Nghiên cứu mới: Khẩu trang được cho là không có hiệu quả sau làn sóng Omicron đầu tiên
Đến làn sóng Omicron thứ hai, việc đeo khẩu trang được chứng minh là không có tác dụng bảo vệ cho người trưởng thành và có khả năng làm tăng nguy cơ lây nhiễm ở trẻ em.
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, khẩu trang là một giải pháp y tế công cộng được khuyến nghị để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy khẩu trang không có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhiễm bệnh khi Omicron trở thành biến thể chiếm ưu thế.
Trong một nghiên cứu được công bố trên PLOS ONE, các tác giả phát hiện một số yếu tố nguy cơ lây nhiễm, cùng với việc đeo khẩu trang, đã thay đổi đáng kể vào tháng 12/2021 khi Omicron trở thành biến thể SARS-CoV-2 chiếm ưu thế.
Để giải thích lý do tại sao một số giải pháp can thiệp giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn đầu của đại dịch lại trở nên kém hiệu quả hoặc làm tăng nguy cơ vào thời điểm sau, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu khảo sát từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS) từ 200,000 người được xét nghiệm COVID-19 hai tuần một lần.
Cùng với việc công bố dữ liệu về tỷ lệ mắc bệnh, ONS đã khảo sát mọi người về hoàn cảnh và thói quen của họ từ tháng 11/2021 – 5/2022 để xác định xem các yếu tố rủi ro nhất định có liên quan đến xét nghiệm dương tính với COVID-19 hay không. Khoảng thời gian này có sự xuất hiện của nhiều biến thể SARS-CoV-2, cả thời điểm vài tuần cuối cùng của biến thể Delta và biến thể Omicron BA.1 và BA.2.
Theo nghiên cứu, người trưởng thành và trẻ em thường xuyên đeo khẩu trang ở nơi làm việc, trường học hoặc trong không gian kín trước tháng 11/2021 đã giảm nguy cơ lây nhiễm, nhưng điều này không có hiệu quả sau khi đợt Omicron đầu tiên xuất hiện.
Trong đợt dịch Omicron đầu tiên, việc không đeo khẩu trang có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm khoảng 30% ở người trưởng thành và 10% ở trẻ em. Nhưng đến làn sóng thứ hai, do biến thể phụ BA.2 gây ra từ tháng 02/2022, việc đeo khẩu trang không có tác dụng bảo vệ cho người trưởng thành và có khả năng làm tăng nguy cơ lây nhiễm ở trẻ em.
Tác giả chính, Tiến sĩ Paul Hunter của Trường Y Norwich thuộc Đại học East Anglia, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Trong giai đoạn đầu của đại dịch, có nhiều nghiên cứu xem xét các yếu tố nguy cơ của COVID, nhưng sau khoảng năm đầu tiên thì có ít nghiên cứu hơn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có những thay đổi về một số yếu tố nguy cơ trong khoảng thời gian biến thể Omicron BA.2 trở nên phổ biến.”
Yếu tố nguy cơ thay đổi có thể giải thích cho các phát hiện
Bà Julii Brainard, tác giả liên lạc của bài báo và là nhà nghiên cứu cao cấp về sức khỏe cộng đồng tại Trường Y Norwich ở Anh, đã giải thích trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times, rằng một số yếu tố nguy cơ đã thay đổi trong toàn bộ đại dịch, và điều này có thể giải thích cho phát hiện của họ.
Bà Brainard nói: “Những dự đoán tốt nhất của chúng tôi gồm một loạt các phỏng đoán, và có một số điều hội tụ: Ở Anh, vào tháng 12/2021, hầu hết mọi người đã chích ngừa nhiều lần và bị nhiễm trùng ít nhất một lần trở lên.”
Bà nói thêm: “Khi đại dịch COVID bắt đầu, khả năng siêu lây nhiễm của virus khiến mọi người đều bị nhiễm bệnh. Một số người có triệu chứng nhẹ, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo và khiến mọi dịch vụ y tế bị quá tải. Các quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang không mang lại sự bảo hộ hoàn hảo, nhưng có thể ngăn ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng vào năm 2020 và giúp kéo dài thời gian cho đến khi vaccine tối ưu được phát triển.”
“Tuy nhiên, vai trò của việc chích ngừa và tái nhiễm trùng hoang dã có nghĩa là, đến đầu năm 2022, mức độ nghiêm trọng trung bình của bệnh là rất nhẹ. Trên thực tế, nhẹ đến mức nhiều người có thể lây truyền virus mà không biết rằng họ từng mắc bệnh, và điều đó bao gồm cả trong các hộ gia đình; rất ít người đeo khẩu trang khi ở nhà. Mọi người mất cảnh giác với những người mà họ tiếp xúc nhiều nhất, nếu ít nhất họ không có vẻ gì là ốm yếu,” bà nói.
Như đã thấy với những căn bệnh mới nổi, bà Brainard cho biết sự phát triển dịch bệnh tự nhiên cũng có thể giải thích những phát hiện của họ vì các biến thể sau này lây nhiễm sang người có sự khác biệt với biến thể trước đó. Ví dụ: các biến thể mới có thể làm cho bệnh dễ lây truyền hơn hoặc dễ mắc hơn nhưng lại khiến bệnh nhẹ hơn theo thời gian. Ngoài ra, virus có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp theo các cách khác nhau.
Bà Brainard cho biết một yếu tố khác có thể là, hệ miễn dịch không hình thành khả năng miễn dịch vĩnh viễn chống lại loại virus như SARS-CoV-2. Do đó, mọi người có thể gặp phải các trường hợp nhiễm COVID-19 tái phát, thường ở mức nhẹ trong suốt quãng đời còn lại vì virus sẽ lưu hành mãi giữa con người với nhau.
Bà nói: “Với khả năng lây truyền cao, rất phổ biến, có các triệu chứng khá nhẹ, đây là bệnh nhiễm trùng hoàn hảo để lây lan trong các nhóm xã hội nhỏ hoặc hộ gia đình. Có lẽ việc đeo khẩu trang bên ngoài ngôi nhà không còn là giải pháp bảo vệ hữu ích vì sự lây truyền có thể xảy ra trong các vòng kết nối xã hội ‘đáng tin cậy’.”
Khẩu trang giảm thiểu rủi ro một cách khiêm tốn
Bà Brainard nói với The Epoch Times rằng bà và đồng tác giả, Tiến sĩ Paul Hunter, cảm thấy một số người đã “quá tin tưởng” vào khẩu trang. Bài tổng quan hệ thống năm 2020 của họ cho thấy khẩu trang chỉ giảm một cách khiêm tốn khoảng 19% nguy cơ lây truyền của các bệnh giống cúm nếu cả hai bên—người bệnh và người dễ mắc bệnh—cùng đeo khẩu trang.
Bà cho biết, Tiến sĩ Hunter đã nhiều lần tham khảo các tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 2002, thấy rằng các giải pháp can thiệp không phải thuốc chỉ làm kéo dài dịch bệnh và các giải pháp dược lý thực sự rút ngắn thời gian dịch bệnh cũng như giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
“Cá nhân tôi cảm thấy hoang mang khi gặp bất kỳ người nào nhiệt tình quảng cáo khẩu trang—niềm tin sâu sắc mà họ đặt vào việc đeo khẩu trang. Và sự tức giận của mọi người về việc có đeo khẩu trang hay không,” bà Brainard nói với The Epoch Times.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times