Trào ngược acid và GERD: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, và các giải pháp tự nhiên
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là kết quả của việc acid dạ dày liên tục chảy ngược vào thực quản (phần ống tiêu hóa nằm giữa miệng và dạ dày) do rối loạn chức năng ở cơ thắt thực quản dưới (LES). Điều này có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản.
Nhiều người thỉnh thoảng bị trào ngược dạ dày thực quản (GER), thường được gọi là trào ngược acid hoặc ợ nóng. Theo dữ liệu dịch tễ học từ Tổ chức Quốc tế về Rối loạn Tiêu hóa (IFFGD), trên 40% bị trào ngược acid ít nhất 1 lần/tháng, và 20% bị hàng tuần.
Đôi khi trào ngược acid không phải là một bệnh lý trầm trọng và thường có thể được điều trị hiệu quả tại nhà. Tuy nhiên, nếu trào ngược acid xảy ra liên tục và thường xuyên thì có thể gây ra GERD. Đây là tình trạng niêm mạc thực quản bị tổn thương do tiếp xúc lâu dài với acid dạ dày. Theo Viện Y tế Quốc gia, có 20% người Mỹ bị GERD. Tình trạng này có thể trở nên trầm trọng và cần được điều trị với tư vấn của bác sĩ.
GER và GERD
Hầu hết mọi người có thể kiểm soát các triệu chứng GERD bằng cách thay đổi lối sống và/hoặc dùng thuốc. Trong một số ít trường hợp, một số người có thể cần phẫu thuật để giải quyết các triệu chứng.
GERD và LPR
Một loại trào ngược ít được biết đến là trào ngược thanh quản (LPR) – đôi khi gọi là “trào ngược thầm lặng.” Nguyên nhân là do rối loạn chức năng tương tự của cơ thắt thực quản dưới, nhưng trong LPR, acid dạ dày trào ngược lên thanh quản hoặc hầu họng (phía sau của cổ họng). Gọi là trào ngược thầm lặng là bởi vì tình trạng này khó chẩn đoán ở người trưởng thành, mặc dù phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh có cơ vòng chưa phát triển đầy đủ. Chỉ có 1 hoặc 2 triệu chứng dưới đây có thể xuất hiện trong bệnh LPR.
Các triệu chứng GERD
Các triệu chứng xảy ra 2 lần/tuần hoặc nhiều hơn, có thể bao gồm:
- Khó nuốt.
- Cảm giác nóng rát ở ngực.
- Đau ngực khi nằm ngang.
- Cảm giác nóng rát ở họng.
- Vị khó chịu ở sau họng.
- Trào ngược xảy ra vào ban đêm và khiến người bệnh thức giấc.
Các triệu chứng LPR
Các triệu chứng có thể kéo dài hoặc hiếm gặp, bao gồm:
- Khó nuốt.
- Ho dai dẳng.
- Khàn tiếng.
- Đau họng.
- Chảy nước mũi sau và chất nhầy ở sau họng.
- Thanh quản đỏ, sưng hoặc đau.
- Cảm giác có khối u ở họng và không biến mất.
- Khó thở.
LPR là căn bệnh trầm trọng có thể dẫn đến sẹo ở họng và thanh quản. Tình trạng này cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư ở những bộ phận này, ảnh hưởng đến phổi, và làm trầm trọng thêm các tình trạng như hen suyễn, khí phế thủng hoặc viêm phế quản cấp. Nếu bạn nghĩ mình có thể bị GERD hoặc LPR, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn càng sớm càng tốt.
Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của GERD là gì?
Theo mô tả của IFFGD, “hai triệu chứng được báo cáo nhiều nhất của GERD là ợ nóng và trào ngược acid. Ợ nóng là cảm giác khó chịu nóng rát bắt đầu từ sau xương ức tỏa ra vùng cổ và cổ họng. Trào ngược acid đặc trưng bởi chất lỏng có vị đắng, chua.”
Đôi khi bệnh nhân có các triệu chứng khác như:
- Ho
- Viêm thanh quản
- Hen suyễn
- Khó nuốt
- Khàn tiếng vào buổi sáng
Căn bệnh này cũng có thể gây hôi miệng. Một số bệnh nhân GERD không có triệu chứng rõ ràng.
Nguyên nhân gây ra GERD?
Trào ngược acid là do cơ vòng nối thực quản với dạ dày không đóng lại một cách bình thường sau khi mở ra để cho thức ăn và nước uống đi vào.
