Bệnh tiểu đường loại 2 có thể đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức như thế nào?
Đường huyết tăng cao và tình trạng kháng insulin kéo dài có thể đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức.
Xu hướng gia tăng của bệnh tiểu đường loại 2 khởi phát sớm mang đến một mối nguy hiểm tiềm ẩn: Những người bị bệnh lâu hơn có dấu hiệu thay đổi cấu trúc não. Điều này có khả năng tạo tiền đề cho những vấn đề về nhận thức như chứng mất trí nhớ ở độ tuổi trẻ hơn.
Những tác động thầm lặng của bệnh tiểu đường loại 2 đối với sức khỏe bộ não
Hầu hết mọi người đều nghĩ đến biểu đồ đường huyết và chích insulin khi nghĩ đến “bệnh tiểu đường.” Tuy nhiên, căn bệnh này liên quan tới nhiều thứ rộng hơn – đặc biệt là trên não.
Một nghiên cứu gần đây về người Mỹ da đỏ Pima – được biết đến với tỷ lệ bị bệnh tiểu đường loại 2 cao – đã tiết lộ những kết quả đáng lo ngại. Những bệnh nhân tiểu đường lâu năm có những thay đổi đáng kể về não, chẳng hạn như giảm độ dày vỏ não và tăng mức độ chất trắng. Những dấu hiệu này thường liên quan đến chứng sa sút trí tuệ sớm.
Evan Reynolds, nhà nghiên cứu và nhà thống kê chính của NeuroNetwork for Emerging Therapies (Mạng lưới thần kinh cho các liệu pháp mới nổi) tại Bệnh viện Đại học Michigan và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Đây là một trong những lần đầu tiên những thay đổi trong cấu trúc não có liên quan đến thời gian bị bệnh tiểu đường.”
Nghiên cứu cũng cho thấy các biến chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như bệnh thận mạn tính và tổn thương thần kinh ở tim, có liên quan chặt chẽ đến những thay đổi tiêu cực này ở não.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là chức năng nhận thức của những người tham gia không phù hợp trực tiếp với những thay đổi vật lý trong não của họ.
Các tác giả nói với The Epoch Times: “Vỏ não kiểm soát một số lĩnh vực chức năng. Có thể tình trạng mỏng vỏ não xảy ra trước những thay đổi nhận thức được dự đoán trước, vì vậy chúng tôi đã quan sát thấy sự thay đổi ở vỏ não chứ không phải về nhận thức.”
Sự gia tăng bệnh tiểu đường đáng báo động ở thanh thiếu niên
Trên toàn thế giới, bệnh tiểu đường loại 2 đang ngày càng xuất hiện nhiều ở nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi – một xu hướng đáng lo ngại dựa trên những phát hiện gần đây. Hãy xem xét các tác động: Một người được chẩn đoán [tiểu đường] ở độ tuổi 20 có thể phải đối mặt với những thay đổi trầm trọng về não ở độ tuổi 40.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) báo cáo rằng chẩn đoán bệnh tiểu đường loại 2 ở trẻ em từ 10 đến 19 tuổi đã tăng gấp đôi kể từ năm 2003. Các dự báo cho thấy tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi sẽ tăng 673% vào năm 2060, trong đó thanh niên da đen không phải gốc Tây Ban Nha chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
Ông Christopher Holliday, giám đốc hiện tại của Division of Diabetes Translation tại CDC, cho biết trong một tuyên bố: “Sự gia tăng bệnh tiểu đường, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, luôn đáng lo ngại, nhưng những con số này thật đáng báo động.”
Trong khi cách ăn uống kém, lười vận động, và béo phì thường có liên quan đến bệnh tiểu đường, thì một diễn biến gần đây càng làm tăng thêm mối lo ngại. Một nghiên cứu của JAMA Network Open năm 2023 cho thấy rằng việc nhiễm COVID-19 làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường lên 5%.
