Tác phẩm kinh điển là dành cho tất cả mọi người, không kể màu da hay tuổi tác
Một nền giáo dục cổ điển truyền đạt những giá trị vượt thời gian cho thế hệ trẻ của hầu hết mọi chủng tộc và sắc tộc ở mọi thời đại
Điều đó là đúng đắn, chân thật, và chính xác!
Đó là điều mà tôi muốn reo hò, trong sự thinh lặng trong cõi lòng mình, khi tôi đọc xong phần bình phẩm trực tuyến của giáo sư Louis Markos dành cho quyển sách có nhan đề “Nền Giáo Dục Cổ Điển Đã Mang Lại Tự Do Người Mỹ Gốc Phi Châu Như Thế Nào.”
Trước đó, cũng trong cùng một tuần, tôi đã đọc được một bài chỉ trích nhắm vào các tác phẩm kinh điển của nền văn minh phương Tây trên một tài khoản khác. Các tác phẩm này từng được gọi là Những Quyển Sách Vĩ Đại, bị gán cho là phân biệt chủng tộc và kỳ thị nữ giới. Mặc dù tôi không thể nhớ được mình đã nhìn thấy mẫu tin này ở đâu, nhưng một lần nữa tôi lại sửng sốt, tự hỏi rằng liệu những người đang công kích triết gia Aristotle và nhà toán học Pascal đã từng đọc bất kỳ tác phẩm nào trong danh sách các tác phẩm kinh điển của những tác giả này hay chưa.
Nhưng rồi tôi nhận được sự khích lệ bất ngờ và mạnh mẽ từ lời khen ngợi của giáo sư Markos đối với quyển sách “Truyền Thống Trí Tuệ Người Mỹ Gốc Phi Châu: Tự Do Đọc Trong Văn Học Cổ Điển” (Nhà xuất bản Classical Academic Press, 2022). Trong quyển sách này, hai nữ tác giả Anika Prather và Angel Adams Parham đã kiểm tra những trí thức người Mỹ gốc Phi Châu, vài người số họ từng là nô lệ, họ đã đọc nhiều tác phẩm kinh điển và trở thành những người ủng hộ nhiệt thành của một nền giáo dục có nền tảng dựa trên những tác phẩm này.
Các tác giả Prather và Parham, bản thân họ cũng là những phụ nữ người Mỹ gốc Phi Châu, là một trường hợp minh họa vững chắc cho những điều mà một số chúng ta đã biết: đó là, những tác phẩm kinh điển kia không chỉ dành riêng cho những người Âu Châu, những người có làn da nhợt nhạt, hoặc không chỉ dành riêng cho nam giới. Các tác phẩm đó thuộc về toàn thể nhân loại. Hai nữ tác giả Prather và Parham mô tả ông Frederick Douglass như là một điển hình của người Mỹ gốc Phi Châu, người “đã đọc ngấu nghiến các tác phẩm kinh điển của cả Hy Lạp-La Mã và Do Thái-Cơ Đốc và nhờ vậy mà đã trở thành một người có đạo đức cao thượng và là một nhà hùng biện mạnh mẽ.”
“Bằng cách kể lại các câu chuyện của nửa tá nhà văn người Mỹ gốc Phi Châu, những người có đức tin vào Thiên Chúa, và tìm hiểu các quyển sách vĩ đại đã trang bị cho họ uy lực to lớn của lý trí, tài năng hùng biện, và tín ngưỡng nhằm vượt qua sự áp bức và chiến đấu cho sự tự do nội tại lẫn ngoại tại,” ông Markos đã viết về cuốn “Truyền Thống Trí Tuệ của Người Mỹ Gốc Phi Châu.” “Các tác giả Parham và Prather đã chứng minh rằng các tác phẩm của những vĩ nhân da trắng quá cố như Homer, Sophocles, Plato, Aristotle, Cicero, Virgil, Plutarch, Dante, Shakespeare, Milton, Locke, và Mill chứa đựng một di sản vượt qua khoảng cách của chủng tộc, tầng lớp, và giới tính. Trí tuệ đã được kiểm nghiệm theo thời gian như thế đã hợp nhất các nhóm người Mỹ đa dạng bằng cách trao cho họ một ngôn ngữ và tầm nhìn chung về đức hạnh cũng như sự phát triển của nhân loại.”
Theo giáo sư Markos, việc ủng hộ những luận điểm mà quyển sách “Truyền Thống Trí Tuệ của Người Mỹ Gốc Phi Châu” dùng làm nền tảng không phải lúc nào cũng là những điều tích cực và lạc quan. Trong suốt những năm cao học của mình, bà Prather đã mong muốn nghiên cứu về truyền thống cổ điển của người Mỹ gốc Phi Châu, nghiên cứu tác động mà truyền thống này có thể tạo nên đối với các sinh viên người Mỹ gốc Phi Châu hiện đại.
