Tổng quan đa nghiên cứu: Không có ‘bằng chứng lợi ích’ nào của việc đeo khẩu trang ở trẻ em
Ở các nước Bắc u như Thụy Điển và Phần Lan, không có trường hợp tử vong nào ở trẻ em được báo cáo mặc dù các em không bị bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Theo một tổng quan đa nghiên cứu gần đây, việc đeo khẩu trang để phòng chống COVID-19 không mang lại lợi ích bảo vệ đáng kể nào cho trẻ, và các em sẽ phải đối mặt với những thách thức phát triển tiềm ẩn từ điều này.
Bài tổng quan, được công bố trên Tập san BMJ ngày 02/12, đã điều tra tính hiệu quả của khẩu trang ở trẻ em trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Trong số 22 bài được phân tích, 16 nghiên cứu báo cáo “khẩu trang không có tác dụng gì trong việc phòng chống nhiễm bệnh hoặc lây truyền.” Trong khi sáu bài còn lại tìm thấy mối liên quan bảo vệ giữa khẩu trang và khả năng lây truyền, những nghiên cứu này có “nguy cơ sai lệch nghiêm trọng.” Nhìn chung, “chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào về lợi ích của khẩu trang ở trẻ em trong việc bảo vệ bản thân hoặc những người xung quanh khỏi COVID-19,” bài tổng quan tuyên bố.
Một nghiên cứu của Tây Ban Nha trên gần 600,000 trẻ em cũng không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào về số ca nhiễm giữa trẻ có và không dùng khẩu trang, bài tổng quan cho biết. Một nghiên cứu khác của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) không tìm thấy “mối liên quan đáng kể” nào giữa việc bắt buộc đeo khẩu trang và số ca COVID-19 ở trẻ.
Tỷ lệ nhập viện và tử vong của trẻ không đeo khẩu trang cũng ở mức thấp. Ở Thụy Điển, chỉ 15 trẻ trong số gần 2 triệu người phải nhập viện vào mùa xuân năm 2020 mặc dù các trường học không yêu cầu đeo khẩu trang. Không có trẻ nào tử vong do COVID-19.
Ở Phần Lan, không có trường hợp tử vong nào ở trẻ được báo cáo mặc dù trẻ dưới 10–12 tuổi không cần đeo khẩu trang. Một số thành phố bắt buộc trẻ từ 10 hoặc 12 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang.
Tại các trường công lập ở New York với một triệu học sinh theo học, tỷ lệ lây truyền trong thời kỳ biến thể Delta lưu hành chỉ là 0,5%.
Gây hại cho trẻ em
Mặc dù không có lợi ích đáng kể nào về việc giảm khả năng lây truyền, nhập viện và tử vong ở người đeo khẩu trang, các báo cáo khác cho thấy một yếu tố đáng lo ngại—tác hại của khẩu trang với trẻ em.
Bài tổng quan cho biết: “Một nhóm nghiên cứu mở rộng đã phát hiện những tác hại liên quan đến khẩu trang hoặc yêu cầu đeo khẩu trang đối với trẻ. Điều này bao gồm những ảnh hưởng tiêu cực đến lời nói, ngôn ngữ và học tập của trẻ. Việc đeo khẩu trang làm giảm khả năng nhận dạng từ và cản trở khả năng dạy và đánh giá lời nói. Có mối liên quan giữa việc quan sát miệng và quá trình xử lý ngôn ngữ, và mọi người ở mọi lứa tuổi vẫn tiếp tục tập trung vào miệng khi nghe giọng nói không phải tiếng mẹ đẻ. Giai đoạn nhạy cảm cho sự phát triển ngôn ngữ là đến 4 tuổi và sự phát triển khả năng kết nối lời nói sẽ diễn ra sau 10 tuổi.”
Khẩu trang có thể tác động xấu đến sức khỏe tâm thần và tình cảm xã hội của trẻ — đặc biệt là ở trẻ nhỏ — bằng cách hạn chế khả năng diễn giải cảm xúc một cách chính xác.
Những trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt và bị tự kỷ có thể bị “tác động không cân xứng” do yêu cầu về khẩu trang vì các em chủ yếu dựa vào nét mặt để nhận biết tín hiệu xã hội.
Bài tổng quan cho biết: “Việc hiểu sai biểu cảm khuôn mặt làm tăng lo âu và trầm cảm ở mỗi cá nhân. Môi trường trường học có quy định đeo khẩu trang cũng có sự gia tăng mức độ lo âu nhiều hơn so với môi trường không có quy định.”
Bài tổng quan bổ sung thêm rằng tác hại về tâm lý từ việc đeo khẩu trang có thể dẫn đến giảm khả năng học tập và tăng số ngày bị bệnh ở trẻ.
