Tại sao người xưa thích ngọc đến thế?
Ngoài nét đẹp trong sinh hoạt, người xưa còn có rất nhiều trang sức phối hợp, ví dụ như ngọc. Nói đến ngọc, không có quốc gia nào giống Trung Quốc, từ Hoàng đế đến bình dân, rất nhiều người đều thích ngọc, dù là thứ đeo trên thân, hoặc là bài trí trong nhà. Trong văn hóa Trung Quốc cũng có rất nhiều thứ miêu tả liên quan đến ngọc.
Ví như chúng ta hình dung một nữ tử rất mỹ lệ gọi là “đình đình ngọc lập” (dáng đứng như ngọc), hình dung một người nam tử rất tiêu sái gọi là “ngọc thụ lâm phong”; Còn có tên của rất nhiều người cũng sẽ mang chữ ngọc, như Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc… Tại sao trong văn hóa Trung Quốc lại có mối liên hệ với ngọc sâu xa như thế, người Trung Quốc vì sao thích ngọc đến vậy?
Tế tự
Đầu tiên chúng ta nhìn xem thể chữ “Ngọc”「玉」.
Chữ “Ngọc” này nguyên bản không phải viết như vậy, trước triều Tần, chữ “Ngọc” không có điểm này, trong Kim văn, chữ tiểu triện chỉ có chữ “Vương” 王. Sau đó, sau khi chữ “Vương” 王 xuất hiện, vì để phân biệt, liền đem nguyên bản đại biểu cho ngọc là chữ “Vương” tăng thêm một điểm, thành chữ “Ngọc” 玉. Chữ “Ngọc” kiểu Giáp cốt văn, xem toàn thể tựa như trên sợi dây xuyên ba mảnh ngọc, mà số ba biểu thị cho đa số, giống như lấy dây thừng xâu chuỗi nhiều khối ngọc phiến lại với nhau. Liên quan đến ngọc còn có chữ “Lễ” 禮, nửa trên chữ “Lễ” trong văn tự cổ ở phía trên là hai chuỗi ngọc thạch, phía dưới là vật dùng để tế tự, mang ý nghĩa là trên vật dụng tế tự thả hai chuỗi mỹ ngọc, dùng để tế tự Thần minh. Cho nên, ban đầu ngọc là dùng để tế tự. Vậy tại sao ngọc có thể dùng để tế tự?
Hứa Thận, người thời Hán trong “Thuyết văn giải tự” nói: “Ngọc, là đá mang vẻ đẹp.” Cũng chính là tảng đá mỹ lệ, ngọc giấu trong tảng đá, trải qua trên ngàn vạn năm, ức năm mới hình thành, cổ nhân cho rằng chúng hấp thu tinh hoa trời đất, cũng được phủ thêm một tầng sắc thái thần bí. Ngọc cũng được xưng là “thạch chi vương” (vua của các loại đá), cho nên dùng “vua của các loại đá” để tế tự Thần minh, tiến hành câu thông với Thần minh.
Trong lĩnh vực khảo cổ phát hiện rất nhiều loại ngọc. Chúng ta có thể nói đến hai nơi, một là văn hóa Hồng Sơn, hai là văn hóa Lương Chử. Trong văn hóa Lương Chử phát hiện rất nhiều cổ vật bằng ngọc đều là dùng để tế tự, ví như một ngọc tông, ngọc bích. Vậy rốt cục là tế tự như thế nào?
Mục “Đại tông bá, Xuân Quan” trong “Chu Lễ” ghi chép: “Lấy ngọc làm sáu thứ, để làm lễ bái tứ phương thiên địa: Lấy thương bích lễ Trời, lấy hoàng tông lễ Đất, lấy thanh khuê lễ phương Đông, lấy xích chương lễ phương Nam, lấy bạch hổ lễ phương Tây, lấy huyền hoàng lễ phương Bắc.” Tại sao muốn dùng thương bích tế Trời, chúng ta biết loại này là bên ngoài và bên trong đều tròn, bởi vì cổ nhân cho rằng trời tròn đất vuông, cho nên liền dùng thứ bích tròn này để tế Trời, dùng tông vuông vức để tế Đất.
