Tại sao các mối quan hệ lại không tốt? Phải chăng bản thân thiếu sự đồng cảm
Khi nhìn thấy người khác làm một chuyện gì đó, có một phần ở trong bộ não cho phép mọi người trải nghiệm cảm giác làm chuyện đó và sinh ra phản ứng thần kinh tương tự. Hiện tượng này chính là “sự đồng cảm” (Empathy).
Nếu cha mẹ của trẻ không đồng cảm với con khi trẻ còn nhỏ, thì con trẻ sẽ luôn cảm thấy có điều gì đó không ổn. Chẳng hạn, những người trẻ tuổi thường thích đùa rằng: “Có một loại lạnh, gọi là mẹ cảm thấy con lạnh”. Bố mẹ sợ con bị lạnh, nhất là những bé chưa có khả năng biểu cảm, bố mẹ rất lo lắng nên đã mặc cho con rất nhiều quần áo, quấn chặt lấy con. Tuy nhiên, trẻ sẽ dễ bị ra mồ hôi trộm, nổi mẩn ngứa khắp người, ngứa da nên trẻ sẽ quấy khóc suốt.
Lúc này, cha mẹ lại cho rằng việc trẻ khóc có thể liên quan đến việc ăn uống, đi vệ sinh hoặc các yếu tố khác, chứ không cho rằng trẻ có thể đã mặc quá nhiều. Người xưa có câu “3 phần lạnh, 7 phần ấm”, có nghĩa là nên để trẻ ở trạng thái hơi lạnh chứ đừng mặc quá nhiều quần áo.
Kỳ thực, cái nóng đáng sợ hơn cái lạnh. Vì rất nhiều bé không thể biểu cảm nên khi mặc quá nhiều sẽ rất cáu kỉnh và dễ bị ốm.
Tầm quan trọng của sự đồng cảm giữa cha mẹ và con cái
Tôi trích dẫn ví dụ này là muốn nói rằng điều đặc biệt quan trọng đối với cha mẹ là hiểu nhu cầu của con cái, hiểu cảm xúc của con và đưa ra phản ứng chính xác.
Vào những năm 1970, các khoa học gia Ý đã làm một thí nghiệm. Họ gắn các điện cực vào đầu một con khỉ đột và kết nối với một máy theo dõi sóng vô tuyến, sau đó để nhân viên thí nghiệm ăn các loại trái cây khác nhau bên cạnh con khỉ đột và quan sát sự thay đổi trong sóng não của nó.
Kết quả phát hiện, khi nhân viên thí nghiệm ăn một trái chuối, sóng não của con khỉ đột khi quan sát anh ấy ăn chuối cũng giống như sóng não khi bản thân nó đang ăn chuối vậy. Nhân viên thí nghiệm rất chú ý đến điều này, tự hỏi liệu có phải vì nó nhìn thấy mình đang ăn chuối, sau đó trong tâm trí nó có ý tưởng ăn chuối, nên mới xuất hiện dạng sóng tương tự như vậy.
Sau đó, nghiên cứu sâu hơn phát hiện ra rằng sau khi thấy người khác làm một số việc, có một bộ phận thần kinh trong não cho phép mọi người trải nghiệm cảm giác tự làm những việc đó và tạo ra những phản ứng thần kinh tương tự. Hiện tượng này chính là “sự đồng cảm” (Empathy). Nếu tôi thấy bạn khóc, tôi có thể khóc cùng bạn dù cho tôi không có chuyện buồn. Ca sĩ Tô Nhuế có một câu hát rằng, “Buồn cho nỗi buồn của bạn, hạnh phúc cho hạnh phúc của bạn”, có lẽ chính là ý nghĩa này.
Sở dĩ có hiện tượng này là bởi vì trong hệ thống thần kinh của chúng ta tồn tại một loại tế bào thần kinh được gọi là “neuron phản chiếu” (mirror neuron). Neuron phản chiếu không chỉ tồn tại trong vỏ não thị giác của thùy chẩm mà còn có ở vỏ não thùy đỉnh và vỏ não thùy trán. Khi một người nhìn thấy người khác làm điều gì đó, họ sẽ nghĩ về điều tương tự, đó chính là các tế bào neuron phản chiếu của họ đã được kích hoạt.
Trên thực tế, sự đồng cảm vừa có cơ sở vật chất về mặt sinh lý, vừa là kinh nghiệm tiếp thu được. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ không thể hoàn toàn cư xử với trẻ chính xác trong mọi bước, nhưng họ sẽ sửa sai trong quá trình tương tác. Khi tương tác với trẻ, cha mẹ nhạy cảm có thể dựa trên tiếng khóc của trẻ mà biết được lúc này trẻ đang bày tỏ điều gì và muốn gì, dù người ngoài không thể phân biệt được.
Tại sao một số bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ nghe tiếng khóc của con mình, nhìn thấy cử động của con là biết ngay nhu cầu của con? Đây chính là do cô ấy đã phát triển khả năng đồng cảm siêu mạnh trong quá trình chăm sóc con.
