Tại sao Trung Quốc và các nước khác thi nhau bán USD và mua vàng?
Một số dữ liệu thú vị gần đây nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc chú ý đến những gì chính phủ thực sự làm, không chỉ những gì họ nói.
Các ngân hàng trung ương đang ráo riết mua vàng, và họ đang sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ bằng đồng dollar Mỹ của mình để tài trợ cho việc này. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương đã mua hơn 700 tấn vàng tình từ đầu năm đến hết tháng 10/2022 — gấp bốn lần so với năm 2021 và nhiều hơn bất kỳ giai đoạn tròn năm nào trong hơn 50 năm qua — và tốc độ này đang tăng nhanh. Ví dụ, chỉ trong quý 3 năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua 400 tấn vàng (trị giá khoảng 23 tỷ USD).
Có tới 300 tấn (75%) khối lượng trong quý 3 vẫn chưa được tính đến, trong đó không có ngân hàng trung ương nào yêu cầu tín dụng cho các giao dịch mua, bất chấp một hành động có quy mô lớn và chưa từng có như vậy. Một phương tiện truyền thông nổi tiếng của Nhật Bản gợi ý rằng họ biết người mua là ai: Trung Quốc.
Theo một báo cáo gần đây của Nikkei Asia, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) có thể là người mua bí ẩn của hầu hết nếu không muốn nói là tất cả 300 tấn vàng nói trên, có khả năng bao gồm cả việc mua từ kho dự trữ 2,000 tấn của Nga. Đầu tháng Mười Hai, ngân hàng trung ương Trung Quốc, tổ chức nắm giữ vàng lớn thứ sáu trên thế giới, thừa nhận đã mua 32 tấn vàng trong tháng Mười Một. Đây là lần đầu tiên trong hơn ba năm PBC cung cấp bất kỳ thông tin nào cho công chúng về việc mua vàng của mình, nhưng có sự hoài nghi rằng Trung Quốc vẫn chưa báo cáo con số thực.
Bất chấp tất cả các cuộc nói chuyện từ các quan chức chính phủ về việc chống lạm phát, các ngân hàng trung ương đang tích cực chuyển dự trữ ngoại hối của họ sang vàng. Tại sao họ làm điều đó? Chẳng phải vàng là “tàn tích man rợ” của quá khứ xa xưa, một tài sản phi sản xuất không có chỗ trong hệ thống tiền tệ hiện đại sao? Rõ ràng, các ngân hàng trung ương không nghĩ như vậy.
Có ít nhất hai lý do khiến các ngân hàng trung ương bán dự trữ ngoại hối và tích trữ vàng: thứ nhất, họ biết rằng lạm phát sẽ không biến mất sớm, làm giảm giá trị của các loại tiền pháp định được giữ làm dự trữ ngoại hối, và có lẽ quan trọng hơn, họ nhận ra một khả năng cao sẽ thành sự thực đó là sự thống trị của đồng dollar Mỹ có thể sắp kết thúc. Đối với những quốc gia như Trung Quốc, không gì có thể khiến họ hạnh phúc hơn.
Nói một cách đơn giản, Trung Quốc và các đồng minh của họ đang ở chế độ phi dollar hóa, bán công khố phiếu Hoa Kỳ nhanh nhất có thể mà không làm gián đoạn thị trường đồng thời mua vàng và các tài sản cứng hay tài sản hữu hình khác.
Thật vậy, dữ liệu của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho thấy Trung Quốc đã bán 114 tỷ USD công khố phiếu của Chính phủ Hoa Kỳ trong năm qua, chiếm khoảng 11% tổng số trái phiếu mà nước này nắm giữ tính đến tháng Chín năm 2021. Trung Quốc dường như đã bắt đầu một xu hướng. Đồng thời với việc Trung Quốc thoái vốn bằng đồng dollar Mỹ, các nước láng giềng của Trung Quốc ở Á Châu cũng bận rộn bán công khố phiếu Hoa Kỳ. Tám thực thể Á châu đều là người bán: Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, và Việt Nam. Nói chung, họ đại diện cho 43% tổng số Công khố phiếu Hoa Kỳ do các chủ sở hữu nước ngoài nắm giữ tính đến tháng Chín năm 2021. Kể từ đó, họ đã bán ròng 427.5 tỷ USD công khố phiếu Hoa Kỳ, chiếm 145% tổng mức giảm ròng 294 tỷ USD công khố phiếu Hoa Kỳ được ngoại quốc nắm giữ.
Hầu hết Tây Âu và Trung Đông cũng đã giảm mức độ tiếp xúc, mặc dù với số lượng nhỏ hơn, để không gây choáng ngợp quá mức cho các đồng minh Mỹ của họ và để bảo đảm một thị trường có trật tự. Hoa Kỳ đã có thể thuyết phục một số đồng minh lấy trái phiếu của mình. Cả Vương quốc Anh và Bỉ (có lẽ là những người nắm giữ chính thức liên quan đến EU) đã mua khoảng 100 tỷ USD mỗi nước, trong khi Canada đã mua 30 tỷ USD, điều này đã giáng một đòn mạnh vào Bộ Ngân khố Hoa Kỳ.
Đây có phải là dấu hiệu của việc bán ra nhiều hơn sắp tới, hay Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ khoản nợ của một trong những đối thủ cạnh tranh chính của họ và một con nợ ngày càng căng thẳng? Về mặt kinh tế, Trung Quốc vẫn có lợi khi làm như vậy, bởi vì việc tài trợ cho các khoản nợ của Hoa Kỳ cho phép Mỹ tiếp tục mua hàng hóa Trung Quốc. Điều này là cần thiết để giữ cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển và ngăn chặn tình trạng bất ổn trong nước có thể thách thức vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Trung Quốc vẫn là một trong những chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ và phải cẩn thận để không làm giảm giá trị tài sản của chính họ. Vì vậy, ĐCSTQ phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan ở đây và khó có thể sớm giải quyết được.
Tuy nhiên, xu hướng dài hạn là rõ ràng. Trung Quốc muốn rời xa trật tự thế giới do Mỹ thống trị. Để làm được điều này, Trung Quốc cần phải có một điểm dừng để bảo vệ mình khỏi sự sụp đổ cuối cùng của tình trạng dự trữ đồng dollar Mỹ. Hiện tại, vàng dường như là một phần trong chiến lược của Trung Quốc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times