Ô nhiễm không khí liên quan đến sa sút trí tuệ, cháy rừng là yếu tố nguy cơ cao đứng hàng thứ hai
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tập san JAMA Internal Medicine, việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi. Các hạt thải ra từ cháy rừng có liên quan nguy cơ cao đứng thứ hai và đáng ngạc nhiên là ô nhiễm từ giao thông và đốt than không phải là thủ phạm xấu nhất.
Nghiên cứu này tập trung vào ô nhiễm không khí ở Hoa Kỳ, kết quả cho thấy những người trên 50 tuổi tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao dưới dạng bụi, bẩn và bồ hóng (còn gọi là vật chất dạng hạt) được tạo ra từ nhiều nguồn bao gồm nông nghiệp, đốt than và cháy rừng có tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 8% so với người lớn không tiếp xúc với các chất ô nhiễm này.
Liên quan với chứng sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là một chứng rối loạn não không hồi phục, trong đó các tế bào thần kinh bị phá hủy theo thời gian. Kết quả là chức năng nhận thức ngày càng suy giảm, có thể dẫn đến một loạt tác dụng phụ không kiểm soát được về hành vi như thay đổi tâm trạng, thiếu kiểm soát cảm xúc và giảm động lực. Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng trên toàn cầu có 55 triệu người bị sa sút trí tuệ. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ bảy trên toàn thế giới.
Để kiểm tra mối liên hệ giữa chứng sa sút trí tuệ và ô nhiễm, các nhà nghiên cứu đã xem xét 27,857 đàn ông và phụ nữ trung bình 61 tuổi, sống ở những khu vực ô nhiễm nặng trên khắp Hoa Kỳ. Dữ liệu người tham gia được lấy từ cơ sở dữ liệu của nghiên cứu trước đó và từ dữ liệu khảo sát thu thập từ ngày 01/01/1998 đến ngày 31/12/2016. Vào thời điểm ban đầu, không ai trong số những người trưởng thành bị chứng sa sút trí tuệ.
Tổng cộng có 4,105 người trưởng thành được chẩn đoán bị chứng sa sút trí tuệ trong thời gian theo dõi trung bình là 10 năm, chiếm khoảng 15% mẫu đại diện trên toàn quốc.
Tác giả nghiên cứu Sara Adar, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học University of Michigan, cho biết trong một email gửi tới The Epoch Times, “Chúng tôi đã xem xét các hạt từ mỗi nguồn ảnh hưởng đến sa sút trí tuệ như thế nào, sau khi đã tính đến những đặc điểm khác của con người hay địa điểm gây nguy hại sức khỏe.”
Khí thải nông nghiệp và cháy rừng có rủi ro cao nhất sau khi điều chỉnh
Sau khi điều chỉnh giới tính, chủng tộc, thu nhập hộ gia đình, tình trạng kinh tế xã hội của vùng lân cận và các đặc điểm khác, kết quả cho thấy tổng lượng khí thải đã làm tăng tỷ lệ sa sút trí tuệ lên 8%. Những phát hiện khác như sau:
- Khí thải nông nghiệp làm tăng tỷ lệ sa sút trí tuệ lên 17%.
- Khí thải giao thông phi đường bộ làm tăng tỷ lệ sa sút trí tuệ lên 14%.
- Khí thải giao thông đường bộ làm tăng tỷ lệ sa sút trí tuệ lên 11%.
- Than năng lượng và than công nghiệp làm tăng tỷ lệ sa sút trí tuệ lên 5%.
- Cháy rừng làm tăng tỷ lệ sa sút trí tuệ lên 4%.
- Các phát thải liên quan đến năng lượng khác làm tăng tỷ lệ sa sút trí tuệ lên 2%.
- Khí thải công nghiệp khác làm tăng tỷ lệ sa sút trí tuệ lên 1%.
Tuy nhiên, phân tích này “không trả lời được câu hỏi là tác động của từng loại hạt riêng biệt,” và phân tích thứ hai đã được tiến hành.
Bà Adar cho biết, “Sau đó, chúng tôi đã hỏi liệu các hạt từ mỗi nguồn có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ hay không, sau khi tính đến các đặc điểm khác của mỗi người hoặc địa điểm làm tăng nguy cơ, cũng như những hạt từ mọi nguồn khác.”
Khi được điều chỉnh cho cả hai đặc điểm và các hạt khác, tăng tỷ lệ sa sút trí tuệ chỉ liên quan đến nông nghiệp (13%) và cháy rừng (5%). Không có mối liên hệ đáng kể với bất kỳ hạt nào khác.
Khí thải nông nghiệp đáng chú ý bao gồm thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa các chất này với chứng sa sút trí tuệ. Trong khi đó, cháy rừng giải phóng nhiều hợp chất khác nhau có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh.
Những bước nghiên cứu tiếp theo
Các tác giả viết trong bài báo, “Với sự lão hóa nhanh chóng của dân số toàn cầu và sự gia tăng rõ rệt về tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới, việc ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng.”
“Nghiên cứu đoàn hệ của chúng tôi cho thấy việc giảm PM2.5 [vật chất dạng hạt] và có lẽ là can thiệp chính sách nhắm mục tiêu có chọn lọc vào một số nguồn nhất định, có thể là những chiến lược hiệu quả để giảm gánh nặng của chứng sa sút trí tuệ ở cấp độ quần thể, mặc dù cần có thêm nghiên cứu để xác nhận những phát hiện này.”
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times