Yoga, chánh niệm có thể quản lý đường huyết hiệu quả
Một phân tích mới đây cho thấy, yoga, thiền định và các phương pháp thực hành chánh niệm khác có thể giúp những người bị bệnh tiểu đường type 2 giảm lượng đường trong máu – gần bằng mức của các loại thuốc tiêu chuẩn như metformin.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta nên thiền thay vì dùng thuốc. Các thử nghiệm trong phân tích đều nghiên cứu các phương pháp rèn luyện tâm-thân như một giải pháp bổ sung chứ không phải thay thế cho điều trị bệnh tiểu đường tiêu chuẩn.
Các nhà nghiên cứu cho biết chánh niệm rất đáng để thử.
Nhà nghiên cứu Fatimata Sanogo, một nghiên cứu sinh tại Trường y Keck thuộc Đại học Nam California, Los Angles cho biết: “Chúng tôi có thể dùng tất cả các công cụ có được để [quản lý] bệnh tiểu đường type 2.”
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ riêng tại Hoa Kỳ đã có hơn 37 triệu người bị tiểu đường, phần lớn là bệnh type 2. Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi cơ thể mất khả năng dùng insulin đúng cách, một loại hormone giúp vận chuyển đường từ thức ăn vào tế bào để cung cấp năng lượng.
Kết quả là đường tích tụ trong máu, theo thời gian có thể làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh. Nhiều người bị bệnh tiểu đường phát triển các biến chứng như bệnh tim, suy thận, tổn thương dây thần kinh ở bàn chân và chân, và mù mắt.
Kiểm soát lượng đường trong máu là chìa khóa để cắt giảm nguy cơ bị biến chứng.
Nhưng mặc dù có nhiều loại thuốc khác nhau, chỉ một nửa số người bị bệnh tiểu đường type 2 giảm được lượng đường trong máu xuống mức khuyến nghị, cô Sanogo nói.
Vì vậy, cô Sanogo, cũng là một giáo viên yoga, muốn tìm hiểu bằng chứng về các phương pháp rèn luyện tâm-thân: Liệu chúng có thể giúp những người bị bệnh tiểu đường kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh không?
Trong nghiên cứu, cô và các đồng nghiệp đã tập hợp 28 thử nghiệm lâm sàng với các phương pháp thực hành khác nhau. Phần lớn tập trung vào yoga (thường kết hợp các tư thế vật lý, thực hành thở) và thiền định. Mười thử nghiệm nghiên cứu khí công, hình ảnh có hướng dẫn, thiền định hoặc giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm — một chương trình tiêu chuẩn bao gồm thiền và yoga, dạy mọi người cách dùng chánh niệm để đối phó với các tác nhân gây căng thẳng hàng ngày.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu nhận thấy, các phương pháp thực hành đã giúp những người bị bệnh tiểu đường type 2 giảm mức HbA1c. Đây là một thước đo mức đường huyết trung bình trong ba tháng qua.
Nói chung, những người bị bệnh tiểu đường nên giữ mức HbA1c dưới 7%. Trong những thử nghiệm này, trung bình các phương pháp tâm-thân đã làm giảm chỉ số HbA1c hơn 0,8%. Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng mức giảm này gần với kết quả từ các thử nghiệm về metformin, trong đó chỉ số HbA1c đã giảm khoảng 1%.
Nhà nghiên cứu cấp cao Richard Watanabe, giáo sư tại trường Keck cho biết: “Mức độ hiệu quả là khá lớn. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã mong đợi mức ảnh hưởng lớn như vậy.”
Ông cho biết những phát hiện này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tần suất [tập luyện], ít nhất là khi nói đến yoga: Trong những nghiên cứu, những người tập luyện thường xuyên hơn (mỗi ngày) đã cho thấy lợi ích lớn hơn đối với chỉ số HbA1c.
Tại sao chánh niệm lại giúp ích? Các nhà nghiên cứu tin rằng chánh niệm có liên quan đến giảm căng thẳng, mặc dù các chi tiết cụ thể không hoàn toàn rõ ràng. Có thể là những lợi ích gián tiếp, với việc giảm căng thẳng giúp quản lý bệnh tiểu đường hàng ngày dễ dàng hơn. Cũng có thể đó là các hiệu ứng sinh học trực tiếp, trong đó việc giảm các hormone căng thẳng giúp làm dịu tình trạng viêm toàn thể và giảm lượng đường trong máu.
Các phát hiện gần đây đã được công bố trực tuyến trên Tập san Y học Tích hợp và Bổ sung.
Ông Eliud Sifonte là một bác sĩ nội tiết của Hiệp hội Y khoa NYU Langone, ở West Palm Beach, Fla. Ông cho biết bệnh nhân thường quan tâm đến những cách không dùng thuốc để cải thiện lượng đường trong máu.
Ông Sifonte, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết rằng những người bị bệnh tiểu đường type 2 nên thử các phương pháp rèn luyện tâm-thân.
Ông nói: “Chúng tôi luôn khuyến nghị các giải pháp can thiệp lối sống” và lưu ý rằng có nhiều bằng chứng cho thấy những người bị bệnh tiểu đường có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và sức khỏe tổng thể nhờ tập thể dục và thay đổi cách ăn uống.
Thực hành rèn luyện tâm-thân có thể phù hợp, ông Sifonte nói: Điều quan trọng là mọi người tìm thấy những thói quen sống lành mạnh ưa thích, vì vậy họ sẽ tiếp tục duy trì. Với yoga, ông Sifonte lưu ý, mọi người nên biết rằng có nhiều phong cách khác nhau, từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ, và chọn kiểu phù hợp với bản thân.
Ông Sanogo nói thêm rằng mặc dù các phương pháp rèn luyện tâm-thân có rủi ro thấp, nhưng cũng khó tiếp cận. Không phải ai cũng tìm được một lớp học tiện lợi và có chi phí phải chăng.
Tuy nhiên, có rất nhiều ứng dụng miễn phí và các lớp học trực tuyến, nơi mọi người có thể học hoặc được hướng dẫn về thiền và các phương pháp rèn luyện tâm-thân khác.
Thêm thông tin
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ cung cấp nhiều thông tin hơn về quản lý bệnh tiểu đường type 2.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times