Tác dụng kỳ diệu của nhạc cổ điển đối với sức khỏe (Phần 2)
Tiếp theo Phần 1.
“Thiên hữu ngũ âm, nhân hữu ngũ tạng; Thiên hữu lục luật, nhân hữu lục phủ. Thử nhân chi dữ thiên địa tương ứng dã” (Trời có ngũ âm, người có ngũ tạng; trời có lục luật, người có lục phủ, con người do đó tương ứng với thiên địa vậy). Là một trong những cái nôi dưỡng thành âm nhạc trị liệu, tổ tiên của người Trung Quốc từ lâu đã sớm khám phá những bí mật của quy luật vũ trụ và tiết tấu của sinh mệnh.
Khái niệm dùng âm nhạc trị liệu sớm đã có từ lâu trong lịch sử Trung Quốc, “âm nhạc giả, sở dĩ động đãng huyết mạch, thông lưu tinh thần hòa chính tâm dã” (người chơi nhạc, cho nên rung chuyển huyết mạch, lưu thông tinh thần và chính lại tâm vậy). “Tỳ tại thanh vi ca”, “khứ ưu mạc nhược nhạc” (Tạng Tỳ khi bất thường thì biểu hiện bằng ca hát; giải sầu chi bằng chơi nhạc); “hảo dược giả, dữ chi sênh địch” (người giỏi dùng thuốc, cũng như giỏi dùng sênh); “thất tình chi bệnh, khán hoa giải muộn, thính khúc tiêu sầu, hữu thắng vu phục dược giả dã” (người bệnh thất tình, nhìn hoa giải buồn, nghe hát tiêu sầu, tốt hơn cả dùng thuốc).
Trong những năm gần đây, khoa học phương Tây đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa các loại âm nhạc khác nhau đối với sức khỏe. Các khoa học gia đã phát hiện ra rằng âm nhạc cổ điển là một liều thuốc tốt để chữa lành cho những vết thương về thể xác và tinh thần, có thể nâng cao tâm trí. Ứng dụng của liệu pháp âm nhạc (Music Therapy, MT) trong các lĩnh vực lâm sàng đã luôn được chú ý trong những thập kỷ qua. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự khác biệt giữa âm nhạc cổ điển và âm nhạc hiện đại đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
- Nhạc cổ điển có thể kích thích trí thông minh của trẻ
Một số nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã chứng minh rằng rất nhiều kết nối của não bộ liên quan đến học tập có thể được kích thích bởi âm nhạc cổ điển trong thời thơ ấu. Năm 1998, tiểu bang Florida thậm chí đã thông qua luật yêu cầu các trường mẫu giáo phát nhạc cổ điển nửa giờ mỗi ngày.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, mô thức độc đáo của âm nhạc cổ điển có lợi cho sự phát triển khả năng nhận thức ở trẻ nhỏ, đồng thời cũng có sự trợ giúp cho việc học toán học, khoa học và ngôn ngữ khi trẻ lớn lên.
Nghe nhạc cổ điển của các nhạc sĩ bậc thầy có thể kích thích khả năng tư duy lý tính và sáng tạo, đồng thời giúp trẻ có cảm giác về thời gian và không gian mạnh mẽ hơn. Điều này giúp trẻ có tiềm năng trong các trò chơi trí tuệ, giải câu đố và thậm chí cả các thí nghiệm khoa học, đồng thời cũng sẽ rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ của trẻ, bởi vì tiết tấu, âm điệu và tính lặp lại của âm nhạc có thể giúp nâng cao khả năng diễn đạt ngôn ngữ. Tuy nhiên, không phải tất cả các tiết tấu đều phù hợp với trẻ nhỏ, nên sử dụng một số bản nhạc yên bình.
Các nghiên cứu cũng cho thấy âm nhạc cũng tốt đối với cảm xúc và năng lực xã hội của trẻ, giúp trẻ duy trì mối quan hệ tốt hơn với các bạn cùng lớp và ít gây phiền phức hơn cho giáo viên. Nó cũng có thể trợ giúp cho những trẻ có vấn đề rào cản ngôn ngữ, hay thậm chí là có chứng tự kỷ.