Ngoài ra trên phương diện về màu sắc cũng có thể bàn luận giải thích rõ hơn, cổ nhân dùng ngọc có màu sắc khác nhau để tế tự phương vị khác nhau. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong Ngũ Hành đối ứng với năm phương vị, phương Đông thuộc Mộc đối ứng màu xanh, cho nên dùng thanh ngọc tế tự; Phương Nam thuộc Hỏa, đối ứng màu đỏ, cho nên dùng ngọc màu đỏ tế tự; Phương Tây thuộc Kim, đối ứng màu trắng, cho nên dùng ngọc màu trắng tế tự; Phương Bắc thuộc Thủy, đối ứng màu đen, cho nên dùng ngọc màu đen tế tự; Ở giữa đối ứng với Thổ trong Ngũ Hành, thuộc màu vàng, cho nên dùng ngọc màu vàng để tế tự.
Ngoại việc dùng ngọc để tế tự Thần minh, cổ nhân còn biết dùng ngọc để an tĩnh linh hồn. Ví như chúng ta có thể phát hiện ở trong các ngôi mộ cổ có rất nhiều ngọc, những loại ngọc này dùng để làm gì?
Vũ Đinh người triều Thương, phi tử ông ta là Phụ Hảo. Người ta khai quật mộ Phụ Hảo đã tìm thấy rất nhiều loại ngọc, cho đến nay đây là mộ vương thất có nhiều ngọc thạch nhất thời Thương được phát hiện, trong đó có rất nhiều ngọc tông, ngọc khuê.
Người ta còn phát hiện trong mộ còn có rất nhiều ngọc thiền (thiền có nghĩa là con ve sầu), ngọc trư (trư có nghĩa là con heo), điều này có nghĩa là gì? Bởi vì lịch trình sinh mệnh của ve sầu, giai đoạn ấu trùng là sống trong lòng đất mấy năm thậm chí vài chục năm, rồi mới từ trong đất chui ra ngoài lột xác trở thành ve sầu. Bởi vậy, ngọc thiền tượng trưng cho việc người ta hy vọng người chết có thể mau chóng vãng sinh. Rất nhiều ngôi mộ, trong tay chủ nhân còn cầm ngọc trư. Heo tượng trưng cho tài phú, trong văn hóa Trung Quốc thể hiện cao quý nhất chính là dây vàng áo ngọc, đem hơn ngàn phiến ngọc dùng tơ vàng nối liền cùng một chỗ, bao lấy toàn thân, cổ nhân cho rằng như vậy có thể bảo hộ thi thể không bị hư nát.
Vật dùng trong nghi lễ
Ngoại trừ được dùng trong tế tự, ngọc cũng sẽ được dùng làm lễ khí. Thời Chu rất chú trọng lễ nhạc giáo hóa, sẽ dùng xen kẽ chuông và khánh để diễn tấu nhạc khúc. Thời Hạ, Thương, Chu, lúc tế tự sử dụng nhạc khí “Khánh”, chính là ngọc thạch làm nên. Ngọc khánh phát ra thanh âm phi thường thanh thúy êm tai, lại hòa cùng tiếng chuông làm bằng đồng rất tương hợp, cũng được gọi là “ngọc chấn kim thanh”.
Mặt khác, vào thời Chu, khi Thiên tử cùng chư hầu gặp nhau đều sẽ cầm ngọc khuê, thân phận địa vị không giống nhau sẽ cầm ngọc khuê có chiều dài khác nhau. Ở triều Chu, bộ phân chuyên môn quản lý ngọc gọi là Ngọc nhân, chức trách của Ngọc nhân chính là chế tác các loại ngọc khác biệt về hình dạng và cấu tạo cho Thiên tử và các giai tầng xã hội khác như Công, Hầu, Bá, Tử, Nam sử dụng, mục đích là dùng ngọc để phân chia thân phận khác biệt.
Còn có loại ngọc thường dùng làm vật dụng trong lễ đại biểu cho hòa bình hữu hảo. Thời cổ đại, giữa hai nước có phân tranh, nếu không muốn phát sinh xung đột, sẽ “biến chiến tranh thành tơ lụa”, người ở giữa giúp đỡ đưa tặng các loại ngọc để đại biểu cho hòa bình hữu hảo được thông suốt.
