Sức mạnh của thiện tâm: Dùng đức để cảm hóa lòng người
Trong phần bổ sung của “Tam Quốc Chí”, quyển thứ mười một có câu chuyện về một bậc tiên hiền thời Tam Quốc tên là Vương Liệt.
Vương Liệt sống thời Đông Hán, là một học giả có kiến thức uyên bác, thông hiểu đại Đạo, dùng nghĩa xử thế, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh khó khăn. Sau khi phụ mẫu qua đời, ông chịu tang và chăm lo việc nhà, tận tâm làm việc.
Có một năm trong vùng xảy ra nạn đói, thi thể nằm la liệt trên đường. Vương Liệt dù gia cảnh không mấy khá giả nhưng vẫn tích góp đồ đạc và lương thực để tặng cho những ai khốn khó, nhờ vậy rất nhiều người đã được cứu sống. Từ đó, ai ai cũng gọi ông là hiếu tử của dòng tộc, là bậc nhân đức trong vùng.
Nạn đói qua đi, Vương Liệt lại dành thời gian đọc các tác phẩm kinh điển để dạy học và dùng đức để giáo huấn. Ông tự mở trường giảng dạy đạo lý, khuyến khích trọng đức hành thiện, khiến lòng người hướng Đạo, rời xa điều ác. Các học trò được ông dạy dỗ, không hữu ý mà trở thành những bậc đại đức đại trí, là rường cột của xã hội, người đời gọi kỳ tích ấy là: “Đại hóa long hành, giai thành bảo khí”.
Các đệ tử của Vương Liệt đi đến đâu cũng thể hiện ra hành vi đoan chính, tác phong đàng hoàng. Khi họ đi trên đường hay trên cánh đồng thì đều mang phong thái đĩnh đạc đường hoàng, khác hẳn với đám trẻ trong làng. Có người thán phục nói: “Đây chính là học trò của Vương Liệt!”.
Dưới ảnh hưởng của Vương Liệt, từ thị trấn cho đến quận châu, lòng người ai nấy đều hướng thiện.
Thời ấy, trong làng có một tên trộm chẳng may bị gia chủ bắt được. Gia chủ vì học theo lòng nhân đức của Vương Liệt, nên thay vì trừng phạt kẻ trộm, ông lại nhẹ nhàng khuyên nhủ rồi thả anh ta đi. Kẻ trộm cảm động nói: “Tôi nhất thời hồ đồ đánh mất đi bản tính của mình, từ nay nhất định sẽ cải tà quy chính. Ông đã tha cho tôi thì xin đừng mang chuyện này kể với Vương Liệt, kẻo ông ấy buồn phiền lo lắng”.
Sau này, người mất trộm đem chuyện này kể lại cho Vương Liệt, Vương Liệt lấy ra nửa tấm vải nhờ ông ta gửi tặng tên trộm kia. Ông ta ngạc nhiên hỏi: “Người này là kẻ trộm, còn sợ ngài biết được, vậy sao ngài lại đem vải cấp cho anh ta?”. Vương Liệt đáp: “Anh ta đã hối cải, hơn nữa lại biết xấu hổ khi làm điều ác. Anh ta sợ tôi biết được sẽ cảm thấy khó chịu, đây chính là thiện tâm. Tôi tặng nửa tấm vải này cho anh ta, một mặt là khích lệ anh ta mau chóng thay đổi, mặt khác là thể hiện sự quan tâm và cảm kích của mình“.
Cũng trong năm ấy có một cụ già mang quang gánh bước đi từng bước khó nhọc trên đường. May thay có chàng thanh niên đến giúp ông lão quảy gánh, đi chừng mười mấy dặm đường mới đến nhà ông lão. Ông già liền hỏi tên họ nhưng anh ta khước từ rồi đi mất.
Chẳng bao lâu sau, ông lão đi đường không may làm mất thanh bảo kiếm. Có người thấy thanh bảo kiếm, ban đầu anh ta định bụng đi qua mà không muốn nhặt lên, nhưng lại sợ kẻ gian nhặt mất nên đành ngồi đó đợi người bị mất đến tìm. Đợi mãi đến chiều tối mới thấy ông lão năm xưa tìm đến. Ông lão vừa đến liền nhận ra anh chính là người đã giúp mình quảy gánh, ông xúc động nói: “Anh đã giúp tôi quảy gánh, vậy mà lại không nói tên làm tôi vô cùng cảm kích. Nay anh lại vì giữ hộ tôi thanh gươm mà phải đợi đến tối mịt thế này. Anh quả là người nhân nghĩa, xin hãy cho tôi biết tên, tôi sẽ báo lại cho Vương Liệt”. Chàng thanh niên đáp: “Chỉ là việc nhỏ thôi, xin ông đừng làm Vương Liệt phải bận tâm”.
Sau này ông lão mất kiếm vẫn kể lại chuyện này cho Vương Liệt, Vương Liệt bèn cho người đi tìm hiểu hoàn cảnh của chàng thanh niên đó, phát hiện ra anh ta chính là kẻ trộm khi xưa. Vương Liệt cảm thán nói: “Âm nhạc mỹ diệu có thể làm người ta hứng khởi hát theo, phẩm đức thiện lương có thể khiến mọi người cùng nhau học hỏi. Cảnh giới này thật khiến người ta vui mừng!”. Tiếng lành đồn xa, bà con trong vùng đều cảm thấy được khích lệ.
Đương thời có hai người tranh chấp đúng sai, họ đều tìm đến Vương Liệt phân giải. Hai bên mới đi được nửa đoạn đường thì chợt nghĩ đến sự rộng lượng và nhân nghĩa của Vương Liệt, họ cảm thấy hổ thẹn liền nhận phần lỗi về mình. Họ tự thấy chẳng còn mặt mũi nào để gặp Vương Liệt, nên dù đi được nửa đường cũng đành quay trở về.
Đương thời, người trong vùng thì kẻ mạnh không ức hiếp kẻ yếu, kẻ đông không ức hiếp người cô phụ, việc mua bán không nói hai giá. Vương Liệt đã dùng thiện tâm để cảm hóa lòng người, dùng đức giáo hóa muôn dân.
Đạo đức và phẩm hạnh của Vương Liệt là biểu hiện cho mỹ đức của cổ nhân. Phẩm chất này được lưu truyền qua ngàn đời, như sông nước trên mặt đất, như ánh nhật nguyệt trên bầu trời, quả là:
Dân tộc hữu mỹ đức
Quang diễm chiếu thiên thu
Ngã bối tái hoằng đại
Vạn đại vĩnh truyền lưu.
Tạm dịch:
Lục Văn thực hiện
Minh Sơn biên dịch