- Nhạc cổ điển giúp tăng sản lượng sữa ở bò
Tiến sĩ North, một nhà tâm lý học tại Đại học Leicester ở Vương quốc Anh và đồng nghiệp Mackenzie của ông đã phát hiện ra rằng, việc cho bò nghe nhạc cổ điển thư giãn có thể giúp cải thiện sản lượng sữa của chúng, còn một số loại nhạc hiện đại ồn ào náo động thì không có tác dụng.
Tiến sĩ North cho biết, nguyên nhân những bản nhạc du dương, êm dịu đó giúp tăng sản lượng sữa, có thể là do chúng giúp những con bò giảm căng thẳng.
Một số người nuôi gà đã áp dụng phương pháp phát nhạc để tăng sản lượng. Trước đây cũng có bằng chứng cho thấy âm nhạc làm giảm căng thẳng ở gà.
- Nhạc cổ điển thúc đẩy thực vật tăng trưởng
Âm nhạc thúc đẩy sự ra hoa của thực vật, điều này ở ngoại quốc đã sớm có nghiên cứu. Từng có một thí nghiệm, người ta điều chỉnh năm căn phòng sao cho các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… đều giống nhau, sau đó đặt các cây có cùng độ phì nhiêu của đất và cùng lượng nước vào đó. Điểm khác biệt duy nhất là năm căn phòng này phát các loại nhạc khác nhau, lần lượt là: nhạc rock, nhạc đồng quê, nhạc cổ điển, nhạc pop và phòng cuối cùng không có nhạc.
Kết quả thí nghiệm cho thấy cây trong phòng phát nhạc cổ điển phát triển tốt nhất, còn cây phát triển kém nhất là ở trong phòng phát nhạc rock. Yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của thực vật là nhịp điệu rối loạn của nhạc rock, khó tạo ra môi trường ổn định, thoải mái cho thực vật hô hấp sinh trưởng; còn nhạc cổ điển là âm nhạc có quy luật, trật tự và hài hòa, có thể giúp thực vật sinh trưởng tốt hơn.
- Nhạc cổ điển có thể thúc đẩy kinh doanh ẩm thực
Một nghiên cứu của Đại học Leicester, Vương quốc Anh cho thấy âm nhạc có thể ảnh hưởng đến sự yêu thích ẩm thực của con người: nếu nhà hàng mở nhạc cổ điển, khách hàng sẽ chi tiêu nhiều hơn, nếu mở nhạc pop hoặc không mở nhạc, mọi người sẽ chi ít hơn đáng kể.
Tiến sĩ North đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu đến quan sát một nhà hàng ở miền trung Anh quốc trong ba tuần. Họ thấy rằng âm nhạc du dương và tinh tế của Bach và Mozart khiến khách hàng sẵn sàng chi tiêu hào phóng; nhưng khi nhạc của Britney Spears hoặc các thần tượng nhạc pop khác được phát, mức chi tiêu bình quân của khách hàng sẽ ít hơn 10%, và thậm chí còn ít hơn nữa khi không phát nhạc.
Tiến sĩ North cho rằng nhạc cổ điển chú trọng về nội hàm, tạo cho người nghe cảm giác cao quý, vì vậy sẽ sẵn sàng chi tiêu cho những món xa xỉ hơn như khai vị, tráng miệng và cà phê v.v.
Âm nhạc là một phần của văn hóa ngũ hành
Cổ nhân có nhận thức vô cùng tinh thâm đối với âm thanh. Điều này với nhận thức nhân thể và quan điểm khoa học về vũ trụ trong văn hóa Trung Quốc là không thể tách rời. Bởi vì âm thanh là một trong vạn vật của thiên địa, cho nên âm thanh cũng có âm dương và ngũ hành. Cổ nhân xác định thanh âm bằng Thập nhị luật lữ (12 âm luật điều hòa), Thanh đều là luật, âm đều là lữ. Lấy luật xướng lữ, lấy lữ hòa luật. Thanh thuộc về trời, âm thuộc về đất. Lữ luật một âm một dương, tổng cộng có sáu âm sáu dương, chính là lục luật lục đồng do Chu lễ Thái sư nắm vững, dùng để điều hòa âm dương, tiến thêm một bước đem mười hai luật lữ ghép với mười hai tháng và mười hai thời thần. Do đó, nó cũng tương ứng với ngũ hành theo bốn mùa.
