Tại sao cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể mới chỉ đang bắt đầu
Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã sụp đổ một cách ngoạn mục và đột ngột hôm 10/03, trở thành ngân hàng lớn thứ hai sụp đổ trong lịch sử của quốc gia chúng ta và gây ra sự hoảng loạn trong hệ thống ngân hàng của chúng ta trong quá trình này.
Mặc dù hầu như ai cũng biết về sự sụp đổ của SVB, nhưng không phải ai cũng hiểu chính xác tại sao Silicon Valley Bank lại sụp đổ. Nhiều người cho rằng nguyên nhân ngân hàng này sụp đổ đột ngột là do các chính sách về môi trường, xã hội, và quản trị của SVB hoặc do “chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan”, nhưng những lý do này thực ra chỉ là những triệu chứng của việc quản lý tài chính yếu kém diễn ra liên tục của ngân hàng này trong khi phải đối mặt với những đợt tăng lãi suất thảm khốc, hơn là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụp đổ của SVB.
Sự sụp đổ của SVB cũng làm nổi bật những rủi ro to lớn mà hệ thống ngân hàng của chúng ta đang phải đối mặt, và chính phủ Tổng thống Biden, Quốc hội, và Cục Dự trữ Liên bang phải chịu phần lớn trách nhiệm.
Ngân hàng này đã sụp đổ chủ yếu bởi vì đã không quản lý được rủi ro về lãi suất và rủi ro về thời gian đáo hạn trung bình khi tìm kiếm lợi suất thông qua đầu tư vào các tài sản có thời gian đáo hạn trung bình cao, kỳ hạn dài hạn.
Những khoản đầu tư này đã được thực hiện nhằm tăng biên lãi ròng của ngân hàng — và do đó làm tăng giá cổ phiếu và các quyền chọn mua cổ phiếu do ban quản trị của ngân hàng nắm giữ.
Ngân hàng đã thực hiện các khoản đầu tư này trong bối cảnh có lượng người gửi tiền và mức tăng trưởng tài sản rất lớn, một tình huống càng trở nên xấu đi vì cơ sở người gửi tiền của ngân hàng này tập trung vào các công ty đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Tài khoản của những khách hàng này có quy mô lớn hơn nhiều so với các tài khoản của một ngân hàng trung bình — với hầu hết các tài khoản đều vượt quá giới hạn bảo hiểm của FDIC. Kết quả là, SVB phải đối mặt với rủi ro rất lớn về việc rút tiền gửi từ những khách hàng có tài khoản tiền gửi chủ yếu là loại không kỳ hạn qua đêm với số dư vượt quá hạn mức bảo hiểm.
Toàn bộ tình huống này đã tạo ra những điều kiện hoàn hảo cho một cuộc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng.
Yếu tố duy nhất còn thiếu là một hành động lãi suất đột ngột và bất ngờ — đó chính là phần mà Tổng thống Biden, Quốc hội, và Cục Dự trữ Liên bang góp mặt vào câu chuyện sụp đổ này.
Trong năm qua, Fed đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử gần đây, từ mức 0% vào đầu năm ngoái lên mức hơn 4.5% ở thời điểm hiện tại. Họ đã làm như vậy để đối phó với lạm phát do các chương trình chi tiêu liều lĩnh mà Tổng thống Biden khởi xướng và được Quốc hội thông qua một cách chiếu lệ. Nhưng những lần tăng lãi suất không mong đợi có thể phá hủy bảng cân đối tài sản của các ngân hàng do lãi suất cao hơn làm xói mòn giá trị của chứng khoán có thu nhập cố định trong các tài sản của một ngân hàng. Như chúng ta sẽ thấy, những đợt tăng lãi suất này gây nguy hiểm cho mọi khía cạnh của hệ thống ngân hàng của chúng ta.
Giá của những chứng khoán trả lãi suất này tỷ lệ nghịch với lãi suất. Khi lãi suất tăng cao hơn, thì giá của chứng khoán có lãi suất cố định như trái phiếu và chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp giảm xuống. Giá chứng khoán càng giảm, thì lợi suất của chứng khoán hoặc lãi suất càng cao hơn. Và khoảng thời gian đáo hạn trung bình (khoảng thời gian trung bình để người sở hữu trái phiếu nhận được toàn bộ dòng tiền của trái phiếu) của một danh mục đầu tư thu nhập cố định càng dài, thì tác động từ lãi suất càng lớn.
Thời gian đáo hạn trung bình đo lường mức độ nhạy cảm về giá của trái phiếu đối với những thay đổi về lãi suất. Nói chung, kỳ hạn càng cao, thì giá trái phiếu sẽ càng giảm khi lãi suất tăng.
