu, Kim dịch; ngoài ra còn lấy “Huyền nhi hựu huyền, chúng diệu chi môn” (Huyền mà lại diệu, cánh cửa sâu xa) để tu thân dưỡng tính, tiêu tai trừ tà.
Về sau, Lão Tử xuất quan đi về phía Tây, ông định đi lên núi Côn Luân. Quan lệnh trấn quan là Doãn Hỉ đã bói được sẽ có Thần nhân đi qua nơi này, nên bèn sai người quét dọn 40 dặm đường để nghênh đón, quả nhiên Lão Tử đã tới. Lão Tử cũng biết được mệnh của Doãn Hỉ đã định là sẽ đắc Đạo, nên ông nán lại chỗ Doãn Hỉ. Lão Tử có một người hầu tên Từ Giáp, từ lúc còn trẻ đã được Lão Tử thuê, mỗi ngày Lão Tử trả ông 100 quan tiền, tổng cộng tiền công là 720 vạn quan tiền (7 triệu 200 nghìn quan tiền). Từ Giáp thấy Lão Tử đi xa, nên lo lắng và muốn đòi tiền công nhưng lại sợ đòi không được, thế là Từ Giáp bèn nhờ người viết một tờ cáo trạng đem đến Doãn Hỉ để kiện. Người thay Từ Giáp viết tờ cáo trạng lại không biết Từ Giáp đã theo Lão Tử hơn 200 năm, chỉ biết nếu đòi được tiền từ Lão Tử thì Từ Giáp sẽ trở thành đại phú ông, nên mới đồng ý đem con gái gả cho Từ Giáp.
Quan lệnh Doãn Hỉ kinh ngạc khi đọc xong cáo trạng, bèn đi nói với Lão Tử. Lão Tử nói với Từ Giáp: “Mạng ngươi sớm đã hết rồi. Năm xưa vì ta quan nhỏ tiền ít, ngay cả người quét dọn cũng không có, nên mới thuê ngươi, đồng thời cũng cho ngươi lá bùa Thái huyền chân, để ngươi sống đến ngày hôm nay. Cớ sao ngươi lại đi kiện ta? Năm xưa ta đồng ý với ngươi, nếu tương lai ngươi đến An Tức quốc, ta sẽ dùng vàng để trả toàn bộ tiền công cho ngươi. Ngươi hà tất phải lo lắng?” Vừa nói dứt lời, ông bèn làm cho Từ Giáp mở miệng và nhả ra lá bùa Thái huyền chân, Từ Giáp lập tức biến thành đống xương khô.
Quan lệnh Doãn Hỉ biết Lão Tử là Thần nhân nên quỳ xuống cúi lạy thỉnh cầu Lão Tử, mong muốn trả nợ thay Lão Tử. Lão Tử bèn vứt lá bùa về phía Từ Giáp, Từ Giáp lập tức sống lại. Doãn Hỉ thay Lão Tử trả cho Từ Giáp hai triệu quan tiền. Sau đó, Doãn Hỉ cung kính hành lễ bái Lão Tử làm sư phụ, Lão Tử đem đạo trường sinh truyền thụ cho Doãn Hỉ, đồng thời khẩu thuật lại 5,000 chữ rồi cưỡi trâu xanh bay đi.
Quan lệnh Doãn Hỉ nhanh chóng ghi lại những lời của Lão Tử, đây chính là cuốn sách nổi tiếng “Đạo Đức Kinh”. Về sau, Doãn Hỉ chiểu theo những gì Lão Tử dạy, quả nhiên đã tu thành Thần Tiên.
Xem thêm:
Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P.22): Câu chuyện ‘Hoàng Đế mộng du Hoa Tư quốc’
Ghi chú: Bài viết này dựa trên tài liệu dạy “Tam Tự Kinh” đã qua chỉnh sửa của Chánh Kiến Net.
Quý vị tham khảo bản gốc từ chanhkien.org