Bệnh tiểu đường khởi phát sớm này là điều đáng lo ngại đối với sức khỏe bộ não. Đường huyết tăng cao và tình trạng kháng insulin kéo dài có thể đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức. Do đó, những bệnh nhân trẻ tuổi có thể phải đối mặt với những vấn đề này trong những năm tháng tuổi trẻ, gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống cá nhân.
Tiến sĩ Dana Dabelea, một học giả hàng đầu về sự khởi phát của bệnh tiểu đường loại 2 ở thanh thiếu niên và là đồng tác giả của một nghiên cứu quan trọng từ SEARCH for Diabetes in Youth (Tìm kiếm về Bệnh tiểu đường ở Thanh thiếu niên), cảnh báo về cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.
Bà nói với The Epoch Times: “Bệnh tiểu đường loại 2 là một yếu tố nguy cơ mạnh dẫn đến suy giảm nhận thức. Với tỷ lệ bị bệnh tiểu đường loại 2 ngày càng tăng trong dân số già ở Hoa Kỳ, chúng ta có thể đang đứng trước một đại dịch phức hợp gồm bệnh tiểu đường loại 2 và các hội chứng suy giảm nhận thức. Những hội chứng suy giảm nhận thức này có thể bắt đầu xuất hiện ở người lớn bị bệnh tiểu đường loại 2 do sự gia tăng bệnh tiểu đường loại 2 khởi phát ở tuổi trẻ.”
Sự tương tác giữa bệnh tiểu đường và suy giảm nhận thức
Bệnh tiểu đường không chỉ ảnh hưởng đến insulin. Đường huyết cao mạn tính có thể phá vỡ mạng lưới của bộ não. Tình trạng viêm mạn tính, thường do bệnh tiểu đường gây ra, có thể là nhân tố chính gây ra những thay đổi về nhận thức này.
Mối liên quan giữa bệnh tiểu đường loại 2 và suy giảm nhận thức ngày càng rõ ràng, và bệnh tiểu đường loại 2 hiện là yếu tố nguy cơ được công nhận đối với bệnh Alzheimer. Hiệp hội Alzheimer nhấn mạnh sự nguy hiểm của đường huyết cao kéo dài trong một tuyên bố hồi tháng Hai: “Khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát, quá nhiều đường vẫn còn trong máu. Theo thời gian, điều này có thể làm tổn thương các cơ quan, bao gồm cả não.”
Điều thú vị là, bệnh nhân Alzheimer và những bệnh nhân tiểu đường loại 2 đã giảm khả năng sử dụng glucose của não – một gợi ý về mối liên quan tiềm ẩn giữa các tình trạng này. Vì vậy, một số nhà khoa học gọi bệnh Alzheimer là “bệnh tiểu đường loại 3.”
Một nghiên cứu của JAMA đã liên kết bệnh tiểu đường và sự suy giảm nhận thức nhanh chóng ở người lớn tuổi. Việc chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường loại 2 cho thấy nguy cơ mất trí nhớ cao hơn trong tương lai. Những người bị bệnh tiểu đường trong một thập niên trở lên trước khi bước sang tuổi 70 có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn gấp đôi so với những người cùng tuổi không bị bệnh tiểu đường.
Các tác giả kết luận: “Tổng hợp lại, những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của tuổi khởi phát bệnh tiểu đường và bệnh lý tim mạch đi kèm ở những bệnh nhân tiểu đường đối với nguy cơ sa sút trí tuệ.”
Thực hành sàng lọc nhận thức hiện nay đối với bệnh nhân tiểu đường
Một số cơ quan chuyên môn trứ danh đã giải quyết mối liên quan giữa bệnh tiểu đường và sức khỏe nhận thức.
Các hướng dẫn gần đây, đặc biệt là từ Tiêu chuẩn Chăm sóc Y tế dành cho Bệnh tiểu đường năm 2023 của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sàng lọc phát hiện sớm tình trạng suy giảm nhận thức hoặc chứng sa sút trí tuệ.
