Phụ nữ có thai trải qua đau khổ trong đại dịch dẫn đến giảm khối lượng não ở trẻ sơ sinh
Một nghiên cứu mới phát hiện phụ nữ mang thai trong thời kỳ đại dịch nhiều khả năng bị căng thẳng, lo lắng và sinh con bị giảm chất trắng não bộ
Một nghiên cứu cắt ngang gần đây của JAMA Network Open cho thấy những phụ nữ mang thai bị căng thẳng trong đại dịch COVID-19 dễ bị sinh em bé có trọng lượng não thấp hơn, đặc biệt là ở hạch hạnh nhân bên trái.
Nhóm nghiên cứu viết: “Những phát hiện này cho thấy sự gia tăng các triệu chứng về sức khỏe tâm thần của thai phụ trong đại dịch COVID-19 có liên quan đến chậm phát triển bộ não ở trẻ sơ sinh.”
Phụ nữ mang thai trong thời kỳ đại dịch có thể phải chịu đựng nhiều hơn, bao gồm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm. Những triệu chứng này gây ra sự suy giảm chất trắng ở trẻ sơ sinh.
Các tác giả suy đoán rằng những thay đổi về khối lượng chất trắng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ em, bao gồm khả năng nhận thức, sức khỏe tâm thần và hành vi.
Chất xám của não có vai trò tích hợp và xử lý thông tin, nhận thức cảm giác, trợ giúp việc ra quyết định, v.v. Mặt khác, chất trắng có liên quan đến các kết nối thần kinh ở não và giao tiếp giữa các vùng não. Theo nghiên cứu, những thay đổi trong chất trắng có liên quan đến các rối loạn lo âu ở người lớn.
Căng thẳng và lo âu ở thai phụ ảnh hưởng đến con cái
Các tác giả đã phân tích dữ liệu từ 159 phụ nữ và trẻ sơ sinh trước hoặc trong đại dịch COVID-19. Không có gì ngạc nhiên khi các báo cáo về tình trạng đau khổ ở phụ nữ mang thai đã tăng gấp đôi trong đại dịch.
Khi nghiên cứu hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) ở não của trẻ sơ sinh, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự khác biệt đáng kể ở não của trẻ em sinh ra trước và trong đại dịch COVID-19. Các tác giả cho rằng nguyên nhân dẫn đến khác biệt này là do căng thẳng ở người mẹ.
Các tác giả viết, “Các tác nhân gây căng thẳng trong tử cung có ảnh hưởng đến sự phát triển bộ não của thai nhi và cuộc sống của trẻ sau này. Căng thẳng tâm lý ở người mẹ trong thời kỳ mang thai, bao gồm áp lực, lo lắng và trầm cảm, được xem là một trong những tác nhân gây căng thẳng đối với sự phát triển sớm của bộ não.”
Theo các tác giả, các nghiên cứu đánh giá căng thẳng khi mang thai trước đại dịch với việc giảm thể tích hồi hải mã trái ở trẻ sơ sinh. Hồi hải mã chịu trách nhiệm hình thành và lưu trữ ký ức.
Ngược lại, căng thẳng khi mang thai trong đại dịch có liên quan đến “sự phát triển chậm có chọn lọc ở chất trắng, hồi hải mã và tiểu não của thai nhi.” Tiểu não điều khiển chức năng chuyển động và phối hợp.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh mối liên hệ giữa căng thẳng khi mang thai và giảm thể tích hạch hạnh nhân ở trẻ sơ sinh. Vùng não này có vai trò điều chỉnh sự lo lắng và giải quyết cũng như phản ứng với các mối đe dọa.
Họ cũng phát hiện người mẹ thỉnh thoảng bị lo lắng sẽ không ảnh hưởng đến hạch hạch nhân ở em bé được sinh ra. Tuy nhiên, khi thai nhi tiếp xúc với căng thẳng liên tục thì sẽ gây ra những thay đổi trong bộ não.
Các tác giả viết: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy hạch hạnh nhân bên trái của trẻ sơ sinh đặc biệt dễ bị tổn thương khi mẹ lo lắng và căng thẳng nhiều trong thời kỳ mang thai.”
Tiến sĩ Nickie Andescavage, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong thông cáo báo chí: “Trong tương lai, chúng tôi muốn sử dụng thông tin này – và các nghiên cứu có phát hiện tương tự – để giúp phụ nữ mang thai có quyền được yêu cầu giúp giảm bớt căng thẳng, đặc biệt là trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khác. Chúng tôi cũng muốn bảo đảm rằng những em bé sinh ra trong thời kỳ COVID-19 sẽ nhận được các dịch vụ cần thiết trong cuộc sống nếu các em mắc chứng lo âu hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.”
Các chuyên gia đang tiến hành nghiên cứu thêm để đẩy mạnh công trình của tiến sĩ Andescavage. Bà Catherine Limperopoulos, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và tiền sản, cho biết chúng ta cần hiểu được những tác động của căng thẳng để trợ giúp cho sự phát triển lành mạnh của trẻ nhỏ. Trung tâm của bà hiện đang nghiên cứu vai trò của căng thẳng trong quá trình phát triển tiền sản và sự phát triển lâu dài [ở trẻ nhỏ].
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times