Các nhà nghiên cứu đã không tách biệt một nguyên nhân duy nhất cho vấn đề này. Một số yếu tố thể chất có thể gây ra GERD, bao gồm:
- Cơ thắt thực quản dưới yếu hoặc bị tổn thương.
- Chướng bụng (đi kèm với mang thai hoặc béo phì).
- Không ăn gì trong thời gian lâu.
- Vi khuẩn Helicobacter pylori.
Người nào có nhiều khả năng bị GERD?
Nghiên cứu cho thấy nhiều yếu tố có thể góp phần cho sự phát triển bệnh. Một vài trong số đó là các yếu tố không thể thay đổi như giới tính, tuổi, hoặc yếu tố di truyền. Những yếu tố có thể thay đổi được là lối sống, cách ăn uống, và thừa cân quá mức. Các yếu tố nguy cơ về lối sống bao gồm:
- Thừa cân quá mức, đặc biệt là béo phì.
- Uống rượu từ mức độ trung bình đến cao.
- Hút thuốc.
- Tập thể dục ngay sau khi ăn.
- Thiếu thói quen tập thể dục.
- Thói quen ăn uống và ăn kiêng.
Về các món ăn hàng ngày, người ta đã xác định một số thực phẩm dễ gây trào ngược acid, bao gồm:
- Thực phẩm chiên và béo.
- Các món chua và cay.
- Thực phẩm có tính acid như trái cây họ cam quýt và cà chua.
- Thức uống có ga.
- Trà đen.
- Cà phê (bao gồm cả decaf).
- Chocolate.
- Rượu bia.
Thói quen ăn uống như giờ ăn không đều, ăn quá nhiều, và ăn ngay trước khi ngủ cũng có liên quan với các triệu chứng GERD.
Các xét nghiệm để phát hiện GERD?
Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán ban đầu dựa trên các triệu chứng và thói quen ăn uống. Tuy nhiên, để xác định chắc chắn bao gồm loại trừ các bệnh lý khác như bệnh tim, cần phải làm xét nghiệm.
Để xác định chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định một trong những xét nghiệm sau đây:
- Nội soi đường tiêu hóa trên: Đây là một thủ thuật đưa một ống có đèn và camera xuống cổ họng để quan sát bên trong thực quản và dạ dày. Đôi khi thủ thuật này được thực hiện cùng với nội soi đại tràng, mặc dù có thể được thực hiện riêng. Mặc dù không phải lúc nào cũng giúp khẳng định chẩn đoán ban đầu, nhưng thủ thuật này sẽ xem xét liệu GERD có gây ra bất kỳ tổn thương nào đối với hệ tiêu hóa không.
- Nội soi thực quản xuyên mũi: Thủ thuật này giúp tìm tổn thương thực quản. Bác sĩ sẽ luồn một ống mỏng, dẻo gắn máy quay video qua mũi, xuống cổ họng và vào thực quản. Sau đó camera sẽ gửi hình ảnh lên màn hình video. Thủ thuật này không cần gây mê và có thể thực hiện tại phòng khám của bác sĩ.
- Chụp X-quang đường tiêu hóa trên: Chụp X-quang sau khi uống một một dung dịch chuẩn bị màu phấn trắng giúp bao phủ lớp niêm mạc đường tiêu hóa. Lớp phủ này giúp bác sĩ nhìn rõ thực quản và dạ dày. Chụp X-quang đặc biệt hữu ích trong việc đánh giá những người khó nuốt. Thủ thuật này cũng có thể sử dụng viên barium uống để giúp chẩn đoán hẹp thực quản.
- Đo vận động thực quản: Thủ thuật này đo lường các cơn co thắt từng cơn trong thực quản khi nuốt. Đo vận động thực quản cũng đánh giá sự phối hợp và lực co bóp của các thực quản. Xét nghiệm này thường chỉ được khuyến nghị cho những người bị khó nuốt.
- Xét nghiệm thăm dò acid (pH) cấp cứu: Xét nghiệm này là “tiêu chuẩn vàng” đối với GERD. Bác sĩ sẽ đặt một ống nhỏ hoặc một cái kẹp vào thực quản để đánh giá tần suất và lượng acid trào ngược từ dạ dày. Thiết bị theo dõi kết nối với một máy tính nhỏ đeo trên vai hoặc thắt lưng.
Nhiều triệu chứng của GERD cần phải được loại trừ với các bệnh khác. Điều này khiến người bệnh cần chi trả một khoản đáng kể cho các xét nghiệm. Ví dụ, chi phí loại trừ các cơn nhồi máu cơ tim và các vấn đề về tim khác có thể khá tốn kém.