Tài liệu viết: “Nên thực hiện sàng lọc để phát hiện sớm tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ hoặc chứng sa sút trí tuệ cho người lớn từ 65 tuổi trở lên trong lần khám đầu tiên, hàng năm, và khi thích hợp.” Hiệp hội Nội tiết lặp lại quan điểm này, với khuyến nghị tương tự.
Mặc dù việc chú ý đến người cao tuổi là điều dễ hiểu, nhưng do nguy cơ cao hơn liên quan đến lão hóa, câu hỏi thích hợp vẫn là: Liệu những bệnh nhân tiểu đường trẻ tuổi có bị bỏ qua không? Nhận thức được bản chất tiến triển của cả bệnh tiểu đường và suy giảm nhận thức, nhu cầu phát hiện và can thiệp sớm là điều tối quan trọng.
Tiến sĩ Dabelea nhấn mạnh thêm lỗ hổng này. Bà nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ chúng ta cần những công cụ sàng lọc tốt hơn, những công cụ ít tốn thời gian hơn, không phải lúc nào cũng yêu cầu các xét nghiệm tâm lý thần kinh phức tạp và được bệnh nhân chấp nhận nhiều hơn (kể cả những bệnh nhân trẻ tuổi). Chúng ta cần các công cụ chính xác hơn trong việc xác định tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ khiến mọi người có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ nhưng có khả năng hồi phục được.”
Các phương pháp chống bệnh tiểu đường tự nhiên ngoài thuốc
Chăm sóc y tế hiện đại có bộ công cụ phong phú để quản lý bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bệnh nhân đang tìm cách đẩy lùi bệnh chứ không chỉ là kiểm soát.
Các tác giả nghiên cứu Pima nói với The Epoch Times: “Hiện nay, trọng tâm lâm sàng chính ở bệnh nhân tiểu đường loại 2 là kiểm soát đường huyết bằng thuốc, điều này không phải lúc nào cũng thành công. Bệnh nhân tiểu đường loại 2 thường có các bệnh lý đi kèm khác, chẳng hạn như béo phì, rối loạn lipid máu (hồ sơ lipid máu bất thường) và cao huyết áp. Bây giờ chúng tôi đề nghị một cách tiếp cận toàn diện hơn.”
Các chiến lược tự nhiên, từ thay đổi cách ăn uống đến hoạt động thể chất, đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn. Các chuyên gia ủng hộ cách ăn ít carb, nhiều chất xơ và thực phẩm nguyên chất. Nên tránh các mặt hàng đã qua chế biến, đường tinh luyện và một số loại carbohydrate nhất định.
Thời gian ăn, đặc biệt là nhịn ăn gián đoạn, có thể là yếu tố mang tính bước ngoặt đối với nhiều bệnh nhân tiểu đường.
Nhà nghiên cứu Dongbo Liu cho biết: “Bệnh tiểu đường loại 2 không nhất thiết là án chung thân. Bằng cách thay đổi lối sống, đặc biệt là trong việc ăn uống và tập thể dục, bệnh tiểu đường có thể thuyên giảm. Nghiên cứu của chúng tôi tiết lộ rằng các phương pháp như nhịn ăn gián đoạn và Liệu pháp Dinh dưỡng Trung y có thể giúp thuyên giảm bệnh tiểu đường. Những phát hiện như vậy có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt khi xem xét hơn 537 triệu người trưởng thành trên toàn cầu đang phải vật lộn với căn bệnh này.”
Hoạt động thể chất thường xuyên vẫn cần thiết, kết hợp với các chiến lược quản lý căng thẳng hiệu quả.
Áp dụng một cách tiếp cận toàn diện không chỉ nhắm vào các triệu chứng thể chất của bệnh tiểu đường. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe toàn diện, những chiến lược này có thể bảo vệ chống lại sự suy giảm nhận thức tiềm ẩn.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.