“Tại sao quý vị lại tìm hiểu về giáo dục cổ điển trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu?” giáo sư Markos đã viết phản hồi cho bà Prather. “Quý vị không thấy rằng những quyển sách này không dành cho cộng đồng của quý vị hay sao? Chủ đề nghiên cứu này không hề liên quan đến cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu!
Dẫu thế, nhưng bà Prather vẫn luôn kiên trì, khi bà phát hiện thêm những ngôi sao rực rỡ khác như thi hào giữa thế kỷ 18 Phillis Wheatley, nhà giáo dục kiêm nhà văn ở đầu thế kỷ 20, Anna Julia Cooper, và một nhà văn ở thế kỷ 18 cũng là người theo chủ nghĩa bãi nô, ông Olaudah Equiano, tất cả những vị này đều sinh ra trong chế độ nô lệ. Mỗi từng người trong số họ đều đã khám phá ra, bằng cách này hay cách khác, rất nhiều tác phẩm kinh điển, và một trong số họ là bà Cooper, đã thành công lấy được tấm bằng tiến sĩ ở tuổi 67 tại trường Sorbonne, Đại Học Paris, sau đó bà đã làm việc rất nhiều năm với tư cách là một nhà giáo dục kiêm nhà hoạt động xã hội, khi tin rằng một trong số các sứ mệnh của bà là mang một nền giáo dục cổ điển đến với những người chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.
Một ví dụ khác về truyền thống trí tuệ của người Mỹ gốc Phi Châu gắn liền với các tác phẩm cổ điển được tìm thấy trong phần “Giới Thiệu” của quyển sách có nhan đề “The Columbian Orator” (Nhà Hùng Biện Columbia) của giáo sư David Blight. Quyển sách này đã bán được hơn 200,000 bản kể từ hồi thế kỷ 19, và theo giáo sư Blight, một trong số các ấn bản được bán đó đã được một cậu bé Douglass 13 tuổi mua với giá 50 cent. Cậu bé đã mua quyển sách này bằng chính đồng tiền kiếm được từ công việc đánh giày, Douglass đã được tiếp xúc với rất nhiều tài liệu cổ điển trong quyển sách, sau đó cậu gọi quyển sách này là một “viên ngọc quý,” và tuyên bố rằng, “Tất cả mọi cơ hội mà tôi có được, tôi đều dùng để đọc quyển sách này.”
Là một giáo viên với 25 năm kinh nghiệm giảng dạy, tôi trực tiếp biết rằng thế hệ trẻ của chúng ta — cả những người da trắng và người Mỹ gốc Phi Châu — là có năng lực học hỏi vượt xa tất cả những gì chúng ta đánh giá về họ, để chí ít là họ nắm được những kiến thức sơ lược về các diễn biến quan trọng trong vở kịch Antigone, hoặc biết trân trọng vẻ đẹp của bản sonnet “Remember” của tác giả Christina Rossetti. Những câu chuyện ngụ ngôn của Aesop, các cuộc đối thoại của Plato, các vở sử thi Aeneid, các vở kịch của các tác giả Sophocles và Shakespeare: Những tác phẩm này và nhiều tác phẩm văn học, triết học, và lịch sử vĩ đại khác nữa, nếu được giảng dạy đúng cách, đều nằm trong khả năng lĩnh hội của các sinh viên.
Như bà Prather đã ghi chú trên trang thông tin của Classical Academic Press, nhà xuất bản quyển sách của bà như sau:
“Khi chúng ta đặt một tác phẩm cổ điển trước mặt những sinh viên người Mỹ gốc Phi Châu và hỏi họ rằng họ cảm nhận thế nào về quyển sách, chúng ta đang truyền đạt rằng chúng ta có sự nhận biết về họ, chúng ta đánh giá cao họ, và chúng ta kỳ vọng rất lớn vào họ để họ tham gia vào Cuộc Đối Thoại Vĩ Đại, cuộc Đối Thoại mà tổ tiên của họ không được tham gia. Chúng ta trở thành bằng chứng sống cho tình yêu vô tận của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. … Là những nhà giáo dục cổ điển, chúng tôi mời tất cả sinh viên cùng nhau chia sẻ sự hân hoan dành cho các tác phẩm này và từ đó truyền đạt một thông điệp đến họ rằng mọi sinh viên của chúng tôi đều được chào đón đến với Miền Đất Hứa.”
Tôi đã đặt hàng một quyển cho riêng mình và chắc chắn là tôi sẽ sớm quay trở lại với chủ đề này.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times