Ví dụ, nếu lãi suất tăng 1%, thì trái phiếu có thời hạn trung bình năm năm có thể sẽ mất khoảng 5% giá trị. Đáng chú ý là, danh mục đầu tư của SVB có thời gian đáo hạn trung bình gần sáu năm. Và lãi suất đã tăng 4.5% trong năm 2022.
SVB đã trải qua tăng trưởng bùng nổ, với tổng tài sản tăng từ 115.5 tỷ USD vào năm 2020 lên 211.5 tỷ USD vào năm 2021, một mức tăng trưởng đáng kinh ngạc 83% trong vòng một năm. Tổng số tiền gửi tại ngân hàng này đã tăng từ 102 tỷ USD lên 189 tỷ USD vào năm 2021, tăng trưởng 85% so với năm 2020. Nói một cách đơn giản, một ngân hàng kiếm tiền bằng cách nhận tiền gửi và sau đó sử dụng số tiền đó để cho vay, cùng với việc đầu tư vào chứng khoán trả lãi suất.
Lãi suất của các khoản cho vay cùng với lãi suất từ các khoản đầu tư của ngân hàng mang lại cho ngân hàng mức thu nhập lãi suất cao hơn chi phí lãi suất tiền gửi — số tiền mà ngân hàng trả cho khách hàng của mình để thu hút tiền gửi.
Khoản chênh lệch giữa những gì ngân hàng kiếm được và những gì ngân hàng phải trả là thu nhập lãi suất ròng, hay chênh lệch lãi suất. Mức chênh lệch lãi suất này càng cao, thì ngân hàng càng kiếm được nhiều tiền.
Nhưng vấn đề là ở chỗ: tăng trưởng tài sản của SVB đã bùng nổ đến mức đơn giản là ngân hàng này không thể cho vay đủ nhanh kịp. Vì vậy, ngân hàng này buộc phải đầu tư một lượng tài sản ngày càng tăng vào chứng khoán trả lãi suất thấp của các tổ chức và chính phủ, từ 49 tỷ USD hồi năm 2020 lên 128 tỷ USD hồi năm 2021.
Những chứng khoán mà SVB đang đầu tư thực sự khá an toàn về khả năng trả nợ, nhưng cũng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất. Và bởi vì những chứng khoán này được xem là rất an toàn, nên chúng không mang lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng thông qua thu nhập lãi suất, do đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến biên lãi suất ròng hoặc chênh lệch lãi suất của ngân hàng. Điều này, ngược lại, có tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu của ngân hàng cùng với quyền chọn cổ phiếu và lương thưởng của ban quản trị.
Nhưng ban quản trị SVB đã làm những gì họ nghĩ là một giải pháp dễ dàng.
Họ chỉ đơn giản là kéo dài thời gian đáo hạn trung bình của các khoản đầu tư của họ, mua các chứng khoán có kỳ hạn dài hơn, ngày đáo hạn xa hơn vốn mang lại cho ngân hàng mức thu nhập lãi suất cao hơn. Nói chung, thì chứng khoán có thời gian đáo hạn dài hơn mang lại lợi suất cao hơn chứng khoán có thời hạn ngắn hơn. Nhưng chiến lược này đi kèm với rủi ro rất lớn mà chúng ta đã thảo luận phía trên: rủi ro lãi suất.
Nếu lãi suất tăng đột ngột, thì các chứng khoán dài hạn, nhạy cảm với lãi suất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất về giá. Thời gian đáo hạn trung bình của một danh mục đầu tư càng dài, thì tác động [của lãi suất] lên giá trị hiện tại của danh mục đầu tư đó càng lớn. Và danh mục đầu tư của SVB có thời gian đáo hạn đáo hạn trung bình rất dài.
Tuy nhiên, SVB vẫn có gần 15 tỷ USD tiền mặt và 27 tỷ USD chứng khoán sẵn có để bán ngoài danh mục đầu tư dài hạn của mình. Không còn gì phải lo lắng rồi, phải vậy không?
Nhưng hóa ra là, lại đã có khá nhiều điều phải lo lắng. Lãi suất Quỹ Fed, mức lãi suất mà các ngân hàng cho các ngân hàng khác vay số dư dự trữ, đã tăng từ 0% vào tháng 02/2022 lên 4.5% vào tháng 02/2023. Trong khi đó, đúng lúc SVB vừa hoàn thành chương trình mua số lượng lớn chứng khoán có thu nhập cố định vào năm 2021, thì phải đối mặt ngay trực tiếp với những lần tăng lãi suất.
Chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn đã tăng vọt từ 16.6 tỷ USD vào tháng 12/2020 lên hơn hơn 98 tỷ USD một chút vào tháng 12/2021 — tăng 490%. Giờ thì hãy nhớ rằng, những chứng khoán này có kỳ hạn trung bình hơn năm năm. Cứ mỗi 1% tăng lãi suất sẽ làm giảm khoảng 5% giá trị của chúng. Ngoài ra, ngân hàng đã quyết định thêm một số khoản cho vay đầu tư mạo hiểm vào danh mục đầu tư của mình, và mặc dù số tiền này nhỏ hơn, nhưng khoản đầu tư này cũng mang tính tập trung và biến động hơn nhiều.
Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó.
Trước hết, hãy lưu ý rằng giá trị đã nêu của danh mục đầu tư dài hạn của SVB, 98 tỷ USD, được giữ trong một danh mục trên bảng cân đối kế toán gọi là “Chứng khoán Giữ đến Ngày đáo hạn (HTM)”. Không giống như 27.2 tỷ USD trong “Chứng khoán sẵn sàng để bán”, được thực hiện theo giá trị thị trường hợp lý hiện tại, phần lớn danh mục đầu tư của SVB — hơn 75% danh mục đầu tư của họ — được giữ trên bảng cân đối kế toán theo giá trị sổ sách đã nêu thay vì giá trị thị trường hiện tại của các chứng khoán này.
Trang 67 của báo cáo 10-K của ngân hàng này, một báo cáo tài chính được đệ trình lên SEC hàng năm, nêu rõ điều này: “Các chứng khoán được phân loại là HTM được hạch toán theo giá gốc mà không có sự điều chỉnh nào đối với những thay đổi về giá trị hợp lý.”
Mức giảm trong giá trị tài sản của danh mục đầu tư được dự kiến nắm giữ cho đến khi đáo hạn được gọi là khoản lỗ chưa thực hiện. Mặc dù các danh mục đầu tư dài hạn có thu nhập cố định có giá trị thấp hơn khi lãi suất thị trường tăng, nhưng những chứng khoán này thường không cần phải bán — chúng được dự kiến nắm giữ cho đến khi đáo hạn — do đó mức giảm giá trị đối với các chứng khoán này là chưa thực hiện. Khoản lỗ này cũng không cần phải được thực hiện trong một môi trường bình thường vì SVB không có ý định bán phần tài sản này trong danh mục đầu tư của mình.
Nhưng môi trường lãi suất của chúng ta khi đó sắp trở nên hoàn toàn không bình thường.
Người ta phải tìm hiểu sâu về báo cáo 10-K của SVB mới thấy được khoản lỗ chưa thực hiện trên danh mục đầu tư HTM. Trên trang 129 của báo cáo 10-K của SVB, chúng ta có thể thấy rằng ngân hàng này có khoản lỗ chưa thực hiện vào tháng 12/2021 là 1 tỷ USD ròng thuộc khoản mục thu nhập chưa thực hiện. Nói cách khác, danh mục đầu tư HTM của SVB đã có giá trị thị trường hợp lý là 97.2 tỷ USD so với giá trị sổ sách là 98.2 tỷ USD vào cuối năm 2021. Không quá tệ phải không? Và công ty vẫn còn rất nhiều tiền mặt và chứng khoán thanh khoản sẵn có để bán. Nhưng hãy nhớ rằng vào thời điểm đó lãi suất thực sự bằng 0 và sẽ tăng đột ngột và đáng kể trong năm tới.
Trước khi chúng ta tiếp tục, quý vị nên xem xét nhanh cơ sở người gửi tiền của SVB.
Như chúng tôi đã đề cập ở phần đầu, SVB phục vụ cho các công ty đầu tư mạo hiểm và công ty khởi nghiệp công nghệ. Khách hàng của họ rất lớn, giàu có, và sành điệu. Kết quả là cơ sở người gửi tiền của SVB có sự tập trung cao hơn nhiều so với cơ sở người gửi tiền của một ngân hàng trung bình. Và cơ sở người gửi tiền này có tầm quan trọng tương đương hoặc lớn hơn so với cơ sở người gửi tiền của một ngân hàng trung bình, do quy mô tài khoản lớn, vì hầu hết các tài sản của những khách hàng này đã tăng vượt xa giới hạn 250,000 USD của FDIC và phần lớn đều không được bảo hiểm.
Hồi tháng 12/2020, tổng số tiền gửi là khoảng 102 tỷ USD. Chỉ một năm sau, vào tháng 12/2021, tổng số tiền gửi đã là 189 tỷ USD, tăng 85%. Và trong số 189 tỷ USD tiền gửi này, thì 166 tỷ USD thuộc diện không được bảo hiểm. Tôi xin nhắc lại rằng: 88% tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này không được bảo hiểm. Tệ hơn nữa, 126 tỷ USD trong số các khoản tiền gửi của khách hàng này đã là không có lãi suất — trong thời kỳ lãi suất tăng cao.