Những biến chứng của GERD là gì?
Theo Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ, GERD không được điều trị có thể dẫn đến:
- Viêm thực quản: Tình trạng viêm ở thực quản.
- Hẹp thực quản: Thực quản bị hẹp do vết loét và sẹo, gây khó nuốt và khiến thức ăn bị kẹt trong thực quản.
- Các vấn đề về hô hấp: Hen suyễn hoặc ho kinh niên, v.v.
- Barrett thực quản: làm tăng nguy cơ ung thư thực quản do thay đổi lớp mô lót trong lòng thực quản
GERD cũng có thể dẫn đến các biến chứng ngoài thực quản, bao gồm viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, hen suyễn hoặc viêm phổi.
Phương pháp điều trị GERD là gì?
GERD được điều trị bằng cách điều chỉnh ăn uống và lối sống, thuốc men và can thiệp phẫu thuật trong một số ít trường hợp.
Cách ăn uống và lối sống
Cách ăn uống và lối sống là những bước quan trọng đầu tiên trong điều trị GERD. Các khuyến nghị để làm giảm các triệu chứng bao gồm:
- Đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Ngừng hút thuốc.
- Chia nhỏ bữa ăn và ăn thường xuyên.
- Giảm lượng chất béo, bao gồm thịt mỡ, nước thịt, bơ, dầu, nước sốt salad và các sản phẩm từ sữa nguyên kem (ví dụ: sữa nguyên chất, pho mát và kem chua).
- Ngồi thẳng trong khi ăn và đứng hoặc ngồi thẳng người trong một giờ sau đó. (Không được nằm dài trên ghế sau bữa ăn.)
- Không ăn ít nhất ba giờ trước khi đi ngủ.
- Tránh mặc quần áo chật ở vùng bụng vì có thể chèn ép dạ dày và đẩy acid lên thực quản.
- Ngủ với đầu giường nâng cao từ 6 đến 8 inch (15-20cm). Bạn có thể nâng giường lên bằng cách đặt các khối dưới chân giường. (Lưu ý: Nằm gối dày hơn sẽ không hiệu quả do chèn ép dạ dày.)
- Loại bỏ các loại thực phẩm có thể kích thích trào ngược acid dạ dày, bao gồm thực phẩm cay hoặc chua và các chất lỏng như cà phê, rượu, và các sản phẩm làm từ giấm có thể ảnh hưởng đến nhu động của hệ tiêu hóa.
Thuốc
Nếu tình trạng của bạn không cải thiện với những thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống này, bác sĩ có thể kê toa thuốc. Đối với GERD, các loại thuốc có tác dụng giảm nồng độ acid trong dạ dày hoặc tăng nhu động của đường tiêu hóa trên để đẩy acid quay trở lại dạ dày.
- Thuốc kháng acid: Thuốc kháng acid không kê toa là tốt nhất cho tình trạng khó chịu tương đối không thường xuyên do trào ngược. Thuốc kháng acid có thể làm vấn đề trầm trọng hơn nếu dùng quá thường xuyên, vì chúng có thể khiến dạ dày tiết ra nhiều acid hơn.
- Thuốc chẹn histamin: Thuốc chẹn histamin 2 (H2) có tác dụng giảm tiết acid. Thuốc chẹn H2 giúp chữa lành tổn thương thực quản ở khoảng một nửa số bệnh nhân dùng thuốc này.
- Thuốc ức chế bơm proton: Thuốc ức chế bơm proton (PPI) giúp ngăn chặn ba con đường sản xuất acid chính. PPI ức chế sản xuất acid nhiều hơn đáng kể so với thuốc chẹn H2. Nhiều bệnh nhân, ngay cả những người bị tổn thương thực quản trầm trọng, đã được chữa lành tổn thương thực quản khi được kê toa PPI. Vận động viên bóng chày nổi tiếng và vận động viên thể thao Jim Palmer đã sử dụng PPI hiệu quả trong việc điều trị GERD kéo dài hàng thập niên.
- Prokinetic: Prokinetic là thuốc tăng hoạt động cơ trơn của đường tiêu hóa. Bác sĩ có thể kê toa thuốc prokinetic kết hợp với thuốc ức chế acid.