Biểu hiện của việc thiếu sự đồng cảm
Nếu khả năng đồng cảm của người mẹ đặc biệt kém, trẻ sẽ có cảm giác ủy khuất. Nếu trẻ không nói ra được, hoặc không thể nói rõ ràng, trẻ sẽ cảm thấy rằng mẹ không hiểu mình, mẹ làm ra những phản ứng sai hoặc thậm chí khiển trách thô bạo. Chẳng hạn, khi ăn cơm, một số cha mẹ luôn chọn món ăn cho trẻ theo sở thích của mình, chất đống trước mặt trẻ vì nghĩ rằng trẻ thích ăn phần đó. Nhưng có thể trẻ rất không thích ăn một món trong số đó, lúc này nếu khả năng đồng cảm của cha mẹ không mạnh thì sẽ kiên trì ép trẻ ăn.
Những bậc cha mẹ như vậy không chỉ làm thế với con mình, mà đôi khi có khách đến nhà, họ cũng phục vụ khách như thế. Với tư cách là khách, nếu bạn không ăn rau và thịt mà người khác mời bạn, thức ăn sẽ bị lãng phí, hơn nữa cũng rất thất lễ, nhưng món rau mà người khác mời thì bạn lại không thích ăn, bạn chỉ có thể cố gắng ăn một bát. Nhưng mà, họ lại xới cho bạn bát thứ hai. Người như vậy chính là thiếu sự đồng cảm, họ không thể hiểu được cảm xúc của người khác.
Cái gọi là “mẹ cảm thấy con lạnh” cũng là như thế. Có người nhìn thấy con gái mặc quần soóc là hỏi luôn: “Con mặc ít như vậy có lạnh không?”. Thời nay rất nhiều cô gái đều thích khoe chân, vậy nên hỏi câu này chính là bạn không có sự đồng cảm với cô bé. Nếu bạn không nói “Chân con đẹp lắm, rất thon thả”, thì cũng đừng nói “Con mặc như vậy lạnh hay không”, đây chính là sự thiếu đồng cảm.
Khả năng đồng cảm của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành sự đồng cảm ở trẻ. Quá trình tương tác giữa cha mẹ và con cái là một quá trình sửa sai không ngừng, “biết được bản thân lý giải không đúng thì sau đó sửa lại”, hoặc “mặc dù mình hiểu rồi, nhưng mình làm thế là sai, vậy mình sửa lại”. Quá trình này rất quan trọng, bởi vì quá trình sửa sai chính là quá trình hình thành sự đồng cảm.
Vì vậy, nếu trong khi nuôi dạy con cái mà cha mẹ không trải qua quá trình sửa sai thì con cái sẽ tích tụ rất nhiều ủy khuất do không được hiểu, không được nhìn nhận hoặc đối xử chính xác. Tâm lý của trẻ sẽ không được phát triển đầy đủ trong tương lai, khả năng đồng cảm của các em tất nhiên sẽ không mạnh.
Vậy nên, cha mẹ kém đồng cảm thường nuôi dưỡng nên những đứa trẻ kém đồng cảm. Lời nói và hành động của những trẻ em này rất dễ không phù hợp, không dung nhập với suy nghĩ của người khác, dễ khiến người khác cho rằng đứa trẻ này thật vụng về. Kỳ thực, đứa trẻ không ngốc, chỉ số thông minh cũng không thấp, chỉ là khả năng đồng cảm tương đối kém.
Nội tâm của một người kém đồng cảm luôn ở trong tình trạng đặc biệt ủy khuất. Họ không thể hiểu người khác, nhưng luôn cảm thấy người khác không hiểu mình, kết quả cuối cùng là thường ở trong trạng thái lạc lõng, ủ rũ, buồn bã, chán nản và đặc biệt là rất dễ nổi cáu. Cơn tức giận của họ ngày càng lớn, người khác cũng chịu không nổi họ, kết quả là quan hệ giữa người với người sẽ không tốt.
Điều này cho thấy “sự đồng cảm” quan trọng như thế nào. Khi trẻ còn nhỏ, nếu cha mẹ không bầu bạn cùng trẻ, hoặc dù có bầu bạn cùng trẻ nhưng tự cho mình là trung tâm thay vì lấy trẻ làm trung tâm, hơn nữa cũng không tạo nhiều không gian vui chơi cho trẻ, khiến trí não của trẻ sẽ không thể phát triển tốt, khả năng đồng cảm cũng sẽ tương đối kém.
Trong quá trình tâm trí hóa, có một mô thức gọi là ngụy trang. Mô thức ngụy trang có nghĩa là khi chơi với con, cha mẹ mô phỏng một số cảnh tượng, thực hiện một số tình tiết, chẳng hạn nếu trẻ có hành động đánh người thì cha mẹ sẽ giả vờ bị đau. Cha mẹ cần diễn xuất rất nhiều để bộc lộ hết những suy nghĩ bên trong của trẻ, đồng thời dùng những hành động cường điệu để trẻ hiểu được hậu quả của việc làm đó, không gian tâm lý của trẻ sẽ dần lớn hơn và khả năng đồng cảm cũng sẽ được tăng cường.
Nếu cha mẹ không thể đồng cảm với trẻ và không để trẻ tự do bày tỏ suy nghĩ của mình, vậy thì rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc của trẻ sẽ bị đè nén trong lòng. Khi lớn lên, trẻ sẽ khó có thể đồng cảm với người khác về ngôn ngữ, thậm chí là cả hành vi.
Tác giả: Thi Kỳ Gia
Tằng Trân biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