Cổ nhân đem âm thanh đối ứng với thiên văn, khí hậu, ngũ hành, bốn mùa và cho đến cả xã hội nhân loại. Sự hiểu biết của họ về âm thanh vượt rất xa khả năng tưởng tượng của con người hiện đại.
Với sự am hiểu sâu sắc về âm thanh, cổ nhân đã vận dụng âm nhạc một cách toàn diện. “Hán Thư – Lễ Nhạc Chí” ghi rằng: “An thượng trị dân, mạc thiện vu lễ; dịch phong di tục, mạc thiện vu nhạc” (Để trị dân tốt, không gì tốt bằng lễ; để thay đổi phong tục, không gì tốt bằng nhạc). Dùng âm nhạc để điều hòa nhân tâm, dung hợp quần thể là cách người xưa thường dùng. Hoàng Đế đánh bại đại quân của Xi Vưu bằng tiếng trống, các nhạc sư đã dùng âm nhạc để chỉnh đốn binh sĩ của Hoàng Đế. Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ bằng kế “Tứ diện sở ca”, việc sử dụng âm nhạc vào binh pháp không phải là hiếm. Vậy nên, âm nhạc hay, không chỉ yêu cầu giai điệu ưu mỹ, mà còn phải chú ý đến việc vận dụng âm dương ngũ hành của âm thanh.
Âm nhạc và sự thịnh suy của xã hội
Văn hóa truyền thống cho rằng Thiên địa vạn vật bên trong đều có sự liên hệ, kết nối, vì vậy âm nhạc cũng phản ánh tất cả các khía cạnh của xã hội. Theo mô tả trong “Lã Thị Xuân Thu”, Hạ Kiệt và Ân Trụ đã chế tác ra âm nhạc phóng túng, coi sự to lớn là đẹp, sự đa dạng là tráng quan, theo đuổi sự hưởng thụ quá mức và không tuân thủ luật pháp. Còn khi nước Tống suy thì lại làm ngàn cái chuông, khi nước Tề suy thì lại làm Đại lữ (chuông lớn); khi nước Sở suy thì lại chế tác âm nhạc quái dị. Có âm nhạc đúng đắn, có âm nhạc phóng đãng, có âm nhạc đàng hoàng, có âm nhạc tục tĩu. Người sáng suốt nhờ nó mà thịnh vượng, kẻ bất lương cũng vì nó mà diệt vong.
Rất nhiều bậc quân chủ khai quốc thời cổ đại đều coi trọng phẩm chất âm nhạc để làm cho xã hội ổn định và phát triển. Ví dụ, Hoàng đế Thái Tông của nhà Đường rất coi trọng nhã nhạc chính âm. Ông ra lệnh cho Thái thường khanh Tổ Hiếu Tôn hiệu đính Cung Thương (hai âm trong ngũ âm của âm nhạc Trung Quốc cổ đại), Khởi cư lang Lữ Tài nghiên cứu âm vận, Hiệp luật lang Trương Văn thu thập và khảo chứng luật lữ, bảo họ loại bỏ những thứ tạp nham lộn xộn, chỉnh lý ra âm luật quy phạm tiêu chuẩn.
Âm nhạc ban đầu là để kính trời
Rất nhiều âm nhạc phương Tây thời kỳ đầu đều thể hiện sự tôn kính đối với tôn giáo, những âm nhạc này không chỉ có giai điệu ưu mỹ, hơn nữa đều ca ngợi các vị Thần.
Âm nhạc Trung Quốc cổ đại cũng là như vậy. Người xưa tin rằng để tạo ra âm nhạc thì phải có những điều kiện nhất định, phải tiết chế dục vọng. Chỉ khi không phóng túng dục vọng, người ta mới có thể bắt đầu sáng tác âm nhạc. Việc sáng tác âm nhạc là có phương pháp nhất định, phải sinh ra từ trong bình hòa, mà bình hòa là sinh ra từ trong Đạo. Vì vậy, điều mà âm nhạc cổ điển theo đuổi chính là cảm giác bình yên, hân hoan và vui vẻ có được từ việc tôn kính Thần linh.