Còn có ngọc tượng trưng cho lời khen và sự tin tưởng của Hoàng đế, bởi vì từ triều Tần đến triều Thanh, ấn chương của Hoàng đế đều là làm từ ngọc thạch, gọi là “Ngọc tỷ”. Sớm nhất là sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước, Tần Thủy Hoàng sai người đem một khối ngọc khắc thành tỷ truyền quốc, lại lệnh cho Lý Tư khắc ở phía trên tám chữ triện, “Thụ mệnh ư thiên, kí thọ vĩnh xương” (Nghĩa là: Nhận mệnh trời ban, tồn tại mãi mãi). Sau khi nước Tần mất, ngọc tỷ này truyền đến Hán Cao Tổ Lưu Bang, sau đó trải qua Tam Quốc – Lưỡng Tấn – Nam Bắc triều, trải qua Tùy Đường đến thời Ngũ Đại Thập Quốc, tương truyền ngọc tỷ này đã biến mất không thấy bóng dáng. Đến triều Tống, Minh, Thanh, ngọc tỷ của Hoàng đế càng có nhiều khác biệt về hình dạng và cấu tạo.
So sánh đức với ngọc
Ngọc ngoại trừ dùng trong tế tự và làm lễ khí, còn được ví với đức của người quân tử. Bởi vì ngọc rất ôn nhuận, tính chất đẹp, màu sắc đẹp, xúc cảm đẹp, thanh âm thanh thúy êm tai, rất phù hợp với thẩm mỹ phương Đông, sau đó ngọc dần dần đi vào cuộc sống của mọi người thuộc tầng lớp quý tộc. Trong văn hóa Trung Quốc, ngọc cũng trở thành hóa thân của bậc quân tử.
Trong “Vệ phong – Kinh Thi” có một bài thơ viết: “Hữu phỉ quân tử, như thiết như tha, như trác như ma.” Là ý nói một bậc quân tử phi thường văn nhã, tính tình của người đó thật giống như ngọc thạch trải qua cắt, mài, dũa, có tu dưỡng nên ôn nhuận.
Trong “Kinh Thi” còn nói: “Ngôn niệm quân tử, ôn kỳ như ngọc.” Bài thơ này nói về một con gái yêu thích một người con trai, tính tình của người con trai này ôn hòa tựa như ngọc vậy.
Ngọc có liên hệ với người quân tử như thế nào? Trong “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận thời Đông Hán nói ngọc có ngũ đức: “Ôn nhuận, nhân từ một phương. Từ vẻ bóng bẩy bên ngoài có thể biết được bên trong, đại nghĩa một phương. Tiếng trong trẻo dễ chịu, vang rất xa, trí huệ một phương. Uốn mà không gãy, dũng khí một phương. Sắc bén mà không hại người, thánh khiết một phương.”
Đoạn văn này ý là ngọc ôn hòa trơn bóng, tựa như tính cách con người dịu dàng, khoan dung, hòa ái, có tấm lòng nhân nghĩa, đây là đại biểu đức hạnh thứ nhất của ngọc – Nhân; Thứ hai, ngọc có tiêu chuẩn cao về độ trong suốt, từ bên ngoài liền có thể nhìn thấy kết cấu bên trong và hoa văn, tựa như quân tử trước sau như một, trong ngoài nhất trí, đây là đại biểu loại đức hạnh thứ hai của ngọc – Nghĩa; Thứ ba, ngọc có chất lượng tốt có thể làm thành nhạc khí, chất ngọc cứng rắn tinh tế, cho nên đánh ra thanh âm vang lên trong trẻo, khiến nghe rất thư thái, đủ để truyền đến chỗ rất xa, giống như quân tử có trí tuệ và khả năng truyền đạt cho người chung quanh, đây là đức hạnh thứ ba của ngọc – Trí; Thứ tư, ngọc mặc dù độ cứng không cao, nhưng nó thà rằng nát cũng không uốn lượn, thà gãy cũng không đổi đặc tính, tựa như quân tử kiên trinh bất khuất, “Thà làm ngọc vỡ, không làm ngói lành”, đây là đại biểu loại đức hạnh thứ tư của ngọc – Dũng; Thứ năm, cổ nhân nói ngọc “sắc bén mà không hại”, chính là nói ngọc mặc dù có đứt gãy nhưng không sắc bén, sẽ không làm người ta bị thương. Tựa như bậc quân tử, giữ mình trong sạch, không đi tổn thương người khác, đây là đại biểu loại đức hạnh thứ năm của ngọc – Khiết.