Phẫu thuật và can thiệp nội soi
- Phẫu thuật bao đáy vị (Nissen fundoplication): Bác sĩ có thể đề nghị can thiệp phẫu thuật nếu những thay đổi về lối sống và thuốc men không có hiệu quả. Mục tiêu của phẫu thuật là củng cố hàng rào chống trào ngược. Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật quấn một phần bên trên của dạ dày xung quanh đoạn dưới thực quản nhằm làm tăng hoạt động của cơ thắt thực quản dưới. Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện nội soi để giảm thời gian phục hồi. Một số bệnh nhân lựa chọn phẫu thuật này sau một thời gian dài dùng thuốc.
- Nội soi tạo van không đường mổ qua miệng (TIF): TIF là một giải pháp thay thế cho phẫu thuật đối với một số người. TIF sử dụng một thiết bị để tạo đường đi cho ống nội soi. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng nhíp và chốt đã được nạp sẵn trong thiết bị để sửa chữa hoặc tái tạo lại cơ vòng thực quản dưới. Ngoài ra, có thể sử dụng “máy khâu” nội soi để khâu dạ dày nhằm làm tăng hàng rào chống trào ngược.
- Thiết bị LINX: Đây là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Bác sĩ phẫu thuật sẽ quấn một vòng hạt từ tính (titanium) quanh cơ thắt thực quản dưới. Lực hút từ tính giữa các hạt giữ cho cơ thắt thực quản dưới đóng lại để chống acid trào ngược nhưng cho phép thức ăn đi qua. Các hạt từ tính không ảnh hưởng đến hệ thống an ninh sân bay hoặc chụp cộng hưởng từ.
Tâm lý ảnh hưởng đến GERD như thế nào?
Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa GERD và các yếu tố tâm lý. Trong một nghiên cứu năm 2016 với hơn 1,200 lính cứu hỏa, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tỷ lệ trầm cảm, căng thẳng và lòng tự trọng thấp ở những người bị GERD cao hơn so với những người lính cứu hỏa không bị GERD. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng “nên kết hợp đánh giá tâm lý và y tế trong bệnh GERD.”
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa lo lắng và GERD. Nếu bạn có vấn đề này, hãy thử nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc điều trị chứng lo âu và/hoặc trầm cảm. Các hoạt động làm giảm lo lắng như thiền, yoga, “tắm trong rừng,” tập thể dục thường xuyên hoặc tập thở cũng có thể giúp giải quyết các triệu chứng.
Tầm quan trọng của giấc ngủ
Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa GERD và chất lượng giấc ngủ kém.
Các nhà nghiên cứu chưa hiểu rõ về mối quan hệ chính xác này nhưng đã gợi ý rằng cải thiện giấc ngủ cũng có thể làm giảm bớt các triệu chứng của GERD.
Hãy thảo luận về thói quen ngủ với bác sĩ hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Họ có thể khuyên bạn nên bổ sung melatonin hoặc thực hiện những thay đổi như sử dụng rèm chắn sáng, máy tạo tiếng ồn trắng, loại bỏ hoặc tắt thiết bị điện tử trong không gian ngủ, v.v.
Giải pháp tự nhiên cho GERD là gì?
Ít nhất hai nghiên cứu đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong việc điều trị các triệu chứng GERD bằng chiết xuất từ Opuntia ficus-indica, thường được gọi là cây xương rồng lê gai.
Theo Trường Y Harvard, rễ cam thảo, hoa cúc, và rễ cây thục quỳ (marshmallow root) đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị GERD trong một số nghiên cứu. Cây du trơn và d-limonene (thành phần chính được tìm thấy trong dầu chiết xuất từ vỏ trái cây họ cam quýt) cũng có bằng chứng giai thoại ủng hộ việc sử dụng chúng.
Làm thế nào để ngăn ngừa GERD?
Không có gì là hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa trào ngược acid/GERD.
Giảm cân nếu bạn thừa cân và ngừng hút thuốc là hai lựa chọn lối sống có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Giảm hoặc ngừng sử dụng một số loại thuốc có thể làm trầm trọng thêm GERD cũng có thể có hiệu quả, tuy nhiên bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ngừng hoặc giảm bớt thuốc. Các loại thuốc làm trầm trọng thêm GERD là:
- Benzodiazepin, một nhóm thuốc an thần.
- Thuốc chẹn kênh calcium để điều trị cao huyết áp.
- Một số loại thuốc trị hen suyễn.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng.
Như đã nói ở trên, việc ăn uống và ngủ ngon giấc bên cạnh các lựa chọn lối sống để kiểm soát căng thẳng và lo lắng cũng có thể giúp kiểm soát chứng trào ngược acid/GERD.
Vân Hi và Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times