Bài tổng quan cho biết trong y học, sự can thiệp không có lợi ích rõ ràng nhưng có nguy cơ tiềm ẩn không thể được khuyến nghị trừ khi chứng minh được không có hại.
“Yêu cầu về khẩu trang ở trẻ không đạt được phân tích lợi ích-rủi ro cơ bản. Khuyến nghị đeo khẩu trang cho trẻ để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 không được ủng hộ bởi dữ liệu khoa học hiện tại và không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức nhằm mục đích cung cấp thêm sự bảo vệ khỏi bị tổn hại cho nhóm dân số dễ bị tổn thương,” bài tổng quan tuyên bố.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng khẩu trang gây hại cho trẻ. Một nghiên cứu năm 2021 từ Đức đã phân tích trải nghiệm của 25,930 trẻ em khi đeo khẩu trang trung bình 4.5 giờ mỗi ngày.
68% phụ huynh cho biết việc đeo khẩu trang có hại cho con của họ. Một số tác hại được báo cáo bao gồm đau đầu, phiền muộn, cáu kỉnh, buồn ngủ hoặc mệt mỏi, khó tập trung, học tập kém và giảm hạnh phúc.
Tiến sĩ Jeffrey I. Barke, bác sĩ chăm sóc ban đầu có chứng chỉ đang làm việc tại phòng khám tư ở Nam California cho biết: “Chúng ta nên đặt câu hỏi ‘Cái giá phải trả là gì?’ khi xem xét bất kỳ chính sách nào.”
“Việc đeo khẩu trang cho trẻ gây ra tác hại trực tiếp, bao gồm gia tăng lo âu, trầm cảm, ý định tự tử và rối loạn học tập. Và quan trọng nhất, điều này ngăn cản sự gắn kết quan trọng giữa học sinh và giáo viên vì mọi người không thể nhìn thấy nét mặt của nhau khi đeo khẩu trang,” ông nói.
CDC tiếp tục kiên trì với chính sách về khẩu trang
Theo bản cập nhật ngày 11/05, bất chấp các nghiên cứu cho thấy tác động có hại, CDC vẫn tiếp tục khuyên dùng khẩu trang cho trẻ từ hai tuổi trở lên, trong một số trường hợp nhất định, “để bảo vệ bản thân và những người khác khỏi COVID-19.”
Theo CDC, việc đeo khẩu trang là cần thiết ở các quận có tỷ lệ nhập viện do COVID-19 “cao.” Với khu vực có tỷ lệ nhập viện ở mức “trung bình hoặc cao,” CDC khuyến nghị nên đeo khẩu trang nếu cá nhân đó có “nguy cơ cao bị bệnh nghiêm trọng.”
“Hãy chọn khẩu trang hoặc khẩu trang phòng độc chất lượng cao và thoải mái mà con bạn có thể đeo đúng cách. Một chiếc khẩu trang không vừa vặn hoặc thoải mái có thể được đeo không đúng cách hoặc thường xuyên bị tháo ra và điều đó sẽ làm giảm những lợi ích dự kiến.”
The Epoch Times đã liên hệ với CDC để yêu cầu bình luận.
Cũng có những cáo buộc về hoạt động chính trị trong nghiên cứu liên quan đến khẩu trang ở trẻ em. Vào tháng 06/2021, một nghiên cứu được công bố trên JAMA Pediatrics cho rằng trẻ em đeo khẩu trang đang hít phải mức carbon dioxide “được Văn phòng Môi trường Liên bang Đức cho là không thể chấp nhận được với hệ số 6.”
JAMA Pediatrics đã thu hồi bài báo trích dẫn “nhiều vấn đề khoa học,” bao gồm những lo ngại về phương pháp nghiên cứu và liệu các thiết bị thích hợp có được dùng để đo nồng độ carbon dioxide hay không.
Trong một tuyên bố với Just the News, ông Harald Walach, tác giả của nghiên cứu, cho biết rằng thông báo thu hồi đã dùng “những tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng” làm “cụm từ khóa.” Điều này cho thấy “việc thu hồi mang tính chính trị vì một số người không thích dữ liệu của chúng tôi.”
Trong văn bản trả lời bình luận về nghiên cứu, ông Walach và các đồng nghiệp đã bảo vệ kết luận nghiên cứu của mình.
Họ viết: “Sự thật không được cấu thành bởi những nghiên cứu đơn lẻ mà bằng nhiều lần lặp lại và diễn ngôn. Đây là nghiên cứu được bình duyệt đầu tiên về hàm lượng carbon dioxide ở khẩu trang trẻ em trong một thiết lập đo lường ngắn. Chúng tôi cho rằng các phép đo là hợp lệ và được thực hiện bởi những cá nhân có kiến thức chuyên môn cao.”