Năm đức của “Ngọc”: Nhân, nghĩa, trí, dũng, khiết; Đem thuộc tính tự nhiên đặc thù của ngọc so sánh suy xét với đạo đức của người quân tử, tượng trưng nhân cách, cho nên ngọc từ xưa đến nay đều được mọi người ưu ái. Trong thiên “Ngọc tảo” của “Lễ ký” nói: “Quân tử vô cố, ngọc bất khứ thân, quân tử vu ngọc bỉ đức yên” (Quân tử vô cớ, ngọc chẳng bỏ thân, đức của người quân tử với ngọc giống nhau chỗ này). Ý là ngọc bội ở trên người quân tử, nếu như không phải tình huống đặc biệt sẽ không đem ngọc lấy xuống, ngọc vì người quân tử mà tượng trưng phẩm cách, quân tử cũng lấy ngọc để nhắc nhở bản thân, phải giống như ngọc tu dưỡng phẩm hạnh bản thân, cho nên người xưa thường đeo ngọc bội.
Vật làm bằng ngọc lúc đeo phát ra tiếng vang còn có thể khiến người ta giữ được dáng vẻ đẹp đẽ, thời Tây Chu lúc đeo các loại ngọc sẽ dùng “tổ bội”. “Tổ bội” chính là hai khối ngọc trở lên tổ hợp lại đeo cùng một chỗ, trong “Lễ ký” nói: “Bước đi thì có thanh âm của ngọc bội” , chính là thời điểm đi đường, có thể nghe được giữa ngọc bội va chạm nhau phát ra tiếng đinh đinh đong đong, tại sao muốn làm như vậy? Bởi vì cổ nhân cho rằng đương lúc nội tâm một người rất yên ổn, thời điểm thong dong, bước đi của họ cũng sẽ thong dong mà yên ổn, ngọc bội trên thân sẽ phát ra âm thanh có tiết tấu, nghe vô cùng êm tai. Mà khi nội tâm một người ở thời điểm rối loạn, lời nói, bước đi của họ cũng sẽ rối loạn, ngọc lúc này va chạm thanh âm cũng sẽ lộ ra lộn xộn, lúc này ngọc đã không chỉ là một loại vật chất, mà trong văn hóa Trung Quốc nó còn dung hợp nội hàm tu thân dưỡng tính
Trong thi từ viết: “Nghe mùi thơm ngào ngạt của xạ lan, nghe tiếng leng keng của hoàn bội”, cũng là nói một người còn chưa thấy được nàng, đã nghe được trên người nàng phát ra mùi thơm của xạ hương lan, nghe được trên người nàng tiếng vang leng keng của hoàn bội, cho nên sự xuất hiện của người này không chỉ là vẻ đẹp thị giác, còn có vẻ đẹp khứu giác, vẻ đẹp thính giác.
Trong văn hóa Trung Quốc, ngọc cũng trở thành tượng trưng cho văn chất hào hoa phong nhã của người quân tử. Một bé trai vừa chào đời liền có quan hệ với ngọc. Văn hóa này hiện vẫn còn đang được tồn giữ.
Một nhân sỹ nổi tiếng nọ, một ngày anh gửi cho bạn bè tin nhắn, ý tứ nói: “Hôm nay có “lộng chương chi hỷ” (niềm vui sinh con trai), mời mọi người ngày nào đó tổ chức một buổi gặp gỡ nhỏ”. Rất nhiều người sau khi nhận được tin thì không hiểu, “lộng chương chi hỷ” là ý gì, có người nói “chương” là ngọc, nhà lão Vương mới làm một khối ngọc sao?
“Lộng chương chi hỷ” xuất ra từ “Tiểu Nhã Kinh Thi”: “Nãi sinh nam tử, tái tẩm chi sàng, tái y chi thường, tái lộng chi chương.” Vương hầu quý tộc thời xưa lúc thượng triều đều sẽ cầm một khối ngọc khuê, quân tử thời xưa cũng sẽ đeo một khối ngọc bội ở trên quần áo, cho nên bắt đầu từ thời Tây Chu, nhà ai sinh con trai liền cho nó cầm ngọc đi chơi, hy vọng đứa bé sau này lớn lên có phẩm cách tu dưỡng đẹp đẽ như ngọc, đồng thời có thể là vương hầu cao quý. Đây chính là nguồn gốc của “lộng chương chi hỷ”.
Lâm Phương Vũ biên tập
Toan Đinh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