Bây giờ, hãy tua nhanh đến ngày 24/02. Vào hôm đó, báo cáo 10-K của SVB cho khoảng thời gian kết thúc hôm 31/12/2022 đã được nộp. Tài liệu này chứa một số tin tức khá xấu. Tổng tài sản là ổn định — gần giống hệt như năm 2021. Nhưng chứng khoán HTM thực tế đã giảm 9 tỷ USD và tổng tiền gửi đã giảm 16 tỷ USD xuống còn 173 tỷ USD.
Tệ hơn nữa, thành phần của các khoản tiền gửi này đã thay đổi đáng kể. Các khoản tiền gửi không có lãi suất hiện chỉ còn 80 tỷ USD so với 126 tỷ USD trong năm trước. Khách hàng đã đúng khi yêu cầu họ được trả lãi suất cho các khoản tiền gửi của mình và đồng thời họ cũng rút các khoản tiền gửi này. Cũng có những mối lo ngại hiển nhiên khác. Công ty đã bất ngờ vay gần 17 tỷ USD, rõ ràng là để trang trải các dòng vốn chảy ra ngày càng tăng.
Nhưng tin xấu thực sự được tìm thấy ở trang 125 trong tài liệu 10-K của ngân hàng. Danh mục đầu tư HTM của SVB, hiện chỉ ở mức 91 tỷ USD so với 98 tỷ USD chỉ một năm trước đó, đã chịu những khoản lỗ lớn chưa thực hiện trong năm. Những khoản lỗ đáng kinh ngạc lên tới hơn 15 tỷ USD.
Trong khi danh mục đầu tư HTM được ghi trên sổ sách của SVB là 91.3 tỷ USD, thì danh mục này chỉ có trị giá 76 tỷ USD. Các nhà đầu tư và người gửi tiền đều hoảng loạn. Chưa đầy hai tuần sau, SVB thông báo họ đã thanh lý hoàn toàn danh mục đầu tư “sẵn sàng để bán” có trị giá 26 tỷ USD chỉ vài tháng trước đó vào hôm 31/12/2022. Họ cũng cho biết ý định huy động thêm 2 tỷ USD thông qua bán cổ phiếu ưu đãi.
Tiền mặt đã cạn kiệt và SVB đã đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng. Ngày hôm sau, giá cổ phiếu SVB lao dốc gần 70%. Và sự tấn công của các cuộc rút tiền hàng loạt đã vượt xa khả năng huy động đủ tiền mặt của ngân hàng này. Hôm sau nữa, 10/03, FDIC đã tiếp quản ngân hàng từng là con cưng của giới đầu tư mạo hiểm này.
SVB là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử của quốc gia chúng ta. Chỉ hai ngày sau, Signature Bank có trụ sở tại New York cũng đóng cửa theo lệnh của các quan chức tiểu bang. Ngân hàng đó, vừa bắt đầu nhận tiền gửi bằng mã kim, là ngân hàng lớn thứ ba sụp đổ
Có một phần tái bút cho câu chuyện này, và đó là một phần đáng sợ vẫn đang diễn ra. Trong một bài nói chuyện ngày 28/02, Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg tình cờ nói: “Các khoản lỗ chưa thực hiện đối với các chứng khoán ‘sẵn sàng để bán’ và ‘giữ đến ngày đáo hạn’ lên tới 620 tỷ USD trong quý 4 (năm 2022).”
Ông Gruenberg sau đó đã tiếp tục lưu ý, “Hiện tại đã không có ngân hàng nào phá sản trong 28 tháng, thấp hơn ba tháng so với kỷ lục 31 tháng được thiết lập vào năm 2007.” Ông Gruenberg đưa ra nhận xét của mình chỉ bốn ngày sau khi có công bố báo cáo 10-K của SVB và 10 ngày trước khi FDIC tiếp quản SVB. Mặc dù thị trường phản ứng mạnh mẽ, nhưng vào thời điểm đó, chúng tôi cho rằng ước tính của ông Gruenberg về các khoản lỗ chưa thực hiện trong hệ thống ngân hàng là rất thấp.
Thật không may, chúng tôi có thể đã đúng.
Một nghiên cứu được công bố hôm 13/03 đã xem xét kỹ hơn các khoản lỗ chưa thực hiện mà các ngân hàng có thể đang nắm giữ. Nghiên cứu cho thấy tổn thất thực tế đối với các khoản nắm giữ chứng khoán của các ngân hàng là 780 tỷ USD, không phải 620 tỷ USD như ước tính của FDIC.
Nhưng các tác giả đã đi sâu hơn khi lưu ý một cách đúng đắn, “Các khoản cho vay, giống như chứng khoán, cũng mất giá trị khi lãi suất tăng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times